Đầu đề bài viết hơi lạ một chút. Bình thường người ta hay nói: ”Xuân và tuổi trẻ”, đến nỗi có cả một bài hát quen thuộc của La Hối được hát lên mỗi mùa xuân về.
“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng”
Ca khác ngợi ca tiết trời vào xuân thật đẹp đẽ tươi thắm, mùa xuân cũng làm cho lòng người nao nức hân hoan.
Tuổi trẻ, người trẻ mang sức sống mới căng tràn nhựa sống, như Mùa Xuân mới đang về khắp phố phường, khởi đầu cho một năm Mậu Tuất 2018 may lành hạnh phúc.
Nhưng Mùa xuân theo cái nhìn của người già có chút buồn. Chúng tôi được gợi hứng viết những dòng này từ chuyến thăm quý cha hưu dưỡng nhân dịp Tết.
Có thể nói, mùa xuân của người già cũng thế thôi, cũng những ngày tết trôi qua bình dị lặng lẽ. Dường như người già không có sự mong mỏi chờ đón Mùa Xuân. Xuân với người già trầm lặng hơn, thường quy về gia đình tình nghĩa, đón con cái trở về quê ăn tết. Mùa xuân với người già buồn vì “mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi”, tuổi càng cao, sức khỏe càng cạn kiệt hao mòn, tâm trí lẩn thẩn, có lúc nhớ lúc quên, rồi lại đến ngày phải ra đi theo định luật tự nhiên.
Những năm gần đây, nếu người viết nhớ không lầm, hình như công ty bánh kẹo Kinh Đô mỗi dịp tết lại đưa ra video clip quảng cáo trên truyền hình. Hình ảnh được xem là khá ý nghĩa, thấm đậm sắc thái Tết Việt. Ở quê nhà, ông bà cụ chuẩn bị mọi thứ đón con cháu về dịp Tết. Nào là cắt tỉa cành mai, gói bánh chưng bánh tét, mâm cúng ngũ quả, các loại bánh quy, hạt dưa, kẹo mứt… Đương nhiên phải có các loại bánh của Kinh Đô nữa chứ. Ông bà già mong mỏi từng ngày con cháu trở về sum họp gia đình. Ngày cận tết, khoảng 28 tháng chạp, bà cụ nghe điện thoại của anh con trai gọi về. “Mẹ ơi, chúng con còn nhiều công việc phải giải quyết, chắc năm nay chúng con không dẫn các cháu về quê ăn tết với ông bà được”. Nghe được tin này, hai ông bà già ở quê buồn rầu “Cái gì cũng có chỉ thiếu chúng nó”. Đoạn phim quảng cáo kết thúc với câu slogan “Tết Kinh Đô- tết sum vầy”. Cuối cùng gia đình anh con trai của ông bà cũng thu xếp công việc được để về quê.
Câu chuyện nói lên thực tế của mỗi gia đình chúng ta trong dịp Tết đến xuân về.
Ngày Tết trước hết là ngày của tình nghĩa gia đình. Người già mong mỏi con cháu về thăm, chúc tuổi ông bà. Hình ảnh đầy đủ ý nghĩa nhất vẫn là hình ảnh gia đình con cháu ông bà quy tụ bên mâm cơm ngày tết.
Ông bà nhiều khi chẳng đi làm, không có bao nhiêu tiền nhưng mỗi khi con cái cho tiền mua thuốc thang lại dành dụm, đợi tết đến, ông bà cũng có bao đỏ lì xì cho các cháu vui vẻ.
Người già sống vì tình, vì nghĩa, lúc nào cũng yêu thương con cháu trong gia đình. Cho nên, người già nhiều khi cũng chẳng buồn vì tuổi tác cộng thêm, đầu thêm bạc trắng phất phơ. Họ mong tết có lẽ vì, tết được gặp gỡ các cháu, chuẩn bị bữa cơm gia đình ấm cúng, họ cũng lấy làm vui sướng được phục vụ con cháu.
Bà nội tôi mất cách đây hơn chục năm. Lúc trước khi bà còn sống, bố tôi lại trách bà “Mẹ già rồi, chân tay đau, đừng nấu bánh chưng nữa. Mẹ cứ ra chợ mua về, thiếu gì, hơn nữa các cháu chẳng ăn bao nhiêu đâu, làm chi cho cực”. Dù bố tôi nói vậy, nhưng năm nào bà nội cũng nấu bánh chưng, cho mỗi gia đình các con một cặp. Nhà nội tôi ở dưới quê đất đai rộng rãi nên mỗi năm cứ 23 tết được nghỉ học, anh em chúng tôi lại được về ở luôn với bà. Năm nào bà cũng nấu bánh chưng. Các anh chị em họ chúng tôi cùng với cô chú lại canh nồi bánh chưng suốt đêm.
Chúng tôi bắt gặp được những cảm xúc miên man khi mùa xuân về, đi thăm quý cha hưu dưỡng vào những ngày trước Tết cổ truyền. Các linh mục hưu, Xuân về lại có chút quà thăm hỏi của giáo dân giáo xứ cũ, nơi các ngài đã từng phục vụ. Đó cũng là những nghĩa cử tốt đẹp thể hiện lòng biết ơn. Trước đây các ngài đã hết mình cống hiến cho Giáo hội, tận tình phục vụ đoàn chiên Chúa giao phó, nay các ngài đang nghỉ ngơi lặng thầm trong cầu nguyện. Dịp Tết chúng ta cần phải nhớ đến các ngài, và trong nhiều dịp đặc biệt khác nữa. Những món quà, tiền bạc chẳng đáng là bao nhiêu nhưng cũng làm ấm áp tấm lòng các ngài. Chính những thăm hỏi đó làm gia tăng niềm vui cho tuổi già các ngài.
Giáo phận Long Xuyên có truyền thống tốt đẹp từ nhiều năm qua. Hằng năm vào ngày lễ thánh Gioan Tông đồ 27.12, quý cha hưu ở khắp nơi trong giáo phận về nhà hưu dưỡng Linh Mục tại Giáo xứ Cần Xây, cùng tham dự ngày ghi ân các vị Chủ Chăn đã dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa và Hội Thánh. Thánh lễ do chính Đức cha giáo phận Giuse Trần Xuân Tiếu chủ sự, bên các cha hưu dưỡng có thân nhân, ân nhân và bà con giáo dân. Đó là thể hiện lòng hiếu thảo với các chủ chăn của toàn giáo phận.
Thiết nghĩ, những thánh lễ thể hiện lòng tri ân cần phải nhân rộng thêm nơi các giáo phận, giáo xứ, các giáo hạt, nhờ đó người trẻ luôn thấy được và biết ơn các vị Chủ chăn đã nghỉ hưu.
Các giáo xứ của chúng ta trải qua thời gian luôn có những công lao khó nhọc của các vị Chủ Chăn, mồ hôi và nước mắt, nên chăng chúng ta phải nói lời tri ân. Hơn nữa, chúng ta là những người kế thừa phải làm cho giáo xứ mình càng đẹp đẽ khang trang hơn, không những về cơ sở vật chất nhưng về tinh thần lòng đạo, sự hăng say nhiệt tình của cộng đoàn đức tin.
Ngày xưa, ở tiểu học chúng ta đã học thuộc lòng câu ca:
“Ăn một bát cơm
Nhớ người cày ruộng
Ăn đĩa rau muống
Nhớ người đào ao
Ăn một quả đào
Nhớ người vun gốc
Ăn một con ốc
Nhớ người đi mò
Sang đò,
Nhớ người chèo chống
Nằm võng,
Nhớ người mắc dây
Đứng mát gốc cây
Nhớ người trồng trọt.
Người già trong gia đình, chúng ta cần phải trân trọng, các ngài thích làm gì chúng ta cứ để cho các ngài vui niềm vui của tuổi già. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài luôn sống thọ với con cháu.
Trên mạng có những bài viết cảm động đại loại như: Bạn còn có thể ngồi ăn cơm ngày tết với ba mẹ được bao nhiêu lần nữa?
Có một bạn trẻ du học sinh tâm sự như sau:
“Tất cả những gì tôi đang cố gắng nơi đây sẽ là món quà xuân vô giá gửi về quê nhà cho cha mẹ tôi, tôi tin là vậy. Ai đó nói con cái là mùa xuân của cha mẹ, nhưng với tôi, cha mẹ mới chính là mùa xuân của con. Bởi lẽ mùa xuân là mùa của niềm vui, hạnh phúc. Và còn cha còn mẹ là còn niềm vui, hạnh phúc, là còn có Tết. Cha mẹ như mùa xuân tưới mát cho tâm hồn con luôn tươi trẻ.
Những ai còn cha, còn mẹ, xin đừng chê Tết nhạt. Tết nào còn cha mẹ thì Tết ấy vẫn còn rất đậm, đậm tình yêu thương gia đình. (Nguyễn Thái Hòa, Pháp)
Với những đấng bậc trong Giáo hội đang trong tuổi già, đoàn chiên ở các giáo xứ mà các ngài đã phục vụ, hãy thể hiện lòng biết ơn, chịu khó lui tới thăm viếng các ngài.
Một linh mục chưa đến tuổi đi nghỉ hưu chia sẻ: “Anh còn trẻ chưa thấy được sự cô đơn của tuổi già. Mọi người chỉ đến thăm anh một chút lại trở về với gia đình của họ. Nhất là những ngày Tết, mỗi người đi một nơi. Ông bà cha mẹ trong gia đình thì còn có các con các cháu bu quanh mình. Đi tu như mình đâu có con cháu ruột rà thân thích. Mình chỉ là chú, là bác của các cháu. Chúng nó thăm nom bố mẹ nó trước rồi mới tới mình. Tôi nhìn viễn ảnh nghỉ hưu vào ngày tết thì buồn lắm. Tôi ước gì được nghỉ hưu ở một nhà hưu gần một xứ đạo, ngày ngày được nghe tiếng kinh cầu, thánh lễ, nhìn qua tường rào thấy các em thiếu nhi đi học giáo lý. Thấy những cảnh đó để biết rằng cuộc sống mình không bị giam hãm trong bốn bức tường của buồn chán.
Niềm vui tuổi già là làm những gì mình thích, có cha thì viết sách, làm thơ, có cha thì thường xuyên đi công tác từ thiện phát quà cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa hẻo lánh. Có cha tuy nghỉ hưu nhưng ngày nào cũng đi dâng lễ các giáo xứ, ngày chủ nhật có khi ngài làm tới 3 lễ.
Mùa xuân về, thiết nghĩ các gia đình, các xứ đạo cần phát huy tinh thần đền ơn đáp nghĩa, thể hiện lòng biết ơn, trân trọng người già, tiếp nối công việc mà các ngài để lại, cùng nhau xây dựng gia đình tình nghĩa, thủy chung gắn bó với nhau, cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng.
Giuse Nguyễn Bình An