Home / Chia Sẻ / TẾT DÂN GIAN, TẾT NHÀ ĐẠO

TẾT DÂN GIAN, TẾT NHÀ ĐẠO

imagesTẾT với người Việt Nam quả là thiêng liêng, cao quí. Có thể nói không một ai mang trong mình giòng máu Lạc Hồng lại không cảm thấy nôn nao khi những ngày cuối năm âm lịch đến, chờ mong một cái Tết. Không ai bảo ai, người người nghĩ về Tết, nhà nhà sửa sọan đón xuân sang. Người xa nhà luôn mong ngóng ngày xum họp. Dù có phải ăn tết xa quê nhưng lòng vẫn hướng quê nhà. Ở đâu chăng nữa vẫn nhớ về gia đình, nơi còn có những người thân trông đợi. Người Việt Nam ở nước ngòai, nhất là ở phương tây thì thật là thiệt thòi. Tết đến không được nghỉ, trẻ em vẫn đến trường, công chức vẫn phải đi làm. Chỉ những người hành nghề tự do như làm nails, buôn bán lẻ, may ra mới dám nghỉ tiệm một ngày mùng 1 tết. Còn hầu như Việt kiều phương Tây ăn tết sớm vào thứ bảy, Chúa nhật trước ngày tết (vì được nghỉ). Nhân ngày tết, mời độc giả cùng điểm qua cái tết của nhà Đạo mình.

Sau Công Đồng Vaticanno II, Hội Thánh khuyến khích các Giáo hội địa phương hội nhập văn hóa dân tộc mình. Nhiều phong tục của người Việt Nam Công Giáo được Phúc Âm hóa hay gọi tắt là Thánh hóa các ngày lễ hội của dân tộc. Tết đối với người Công Giáo Việt Nam là dịp để mỗi người tạ ơn Chúa. Ta sửa sang nhà cửa, quét dọn ngõ, phố, trang trí cây cảnh, dọn bàn thờ… trước hết là để tạ ơn, để làm vui lòng Chúa vì qua một năm vất vả, đây là lúc cả gia đình, họ hàng quây quần xum họp bên Chúa, bên nhau. Đây cũng là dịp con cháu bày tỏ lòng kính nhớ các bậc tiên nhân đã khuất vì công lao các Ngài tạo dựng, xây đắp cho con cháu có ngày nay. Tết cũng chính là lúc để nghĩ đến những người thân cận, xóm giềng, những người sống bên ta mỗi ngày. Làm đẹp nhà cửa là tạo niềm vui gửi đến bạn bè. Nói theo ý Đức Cha Bùi Tuần: ”Tết là dịp để nghĩ đến người khác“. Mời nhau miếng bánh, miếng mứt là bày tỏ sự trân trọng quí mến nhau. Uống với nhau chén trà, ly rượu đầu xuân là mong cho nhau những điều may mắn phúc lộc, chứ đâu phải là ăn cho no, cho đã; vì Tết nhà nào mà chẳng có bánh trái, thịt thà, rượu trà, bia bọt.

Người Việt Nam Công Giáo hiện nay cũng sắm tết đơn giản, ngày 23 không mang ý nghĩa ngày đưa ông Táo nhưng nhiều gia đình vẫn giữ tục lệ này để hòa chung với niềm vui của đồng bào mình ”Giáo lương hòa hợp“. Riêng những ngày cuối của một năm, phần lớn gia đình nào cũng xin lễ tạ ơn, cầu nguyện cho các Linh hồn tiên tổ. Những nơi còn nghĩa trang hầu như con cháu đều giữ tục lệ đi “Tảo Mộ“, thắp hương, chưng hoa kiểng trước phần mộ và đọc kinh cầu nguyện cho các Ngài. Nếu các cụ đã được gửi Linh Cốt tại các giáo xứ thì những ngày cuối năm, ba ngày Tết luôn tấp nập người đến cầu nguyện, xin các Ngài phù hộ độ trì. Nhiều người nguyện xin các bậc tổ tiên cùng về chung niềm vui xuân của con cháu. Chiều 30 tết, mọi gia đình cũng vẫn giữ lệ tổ chức cơm tất niên và chờ sau đó đi lễ Giao Thừa tại nhà thờ, nhà nguyện. Thường các xứ đạo tổ chức Lễ khỏang 21-22 giờ để người giáo dân đi lễ, tạ ơn chúc tụng Chúa, Chúc xuân Cha xứ, quý Tu sĩ, cộng đòan. Đăc biệt ít thập niên gần đây, hầu hết các xứ đạo đều cho giáo dân hái Lộc Thánh. Đó là những câu trích Lời Chúa Trong Thánh Kinh làm định hướng cho cả một năm. Có cả một ”Ngân hàng Lời Chúa“  trên các trang mạng Công Giáo. Các cha xứ thường chọn ra một số Lời Chúa dạy làm chỉ nam cho từng gia đình hay từng cá nhân. Ví dụ: ”Anh em đong cho ai đấu nào thì Cha trên Trời cũng đong cho anh em đấu ấy – Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em – Người bảo gì thì hãy làm theo – Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ”…

Lễ đọan, mọi người chia tay hẹn sáng mùng một đi lễ đầu năm, mừng tuổi cha xứ, chúc tuổi lẫn nhau rồi trở về nhà chuẩn bị đón giao thừa. Giao thừa với nhiều gia đình Công Giáo là giây phút thiêng liêng, cha mẹ, con cái ăn mặc đẹp tập họp trước bàn thờ Chúa, bàn thờ Gia tiên, đèn nếp thắp sáng. Đúng 0 giờ (12 giờ đêm), Bố hay mẹ thắp hương dâng trước tòa Chúa, Đọc một đọan Phúc Âm, suy niệm ít phút rồi nguyện 10 kinh kính mừng, kinh tạ ơn, kinh dâng Gia đình, xứ đạo, tổ quốc lên Thiên Chúa. Từng người thầm thĩ hay công khai dâng lời nguyện, xin Chúa chúc lành cho một năm mới và dâng những lời nguyện ước. Niệm hương trước di ảnh các bậc tiên tổ, xin các Ngài cầu bầu trước tòa Chúa cho con cháu. Thời gian cầu nguyện này diễn ra khỏang 15-30 phút. Sau đó gia đình ăn nhẹ rồi xin Chúa chúc lành nghỉ đêm để sáng mai, mừng tuổi mới.

Ba ngày tết sau đó hòa chung niềm vui của cả dân tộc, người Công Giáo đến thăm nhau, mừng tuổi nhau với lời cầu chúc một năm mới an bình, hạnh phúc, luôn được Chúa ở cùng. Nhiều xứ đạo, các đòan thể rủ nhau đi chúc tuổi quí cha, quí chức trong xứ và anh chị em hội viên. Không ít người rủ nhau đi mừng tuổi các Cha hưu dưỡng tại nhà hưu, đi thăm các Tu sĩ phục vụ cộng đòan. Cũng có nhiều nhóm tỗ chức đi hành hương Minh niên tại Bãi Dâu, Tà Pao, La Mã (Bến Tre), Trà Kiệu, La Vang kết hợp du lịch nghỉ ngơi. Về thăm lại quê cũ nơi vẫn còn mồ mả ông bà…

Tết với người Việt Nam chúng ta có lẽ không bao giờ mất. Nước Việt còn thì Tết Việt còn. Tết với người Công Giáo còn mang ý nghĩa sâu xa hơn, vì Tết là tận hưởng niềm vui Chúa ban. Chúa là mùa xuân của nhân lọai mà!

Xin Chúa luôn tỏ lòng thương xót cho con cái Người nơi trần gian, để khi được Chúa gọi về nước Người, tức là chúng con được hưởng mùa xuân vĩnh cửu trên nước Trời.

Fx Đỗ Công Minh

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …