Home / Chia Sẻ / TÂN NIÊN – TÂN NHÂN

TÂN NIÊN – TÂN NHÂN

+ TÂN NIÊN – TÂN NHÂN [1]Có lần Chúa Giêsu đã xác định với ông Ni-cô-đê-mô: “Tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (Ga 3:5-6).

Tái sinh là đổi mới, biến đổi, thay đổi, canh tân. Năm mới thì con người cũng cần mới. Rất hợp lý: Tân Niên thì cũng có Tân Nhân. Năm mới đổi mới thì con người cũng cần mặc lấy canh tân: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4:23-24). Và “con người mới” đó là “con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Cl 3:10).

Tiền nhân thường dùng thuật ngữ “tống cựu, nghinh tân” mỗi khi năm hết, tết đến – đuổi cái cũ, đón cái mới. Điều đó cho thấy người ta muốn thay đổi cho tốt đẹp hơn. Anh ngữ có cách chúc mừng năm mới là Happy New Year, nếu thay đổi một chút thành Happy New You thì vừa hay vừa thú vị. Tại sao?

Về cách phát âm gần giống nhau thì dễ nhận thấy: Chữ YEAR phát âm “na ná” chữ YOU. Về ý nghĩa thì trừu tượng hơn: New You có thể hiểu là “con người mới”, tức là chính mình phải đổi mới. Đổi mới không chỉ là việc khó mà còn cần thiết cho cuộc sống xã hội và cá nhân mỗi người: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cấp độ tăng dần, từ nền tảng bản thân rồi mới tới xã hội.

Thi sĩ Xuân Diệu có một triết lý “ngược đời” nhưng thú vị:

Xuân đang đến là Xuân đã qua

Xuân còn non là Xuân đã già

Thoạt nghe, có thể bạn khó chấp nhận, nhưng suy nghĩ thấu đáo thì bạn sẽ thấy cái hữu lý trong cái vô lý, cái thuận trong cái nghịch. Cuộc sống có những điều là thuận-lý-nghịch thì cũng có những điều là nghịch-lý-thuận. Cũng vậy, nhất là từ khi Thuyết Tương Đối của Albert Einstein được công bố năm 1916, người ta mới khả dĩ “ngộ” ra rằng mọi thứ đều tương-đối-tuyệt-đối và tuyệt-đối-tương-đối. Chỉ có Lời Chúa mới tuyệt đối, một chấm một phẩy cũng không sai: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18).

Xuân đang đến là Xuân còn trẻ, nghĩa là Xuân còn non, vậy mà Xuân lại hóa già. Thật là nghịch nhĩ! Thế nhưng vẫn rất chí lý. Dịp vui nọ, ngày lễ kia, người ta rất vui mừng vì háo hức chờ đợi, nhưng đến chính ngày thì lại hóa bình thường, đôi khi còn tẻ nhạt. Vài ngày trước tết, bạn cảm thấy phấn khởi, thế mà chính ngày tết đôi khi chúng ta có thể thấy “vô vị” hoặc “vô cảm”. Chính sự chuẩn bị khiến lòng bạn náo nức, cái mệt lúc đó hóa thành niềm vui sướng. Nhưng đến ngày tết, có thể bạn lại không còn hứng thú. Sự chờ đợi khiến người ta khao khát, muốn “làm mới” cái gì đó.

Người ta cũng thường nói: “Được voi, đòi tiên”. Cái gì chưa sở hữu thì người ta muốn có, khi sở hữu rồi thì người ta thấy bình thường hoặc chán nản ngay. Con người rất dễ “thay lòng, đổi dạ”.

Thay đổi có thể mang nghĩa xấu. Thay đổi cũng có nghĩa tốt, đó là canh tân, là đổi mới. Có đổi mới chính mình thì mới khả dĩ làm những điều khác: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hiểu theo nghĩa tốt và tích cực thì rất cần thiết. Học yếu thì phải cố chăm chỉ, yếu đau thì phải bồi dưỡng, lười biếng thì phải ráng chịu khó,… Người ta luôn phải trau dồi mọi lĩnh vực để vươn lên, để khá hơn, cả tinh thần lẫn thể lý, nghĩa là phải không ngừng cố gắng thay đổi chính mình: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Thánh Phaolô khuyên: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4:23). Một trong ba Mệnh lệnh Fátima cũng có điều kiện canh tân: “Canh tân đời sống”.

Điều đó cho thấy rõ ràng việc tích-cực-đổi-mới-chính-mình rất quan trọng, trong cả đời sống bình thường và đời sống tâm linh.

Năm mới, người ta làm mọi cách để đổi mới bề ngoài: Mua sắm đồ dùng, dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ,… chí ít cũng có một bình bông dù cả năm không hề có cánh hoa nào trên bàn. Ít nhiều gì cũng có sự đổi mới. Tinh thần cũng đổi mới bằng cách nhìn nhau thân thiện hơn, dù lâu nay nhìn nhau bằng “ánh mắt mang hình viên đạn”. Bỏ qua lỗi lầm của nhau cũng là đổi mới nhau.

Chúa Giêsu luôn muốn mọi người thay đổi, từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Ngài kêu gọi đổi mới bằng nhiều cách: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23); “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15); “Đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa” (Ga 14:1). Kinh Thánh còn liệt kê nhiều phương thức đổi mới khác.

Thánh Phaolô cũng hay nói về sự đổi mới: “Anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá” (Cl 3:9-10).

Muốn đổi mới hay canh tân thì phải cầu xin Chúa Thánh Thần, vì chính Thánh Linh là Đấng đổi mới mọi sự. Chính Chúa Giêsu đã từng khuyến cáo: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Nghĩa là chúng ta phải học với Chúa, vì Ngài luôn nhân hậu và khiêm nhường (x. Mt 11:28-30).

Nếu chúng ta không thay đổi, không đổi mới, không canh tân thì thật dại dột: “Ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16). Nhưng nếu chúng ta ỷ sức mình cũng là mối nguy hiểm, vì đó là kiêu ngạo, mà kiêu ngạo là đầu mối mọi tội lỗi. Hãy bắt chước thánh Phaolô với niềm xác tín: “Tôi có làm được gì thì cũng là nhờ ơn Chúa” (1 Cr 15:10). Thật vậy, “tất cả đều là hồng ân” (Rm 4:16).

Con người quá yếu đuối, đôi khi chúng ta cảm thấy thực sự thất vọng về chính mình, nhưng chớ có bao giờ tuyệt vọng. Hãy tự nhủ như cố Ns Trịnh Công Sơn: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”. Với kinh nghiệm “xương máu” đầy mình, Thánh Phaolô đã quả quyết: “Ở đâu nhiều tội lỗi thì ở đó nhiều ân sủng” (Rm 5:20). Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh Faustina về Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn cả tội lỗi của cả nhân loại. Hãy vững tin như vậy! Biết tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót là đổi mới chính mình, là canh tân đời sống.

Vì Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4:8 & 16), là Đấng giàu Lòng Thương Xót, chắc chắn Ngài không bỏ mặc chúng ta “đơn thương độc mã” trong trận chiến cam go với ba thù đâu. Hãy luôn đọc câu “thần chú” này: “ĐỪNG SỢ!” (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Gs 10:25; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13;Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18).

Chúc mọi người đổi mới cùng năm mới

Thánh thiện hơn cho đẹp Ý Chúa Trời

Năm cũ đi, bao ưu sầu qua hết

Năm mới về, cuộc sống vẫn tuyệt vời

Là Kitô hữu nhưng sống giữa đời, đó là một ơn gọi làm nhân chứng về Thiên Chúa. Đức Giêsu căn dặn: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy phải KHÔN như rắn và ĐƠN SƠ như bồ câu” (Mt 10:16).

Năm mới, cầu chúc mỗi chúng ta cũng khả dĩ đổi mới từ trong ra ngoài, đổi mới thực sự. Đổi mới để làm gì? Đổi mới để có thể sống tích cực hơn, làm đẹp lòng Thiên Chúa và đẹp lòng tha nhân.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN