Home / Chia Sẻ / TẾT ĐINH DẬU – KỂ CHUYỆN GÀ

TẾT ĐINH DẬU – KỂ CHUYỆN GÀ

 

hTừ xa xưa, Ông Bà ta đã đánh dấu mỗi năm bằng một con vật làm biểu tượng, với chu kỳ gồm 12 con giáp. Năm nay tới con vật thứ mười được xướng lên qua danh hiệu Đinh Dậu, chú Gà xuất hiện làm chủ thay cho con Khỉ. Con Gà cũng đáng tự hào, bởi trong 12 con giáp chỉ có Ngựa và tiếp đến Gà là được người Trung Hoa điển hóa nâng lên thành “Kinh” gọi là “Kê Kinh”.

Nay nhân dịp đầu năm Xuân về, Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017 tới, ngày dài tháng rộng xin được theo tục lệ năm nào nói chuyện con giáp đó, gọi là góp nhặt đó đây những chuyện xoay quanh tới con vật cầm tinh của năm, từ trong điển tích sách vở cho đến công việc ngoài xã hội dân dã, để quý vị có vài phút thư giãn trong dịp bước vào thời khắc đón chào năm mới.

I.CON GÀ TRONG NHÀ ĐẠO:

Trong sinh hoạt Nhà Đạo, có lắm chuyện nói về con gà, nhất là bộ Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước, các Thánh Sử đều nhắc đến hình ảnh Con Gà rất nhiều.

Trong phạm vi một bài báo, chỉ xin tóm lược một số sự việc ảnh hưởng và diễn tiến đến nhà Đạo liên quan tới Gà trên các phương diện dưới đây:

   ▪ Người Công Giáo không ai là không biết chuyện Thánh Phêrô chối Chúa 3 lần trước khi gà gáy. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, cả ba Thánh Sử (Mt chương 26, Mc chương 14 và Lc chương 22) đều ghi chép lại một cách đầy đủ, hằng năm vào mùa Chay, chúng ta được nghe tường thuật nơi bài “Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa” tối thứ sáu Tuần Thánh, và cả trong ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu chịu nạn, đều nhắc tới sự kiện Phêrô chối Chúa qua lời phán bảo trước với Phêrô: “Thầy bảo thật anh: nội đêm này, gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26, 33). Và chuyện đã xẩy ra, ứng nghiệm lời Chúa.

   ▪ Trong Âm nhạc, bài Thánh ca: “Tán Tụng Hồng Ân” của Hải Linh và Cha Vũ Đình Trác đã trích đoạn câu Kinh thánh: “Như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh”. Đây là hình ảnh đàn gà mẹ, con mà Kinh Thánh đem ví von với tình thương của Chúa đối với loài người, cho dù con người vẫn thờ ơ với tình Chúa, như dân thành Giêrusalem xưa là một điển hình: “Đã bao lần Ta muốn tập họp các ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23, 37; Lc 13, 3).

   Hình ảnh con Gà cũng xuất hiện trên công trình xây dựng, du khách đến Thành phố Đà Lạt, từ Hồ Xuân Hương nhìn lên sẽ thấy ngôi Thánh đường Chánh tòa của Địa phận Đà Lạt mang danh hiệu Thánh Nicola Bari nhưng ai cũng quen gọi là: “Nhà thờ Con Gà”, vì vào năm 1931, Cha Sở Céleste Nicola khi xây nhà thờ, đã cho gắn trên chóp đỉnh Thánh giá tháp chuông một con gà trống đúc bằng đồng, dài 66cm, cao 58 cm. Con gà này có thể xoay quanh một trục, để người ta biết gió thổi hướng nào.

   ▪ Trong phong trào “Học hội Kitô Giáo” (Cursillo) với phương châm “Học đạo, Sùng đạo và Hành đạo”, nhận Thánh Phaolô làm quan thầy, trên ve áo của người hội viên, ngoài cây Thánh Giá ra, còn có gắn thêm huy hiệu hình Con Gà Trống đang cất cao cổ gáy.

   ▪ Nói tới Nước Pháp, một Quốc Gia có tỷ lệ người Công Giáo sùng đạo rất cao, cũng đã nhận Con Gà Trống “Gaulois”  làm biểu tượng với bao nét oai phong lịch lãm và được in ấn trên tem thơ giao dịch khắp nơi.

