Home / Chia Sẻ / Tặng phẩm

Tặng phẩm

 

 

Cả chương 13 trong thư I gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô nhấn mạnh: Dù bạn có hành động theo tặng phẩm thúc đẩy, tặng phẩm sứ vụ hoặc tặng phẩm biểu lộ hay không, nếu bạn không yêu mến Chúa – tình yêu siêu thoát (agape love) của Thiên Chúa – thì bạn vẫn chẳng làm gì cả! Đó là lời cảnh báo đáng ghi nhớ luôn luôn. Tác giả DON và KATIE FORTUNE phân tích rất thú vị về tặng phẩm của Thiên Chúa. Mời bạn tìm hiểu để nhận biết chính mình và nhận biết người khác, đồng thời cũng để KHÔNG mặc cảm hoặc tự mãn.

TangPhamMỗi người đều có một tặng phẩm thúc đẩy! Không ai không có. Chúng tôi đã kiểm tra hàng trăm ngàn người, và mỗi người đã phát hiện năng khiếu đặc biệt của mình, rơi vào ít nhất một trong bảy lĩnh vực. Chúng tôi chưa hề thấy ai phù hợp lĩnh vực thứ tám. Thật vậy, không có lĩnh vực thứ tám.

Nhưng đừng coi trọng lời của chúng tôi. Hãy xem Lời Chúa:

“Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4:10).

“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn. Ai phân phát thì phải chân thành. Ai chủ toạ thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12:6-8).

Bạn có trong đó. Bảy tặng phẩm thúc đẩy. Và mỗi chúng ta đều nhận một hoặc vài tặng phẩm. Vậy bạn làm gì với các tặng phẩm đó?

Chúng Ta Phải Dùng Tài Năng Để Sinh Ích Lợi Cho Người Khác

Kinh Thánh nhấn mạnh rằng tặng phẩm thúc đẩy được trao ban cho chúng ta để sinh ích lợi cho người khác. Chúng không thể được dùng vì mục đích ích kỷ. Chỉ nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta được thiên phú ở vị trí đầu tiên; do đó chúng ta phải dùng tài năng của mình để làm lợi cho tha nhân.

Sự tương phản của hai biển ở Israel cho thấy rằng nguồn nước chảy ra chủ yếu vì sự sống. Biển Galilê có nước không chỉ chảy vào mà còn chảy ra. Do đó hồ luôn tươi mát và hữu ích; nó ủng hộ sự sống. Nhưng Biển Chết không có chỗ thoát ra. Nó giữ lại tất cả nước nó nhận được. Qua việc bốc hơi, hồ này là hồ mặn nhất thế giới: Không hề có sinh vật nào sống trong đó.

Với các tặng phẩm thúc đẩy cũng vậy. Chúng được Tạo Hóa thiết kế để tuôn chảy từ chúng ta tới những người ở xung quanh chúng ta.

Tài Năng Được Xây Dựng Trong Chúng Ta Khi Thiên Chúa Hình Thành Chúng Ta

Tài năng của chúng ta không là ý nghĩ muộn màng. Đó là một phần một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa muốn định hình vai trò của chúng ta trong việc xây dựng Nước Trời.

Một trong các đoạn văn đẹp nhất về công cuộc sáng tạo trong Cựu Ước là Tv 139:13-16:

“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự”.

Cách diễn tả sự thiết kế và sự phát triển của thai nhi trong cung lòng thật đẹp biết bao!

Thiên Chúa dùng cái mà các khoa học gia gọi là DNA. Khi thai nhi được hình thành, một nửa DNA di truyền từ người cha và một nửa từ người mẹ. Trong trứng thụ tinh đó, DNA được kết hợp đó hình thành hình cái thanh theo đường xoắn ốc dài khoảng 30,5 cm. Nhưng nó được gắn kết kỳ diệu trong trứng nhỏ bé. Thật kỳ diệu!

Mỗi chi tiết của cơ thể đều được lập trình bằng DNA. Sự phức tạp của nó còn hơn cả máy vi tính ngày nay. Màu tóc cũng được lập trình bằng DNA. Mũi, chiều cao, vóc dáng – mọi đặc điểm của cơ thể – đều được xác định ngay từ lúc thụ thai.

Nếu Thiên Chúa đã hoạch định chính xác đối với sự phát triển của cơ thể – cuối cùng chịu thoái hóa và chết, vậy Ngài đã hoạch định thế nào đối với tài năng của bạn? Bạn có thể gọi đó là DNA tâm linh. Chúng ta tin rằng các tặng phẩm thúc đẩy được trao ban cho chúng ta từ lúc thụ thai, và cuối cùng là DNA tạo ra các đặc tính thể lý, thế nên các tặng phẩm thúc đẩy sinh ra các mối quan tâm, các khả năng, sự nhiệt thành và viễn cảnh làm cho chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động theo cách chúng ta làm.

Chúng tôi tin rằng các tặng phẩm thúc đẩy là một phần trong sự tạo dựng ban đầu chính là việc nghiên cứu song sinh. Lần đầu tiên tôi xét nghiệm một người song sinh tại Montana từ chín năm trước. Judy, một người mẹ trẻ ngoài 30 tuổi, thi thoảng nói rằng chị buồn cho đứa con gái song sinh của chị là Jane, nó sống xa quá nên không đến dự hội thảo được. Judy đạt điểm cao nhát là “người cổ vũ”. Các phụ nữ khác đều biết cả hai người song sinh và cho rằng Jane cũng có thể ghi điểm tương tự.

Một năm sau, tôi được mời tới hướng dẫn hội thảo về tặng phẩm thúc đẩy tại TP Montana, nơi Jane sinh sống. Cô nghe Judy nói về buổi hội thảo mà cô chưa thấy điểm hoặc hồ sơ của Judy. Jane giải thích: “Tôi nghĩ rằng tốt nhất là tôi không thấy kết quả của Judy cho tới khi nào tôi có cơ hội làm trắc nghiệm”.

Sau buổi hội thảo, Jane đưa hồ sơ cho tôi xem. Năng khiếu của cô cũng là người cổ vũ! Càng ngạc nhiên hơn khi thấy năng khiếu thừ hai và thứ ba của cô cũng như Judy.

Từ đó, mỗi khi hai người song sinh làm trắc nghiệm thì đều có kết quả giống nhau.

Chẳng hạn, một người vợ của một mục sư có năng khiếu về phục vụ. Bà thích sứ vụ của bà là lòng hiếu khách. Bà thích làm cho người khác vui cười.

Cô con gái song sinh của bà kết hôn với một thương gia giàu có. Cô có thể thuê người giúp việc nhà nhưng thích tự chăm sóc nhà cửa. Cô thích phụ giúp công việc của chồng. Cô cũng là một người phục vụ.

Một ví dụ khác. Deanne được trắc nghiệm ở tiểu bang Washington, còn người chị em song sinh là Dianne làm trắc nghiệm qua mail ở East Coast. Cả hai chứng tỏ đều là người nhận thức.

Tạp chí Reader’s Digest có một bài viết về song sinh cho biết rằng có chứng cớ mạnh mẽ rằng các tặng phẩm thúc đẩy được nối kết trong chúng ta từ khi thụ thai, chứ không được thêm vào sau đó. Có một đoạn cho biết: “Khoảng 40 năm trước, hai bé trai song sinh ở Ohio được nuôi dưỡng ở hai gia đình khác nhau ngay sau khi sinh. Họ mới gặp nhau một năm trước, sau 39 năm xa nhau. Có điều lạ là cả hai đều có tên James, đều được học ngành luật, đều thích vẽ kỹ thuật và nghề mộc. Mỗi người đều kết hôn với người tên Linda, cũng có một con trai – một người tên James Alan và một người tên James Allan – đã ly hôn, và rồi tái hôn với người cũng có tên Betty. Cả hai đều có con chó tên Toy, cũng thích bãi biển St. Petersburg và Florida”.

Quan trọng để chúng tôi tìm hiểu rằng những người song sinh này được nuôi dưỡng ở hai gia đình khác nhau, không có cơ hội ảnh hưởng về gia đình hoặc chọn nghề, thú tiêu khiển. Rõ ràng có điều thuộc về cơ bản hơn là ảnh hưởng ngoại tại – điều mà chúng tôi tin rằng đã được “cài đặt” từ khi thụ thai: Năng khiếu do Thiên Chúa trao ban.

Tài Năng Của Chúng Ta Có Thể Theo Dõi Từ Thuở Nhỏ

“Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ” (Cn 22:6).

Khi chúng tôi bắt đầu dạy con cái, chúng tôi nghiêm túc dùng Kinh Thánh để giáo dục chúng về luân lý theo nền tảng Kinh Thánh.

Khi các con của chúng tôi được tám tuổi và mười tuổi, chúng tôi phát hiện các tặng phẩm thúc đẩy và nhận thấy phù hợp với Cn 22:6 về việc dạy quy luật và đào tạo. Kinh Thánh cho chúng tôi cách hiểu mới: “Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi [theo đúng năng khiếu hoặc khuynh hướng], để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ”.

Bản gốc tiếng Do Thái bao gồm cách hiểu rằng mỗi đứa trẻ đều có một tặng phẩm (tặng phẩm thúc đẩy) và một năng khiếu (xu hướng được hoàn tất khi nó dùng tặng phẩm thúc đẩy). Là cha mẹ, chúng tôi có trách nhiệm phải phát hiện năng khiếu của con cái và “huấn luyện” theo năng khiếu đó, khuyến khích phát triển năng khiếu đó, để khi nó trưởng thành nó sẽ dùng năng khiếu đó mà đạt mục đích của Thiên Chúa đối với nó và thành công riêng.

Chúng tôi cảm ơn là đã tìm ra điều này trước khi con cái lớn khôn. Chúng tôi dễ dàng nhận thấy rằng Dave là người quản lý (với năng khiếu thứ hai là dạy dỗ và cổ vũ). Chúng tôi khuyến khích khả năng lãnh đạo ở trường học. Dan khác với người anh của nó: Người nhận thức, có ảnh hưởng năng khiếu về lòng trắc ẩn. Chúng tôi khuyến khích nó nghiêm túc về các vấn đề và các lý tưởng.

Chúng không chỉ  bày tỏ lòng biết ơn mà chúng tôi khuyến khích về năng khiếu của chúng, mà chúng còn đưa bạn bè về nhà để làm trắc nghiệm về tặng phẩm túc đẩy.

Linda lớn khôn và kết hôn khi chúng tôi biết về các tặng phẩm thúc đẩy. Nhưng, xét về nội tâm, chúng tôi có thể thấy rằng nó có năng khiếu nhiều về lòng trắc ẩn với năng khiếu thứ hai là phục vụ. Hồi nhỏ, nó luôn chú ý tới những người không có bạn bè. Nó rất yêu quý động vật. Nó muốn làm bác sĩ thú y để được gần gũi với động vật, nhưng khi nó biết chúng cũng bị mổ xẻ, nó không thể chịu được. Cuối cùng nó trở thành y tá.

Chúng Ta Không Được Coi Thường Tặng Phẩm

“Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh” (1 Tm 4:14).

Từ charisma được dùng 15 lần trong Tân Ước, chúng tôi thấy rằng không là điều khác thường khi đề cập cùng lúc nhiều hơn một phạm trù tặng phẩm. (Thuật ngữ này, cũng như các thuật ngữ khác, phải được hiểu trong ngữ cảnh được sử dụng. Chẳng hạn, trong tham khảo này có ba phạm trù tặng phẩm được mô tả. Thứ nhất, tặng phẩm siêu nhiên được thể hiện đầy đủ qua việc đặt tay trên Timôthê. Thứ hai, tặng phẩm biểu lộ của việc nói tiên tri qua người cao niên có tặng phẩm sứ vụ của một ngôn sứ. Thứ ba, tặng phẩm thúc đẩy mà Timôthê được trao ban đã được xác định ở mức cao vào thời điểm đặc biệt là truyền chức thánh. Một khảo sát kỹ lưỡng về câu này có trong cuốn The Interlinear Greek-English New Testament đưa ra một điều thú vị: “Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh” (1 Tm 4:14).

Trước hết, hãy chú ý rằng bản gốc tiếng Hy Lạp nói đến “tặng phẩm của bạn”, cho thấy rằng tặng phẩm có “trong” Timôthê khi các kỳ mục cầu nguyện cho ông. Chữ “được trao” theo tiếng Hy Lạp là didomi, có nghĩa rộng theo tài liệu Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible, bao gồm “sinh ra, cho thấy, và nói ra”. Có thể rằng Timôthê, một người trẻ, chưa xác nhận được tặng phẩm thúc đẩy cơ bản. Do đó, khi các kỳ mục truyền chức cho ông (dùng nhiều tặng phẩm biểu lộ về sự nói tiên tri và sự hiểu biết), tặng phẩm đã có “trong” Timôthê được xác định bằng ngôn ngữ. (Tặng phẩm thúc đẩy ban đầu của Timôthê có vẻ là năng kiếu dạy dỗ, như được dẫn chứng bằng nhiều cách đối với sứ vụ giảng dạy của Timôthê. Xem 1 Tm 4:6, 11, 13-16; 2 Tm 2:2, 15; 4:2).

Có thể Thánh Phaolô là người đã nói tiên tri về việc Timôthê được chỉ định trong 1 Tm 1:18 “chiếu theo các lời ngôn sứ trước đây đã nói về anh, để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này”.

Nhưng quan trọng là sự phối hợp của tặng phẩm đối với sự khinh suất, đó là khinh suất mục đích và kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mỗi chúng ta đều có một tặng phẩm “nội tại”, giống như Timôthê, chúng ta phải dùng điều đó để làm vinh danh Thiên Chúa và sinh ích lợi cho tha nhân.

Tặng Phẩm Tô Màu Những Gì Chúng Ta Thấy

Nếu bạn đeo kính mát, bạn sẽ thấy mọi thứ có màu theo kính đó. Với tặng phẩm thúc đẩy của một người cũng vậy. Người nhận thức sẽ nhìn cuộc đời qua tầm nhìn của người nhận thức. Mọi thứ sẽ tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai, theo ý Chúa hoặc ngoài ý Chúa. Người nhận thức không thể nhìn cuộc đời theo cách khác.

Mặt khác, người phục vụ sẽ tiếp cận thực tế với câu hỏi: “Tôi có thể làm gì để giúp đỡ trong hoàn cảnh này?”. Họ luôn chú ý các cơ hội để làm vì người khác.

Người dạy sẽ tìm kiếm sự thật trong những gì mình bắt gặp. Giống như Diogenes kiên cường trong văn chương Hy Lạp, xách đèn đi tìm người chân thật, người dạy sẽ điều tra, tìm hiểu và nghiên cứu.

Người cổ vũ sẽ thấy cơ hội để khuyến khích người khác với những gì họ làm.

Người cho sẽ tìm cách đầu tư về thời gian, tài năng và tiền bạc để cung cấp nhu cầu cho người khác.

Với tầm nhìn rộng, người quản lý sẽ nắm bắt mọi chiều kích của tình huống.

Người trắc ẩn sẽ nhận ra những nỗi đau cần được chữa lành và thấy rất nhiều cơ hội để bày tỏ tình yêu thương.

Và mỗi chúng ta có thể nghĩ rằng: “Tại sao người khác không thấy sự việc theo cách tôi thấy? Rõ ràng đối với tôi!”.

Tặng Phẩm Đưa Ra Một Viễn Cảnh Tổng Thể

Thiên Chúa có ý giới hạn và làm nổi bật năng khiếu của chúng ta để chúng ta phải hợp tác với nhau và phụ thuộc lẫn nhau mà cùng nắm bắt toàn bộ sự thật.

Bạn có nhớ chuyện sáu người mù xem voi? Một người sờ thân voi và nói con voi như bức tường. Người thứ hai sờ cái ngà và nói con voi như lưỡi gươm. Người thứ ba sờ cái vòi và nói con voi như như con rắn. Người thứ tư sờ cái chân và nói con voi như cái cây. Người thứ năm sờ cái tai và nói con voi như cái quạt. Người thứ sáu sờ cái đuôi và nói con voi như sợi dây. Chẳng ai đúng, cũng chẳng ai sai. Chỉ khi nào họ có các cách quan sát thì mới “thấy” cả con voi.

Với tặng phẩm thúc đẩy của chúng ta cũng vậy. Mỗi chúng ta đều mù đối với cách nhìn của người khác. Chúng ta sai khi nói rằng cách nhìn của chúng ta là đúng. Mỗi chúng ta cũng có phần đúng. Nhưng chúng ta không đúng hoàn toàn. Chúng ta cần biết quan niệm của người khác để thấy toàn bộ bức tranh.

Trong cách giới thiệu của chúng tôi về tặng phẩm thúc đẩy, chúng tôi không chỉ muốn giúp bạn phát hiện tặng phẩm của chính mình, mà còn quen biết với các tặng phẩm khác nữa: Người có các tặng phẩm khác nghĩ như thế nào, họ hoạt động như thế nào và làm lợi cho Nhiệm Thể Đức Kitô như thế nào. Chúng tôi tin bạn sẽ được phong phú hóa về cá nhân và trong các mối quan hệ bằng cách đạt được sự thấu hiểu.

Mọi Tặng Phẩm Đều Có Giá Trị Như Nhau

Hãy vẽ một vòng tròn. Giả sử vòng tròng biểu thị một chiếc bánh. Dĩ nhiên dễ cắt chiếc bánh thành sáu hoặc tám phần, nhưng chúng tôi muốn bạn cắt chiếc bánh thành bảy phần bằng nhau. Một thách đố? Hãy xem cách bạn có thể làm.

Nếu các lát bánh không cân xứng, hãy viết ra bên cạnh chiếc bánh: “Đây là những lát bánh bằng nhau”. Rồi đặt cho mỗi lát bánh một cái tên: Người nhận thức, người phục vụ, người dạy, người cổ vũ, người cho, người quản lý, hoặc người trắc ẩn.

Chúng tôi muốn bạn hiểu khái niệm về biểu đồ này: Mọi tặng phẩm đều bằng nhau. Tất cả tặng phẩm đều bằng nhau trước mặt Thiên Chúa. Chúng bằng nhau về giá trị trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Không tặng phẩm nào cao hơn hoặc thấp hơn tặng phẩm khác. Mỗi tặng phẩm đều góp phần vào việc thể hiện chức năng tập thể của Nhiệm Thể Đức Kitô. Nếu một tặng phẩm nào không hoạt động thì có sự thiếu sót, khiếm khuyết.

Bất cứ bạn được trao tặng phẩm thúc đẩy nào thì vẫn là tặng phẩm tốt nhất mà Thiên Chúa đã trao cho bạn để hoạt động theo mục đích của Ngài trong cuộc sống và để sinh ích lợi cho những người giao tiếp với bạn. Hãy tận hưởng năng khiếu của bạn! Hãy sử dụng năng khiếu của bạn! Hãy phát triển tài năng của bạn! Chúng tôi muốn trích dẫn câu này: “Chúng ta có là gì thì cũng là hồng ân Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, chúng ta tạo nên cuộc sống thế nào thì cũng là tặng phẩm chúng ta dâng lên Thiên Chúa”.

Sự thật là Thiên Chúa trao ban một số tặng phẩm nào đó thường xuyên hơn so với các tặng phẩm khác. Đó là vì nhiều người cần các chức năng nào đó. Chẳng hạn, cần có nhiều người đi theo hơn người lãnh đạo.

Tặng phẩm phổ biến nhất là lòng trắc ẩn – có thể vì có nhiều nhu cầu yêu thương trên thế giới. Các tặng phẩm phục vụ và cổ vũ đứng vị trí thứ hai. Nhiều người phục vụ cần có để công việc của Thiên Chúa được thực hiện, và chúng ta cần sự khuyến khích hàng ngày.

Nhưng chỉ có một số người có năng khiếu nào đó không có nghĩa là tặng phẩm đó quan trọng hơn. Tỷ lệ thấp hơn có nghĩa là tặng phẩm nào đó đặc biệt hơn. Mọi tặng phẩm đều quan trọng như nhau. Mọi tặng phẩm đều cần thiết. Mọi tặng phẩm đều là phúc lành, nếu được sử dụng đúng.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ)

Đã đăng báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, DCCT Hoa Kỳ, số 347, tháng 7-2015

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …