Home / Chia Sẻ / THÁNG 11, THÁNG CỦA TÌNH HIỆP THÔNG

THÁNG 11, THÁNG CỦA TÌNH HIỆP THÔNG

4_1Tháng 11, tháng của sự hiệp thông và tình liên đới. Ngày 1.11, Giáo hội mời gọi con cái ngước lên trời cao, hướng về Giáo hội vinh thắng. Nơi những người đi qua cuộc sống này trong sự trung thành với Thiên Chúa, những con người bước theo Chúa Giêsu trên con đường của Tám Mối Phúc. Các thánh cũng là những người như chúng ta, cũng mỏng dòn, yếu đuối, các ngài không phải là những bậc siêu phàm, đi mưa về gió, nhưng sự khác biệt chính là, sau những vấp ngã, các ngài đã đứng dậy để tiếp tục đi theo Chúa, sống hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Chính Thiên Chúa ban sức mạnh cho các ngài, giúp các ngài chống trả lại mưu chước của ma quỷ, thắng vượt những tham sân si của cuộc đời.

Ngày 2.11, Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, những người đang trong thanh luyện, những người đang cần chúng ta cầu nguyện, bằng những thánh lễ, những hy sinh bác ái, để nhờ lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa, họ sẽ được đưa về đoàn tụ trên thiên quốc.

Theo đức tin Công giáo, chúng ta không biết số phận của một ai đó, khi người ta ra đi. Ngay cả những người ở cuộc đời xem ra gian ác, sống bê tha trụy lạc, thì chúng ta cũng không thể kết luận họ phải chịu cảnh trầm luân đời đời. Đó là việc của Thiên Chúa, chúng ta đừng đánh giá người khác theo cái nhìn hạn hẹp của mình, đôi khi vì những chủ quan. Bởi vậy, ngay cả ông Giuđa bán Chúa, chúng ta cũng không biết số phận đời đời của ông như thế nào. 

Vì thế, mỗi người chúng ta phải cầu nguyện cho những người đã khuất, điều này vừa diễn tả lòng tin của mình vào Thiên Chúa, vừa thể hiện tình liên đới, tri ân, tình yêu thương với những người đã khuất. Họ cũng là thân nhân bà con họ hàng với chúng ta, là anh em máu mủ ruột thịt.

Tháng 11, qua những thánh lễ tại nghĩa trang, nơi nhà an nghỉ, trong thánh đường, những hương khói nghi ngút, những câu kinh bên phần mộ của người ra đi mang một bầu khí lễ hội thiêng liêng, để nói với chúng ta rằng, chết không phải là dấu chấm hết to lớn, nhưng là đi vào đời sống mới, ở trong một tình trạng mới.

Thật vậy,“Người chết nối linh thiêng vào đời”, việc cầu nguyện cho những người ra đi trước nói lên niềm xác tín người tín hữu vào sự sống lại và cuộc sống đời sau. Họ ra đi nhưng còn đang ở bên cạnh chúng ta, trong Đức Kitô, Đấng là sự sống và sự sống lại cho những ai tin vào Ngài. Những người ra đi dạy chúng ta những sứ điệp về cuộc sống. Họ giúp chúng ta hiểu được điều gì là quan trọng và đâu là sự vững bền trong cuộc đời.

Thật vậy, trên đời chẳng có gì bình đẳng cho bằng cái chết. Tất cả mọi người đều ra đi với hai bàn tay trắng, vua quan cũng như thường dân, người chức tước danh vọng đến khi chết cũng chẳng còn gì.

Người ta nói, sống là có biết bao nhiêu chuyện phải giảiquyết, biết bao phiền muộn, khó khăn, có cả những đụng chạm, nếu muốn không có vấn đề trong cuộc sống, chỉ ra nghĩa trang mới bình an êm ả.

Cho nên, khi cử hành thánh lễ cho người tín hữu qua đời, trong phần giảng lễ, vị linh mục trình bày niềm tin Công Giáo, mầu nhiệm sự chết, ý nghĩa cuộc sống, chia sẻ cùng gia đình sự mất mát to lớn và qua đó nói về niềm hy vọng Kitô giáo. Bài giảng trong thánh lễ an táng không phải là bài ca tụng, kể lể những công đức của người đang nằm xuống. Bởi vì, trước mặt Thiên Chúa, con người chẳng có công trạng gì, nếu không bởi Thiên Chúa, không được Ngài thúc đẩy ban ơn để theo đuổi các nhân đức.

Cũng vậy, khi mừng lễ các thánh hay mừng lễ kính Đức Maria, Giáo hội dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã kêu gọi con người trở nên thánh thiện. Vì Giáo hội không tôn vinh một con người có những tài năng trổi vượt xuất chúng, nhưng qua đời sống của những người đã ưng thuận đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Giáo hội muốn chúng ta noi gương bắt chước các ngài. Qua cuộc đời của nhũng vị thánh, chúng ta thấy được quyền năng của Thiên Chúa. Thật ra, chính Thiên Chúa mới là đối tượng của việc thờ phượng. Các thánh nam nữ, và Đức Maria là những con người dám dấn thân trên con đường yêu thương và lan tỏa tình yêu thương đó đến cho mọi người. Thiên Chúa làm cho các ngài trở nên vĩ đại, kiên cường trong đức tin, bừng cháy ngọn lửa yêu mến, quyết tâm đi theo Chúa đến hết cuộc đời và giờ đây đang hưởng hạnh phúc bất diệt.

Cuộc đời các thánh không ngừng giới thiệu Thiên Chúa là Đấng yêu thương và thành tín. Các ngài   minh chứng những gì mà Đức Giêsu phán dạy là điều có thể thực hiện được, các ngài bền lòng bền chí từ việc đón nhận đau đớn khổ cùng cực để theo Chúa, sẵn sàng chịu gông cùm và bách hại trong nhà tù vì danh Chúa Kitô.

Người viết bài này đã nhiều lần tham dự các thánh lễ an táng, mà trong các bài giảng, vị linh mục không ngớt ca tụng công ơn, biểu dương lòng quảng đại của những người đã khuất. Họ là những mạnh thường quân, ân nhân của giáo xứ, hội đoàn, những người tích cực siêng năng trong công việc nhà thờ, quảng đại hy sinh thời gian và vật chất. Cho nên, vị linh mục tận dụng bài giảng để tri ân, ca tụng người vừa ra đi. Bên cạnh đó, bài giảng cũng là cách linh mục mở cuộc vận động khuyến khích người giáo dân tham gia vào công việc chung. Như thế, người ra đi trở nên gương điển hình tiên tiến cho toàn xứ thi đua.

Dù biết rằng đó cũng là cách các cha sở thúc đẩy tinh thần cộng tác của mọi người, mọi thành phần cho những công việc chung, “thả mồi để bắt những con cá to”, nhất là ở những giáo xứ người ta còn thờ ơ dửng dưng việc nhà xứ, xem như là việc “ăn cơm nhà, vác ngà voi hàng tổng”.

Tôi cũng đã từng nghe những bài giảng lễ an táng mà linh mục “lên lớp” giảng giải về việc phải tham gia những công việc chung của giáo xứ, tích cực góp mặt trong các hội đoàn. Đó những bài giảng đại loại như thế này: “Tôi về giáo xứ được hơn 10 năm nay, chưa bao giờ thấy ông cụ A… ra nhà thờ làm việc chung, đi lễ thì ông cụ cũng đi giáo xứ khác. Có thể nói đây là lần đầu tiên ông cụ đến nhà thờ và cũng là lần cuối cùng. Chúng ta phải…”.

Bài giảng lễ an táng chỉ nên ngắn gọn đầy đủ, lược qua một chút cuộc đời người ra đi trong cảm nghiệm đức tin mà thôi, nhờ đó mà cộng đoàn tham dự thánh lễ được vững vàng trước hoàn cảnh chia ly đau thương.

Cuộc sống này chỉ là cõi tạm, như một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Con chim ở đậu cành tre,

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.

Ta đang ở trọ trần gian, nên đừng bám lấy, giữ khư khư của cải vật chất, đừng trọng phú khinh bần trong cung cách cư xử, ngay cả trong cộng đoàn giáo xứ, khi tang chế cưới hỏi. Lời Chúa luôn chỉ dạy chúng ta trở nên những con người khôn ngoan, tỉnh thức, không ngủ mê trong công danh vật chất, không sống bằng lời khen ngợi tán dương của người đời.

Những người khôn ngoan đặt cuộc đời mình trong bàn tay Thiên Chúa quan phòng. Chúa Giêsu cảnh báo những ai chỉ lo tích trữ kho tàng ở đời tạm này, mà không lo tìm kiếm Thiên Chúa và những giá trị của Tin Mừng: “‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12, 21).

Ở trọ nơi trần gian không có nghĩa là ăn xổi ở thì, ở vài hôm bỏ chạy như kiểu các nhà mướn nhà trọ chúng ta thấy trong các khu xóm công nhân, khu công nghiệp, nhà cửa nhiếc nhác, không lau dọn, vứt bỏ ngổn ngang đồ đạc. Ta ở trọ trần gian là sống có trách nhiệm trong vai trò làm cha, làm mẹ của mình, là không ngừng tìm cách làm chứng cho Chúa giữa đời.

Ở trọ trần gian để một ngày nào đó ta sẽ về với Thiên Chúa, đoàn tụ nơi căn nhà to lớn rộng rãi hơn mà Thiên Chúa như người Cha tốt lành sẽ ban thưởng cho chúng ta.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …