Home / Chia Sẻ / THÁNG 11 LÀ THÁNG ĐÁP HIẾU CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO

THÁNG 11 LÀ THÁNG ĐÁP HIẾU CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO

 

 

I. Giáo huấn của Giáo hội về việc thờ cúng tổ tiên

   Ngày 8/12/1939 Thánh Bộ Truyền giáo đã ban huấn vụ Plane compertum est cho Giáo hội Trung Quốc mà một thời gian sau, được áp dụng cho Giáo hội Việt Nam. Nội dung huấn dụ như sau:

   1. Được lập bàn thờ cúng tổ tiên, nhưng phải đặt dưới bàn thờ Chúa. Và trên bàn thờ ấy không bày biện những gì mê tín như hồn bạch.

   2. Việc đốt hương, nhang, đèn, nến cho bàn thờ tổ tiên và vái lại trước bàn thờ tổ tiên là việc được phép làm.

   3. Ngày giỗ, ngày kỵ được cúng giỗ, theo phong tục địa phương, nhưng nên tránh những gì mê tín dị đoan như đốt vàng mã,… nên giảm thiểu các lễ vật, được dâng hoa đèn và mâm ngũ quả.

   4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm lễ gia tiên, xá lạy trước bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính và trình diện với ông bà.

   5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt nhang vái lạy theo phong tục địa phương, để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như được xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

   6. Được tham dự lễ tôn kính các anh hùng dân tộc để tỏ lòng cung kính biết ơn các Ngài có công với dân tộc.

Tóm lại: Người Công giáo có bàn thờ tổ tiên để thờ cúng cha mẹ ông bà tiên nhân mỗi ngày, mà còn có một tháng 11 để kính nhớ và cầu nguyện cách riêng cho người thân quá cố.

II. Những phương thế cứu giúp các linh hồn người thân quá cố

1. Công đồng Lyon năm 1274 và Công đồng Florence năm 1439 đã dạy rằng: “Để làm giảm bớt các hình phạt các linh hồn phải chịu trong luyện ngục: Lời cầu nguyện, việc làm phúc bố thí, và các việc lành khác mà giáo dân quen làm như Giáo hội dạy, nhất là Thánh lễ Misa, có thể giảm bớt hình khổ cho các linh hồn nơi Luyện ngục” (D 464, 693).

2. Chúng ta nên dâng các việc lành phúc đức: như đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi, ăn chay hãm mình, bố thí, nhường đại xá, nhất là xin lễ, dâng lễ để cầu nguyện cho các linh hồn quá cố.

3. Mầu nhiệm các Thánh Thông công dạy: “Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời, đã lên Thiên đàng hay còn trong Luyện ngục đều được chia sẻ công nghiệp cho nhau”. Muốn cho các việc chúng ta làm sinh ích cho các linh hồn, theo ý kiến của Thánh Tôma Aquinô, cần 3 điều sau đây:

  a) Phải có ý nhường các công phúc mình làm cho các linh hồn nào đó, hoặc cho các các đẳng mồ côi. Nếu không nhường, thì các công phúc mình làm thuộc về người làm.

  b) Phải làm việc có tính cách đền tội.

  c) Phải làm khi có ơn nghĩa với Chúa, tức là sạch tội trọng. Khác với Thánh lễ Misa, dù người dự lễ hay người xin lễ mà không có ơn nghĩa Chúa, Thánh lễ vẫn phát sinh công hiệu cho các linh hồn.

Kết: Truyện kể rằng một người cha đang khi hấp hối, đã căn dặn các con, sau khi cha qua đời, các con hãy nhớ cầu nguyện cho cha. Các con hiếu thảo đã làm ngay. Nhưng sau 33 năm, người cha hiện ra nói với các con. Các việc làm phúc đức không sinh ích gì cho cha vì các con làm khi các con còn mắc tội trọng! Sau đó các con thực lòng ăn năn chừa tội và đã cứu giúp được cha mình.

Lm. JB. Võ Văn Ánh

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …