Lĩnh vực nào cũng có loại “thần tượng” riêng. Thần tượng là người được ái mộ quá mức. Người ái mộ là người hâm mộ, còn gọi bằng cái tên “lai căng” là fan (người hâm mộ, yêu thích cuồng nhiệt). Họ là những người yêu thích và nhiệt tình ủng hộ một cái gì đó hoặc một người nào đó. Thông thường, người hâm mộ là người dành tình cảm cuồng nhiệt cho các vận động viên thể thao, đặc biệt là môn túc cầu (bóng đá) – đặc biệt là môn túc cầu (bóng đá), và World Cup 2014 lại đang diễn ra sôi nổi tại Brazil, hoặc giới ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ,… những người này trở thành “thần tượng” của một số người nào đó – đa số là giới trẻ. Người hâm mộ có thể thuộc nhiều lứa tuổi và có các biểu hiện khác nhau: Gọi tên, xin chữ ký, treo hình ảnh, bắt chước kiểu tóc, cách trang điểm hoặc cách ăn mặc,…
Trên thế giới, việc tôn thờ thần tượng quá mức rất đa dạng, nhưng có điểm chung là si mê cuồng nhiệt – một dạng hội chứng tâm lý. Các tâm lý gia cho rằng xã hội có các loại hình truyền thông phát triển, sự gần gũi với gia đình và cộng đồng bị giảm sút, các “thần tượng” dần dần thay thế vị trí của người thân, hàng xóm và bạn bè. Một số chuyên gia phương Tây lo ngại việc trẻ em đang tôn thờ thần tượng theo hướng tiêu cực hơn là noi gương theo những điều tốt, có ý kiến cho rằng tôn thờ thần tượng không phải là một hiện tượng mới. Cái mới ở đây là mức độ cảm xúc sâu hơn và đẩy những đứa trẻ vào hội chứng này ở độ tuổi ngày một nhỏ hơn.
Người hâm mộ những ca sĩ chủ yếu là giới trẻ, xét về mặt giới tính đa số người đam mê thần tượng là nữ, thần tượng được si mê đều là nam (như Big Bang, Super Junoir, Bi Rain,…). Cuộc khảo sát tại Trung Quốc năm 2011 cho thấy trong số 10 thần tượng của thanh thiếu niên Trung Quốc chỉ có một người là nữ, vì nữ có ít các hoạt động giải trí khác hơn nam, và trong độ tuổi thanh thiếu niên thì nữ cũng thường bắt đầu có những cảm xúc về tình yêu sớm hơn và nhiều hơn nam, nhưng nam lại duy lý hơn nên có vẻ như ít cuồng si thần tượng hơn.
Tại Hàn quốc, các fan cuồng được gọi là “sasaeng fan”, một con số rất nhiều người trẻ. Sasaeng fan cũng cạnh tranh ngầm với nhau. Họ thường xuyên vào blog của nhau để kiểm tra xem sasaeng fan nào có nhiều “ảnh độc” hoặc có góc chụp ảnh thần tượng hay hơn. Sasaeng fan thường ngủ qua đêm tại vỉa hè hoặc phòng vi tính. Thậm chí một số còn trở thành người vô gia cư khi bỏ học, bỏ nhà, lang thang theo bước chân thần tượng.
Tại Trung Quốc, có trường hợp cô gái Dương Lệ Quyên mê diễn viên Lưu Đức Hoa đến điên cuồng. Cô gái này đã hâm mộ thần tượng Lưu Đức Hoa suốt 13 năm, chỉ mong ước gặp được thần tượng. Gia đình cô đã bán hết nhà cửa, thậm chí vay tiền, để lo cho con đi Hong Kong gặp thần tượng, cha cô còn định bán thận để có tiền cho con!
Tại Hoa Kỳ, ca sĩ Rihanna bị bạn trai đánh, bạn trai là ca sĩ Chris Brown (nhạc R&B). Tuy nhiên, các fan trung thành với Chris Brown lại ủng hộ thần tượng của mình, đã có những phụ nữ nêu ý kiến bảo vệ hành động của Chris Brown, nói rằng họ sẽ cho anh ta đánh mình bất cứ lúc nào. Một số fan thậm chí còn bày tỏ khát khao được chàng ca sĩ này đánh. Đúng là lũ điên!
Tại Việt Nam cũng có các fan hâm mộ cuồng nhiệt đối với các diễn viên, ca sĩ quốc ngoại hoặc quốc nội. Để bám theo thần tượng, nhiều bạn trẻ đã không ngại bỏ học, bỏ thời gian, bỏ công sức, thậm chí chấp nhận “bán hoa”, để có tiền rồi tận tâm tận lực đi theo thần tượng, họ không cần nhận được gì. Thậm chí còn có trường hợp ái mộ đến mức đưa thần tượng lên bàn thờ, có cả nhang đèn thắp thường xuyên.
Nhiều bạn trẻ tìm mọi cách vòi vĩnh cha mẹ, thậm chí đòi chết, để có vé hoặc được ra phi trường chầu chực để được một lần trông thấy thần tượng. Nhiều bạn bỏ học, bỏ thời gian, nhịn đói chỉ để chờ đợi thấy thần tượng rồi bật khóc, ngất xỉu, gây rối loạn trật tự. Họ không ngại bỏ tiền thuê xe chạy theo xe thần tượng đến tận khách sạn rồi chầu chực bên ngoài chỉ để hy vọng một lúc nào đó thần tượng đi ngang qua để… nhìn thấy một lần. Nhiều fan thức đến nửa đêm chầu chực ngoài sân bay mong nhìn được thần tượng, khi họ không thấy được thần tượng thì khóc lóc sụt sùi. Họ có thể nhịn ăn nhịn mặc để mua những chiếc vé “chợ đen” giá vài triệu đồng để được đi xem thần tượng, bất chấp trời nắng hay mưa, sẵn sàng đứng chờ cả nửa ngày trời để hy vọng gặp được thần tượng. Các fan Việt Nam bất cần mọi thứ, thậm chí khóc lóc vô cớ, nhất là những cô gái rất trẻ cố bám theo xe thần tượng, chạm tay vào kính xe rồi khóc lóc vật vã.
Đặc biệt hơn, một số fan cuồng ở Hà Nội xúm nhau ngửi và hôn lên chiếc ghế thần tượng đã ngồi, họ coi đó là việc làm “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Thậm chí một số fan cuồng còn sẵn sàng chấp nhận “cuộc tình một đêm” để có được tấm vé vào xem thần tượng biểu diễn. Tồi tệ thật!
Một số ý kiến cho rằng, việc gào thét, khóc lóc khi thấy thần tượng không phải là hành vi vốn có của thanh thiếu niên Việt Nam mà là sự bắt chước, theo đuôi giới thanh thiếu niên Nhật Bản, Hàn Quốc và do hiệu ứng của các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là Internet làm nên nền văn hóa cuồng si thần tượng trong giới thanh thiếu niên hiện nay ở Việt Nam.
Yêu mến một ca sĩ, diễn viên,… nào đó không phải là xấu, nhưng nếu quá đà, không biết kiềm chế thì xấu. Nếu gia đình và xã hội không thực sự nghiêm túc trong vấn đề định hướng suy nghĩ của giới trẻ về vấn đề thần tượng thì nguy hiểm. Đó là “cơn mê tập thể” thực sự độc hại!
Cáu cầu thủ túc cầu cũng là một lĩnh vực được người ta cuồng nhiệt, đặc biệt là World Cup đang diễn ra tại Brazil. Tại thị trấn Rotte River, nơi sinh của cầu thủ Robin van Persie, người ta sẽ tạc một bức tượng mô tả hình ảnh anh đánh đầu vào lưới Tây Ban Nha. Người dân ở thị trấn này rất tự hào về “chân sút” của cầu thủ 30 tuổi này. Persie đã đánh đầu kỹ thuật và làm tung lưới Tây Ban Nha. Một pha bóng điển hình cho hình tượng “Người Hà Lan Bay”.
Trận gặp Tây Ban Nha, Persie lập một cú đúp, trong đó có “siêu phẩm bằng đầu”, giúp “cơn lốc màu da cam” lội ngược dòng hủy diệt nhà đương kim vô địch thế giới với tỷ số 5-1. Với cú đúp này, Persie không chỉ có “khởi đầu như mơ” tại Brazil 2014 mà còn đi vào lịch sử bóng đá Hà Lan với tư cách là cầu thủ ghi bàn ở ba kỳ World Cup liên tiếp.
Còn bạn, thần tượng của bạn là ai? Có thể nói rằng tôi chưa hề thần tượng bất kỳ ai. Theo tôi, khi chúng ta thần tượng người khác là chúng ta tự đánh mất chính mình, là thiếu bản lĩnh, là mù quáng, là ngu xuẩn, là “tự sát”. Cái gì hay thì nên theo, người nào giỏi thì nên học hỏi, đó là điều cần thiết và hợp lý, nhưng đừng bao giờ thần tượng bất kỳ một thứ gì hoặc người nào.
Lý do cũng đơn giản. Thần tượng không là thần thánh, chỉ là con người với nhiều lỗi lầm, thậm chí là xì-căng-đan (scandal) tày trời, chẳng ai biết ngày mai ra sao, và thực tế đã cho thấy rõ. Bạn thần tượng ai đó mà thần tượng sụp đổ thì bạn cảm thấy thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng. Vậy có dại dột không, có ngu xuẩn không?
Theo Journer de Net, một ngôi sao có thể sáng mãi trong lòng giới trẻ bắt buộc phải là người chân thành, thông minh và độ lượng. Tài năng và sắc đẹp được xếp vào hàng thứ yếu. Vì vậy giới trẻ có thể mở rộng lĩnh vực chọn thần tượng. Đó có thể là một doanh nhân trẻ thành đạt, một cây bút bình luận những vấn đề xã hội hay một chính trị gia sắc sảo. Rất cần có cách định hướng từ gia đình và xã hội. Tôn vinh nhưng không mù quáng.
Một trong Mười Điều Răn (Xh 20: 1-17; Đnl 5:1-33), Thiên Chúa đã truyền lệnh: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”. Quả thật, chỉ có Thiên Chúa độc nhất là người chúng ta phải tôn thờ, vì Ngài tạo dựng nên chúng ta và bao cho chúng ta mọi thứ. Trong đó, Thiên Chúa còn nói rõ chi tiết: “Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng” (Đnl 5:11).
Chúa Giêsu mới thực sự là Thần Tượng của chúng ta. Ngài làm được mọi thứ, nhưng người ta không nhận Ngài là Thần Tượng, mà người ta lại giết Ngài chết thể thảm! Quả thật, chỉ có Thiên Chúa mới là Thần Tượng của chúng ta. Đó phải là tâm niệm của chúng ta.
Thánh Phaolô nói: “Mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất, quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều, nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1 Cr 8:5-6).
Thần tượng cái gì hoặc người nào cũng là một dạng thờ ngẫu tượng, trái ngược với Công giáo. Hãy cẩn trọng!
Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng. Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ (Tv 119:33-34).
TRẦM THIÊN THU