* ĐÔI GÀ MÁI CỦA VỊ TỬ ĐẠO:

 Phần tiểu sử các vị Tử Đạo trong cuốn “Vườn Vạn Tuế Thái Bình” trang 492, có kể về Đấng Tôi tớ Chúa (Servus Dei) Phêrô Nhu liên quan tới đôi gà như sau:

Ông Phêrô Nhu là con Cụ Nhuệ, người Ninh Cù (Kẻ Hệ), trên 40 tuổi, đã có vợ con, ông Nhu là một chức dịch của làng Ninh Cù, là một người can đảm táo bạo, đã từng dám cãi lý với quan trên, quan này muốn Ông quá khóa, Ông cương quyết không chịu. Lúc đó quan cho lôi Ông qua tượng Thánh Giá, Ông lớn tiếng phản kháng hành động đó và xin về nhà. Quan cho về, nhưng buộc Ông phải mua cho quan một đôi gà mái. Ông Nhu trở về nhà, hôm sau Ông mua một đôi gà lên cho quan. Bấy giờ quan lại truyền cho Ông phải quá khóa, Ông phản kháng còn quyết liệt hơn lần trước nữa. Vì thế quan tức giận, nộp Ông lên tổng đốc Nam Định. Viên tổng đốc nhập Ông vào nhóm các bạn của thầy giảng Đoán. Vì thế Ông Nhu mới bị lưu đày với các bạn trong nhóm đó. Ông vẫn can đảm mạnh mẽ như trước mà xưng đạo ra, cho nên sau khi bị lưu đày ở tỉnh Bình Định về, Ông lại phải giam vào ngục Nam Định. Ít lâu sau tổng đốc truyền cho lính lấy búa sắt chẻ đầu Ông ra, Ông chết Vì Đạo tại ngục Nam Định. Hồ sơ xin phong Chân Phước cho Ông đã được Cha Chính An (P.Fr. Marco Gispert O.P.) đệ nạp lên Tòa Thánh.

* CON GÀ MÁI VÀO DÒNG KHỔ TU:

Trong một bài giảng của Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận tại nhà dòng Orsonnens, Thụy Sĩ, có kể một câu chuyện dưới đây:

Cha Henri Denis (Cố Thuận) sinh năm 1880 tại Boulogne-sur-mer, địa phận Arras, thụ phong linh mục năm 1903, gia nhập Hội Thừa Sai Paris (M.E.P.) và tình nguyện sang truyền giáo tại Giáo phận Huế. Đầu tiên Cha làm Giáo sư Chủng viện An Ninh, sau đó nhận coi xứ Thừa Lưu. Bản tính Ngài ham học hỏi nên rất thông thạo tiếng Việt và chữ Hán, đã dịch cùng chú thích hai cuốn “Lục Súc” và “Trê Cóc” sang tiếng Pháp làm ai cũng kính nể.

Về địa bàn Huế, Cha có một ước mơ quan trọng muốn lập một Cộng Đoàn Khổ Tu (Cistertien) đầu tiên ở Việt Nam, nên Cha đã cùng một số Giáo dân chung chí hướng đi tìm khai hoang khu đất rừng rú vùng Phước Sơn thưa thớt người ở để lập cơ sở ban đầu.

Với lòng sùng kính và cậy trông Đức Mẹ, ngày 10.7.1918, Cha Henri Denis Thuận lên đền thờ kính viếng Mẹ La Vang, ký thác việc hệ trọng xin Mẹ chúc lành cho Dòng Xi-Tô Việt Nam khai sinh dưới bóng Giáo Đường Đức Mẹ.

Trước khi đưa đoàn người đi lập dòng, Cha đã khoản đãi các Đấng Bề Trên và Anh em một bữa ăn rất thịnh soạn, có thịt đi kèm với rượu, rồi sau đó tuyên bố: “Kể từ nay chúng tôi không ăn thịt và uống rượu nữa”. Và Ngài lên đường đi lập Dòng với số Anh Em tình nguyện đi theo Ngài, trên vai quẩy một quang gánh mà hai đầu có hai chiếc thúng đong đưa lủng lẳng. Chiếc thúng đầu đựng “Đồ Lễ”, chiếc thúng còn lại chứa ít dụng cụ nhà bếp.

Khi đi, một tay Cha giữ chiếc quang gánh, tay còn lại xách theo một chiếc lồng gà, bên trong có một con gà trống. Tuyên bố không còn ăn thịt, sao lại mang gà theo? Thì ra, “chú Gà trống” là chiếc đồng hồ sống của Tu viện tương lai, để đêm đêm khi tiếng te te gà gáy cất lên, các tu sĩ biết giờ dậy đọc kinh, cầu nguyện khởi đầu một ngày lao động chân tay, thực thi khẩu hiệu của Thánh Bênêđictô tổ phụ các Đan viện.

Cha Henris Denis (Cố Thuận) là Đấng Tổ Phụ vì người đã sáng lập cho Việt Nam một con đường tu đức chiêm nghiệm tuyệt vời và nhà Dòng Phước Sơn đã trở nên nhà Mẹ các tu viện khác như Châu Sơn (Nho Quan), Phước Lý, Châu Thủy… lần lượt xuất hiện sau này.

II.CON GÀ TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN:

Con gà sống chung với loài người ở khắp nơi, từ thành thị sầm uất, cho đến vùng thôn dã êm ả, nơi đâu cũng có thể nuôi Gà, từ đó hình ảnh con vật này đã xuất hiện trên nhiều lãnh vực như:

    ▪ Trong đời thường, dân gian đã dùng con vật này để ví von, dạy con cháu biểu hiệu qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, chẳng hạn khi nói: Về tình Đoàn kết: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài-Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”; – Về tình yêu trai gái: “Một thương tóc để đuôi gà”; – Về sự rành đời: “Người khôn ăn miếng thịt gà – tuy rằng ăn ít nhưng mà ngon lâu”; – Về sự cẩn trọng: “Bút sa, Gà chết”; – Về sự háo thắng: “Con gà tức nhau tiếng gáy” – Về chênh lệch so sánh: “Gà tơ xào với mướp già, vợ hai mươi tuổi chồng già sáu mươi”; – Về thời tiết: “chớp đông nhay nháy – gà gáy thì mưa”  hoặc “Ráng mỡ gà thì gió – ráng mỡ chó thì mưa”; – Về sự tốn kém: “Một tiền gà, ba tiền thóc”; – Về sự kiêng kỵ: “Chớ bán Gà khi gió, chớ bán Chó khi mưa”; – Về gia vị ăn uống: “Con gà cục tác lá chanh – con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”.

    ▪ Nói đến công lao của chú Gà, ta không quên tác phẩm “Lục Súc Tranh Công” là một tác phẩm văn vần chia làm 12 đoạn, bao gồm 453 câu ngắn dài, diễn tả cuộc xung đột giữa 6 gia súc: Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà và Lợn, con vật nào cũng cho mình là quan trọng, kể công với ông chủ, rồi dèm pha con khác, chẳng hạn như Chú Dê sau khi bị Anh Ngựa đá giò lái liền quay ra tố khổ Mẹ Gà: “Nuôi giống Gà thật vô ơn ngãi – Thấy chủ vãi đám ngô vạc cải – Túc nhau bươi chếch gốc, chốc cây…- Cho ăn no rồi quẹt mỏ sấp lưng – Trời chưa tối đã lo việc ngủ…”. Nghe vậy Gà liền cất tiếng phân trần: “Nầy nầy! Gà ngũ đức thẳm sâu …- Đã ghe phen đến chốn sa trường – Lập công trận vang tai, lói óc”. Tiếp đến kể công mình cùng chủ: “Đã cứu nạn Mạnh Thường đặng thoát – Lại khuyên người Tống sĩ năm canh – Hễ ai toan cãi dữ, làm lành – Gà cũng biết tỉnh mê giấc điệp – Coi giò gà xét biết thịnh suy – Gióng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y – Cất tiếng gáy toại lòng người đãi đán…”. Kết thúc câu chuyên ngụ ngôn này, nhờ có lời giảng giải của chủ nhà mà 6 con gia súc lại hiểu nhau và yên phận làm tròn công việc phần vụ của mình.

   ▪ Đá Gà là một trò chơi được đưa lên hàng nghệ thuật, xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là mỗi dịp tết đến nông nhàn, Trò Đá Gà theo tiếng miền Nam, còn người Miền Bắc gọi là Chọi Gà, đây là môn giải trí cũng lắm công phu, trước khi đem đi chọi phải nuôi nấng cả năm trời cho Gà ăn uống cẩn thận, gạo thóc tuyển chọn, sau đó còn phải vỗ về, nắn bóp, trườm mào, bôi nghệ, mài cựa, cùng tập cho nó can đảm. Khi vào trận hai con đá nhau trong một cái vòng tròn vẽ sẵn, hễ con nào chạy ra ngoài là thua. Giống Gà chọi thường ham đánh nhau, có khi đá nhau đến chết mới thôi chứ không chịu chạy. Người có Gà thắng cuộc ngoài Giải thưởng danh dự của làng ra, họ còn đánh cược với nhau, thắng thua tiền bạc rất lớn, lắm người tán gia bại sản vì trò chơi cá cược này.

   ▪ Đề cập đến Gà mà ta không nói tới các món ăn biến chế từ gà thì thật là thiếu sót. Gà có nhiều giống và nhiều tên gọi: Gà ta, gà tây, gà công nghiệp, gà đi bộ, gà tre. gà ác, gà rừng, gà mái dầu, gà trống thiến, gà chọi, gà gô, gà chín cựa, gà Đông Tảo… từ đó tùy theo loại các đầu bếp tha hồ nấu nướng gia giảm các món ăn thật hấp dẫn, cao sang thì có: Gà tiềm nhân sâm, thuốc bắc, Gà hấp muối, Gà xối mỡ kiểu Quảng Đông, Gà Rôti, Gà xì dầu, Gà Quý phi, Gà tần của Hồng Kông. Còn thông thường dân dã chế biến các món Gà luộc, nướng, chiên, kho, quay, rán, xào, bóp gỏi, Cơm gà, Phở gà, Cháo gà, Mì gà v..v. Đặc biệt nơi mâm cơm, bàn tiệc cúng Gia Tiên nhất thiết phải có thịt Gà. Trong sính lễ Cưới Hỏi cũng phải có con Gà luộc đi kèm với các lễ vật, vì Gà biểu hiện cho những thứ quý giá nhất trong sản phẩm của người nông dân, cũng như món Gà Tây không thể thiếu trong ngày lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ vậy.

III. VUI XUÂN ĐÓN TẾT ĐINH DẬU – CON GÀ GÁY BÁO HIỆU NIỀM HẠNH PHÚC

Mỗi dịp đón Tết Nguyên Đán hằng năm, chúng ta đều nhớ đến cảnh nhộn nhịp của các phiên Chợ Tết ngày nào ở thôn quê, với Ông Đồ gò mình trên thiếp giấy hồng viết câu đối, bên cạnh cô Thôn nữ thận trọng lần lượt giở, nâng niu đưa cho khách hàng từng bức tranh họa những con gà trên giấy dó của dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng và nhất là tranh làng Đông Hồ thuộc tỉnh Hà Bắc nổi tiếng xưa nay với các bức mang nhiều ý nghĩa, chẳng hạn về năm Gà có bức “Em bé trai ôm gà trống” với chú thích hai chữ “Vinh Hoa” đi kèm với hoa Cúc tượng trưng cho bậc cao sang quý trọng; còn bức họa “Đàn Gà Mẹ và Con” nói lên tình Mẫu Tử luôn hy sinh sẵn sàng bảo vệ đàn con; riêng bức “Gà Thư Hùng” với dụng ý chúc tụng mọi người khỏe mạnh, vui vẻ, sum họp gia đình đông đủ vợ chồng, con cái ấm no, hạnh phúc, sau cùng còn có bức “Gà Đại Cát” hoặc“Gà Nghinh Xuân” cầu mong mọi người đón xuân vui vẻ, mọi sự tốt lành trong ngày tết. Riêng những nhà Nho trước đây còn cho con gà trống có đủ ngũ đức, gồm cả: “Văn – Vũ – Nhân – Trí – Dũng” qua những dòng ví von: “Mào gà là mũ quan Văn – Cựa gà: khí của quan Vũ tài – Gà trống có cái Dũng oai – Xông vào địch thủ đá hoài không ngơi. – Chữ Nhân: khi kiếm được mồi, Nhắc lên gà trống kêu mời mái ăn. – Chữ Trí: gà biết đêm tàn – Gà gáy báo thức cả làng tỉnh mơ.” Thật là oai phong, nên Tết ai cũng muốn treo tranh Con Gà trong nhà.

Nhân dịp Năm Đinh Dậu về, với tất cả tâm tình quý mến, xin kính chúc Quý Vị Độc Giả trong năm mới được bình yên vô sự, tràn đầy “Ngũ Đức” đến với Mọi Nhà, thỏa lòng ước mong an vui, mạnh khỏe, hạnh phúc viên mãn.

VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

Washington, D.C.

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …