Home / Chia Sẻ / TẢN MẠN ĐÔI DÒNG

TẢN MẠN ĐÔI DÒNG

TanMan DoiDongMùa đi. Mùa về. Cứ luân phiên theo dòng chảy thời gian. Trái tim nhịp tĩnh, nhịp động. Niềm vui nhẹ nhàng, nỗi buồn sâu lắng quyện vào trầm tư. Cõi lòng đôi khi bộn bề như căn phòng chưa dọn dẹp kịp. Con người yếu đuối nên luôn cần nghị lực để vươn lên. M. Blanchecotte khuyên: “Hãy tưởng như mình sắp chết và hãy hành động như mình bất tử”. Thâm thúy và chí lý thay!

Thế kỷ XXI, mọi thứ đều hiện đại. Công việc gì cũng cần có kiến thức. Trẻ hóa cơ cấu. Ai cũng phải chạy đua. Tình yêu cũng hiện đại hóa, cũng bấm nút điều khiển từ xa, thậm chí có thể thực tế hóa và thương mại hóa. Ngày xưa người ta len lén trao nhau thư tình màu mực tím mồng tơi. Dễ thương làm sao thuở vụng dại, lóng ngóng! Nhịp tim loạn xạ như nhịp trống khua dồn đêm lễ hội của dân bản cao nguyên mà không dám ngỏ lời. Nhịp trẻ hòa với nhịp sống quê hương và thế giới. Con người như được “cài đặt chương trình” phần tiếng nói: Anh, Pháp, Hoa, Đức, Tây ban nha,…

Không tránh khỏi người khen, kẻ chê. Microsoft cũng cập nhật kiểu “thay như thay áo”. Ngày xưa người ta hò hẹn nhau đi chơi bằng xe đạp mà vẫn đẹp như nhạc, mộng như thơ, vẫn yêu nhau như điếu đổ, bất luận giàu nghèo. Ngày nay người ta viết thư tình cho nhau bằng e-mail, qua SMS, tìm nhau qua các website, internet. Muốn hẹn hò ít ra phải có “xế nổ”, thậm chí là phải xe “xịn” thì tình yêu mới “bền”! Nhớ nhau thì quay số để điện đàm, có thể là điện thoại truyền hình hoặc webcam,… Nhờ đó mà nỗi nhớ được “xoa dịu” nhiều hơn vì có thể thấy hình ảnh sống động của nhau chứ không chỉ qua nét chữ như xưa. Cái gì cũng có nét độc đáo riêng!

Khoa học tiến bộ cho phép con người lên cung trăng như cơm bữa. Các khoa học gia còn tìm cách chinh phục sao Hỏa. Biết đâu mai mốt người ta có thể đi uống café trên mặt trăng hoặc một hành tinh nào đó chẳng hạn. Nếu vậy thì thật thú vị. Theo tiến độ khoa học phát triển, không ai có quyền giậm chân tại chỗ. Vấn đề là muốn hay không, vì người Pháp có câu: “Vouloir, c’est pouvoir” (muốn là được).

Nhìn những kỳ quan thế giới, thấy những thành tựu khoa học – dù chỉ qua báo chí hay truyền hình, chúng ta đã phải từ kinh ngạc này tới kinh ngạc khác mà không khỏi trầm trồ khen ngợi, thán phục. Cái gì hôm qua bất khả dĩ thì hôm nay trở nên khả dĩ.

Trong cuộc sống, có người may mắn, có người kém may mắn. Đau khổ có ý nghĩa riêng của nó. Đó cũng là một quy-luật-muôn-đời mặc vẻ nhiệm mầu mà trí tuệ con người không thể hiểu thấu. Chỉ có những tâm hồn vĩ đại mới cảm nhận được. Có thất bại, có nuối tiếc để biết không ngừng vươn lên. Có điều sai trái để biết đâu là lẽ phải. Có đau khổ mới biết thế nào là hạnh phúc. Có chiến bại mới thấy phải cố gắng để chiến thắng. Và còn rất nhiều những triết-lý-sống, những triết-lý-cuộc-đời khác. Tưởng chừng mâu thuẫn mà lại rất hợp lý. Một loại nghịch-lý-thuận.

Đừng vội trách người kia, kẻ nọ, hoặc khinh miệt người khác – dù chỉ qua một ánh mắt. Đó là những bài học vô giá, khó có thể lý giải theo cách hiểu thông thường và đơn giản của những bộ óc nông cạn, thiển cận. Có những con người rất bình thường nhưng họ không hề tầm thường. Những chú gà nòi lại có bộ lông xác xơ. Học giả Lê Quý Đôn so sánh: “Ai tâng bốc thạo tất chê bai thạo”.

Mưa về xanh biếc. Khơi nguồn bao ước mơ đẹp. Nắng soi những suy tư lắng đọng và bổ ích. Nhìn lại để biết rõ cái hữu hạn của chính mình mà không bị ảo tưởng làm sai lệch. Đức Khổng Tử dạy: “Có lỗi mà không sửa mới thành ra có lỗi”. Có lỗi hay không, dù nặng hay nhẹ, đó chưa là vấn nạn. Điều quan trọng là biết can đảm đứng dậy, phục thiện, nhìn về phía trước, sẵn sàng lên đường…

Cứ sống chân thành và cứ là chính mình. Khoa học tiến bộ, con người cũng phải canh tân hằng ngày. Nhân vô thập toàn, có thể đôi khi cảm thấy thất vọng, nhưng đừng tuyệt vọng!

Một ngày. Một tuần. Một tháng. Một năm. Cũng khoảng thời gian ấy, nhưng có khi thấy mau, có lúc thấy lâu. Thời gian như bóng câu, đời người tưởng dài mà ngắn, và rồi ai cũng “trăm năm vào chết một ngày” (Cát bụi – Trịnh Công Sơn), nhìn thực tế chỉ còn “một nấm cỏ khâu xanh rì” (Cung Oán Ngâm Khúc – Nguyễn Gia Thiều), nhưng chết không phải là hết. Trong ca khúc Bài Không Tên số 4, nhạc sĩ Vũ Thành An (nay là Phó tế vĩnh viễn và sáng lập Tu hội Thánh Têrêsa) nhận định: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa”. Thực tế buồn ấy nhắc nhở chúng ta nhiều điều…

Cả bạn và tôi, hãy quyết tâm sống vì mình và vì mọi người, xóa bỏ hận thù, xích lại gần nhau, thắt chặt tình thân ái hơn nữa, thể hiện văn hóa sự sống, bảo vệ công lý và tạo lập hòa bình đích thực. Đừng trì hoãn, đừng lần lữa! Vì Thiên Chúa đã cảnh báo: “Vì ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16).

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN