Home / Chia Sẻ / TẾTLÌ XÌ XUÂN

TẾTLÌ XÌ XUÂN

TẾT LÌ XÌ XUÂNTẾT NGAY KHI LÚC XUÂN VỀ

CẦU MONG AI CŨNG HOAN CA TƯƠI CƯỜI

HỒNG BAO MÀU ĐỎ THẮM TƯƠI

NÊN NGƯỜI ĐƯỢC NHẬN RẠNG NGỜI MỪNG VUI

KẺ NGHÈO KHỔ PHẢI NGẬM NGÙI

HÊN ĐÂU CHẲNG THẤY MÀ XUI LÌ XÌ

Tết về gần, Xuân đang đứng đầu ngõ.Dù vậy, vẫn có người vui, kẻ buồn, đó là chuyện dĩ nhiên của đời thường. Một trong các vấn đề khiến người ta phải “đắn đo” trong ngày Tết là chuyện lì xì.

Theo thói quen, tiền lì xì thường được bỏ vào “bao giấy đỏ” – gọi là “hồng bao”. Việt ngữ kỳ lạ: Hồng Bao có “dính líu” Hầu Bao, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán. Xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó vui, nhờ vui mà chúng ăn ngon và chóng lớn ấy mà. Thế nhưng cũng lắm thứ rắc rối với chiếc hồng bao đó. Hệ lụy của chiếc hồng bao có tính chất đa chiều và đa dạng, đồng thời cũng nhiêu khê lắm!

Những người từ tuổi trung niên trở lên, chắc hẳnkhông mấy ai lại không biết (và còn nhớ) một câu đối Tết rất phổ biến của chí sĩ Nguyễn Công Trứ:

Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa;

Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phú vào nhà.

Câu đối rất bình dân nhưng cũng rất thâm thúy. Cái “giằng co” xảy ra giữa khoảng giao thừa ấy khiến người ta như hóa ngông cuồng hoặc điên dại. Việt ngữ cũng thật độc đáo: Chỉ vì “bần hàn” (nghèo khổ) mà bị gọi là “thằng”, và nhờ bởi “phú quý” (giàu có) nên được gọi là “ông”. Cũng vậy, vì nghèo nên bị gọi là “kẻ nghèo”, mà “nghèo” thì đi với “hèn”; còn nhờ giàu mà được gọi là “người giàu”, mà “giàu” thì đi với “sang”. Chữ “kẻ” và chữ “người” để chỉ một con người, nhưng “số phận” lại khác xa nhau. Than ôi!

Cũng là con người – với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, thế mà ai nghèo thì bị gọi là KẺ, còn ai giàu được gọi là NGƯỜI. Về “thể” trong khi dùng động từ thể thụ động cũng vậy, chữ “bị” dùng cho kẻ nghèo, còn chữ “được” dùng cho người giàu. Ngoại ngữ không diễn tả được như Việt ngữ. Kể ra Việt ngữ thâm thúy thật, thế nhưng cũng thật “đau khổ” cho kẻ nghèo hèn.

Chỉ là đại từ chỉ ngôi thứ hai số ít, nhưng lại mang ý nghĩa cách biệt một trời một vực! Còn cái “phú quý” thì thường được hiểu theo nghĩa “vật chất” và “tiền bạc”, chứ ít người nghĩ tới cái “phú quý” theo nghĩa tinh thần!

Ngày Tết, ngày Xuân, hai tiếng “lì xì” rất thường được nhắc tới, và người ta nghĩ ngay tới bao giấy nhỏ màu đỏ, bên trong có một hoặc vài tờ tiền mới. Những năm gần đây, người ta “kiểu cách” hơn còn chuộng tờ 2 USD để lì xì cho “ra vẻ”. Đúng là chỉ trọng “bề ngoài”, mà trọng bề ngoài thì chứng tỏ “yếu kém” nội tâm. Sao không lì xì hai ba chục ngàn cho tiện, lì xì 2 USD chỉ thêm khó khăn cho người được lì xì, vì họ lại phải đi đổi ra tiền Việt. Thật là “rách việc” và phiền toái quá!

Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn, “lì xì”có tiếng chữ là “lợi thị”, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành “lê-i-xị”, ám chỉ số tiền được cho (tặng, biếu) trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa – chứ không chỉ bó hẹp trong dịp Tết Nguyên Đán. Ở Việt Nam, “lì xì” được hiểu một cách đơn giản là “tiền mừng tuổi”. Tiền này KHÔNG NHẰM ĐỂ CẤT CHO NẶNG HẦU BAO, mà ngụ ý CẦU CHÚC NGƯỜI NHẬN QUANH NĂM SUNG MÃN, MAY MẮN, PHÁT ĐẠT. Như vậy, ý nghĩa chính của “tiền lì xì” không nằm ở “tiền” mà ở “tình”, tức là ở lòng mong ước cầu chúc con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì “nặng”hay “nhẹ”(nhiều hay ít tiền) KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU ĐÁNG LƯU TÂM. Đó là một nét văn hóa. Nhưng ngày nay,“văn hóa lì xì” đang bị lạm dụng thái quá, bị“biến tướng” thiên hình vạn trạng và rất tinh vi. Do đó, người lì xì cảm thấy phải… “nghĩ ngợi” và “đau cái điền” (điên cái đầu) lắm thôi!

Về chuyện lì xì, có truyền thuyết này: “Ngày xưa, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên. Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho bố mẹ không dám ngủ, phải thức canh phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một đứa con trai kháu khỉnh. Tết năm đó, có 8 vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền hóa thành 8 đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực, khiến nó khiếp vía bỏ chạy”.

Nếu định nghĩa cho vui, theo kiểu “trào phúng thực tế” hoặc “tự điển tra ngược”, thì “lì xì” là vì người kia “lì” quá nên đành phải “xì” tiền ra thôi! Lì xì cũng có thể là “lì xì ngược” và “lì xì xuôi”.

Chuyện đời vốn dĩ nhiêu khê, phú quý sinh lễ nghĩa. Lễ nghĩa một chút cũng tốt, nhưng hễ điều gì “thái quá” thì cũng hóa “bất cập”, gây phiền toái cho nhau. Người ta thường nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Có tiền thì người ta nói ngang, nói dọc gì cũng không bị bắt bẻ. Người không có tiền không dám ăn, không dám nói – dù có thể “trình độ” người nghèo hơn hẳn người giàu, nhưng nói gì cũng không ai tin, nói đúng cũng bị cho là sai.Vì “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”. Quả thật, “miệng nhà quan có gang, có thép”. Còn miệng nhà nghèo thì thế nào? Chắc là “miệng nhà nghèo bép xép, lôi thôi”!

Chuyện đời là thế đã đành. Chuyện “nhà đạo” cũng không khá hơn. Nói là một chuyện, làm lại là chuyện khác!

TạiGiáo hạt P. thuộc GP Xuân Lộc có linh mục nọ “chịu khó” đi chúc tuổi mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nhưng đi là cốt để nhận những phong bì – tất nhiên càng “nặng” càng… tốt!Suốt khoảng 10 năm, linh mục này đều đi “chúc tết” như vậy. Linh mục là chủ chăn, bổn phận là quan tâm chăm sóc đoàn chiên, đi chúc tết các gia đình là nhiệm vụ, tạo sự gần gũi và hiểu nhau hơn, vậy mà sao lại “đòi” phải có phong bì? Có những người đã từng phải đóng cửa, tránh né để không phải tiếp người đến chúc tết nhà mình. Chuyện “lạ” thật, và cũng… buồn thật!

Cũng tại Giáo hạt P. thuộc GP Xuân Lộc, một linh mục khác nói rằng mọi năm đi chúc tết các gia đình thì không nhận lì xì, nhưng TếtNhâm Thìn (2012) thì linh mục này “xin được nhận”. Nghe chừng rất “tế nhị” và “lịch sự”. Linh mục này nói thêm: “Chúng tôi không nhận cho bản thân, chỉ nhận cho giáo xứ, lý do là giáo xứ còn thiếu tài chính khi phải tổ chức thứ này hoặc thứ nọ”. Nói như vậy có điều gì đó vẫn “tiêu cực”. Giáo xứ này thuộc vùng quê, còn nhiều người nghèo, chắc chắn những người nghèo phải “nghĩ ngợi” lắm lắm. Phải chi linh mục này nói thêm rằng “quý vị đừng ngại, ít nhiều gì cũng được, KHÔNG CÓ CŨNG CHẲNG SAO, cái chính là chúng ta chúc tết nhau”, như vậy thì những người “thiếu điều kiện” sẽ đỡ tủi thân hơn. Và chắc rằng như vậy sẽ đẹp lòng Chúa, là điều Chúa muốn, vì “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì CHẠNH LÒNG THƯƠNG, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14:14), và lần khác, Ngài đã gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy CHẠNH LÒNG THƯƠNG đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ KHÔNG có gì ăn” (Mt 15:32). Rõ ràng Chúa luôn cảm thấy chạnh lòng thương những người nghèo – cụ thể là miếng ăn.Thiết tưởng PHÚC ÂM TƯỜNG TRÌNH QUÁ RÕ RÀNG, không cần nói gì thêm!

Đi chúc tết trong 2 ngày (mùng 2 và 3, hoặc mùng 3 và 4), mà số gia đình khoảng 200 hộ thì thời gian “ngồi đối thoại với nhau” quá ít, thể hiện “nghi thức” cũng hết thời gian rồi, tình cảm chỉ chiếu lệ mà quan trọng không gì hơn là “phong bì”! Còn đâu thời gian để biết “chiên” nào cần mà chăm sóc, “chiên” nào yếu mà đỡ nâng, “chiên” nào lạc mà tìm về?

Tại TGP Saigon, một linh mục mới về nhận xứ gần năm nay, linh mục này không đi chúc tết đúng ngày Xuân mà đi trước Tết cả tháng trời, linh mục này đến thăm hỏi và tạo sự thân thiện giữa chủ chăn và đoàn chiên, mỗi tuần đi một khu, nhờ vậy mà thời gian “ngồi đối thoại với nhau” nhiều hơn.

Tại Giáo hạt S. thuộc TGP Saigon, nghe giáo dân “bàn tán” rằng linh mục quản xứ có hai loại túi: một túi nhận tiền lì xì và một túi nhận tiền xin lễ. Sao “kỳ lạ” vậy nhỉ? Coi bộ “bất ổn” lắm lắm!

Cũng tại TGP Saigon, một linh mục chưa qua ngũ tuần xây dựng một nhà thờ thuộc loại “nổi bật” với một ý xanh rờn: “Chưa thấy Rôma thì cứ tới đây”. Xây nhà thờ xong thì nợ vài tỷ đồng. Rồi thuê “ca sĩ” về làm show với giá vé 200.000 đồng để “cứu vãn”. Hàng tuần, có những ngày giáo dân phải “nghĩ ngợi” nhiều vì bị “xin tiền” tới 3 lần: Mỗi giáo dân tới dự lễ đều nhận 1 thư ngỏ, giữa lễ thì có xóc giỏ, sau lễ lại có những người cầm giỏ đứng ở các cửa và cổng để chờ “lòng hảo tâm”. Hết ý! Giáo dân “than phiền” nhiều nhưng… vô ích. Có lẽ các gia đình cảm thấy phiền khi “bị” linh mục chính xứ đi chúc tết, vì vấn đề chính vẫn là “chuyện lì xì”. Tội nghiệp giáo dân cứ bị “nhức đầu” kinh niên!

Trong bài giảng thánh lễ sáng 11-1-2014 tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican, khi diễn giải bài đọc thư thứ I của Thánh Gioan Tông Đồ, ĐGH Phanxicô nói về quan hệ của linh mục với Chúa Giêsu: “Linh mục chân chính là người được Thiên Chúa xức dầu để phục vụ Dân Chúa, linh mục có quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu, khi thiếu quan hệ này thì linh mục trở thành người không còn được xức dầu nữa, thành người thờ ngẫu tượng, thờ thần là cái tôi của mình”. Ngài gọi đó là những linh mục KINH TÀI và PHÔ TRƯƠNG. “Kinh tài” liên quan kinh tế và tài chính, tức là liên quan “tiền bạc”. Người phô trương là người ưa bề ngoài, tức là liên quan “dòng họ” Pharisêu – những người “vốn ham hố tiền bạc” (Lc 16:14). Thánh Phaolô đã xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10).

ĐGH Phanxicô đặt vấn đề về các linh mục: “Có đi tìm Chúa Giêsu hay không? Đâu là chỗ của Chúa Giêsu Kitô trong đời linh mục? Phải chăng đó là một quan hệ giữa trò và Thầy, giữa em với anh, giữa một người nghèo hèn với Thiên Chúa, hay chỉ là một quan hệ hời hợt, không đến từ con tim?”. ĐGH Phanxicô nhấn mạnh: “Các linh mục không còn được xức dầu nữa, linh mục giải dầu (unto), thì họ gây hại dường nào cho Giáo Hội! Những linh mục như thế đặt sức mạnh của họ nơi những điều hời hợt, trong sự háo danh… Bao nhiêu lần ta đau lòng khi nghe nói: Kìa, đó là một linh mục huênh hoang, một linh mục không có quan hệ với Chúa Giêsu, một linh mục đã đánh mất sự xức dầu!”.

ĐGH Phanxicô nói với các linh mục đồng tế với ngài vào sáng hôm đó: “Chúng ta sẽ nói gì với dân chúng? Dân chúng ‘đánh hơi’ giỏi lắm!”. Rồi ngài bày tỏ lòng mong muốn tha thiết: “Ước gì quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, quan hệ của những người được xức dầu với dân Chúa, ngày càng tăng trưởng nơi các linh mục chúng ta”. Chắc hẳn đó cũng là ước mong của mọi người vậy. Nhưng điều ước có thực sự thành sự thật hay chỉ ước để mà ước?

ĐGH Phanxicô đúng là “nhà cách mạng” đã dám cải tổ, không ngại nói thẳng nói thật để “mở mắt” người khác. Quả thật, chính Chúa Giêsu cũng đã từng căn dặn: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7:15).

Tháng 10-2013, giám mục Franz-Peter Tebartz-van Elst của Limburg (Đức) đã bị kỷ luật vì thói sống xa hoa và hoang phí. Đó là trường hợp “điển hình”, một chuyện xưa nhưng không bao giờ cũ. Biết được những điều “trái tai, gai mắt” như vậy, số người biết “giật mình” mà ăn năn sám hối, chấn chỉnh cách sống cho hợp ý Chúa, tỷ lệ được bao nhiêu?

Thuận ngôn nào cũng nghịch nhĩ. Sự thật luôn gây mất lòng. Nhưng Chúa Giêsu lại bảo: “SỰ THẬT SẼ GIẢI PHÓNG ANH EM” (Ga 8:32).Chúng ta không dám nói sự thật hay là nhu nhược, hèn nhát, bao che? Kinh Thánh thường xuyên cổ vũ: “ĐỪNG SỢ!” (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18).

Ngày xưa người ta nói: “Đi chùa tốn gạo, đi đạo tốn công”. Điều đó cho thấy một “thực tế”, vì các thiện nam và tín nữ đi chùa thường có những “thói quen” như làm công quả, bố thí, phát tâm cúng dường Tam Bảo, cúng dường Trai Tăng,… Nghĩa là “tốn công và tốn của”. Nhưng “đi đạo”, ý nói theo đạo Công giáo, chỉ tốn công sức (dự lễ, xưng tội, đọc kinh, cầu nguyện, làm việc tông đồ,…). Tuy nhiên, ngày nay không còn “thuần túy” như vậy vì nhiều lý do quá ư là “thực tế”! Ngày xưa, khi Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (TGP Saigon) còn sống, ngài đã có Thư Chung về việc “không ủng hộ xây dựng nhà thờ” (có đăng trên tuần báo Công giáo và Dân tộc hồi đó).

Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15). Thế nhưng… chiếc hồng bao vẫn khiến “say đắm” lòng người vì nó có “ma lực” khó cưỡng lại, phải tỉnh táo hết sức mới khả dĩ thoát khỏi sự mê hoặc của nó và thoát khỏi sự kềm kẹp của nó. Thật không hề dễ chút nào đâu!

Người viết không có ý “bới bèo ra bọ” hoặc “vạch lá tìm sâu”, cũng không có ý tiêu cực mà có ý tích cực xây dựng – con người, xã hội, giáo hội, và đất nước. Theo lẽ thường thì niềm vui người ta không nhớ lâu, thậm chí là dễ quên, nhưng nỗi buồn thì luôn làm người ta nhớ rất lâu. Thật vậy, khi cơ thể bạn bình thường, không hề thấy có gì “khó chịu”, nhưng khi bạn bị một vết thương, dù nhỏ như đạp gai, thậm chí chỉ nhỏ như cái dằm, vậy mà bạn rất dễ nhận thấy “cái đau”, đôi khi “đau nhói”.

Để tạm kết, xin mượn lời của Thánh Phaolô: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã TỪ CÕI CHẾT TRỞ VỀ, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6:13). Quả thật, chúng ta đều là những người “từ cõi chết trở về”, chẳng ai hơn ai, thế nên ĐỪNG “LÀM KHỔ” NHAU NỮA!

Biết nhưng sợ mà không nói thì là hèn nhát, nói ra thì bị ghét bỏ, bị trù dập, bị xa lánh,… Nhưng không nói thì “đầy bụng” lắm, thế nên phải nói, dù biết rằng người ta sẽ “truy nã” tới bến. Chấp nhận, vì không thể “bóp méo” sự thật được!

Vấn đề nan giải khả dĩ giải quyết hay không? Tết lì xì Xuân hay Xuân lì xì Tết? Lỗi tại Xuân, lỗi tại Tết, hay là “lỗi tại tôi mọi đàng” mà chúng ta thú nhận hằng ngày? Thú nhận chân thành hay chỉ là môi miệng theo công thức? Làm sao trả lời đây?

Lạy Thiên Chúa, năm cũ đang kết thúc, năm mới đang khởi đầu. Nguyện xin Chúa kết thúc những điều xấu nơi chúng con, và xin khởi đầu những điều tốt nơi chúng con, đồng thời hiệp nhất chúng con nên một (x. Ga 17:21-23; Rm 6:5; 1 Cr 6:7; 1 Cr 12:13). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Chúa Xuân của chúng con, và là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …