Home / Chia Sẻ / THA THỨ và SUY NIỆM KHI CẦU NGUYỆN

THA THỨ và SUY NIỆM KHI CẦU NGUYỆN

THA THỨ & SUY NIỆM KHI CẦU NGUYỆNMột trở ngại đối với việc bắt đầu cầu nguyện và sống nội tâm là cuộc đấu tranh để tha thứ. Bất cứ khi nào ai đó làm tổn thương chúng ta một cách nghiêm trọng thì vết thương tinh thần vẫn còn. Khi bắt đầu cầu nguyện, chúng ta thường thấy mình cứ gặp lại các vết thương này. Điều khó chịu nhất là nhiều khi chúng ta tưởng mình đã tha thứ cho người đã làm tổn thương mình. Nhưng khi ký ức ùa về, đôi khi chúng ta lại cảm thấy tức giận và đau đớn.

Chúng ta phải làm gì với những vết thương đó để chúng không cản trở khả năng cầu nguyện của chúng ta? Giáo lý Công giáo giải thích: “Chúng ta không thể không cảm thấy hoặc quên một hành vi phạm tội, nhưng trái tim tận hiến cho Chúa Thánh Thần biến thương tích thành lòng trắc ẩn và thanh tẩy ký ức trong việc biến thương tổn thành sự nguyện giúp cầu thay.” (GLCG số 2843)

Cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương chúng ta thật khó. Theo thuật ngữ Kinh Thánh, những người làm tổn thương chúng ta là kẻ thù của chúng ta, và điều này đúng ngay cả khi họ là bạn bè và thành viên gia đình. Chúa Giêsu Kitô truyền lệnh cho chúng ta phải yêu kẻ thù và làm điều tốt cho những người làm hại chúng ta. Phản bội, bỏ rơi, thờ ơ, bê bối, lạm dụng, khinh bỉ, mỉa mai, chế giễu, gièm pha và xúc phạm – đó đều là những điều cay đắng khó tha thứ. Chúa đau buồn với chúng ta và vì chúng ta khi chúng ta phải chịu những điều này. Ngài để cho chúng ta chịu đựng họ vì một lý do sâu xa.

Chúa giải thích cho các môn đệ của Ngài rằng những ai đói khát vì công lý, những ai giàu lòng thương xót, và nhất là những ai bị bắt bớ vì sự công bình và vì Chúa là những người có phúc. Mối phúc bí ẩn của họ chỉ có ý nghĩa khi chúng ta nhìn bằng con mắt đức tin đối với sự bất công và sự bách hại mà họ phải chịu. Bằng cách nào đó, việc tin cậy vào Thiên Chúa ở giữa những điều đó làm cho họ nên giống Đức Kitô. Tin cậy Chúa có nghĩa là cầu nguyện cho những người làm hại mình, tìm cách lấy ơn trả oán. Khi hành động tin tưởng này được thực hiện, quyền năng Thiên Chúa được thể hiện trong nhân loại. Trong hai ngàn năm qua, đây là điều mà mọi vị tử đạo vì đức tin của chúng ta đã bày tỏ cho Giáo Hội.

TẠI SAO CHÚA CHO PHÉP BÁCH HẠI NHỮNG NGƯỜI MÀ NGÀI YÊU THƯƠNG

Trong sự khôn ngoan thần bí và tình yêu sâu sắc của Ngài, khi Chúa Cha cho phép ai đó làm tổn thương hoặc chống lại chúng ta theo cách nào đó, Ngài đang giao phó người đó cho lời cầu nguyện của chúng ta. Khi kẻ thù khiến chúng ta phải chịu đau đớn một cách bất công, đức tin cho chúng ta biết rằng điều này được phép xảy ra để chúng ta có thể tham dự vào mầu nhiệm Thập Giá. Bằng cách nào đó, giống như những người đã hiến dâng mạng sống vì đức tin, mầu nhiệm cứu chuộc đang được đổi mới qua những đau khổ của chính chúng ta.

Chúng ta có thẩm quyền đặc biệt đối với linh hồn của người đã gây ra nỗi buồn lớn cho chúng ta. Hành động của họ đã ràng buộc họ với chúng ta trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhân từ là tình yêu chịu đựng sự xấu xa của người khác để khẳng định phẩm giá của mình mà không phải chịu đựng một mình.

Bất cứ khi nào ai đó làm tổn thương chúng ta về thể lý hoặc tình cảm, người đó đã tự hạ thấp họ nhiều hơn. Họ càng cần được thương xót hơn.

Từ góc độ này, thương tích mà kẻ thù đã gây ra cho chúng ta có thể là một cửa ngõ để chúng ta đón nhận những đau khổ thậm chí còn lớn hơn mà trái tim của họ đang phải gánh chịu. Vì mối quan hệ này, những lời cầu nguyện của chúng ta thay cho họ có một sức mạnh đặc biệt. Chúa Cha nghe những lời cầu nguyện này bởi vì lời cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Thập Giá. Nhưng làm thế nào để chúng ta bắt đầu cầu nguyện cho kẻ thù trong khi ý nghĩ về họ và những gì họ đã làm khiến trái tim chúng ta cay đắng và phẫn uất?

Ở đây chúng ta phải hỏi ý nghĩa của việc ăn năn vì thiếu lòng thương xót của chúng ta. Bước đầu tiên khó nhất. Dù họ còn sống hay đã chết, chúng ta cần phải tha thứ cho những người đã làm tổn thương chúng ta. Đây là điều khó nhất vì sự tha thứ bao gồm nhiều thứ hơn là đồng ý về trí tuệ đối với sự thật là chúng ta phải tha thứ.

Chúng ta biết rằng chúng ta nhận được một số niềm vui từ những mối bất hòa của mình. Đôi khi niềm vui vô lý mà chúng ta có thể có trong những điều này khiến chúng ta phân tâm đối với những gì chính Thiên Chúa muốn chúng ta làm. Điều gì xảy ra khi tất cả niềm vui đó không còn, khi tất cả những gì chúng ta còn lại là Thập Giá? Thánh Gioan Thánh Giá coi sự nghèo khó của chúng ta giữa cơn hoạn nạn lớn là sự kết hợp tuyệt vời nhất với Chúa Kitô bị đóng đinh trên Thập Giá có thể có trong cuộc đời này: “Khi họ không còn là gì, mức độ khiêm nhường cao nhất, sự kết hợp thiêng liêng giữa linh hồn họ và Thiên Chúa sẽ được một thực tế được hoàn tất. Sự kết hợp này là trạng thái cao quý nhất và cao cả nhất có thể đạt được tên đời này.” Khi đối mặt với những mối bất hòa, chúng ta phải nhận ra sự liên đới này với Đức Kitô và cố gắng hết sức mà noi gương Ngài.

Sống theo Thập Giá nghĩa là chọn đi lựa lại bất cứ khi nào những ký ức tức giận và phẫn uất xuất hiện, chứ không phải để giữ món nợ chống lại người đã làm tổn thương chúng ta. Điều đó có nghĩa là từ bỏ những lời thề trả thù mà chúng ta đã tự ràng buộc mình. Điều đó có nghĩa là tránh tự thương hại mình hoặc nghĩ xấu về những người đã phạm tội chống lại chúng ta. Điều đó có nghĩa là cầu xin Chúa cho chúng ta nhận biết sự thật về hoàn cảnh của kẻ thù.

CÔNG VIỆC CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Ở đây, nỗ lực của con người không thể đáp ứng nhu cầu lựa chọn cách chữa bệnh như vậy. Chỉ có lòng thương xót của Chúa mới có thể làm tan biến lòng chai sạn của chúng ta đối với những người đã làm hại chúng ta. Chúng ta phải dâng những mối bất hòa của mình lên Chúa Thánh Thần, Đấng biến “thương tích thành lòng trắc ẩn” và biến “tổn thương thành sự nguyện giúp cầu thay.” (GLCG số 2849)

Thập Giá đã làm Chúa Giêsu khiếp sợ. Ngài toát mồ hôi máu khi đối mặt với nó. Chúng ta tin rằng chính vì tình yêu sâu sắc nhất dành cho chúng ta và Cha của Ngài mà Ngài đã chấp nhận nỗi đau khổ. Vì tình yêu này, Ngài không có nó có cách nào khác. Vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình, Ngài chấp nhận cái chết vì lợi ích của chúng ta, và khi chấp nhận cái chết, Ngài thánh hoá nó để nó có thể trở thành con đường dẫn đến sự sống mới.

Chính vì Chúa Giêsu đã biến cái chết thành con đường sự sống, nên các Kitô hữu cũng được mời gọi vác thập giá của mình mà theo Ngài. Họ phải dâng lên Thiên Chúa sự oán hận và để cho sự cay đắng của mình chết đi. Dâng món quà đau khổ của chúng ta cho Thiên Chúa là điều rất đẹp lòng Ngài. Đó là một phần khốn khổ của chúng ta, sự khốn khổ của chúng ta là điều duy nhất chúng ta thực sự phải dâng lên Thiên Chúa mà Ngài muốn.

Nỗ lực này là tâm linh, là việc của Chúa Thánh Thần. Để tha thứ, chúng ta phải cầu nguyện, và đôi khi chúng ta phải dành nhiều giờ, nhiều ngày, và thậm chí nhiều năm để cầu nguyện cho mục đích này. Đó là một phần khó khăn trong quá trình biến đổi suốt đời. Tuy nhiên, chúng ta không thể ở sâu trong trái tim mình, không thể sống với chính mình, nếu chúng ta không tìm thấy lòng thương xót đối với những người đã xúc phạm chúng ta. Sống với chính mình, sống trong chính mình, không thể không có lòng thương xót.

Có những lúc trong lời cầu nguyện như thế, khi chúng ta chợt nhận ra mình không những phải tha thứ mà còn phải cầu xin sự tha thứ. Sự biến đổi xảy ra khi sự chú ý của chúng ta chuyển từ điều ác đã gây ra cho chúng ta sang hoàn cảnh của người đã gây ra nó. Mỗi lần chúng ta dâng lên Chúa nỗi oán hận, mỗi lần chúng ta từ bỏ ý nghĩ báo thù, mỗi lần chúng ta dâng lên Chúa nỗi đau sâu thẳm trong lòng, mặc dù chúng ta không cảm thấy hay không hiểu được điều đó, chúng ta đã dành chỗ cho hoạt động nhẹ nhàng của Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần không lấy đi những vết thương. Chúng vẫn giống như những vết thương trên tay và cạnh của Chúa Kitô. Những vết thương của Đức Kitô là đường dẫn vào trái tim của mỗi người. Đây là do sự thù địch của mỗi chúng ta đối với Ngài nên đã gây ra các vết thương đó. Tương tự, khi ai đó làm chúng ta tổn thương, vết thương có thể trở thành đường dẫn vào trái tim người đó. Các vết thương ràng buộc chúng ta với những người đã làm tổn thương chúng ta, đặc biệt là những người đã trở thành kẻ thù của chúng ta, bởi vì bất cứ khi nào ai đó làm tổn thương chúng ta, người ấy cho phép chúng ta chia sẻ nỗi khổ của họ, để biết sự thiếu thốn tình yêu mà họ phải chịu. Với Chúa Thánh Thần, sự hiểu biết này là một món quà quý giá.

Khi Chúa Thánh Thần cho chúng ta thấy sự thật này, chúng ta có quyền lựa chọn. Chúng ta có thể chọn chịu đựng sự khốn khổ này với kẻ đã làm tổn thương chúng ta trong lời cầu nguyện để Thiên Chúa có thể khôi phục phẩm giá của người đó. Khi chúng ta chọn điều này, vết thương của chúng ta, giống như vết thương của Đức Kitô, sẽ không còn nhân tính miễn là chúng ta không trượt lùi. Thay vào đó, Chúa Thánh Thần biến những vết thương như thế thành chỗ dựa của ân sủng. Những ai đã trải qua điều này sẽ cho bạn biết rằng, với ân sủng của Đức Kitô, không có chỗ cho sự cay đắng. Chỉ có lòng từ bi vĩ đại và sự cầu nguyện khiêm tốn.

THÁNH THOMAS AQUINO NÓI VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ TẶNG PHẨM CỐ VẤN

Chúng ta đi sâu hơn vào cuộc thảo luận của Thánh Thomas Aquino về lòng thương xót, ngài giải thích rằng ơn cố vấn của Chúa Thánh Thần là sự thúc đẩy đặc biệt trong trái tim khiến mọi hành động của lòng thương xót trở nên hoàn hảo. Thánh Thomas giải thích rằng ơn cố vấn cho phép chúng ta biết và hiểu được nỗi khổ trong lòng người khác. Khi chúng ta biết và hiểu được nỗi khổ của họ, chúng ta có thể tự ràng buộc mình với họ trong lời cầu nguyện để những người đã làm tổn thương chúng ta có thể cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa trong nỗi khổ của họ, để họ có thể tìm thấy lý do để hy vọng, thấy con đường thoát khỏi địa ngục mà họ bị giam hãm trong đó.

Chính nhờ tặng phẩm tương tự này mà Đức Kitô biết được sự thù địch của chúng ta đối với Thiên Chúa và để cho chính Ngài bị thương cho đến chết. Ngài muốn mang sức mạnh khử nhân tính này trong bản chất của chúng ta để nó có thể chết cùng với Ngài. Bằng cách này, khi Ngài sống lại, Ngài có thể giải thoát khỏi sự phù phiếm tất cả những gì tốt đẹp, cao quý và chân thật về mỗi chúng ta.

Cũng vậy đối với chúng ta, món quà tương tự này cho phép chúng ta mở rộng công cuộc cứu độ của Đức Kitô vào lòng người khác. Cách riêng, ơn cố vấn cho phép chúng ta hiểu được sự thù địch mất nhân tính mà người khác đã gây ra cho chúng ta và bằng cách hiểu nó trong đức tin, để dâng nó cho Thiên Chúa trong tình yêu thương. Khi chúng ta làm điều này, lòng thương xót của chúng ta được hoàn thiện bởi Chúa Thánh Thần sẽ tạo không gian trong tâm hồn những người đã làm tổn thương chúng ta, không gian mà tình yêu Thiên Chúa có thể tuôn chảy. Đó là lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa, tình yêu của Ngài đang gánh chịu sự khốn cùng của chúng ta, đó là niềm hy vọng duy nhất cho nhân loại.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Chúa Nhật, 23-08-2020

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …