Home / Chia Sẻ / THÂN PHẬN NGƯỜI

THÂN PHẬN NGƯỜI

ThanPhanNguoiBước vào Mùa Chay, nghe ca khúc “Thân phận người” của nhạc sĩ Tuấn Kim như một tâm sự để suy niệm.  Giai điệu và lời ca thiết tha ngân nga những thao thức, nhắc nhở mỗi người về thân phận của mình, về cõi nhân sinh: “Phù du là phận người, trăm năm như chớp mắt thôi.  Công danh như nước trôi qua cầu, đời con trôi về đâu?”

Phù du là phận người.  Mọi sự chỉ là phù vân. Sách Giảng Viên viết rằng: “Tất cả chỉ là phù vân.”  Phù là trôi nổi, huyền ảo.  Vân là mây.  Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai.  Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.

Phù du, phù vân diễn tả thân phận bụi tro: “Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về tro bụi.”  Con người, dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù quyền thế hay dân thường, dù tài giỏi hay bình thường… thì một mai cũng lìa khỏi  thế gian này trở về cát bụi.  Đó là định luật muôn thuở!

Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu.  Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, ai cũng nhận mình là thân phận bụi đất.  Nghi thức xức tro thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của đời người.

Lần lượt mỗi người, từ cụ ông cụ bà đến trẻ nhỏ bước lên để thừa tác viên rắc tro trên đầu.  Nghi thức và cử chỉ ấy giúp con người ý thức thân phận mong manh và giới hạn của mình. “Hãy nhớ ngươi được tạo dựng từ bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro.”  Đó là lời Thiên Chúa đã phán với Ađam Evà.  Đó là lời Chúa nói với từng người khi lên xức tro.

Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì?

Để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình.  Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc.

Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế.  Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!

Vì thế, cử chỉ xức tro còn hàm chứa một lời mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; hãy nhìn nhận những tội lỗi thiếu sót, những bất tất trong cuộc đời của mình, và hãy cố gắng để sửa đổi những gì còn thiếu sót đó để sống hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn.

Đó là lời mời gọi mà Chúa gởi đến từng người qua nghi thức xức tro rất đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa và thật xúc động.

Thứ Tư Lễ Tro mở cửa vào Mùa Chay Thánh 40 ngày.  Đây là thời gian giúp chúng ta ý thức về sự mong manh giới hạn của đời người, sống lời mời gọi sám hối và trở về với Tin mừng.  40 ngày Chay Thánh nhằm chuẩn bị cho chúng ta sống mầu nhiệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, đón nhận cái chết, và mừng ngày Phục sinh của Người.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở về thân phận mỏng dòn của con người, đồng thời mời gọi chúng ta hoán cải nội tâm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Tiên tri Gioel đã kêu gọi :“Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.  Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2,13).  “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo… Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta!”  Đó là ý nghĩa cơ bản và sâu xa nhất của sự hoán cải.  Cần phải thay đổi cái nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn sao cho phù hợp với giao ước tình yêu của Thiên Chúa.  Sự biến cải nội tâm ấy được biểu lộ bằng những hành động cụ thể, như từ bỏ thói quen xấu, kìm hãm con người xác thịt, thực hành chay tịnh, tất cả là để tái tập thế quân bình giữa hồn và xác.

Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay Thánh, mỗi người cố gắng thực hành những việc đạo đức như Giáo Hội mời gọi.

–     Hòa giải với Chúa và với nhau.

Do tội lỗi, con người bị cắt đứt khỏi nguồn mạch sự sống, và bị dìm vào tình trạng bi thảm của sự chết.  Thiên Chúa mời gọi con người trở về với Ngài, giao hòa trong tình con thảo và sống trong niềm vui ân sủng.

Sự giao hoà phải là một lời cầu nguyên khiêm tốn : “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con đã xúc phạm đến Chúa.”  Đó là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa, diễn tả tâm tình khiêm tốn tin cậy nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Theo gương Thánh Giuse sống thinh lặng nội tâm và đón nhận Bí Tích Hòa Giải. Cần rút lui vào thinh lặng của tâm hồn, hãy sống kín đáo với Chúa trong tâm hồn mình.  Đó là mục đích của những cuộc tĩnh tâm Mùa Chay.  Có một người lâu năm không xưng tội, bỗng một ngày kia anh cho vợ con đi về nhà ngoại chơi một tuần; một mình anh ở nhà, xét mình để chuẩn bị xưng tội.  Anh đến tòa giải tội với một cuốn tập viết đầy từ đầu chí cuối.  Chỉ trong thinh lặng, người ta mới thấy mình được rõ hơn.

Hòa giải với tha nhân.  Đó là điều Chúa Giêsu đã xác quyết : “Nếu người dâng của lễ nơi bàn thờ và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ngươi trước đã rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của người.”  Bởi vậy, xin ơn giải hòa với Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy tìm mọi cách xóa đi những xích mích, bất hòa hờn giận với người khác.

–     Hy sinh hãm mình.

Truyền thống Giáo Hội từ xa xưa giữ chay 40 ngày, nhưng vì hoàn cảnh và sự yếu đuối của con người, Giáo Hội đã giảm bớt tối đa chỉ buộc giữ chay hai ngày: thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh.  Dù vậy, tinh thần hãm dẹp xác thịt lúc nào cũng không thể bỏ qua được.  Do đó “mỗi người hãy cố giữ đời sống hoàn toàn trong sạch, lợi dụng những ngày thánh này để gột rửa những sơ suất trong các mùa khác, bằng cách chế ngự các thói hư, gia tăng cầu nguyện, siêng năng đọc sách, thành tâm thống hối, để tâm hồn được vui mừng mong đợi Lễ Phục Sinh“. (Tu luật Biển Đức).

Mùa Chay là một thời gian thuận tiện để rèn luyện tâm hồn.  Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta chương trình ba điểm để rèn luyện trong Mùa Chay.  Đó là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Ăn chay là một phương thế hữu hiệu để rèn luyện tâm hồn.  Cầu nguyện càng sâu xa chúng ta càng thân thiết với Chúa, ai siêng năng cầu nguyện sẽ được sức mạnh cần thiết để chiến thắng các cơn cám dỗ.  Làm việc bác ái, tình yêu Chúa thực sự sẽ được thể hiện trong tình yêu mến anh em đồng loại.

Mùa Chay là những ngày thánh: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.”  Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng ban ơn cứu độ với điều kiện con người phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con trong Mùa Chay Thánh này, biết ý thức thân phận của mình, thực thi việc phải làm là được hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình và với anh em.

Xin Thánh Giuse hướng dẫn chúng con trong cuộc hành trình này, để chúng con có thể hoán cải bản thân và nghiệm thấy ân sủng của Thiên Chúa luôn tuôn đổ trên mỗi người chúng con, giúp chúng con được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.  Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN