Home / Chia Sẻ / TÂN ƯỚC CÓ ỦNG HỘ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?

TÂN ƯỚC CÓ ỦNG HỘ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?

TÂN ƯỚC & CHỦ NGHĨA CỘNG SẢNNgười ta sử dụng Kinh Thánh để hỗ trợ bất cứ điều gì mình có thể nghĩ ra. Các nhà hoạt động của tất cả các loại đều tìm thấy nguyên nhân và niềm tin của họ trong đó, và thậm chí bao gồm cả những người cộng sản. Không, đó không phải là lỗi đánh máy. Một số người thực sự lập luận rằng Kinh Thánh dạy chủ nghĩa cộng sản. Cứ cho là vậy, họ không nghĩ rằng nó dạy mọi chi tiết về điều đó, nhưng họ xác định rằng những ý tưởng cốt lõi đều có ở đó. Để chứng minh điều này, họ thường dẫn chứng một số câu trong sách Công Vụ về đời sống Giáo Hội sơ khai. Ví dụ:

– “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 2:44-45)

– “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 4:32-35)

Thoạt nhìn, lập luận này có vẻ thuyết phục. Các tín hữu đầu tiên sống như những người cộng sản, vì vậy chúng ta cũng nên như vậy. Tuy nhiên, như thường lệ với những loại vấn đề gây tranh cãi này, mọi thứ gần như không rõ ràng như chúng ta tưởng. Thực ra có một số khác biệt cơ bản giữa đời sống Giáo Hội sơ khai và bất cứ thứ gì chúng ta có thể gọi là chủ nghĩa cộng sản một cách hợp pháp, vì vậy các tín hữu không cần phải nắm lấy hệ tư tưởng chính trị của Karl Marx.

  1. TỰ NGUYỆN

Lúc đầu, cách sống chung này là điều mà những người theo Thiên Chúa giáo thời sơ khai đã tự nguyện làm. Một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa cộng sản là chính phủ nên buộc loại bỏ quyền sở hữu tư nhân, nhưng Giáo Hội sơ khai không buộc điều này. Thật vậy, một văn bản quan trọng nói ngược lại hoàn toàn.

Ngay sau đoạn văn thứ hai đã trích dẫn trên đây, chúng ta đọc về hai vợ chồng tên là Khanania và Saphira. Họ bán đất đai của mình và đưa tiền cho các tông đồ để phân phối theo nhu cầu, nhưng họ bí mật giữ lại một phần cho riêng mình. Kết quả là Thiên Chúa đã khiến cả hai chết ngay tại chỗ. (x. Cv 5:1-11) Thoạt nhìn, điều này có vẻ có nghĩa là trên thực tế, Giáo Hội đã ép buộc chủ nghĩa cộng sản đối với các tín hữu, nhưng xem xét kỹ hơn thì thấy thực tế không phải như vậy. Khi Khanania đưa tiền cho các tông đồ, Thánh Phêrô nói: “Anh Khanania, sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao? Sao anh lại rắp tâm làm việc ấy? Anh đã không lừa dối người phàm, mà LỪA DỐI THIÊN CHÚA.” (Cv 5:3-4)

Tội của Khanania và Saphira không là giữ một số tiền cho riêng mình. Không phải vậy, như Phêrô đã nói, đất là của họ trước khi họ bán, và ngay cả sau khi họ bán, nó vẫn “thuộc quyền sở hữu của họ.” Tội của họ chỉ đơn giản là HỌ ĐÃ DỐI TRÁ. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc thực hành đời sống chung này là tự nguyện và mọi người không bắt buộc phải làm điều đó, điều này làm cho Giáo Hội sơ khai rất khác với chủ nghĩa cộng sản.

  1. BỐ THÍ

Tuy nhiên, đó không phải là sự khác biệt duy nhất. Ở những chỗ khác, Tân Ước cũng cho chúng ta biết khá rõ ràng rằng nhiều tín hữu ban đầu đã giữ lại ít nhất một số tài sản và tiền bạc của họ. Ví dụ, Thánh Phaolô đã lấy phần quyên góp từ Giáo Hội ở Côrintô để giúp đỡ những người nghèo ở Giêrusalem, (1 Cr 16:1-3) nhưng không thể thu tiền từ những người không có tiền. Nếu các tín hữu thời sơ khai bỏ tất cả tiền bạc và tài sản của họ vào quỹ chung thì Phaolô có thể chỉ lấy từ quỹ đó hơn là yêu cầu mọi người góp tiền riêng.

Tương tự, sách Công Vụ kể cho chúng ta biết về một phụ nữ đạo hạnh tên là Tabitha – nghĩa là Linh Dương, bà này “đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm.” (Cv 9:36) Trong tiếng Hy Lạp, từ được dịch là “hành động bác ái” theo nghĩa đen chỉ sự bố thí, vì vậy câu này có nghĩa là bà ấy đã thực hiện nhiều việc tốt lành và bố thí một cách hào phóng. Một lần nữa, người ta không thể bố thí nếu họ không có tiền, thế nên giống như phần quyên góp của Phaolô cho Giáo Hội ở Giêrusalem, bà Tabitha cũng cho thấy rằng không phải tất cả mọi người trong Giáo Hội sơ khai đều để tất cả tài sản và tiền bạc của họ vào quỹ chung.

  1. TÂN ƯỚC KHÔNG ỦNG HỘ CỘNG SẢN

Từ hai điểm này, rõ ràng KINH THÁNH KHÔNG ỦNG HỘ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN. Đúng vậy, một số tín hữu đầu tiên sống theo cách giống như cộng sản, nhưng điều đó rất khác với những gì chúng ta biết ngày nay là chủ nghĩa cộng sản. Thứ nhất, họ làm điều đó một cách tự nguyện và họ không tin rằng mọi người nên bị buộc phải sống như họ đã làm. Thứ hai, không phải mọi tín hữu thời Tân Ước đều sống theo cách đó, và không có tài liệu nào cho thấy những người chưa từng được coi là tín hữu hoặc ít sùng đạo hơn những người đã làm vậy. Các cộng đồng kiểu cộng sản này chỉ đơn giản là một cách để thực hiện mệnh lệnh của Chúa Giêsu là sử dụng tài sản để giúp đỡ người nghèo, nhưng rõ ràng Tân Ước xác định rằng có những cách khác vẫn hợp pháp để thực hiện lời dạy đó.

JP NUNEZ

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Sáng 06-10-2021

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …