Home / Chia Sẻ / Tản mạn chuyện nhà đạo : TRI ÂN CÁC GIÁO LÝ VIÊN

Tản mạn chuyện nhà đạo : TRI ÂN CÁC GIÁO LÝ VIÊN

glv20 tháng 11, ngày nhớ về những người thầy. Ai trong chúng ta chắc còn nhớ mãi hình ảnh cô giáo cầm tay mình nắn nót từng con chữ, ê e đánh vần trong lớp học, giúp cho ta luyện chữ đẹp, tập viết cho ngay ngắn thằng hàng thẳng lối.

Chúng ta cám ơn những người thầy dạy tri thức, kiến thức chuyên môn, truyền đạt cho ta có một nghề nghiệp để làm việc và nuôi sống bản thân.

Xin dâng lên thầy cô những bông hoa của lòng biết ơn sâu xa, để chúng ta tiếp nối bước đi trong hành trình đời sống, cùng học hỏi, cùng khám phá, trải nghiệm và sống có  ích cho đời, dấn thân phục vụ, trở nên con người tử tế, có văn hóa lễ nghĩa.

Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam, suy tư về những người thầy, những “kỹ sư tâm hồn” của con người. Chúng tôi suy nghĩ một chút hình ảnh những Giáo Lý Viên, những người thầy truyền dạy đức tin cho các em thiếu nhi hiện nay tại giáo xứ.

Những Giáo Lý Viên, hay là các anh chị Huynh Trưởng của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đang miệt mài dạy cho các em đời sống đạo, truyền đạt đức tin, truyền cho các em niềm vui và hạnh phúc được làm con cái Chúa.

Trước hết chúng ta biết rằng, mỗi người Kitô hữu khi nhận lãnh đức tin qua Bí tích Rửa tội có bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác, đó là sứ mạng loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh. Chúa Giêsu sai chúng ta ra đi, Ngài nói với các tông đồ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc  16, 15)

Thật vậy, truyền giáo là chia sẻ về Chúa cho người khác, để họ cũng nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương và họ cũng tin nhận Ngài như chúng ta.

Tại các giáo xứ trong tổng giáo phận Sài Gòn, hầu hết có những anh chị Giáo Lý Viên, Huynh Trưởng đang đảm nhiệm việc dạy Giáo lý cho các em thiếu nhi thiếu niên. Họ thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng việc dạy giáo lý, giúp cho người khác sống đức tin, nuôi dưỡng đức tin. Bên cạnh những anh chị dạy Giáo lý cho thiếu nhi, còn có những anh chị Giáo lý viên dạy Giáo Lý Hôn nhân và dự tòng. Trong đội ngũ các Giáo Lý Viên có quý thầy, quýsơ tại giáo xứ.

Nhìn chung, Giáo lý viên cũng là những người thầy, người cô ở trong giáo xứ, đang truyền đạt cho các em thiếu nhi những nền tảng giáo lý. Nhưng hơn ai hết, họ sống đức tin vào Chúa như thế nào, thì họ chia sẻ với các em học viên như vậy.

Trước  tiên, Giáo lý viên phải yêu mến Chúa và cũng yêu mến các em thiếu nhi, say mê với những trò chơi sinh hoạt giáo lý, có tinh thần làm việc tông đồ hăng say.

Việc dạy giáo lý của các Giáo lý viên cũng được xem là công việc “ vác tù và hàng tổng”, gian nan vất vả nhiều, cùng với hy sinh thời giờ, các anh chị hy sinh những “cuộc vui” để đến với các em.

Xem ra, các Giáo lý viên dạy giáo lý thiếu nhi dành hết cả ngày Chủ nhật cho sinh hoạt Giáo Lý. Một bạn Giáo lý viên L. kể cho chúng tôi chương trình ngày Chúa nhật như sau:“Từ 6g 30 sáng cho đến 11g 30 chúng em tham dự thánh lễ và dạy giáo lý. 12 giờ về nhà nghỉ một chút. Sau đó khoảng 1 giờ, lên nhà thờ tham dự  khóa bồi dưỡng Giáo Lý Viên, chiều 15g30, chúng em chầu Thánh Thể của cả đoàn thiếu nhi. Em đang học đại học năm nhất. Ngày Chủ nhật, em bỏ bài vở qua một bên, dành trọn vẹn một ngày cho Chúa”.

Chúng tôi biết, đấy là bạn chưa kể giờ họp hành trong ban giáo lý, những sinh hoạt ngoài trời, những buổi tĩnh tâm hàng tháng, những buổi gặp gỡ làm việc với cha sở, những giao lưu với các anh chị Giáo lý viên khác nữa…Nhìn chung các bạn mất rất nhiều thời giờ cho nhà thờ nhà xứ.

Có một cha sở tâm sự: “Đành rằng, việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi trước hết là bổn phận của cha sở và các bậc phụ huynh. Nhưng các bạn Giáo Lý Viên đã giúp cho chúng tôi dạy giáo lý cho các em, tôi rất vui. Qua đó, chúng ta thấy các anh chị Giáo Lý Viên ý thức sứ mạng Truyền Giáo của mình. Đó là chia sẻ đức tin cho người khác. Vì vậy, tôi hết lòng hướng dẫn giúp đỡ các anh chị Giáo Lý Viên, trang bị cho các anh chị những hiểu biết Thánh Kinh – Giáo lý. Tôi biết ơn và trân trọng công việc của các anh chị Giáo lý viên trong giáo xứ. Vì họ đã gánh vác đỡ cho tôi công việc giáo lý, không có các anh chị, các cha sở phải làm hết mọi chuyện, mệt mỏi hơn nhiều”.

Giáo lý cũng như thầy giáo như ở trường học, nhưng ở giáo xứ lại khác. Việc truyền đạt đức tin phải khởi đi từ lòng yêu mến Chúa, tin có Chúa hoạt động qua những giờ giáo lý. Vì học giáo lý không phải là chỉ dạy kiến thức suông, nhưng chúng ta tin tưởng vào ơn Chúa Thánh Thần đang hoạt động qua những buổi giáo lý. Giáo lý viên chia sẻ cho người học những gì mình tin, những cảm nghiệm đức tin, kể câu chuyện mình đã gặp Chúa Giêsu Phục sinh như các tông đồ năm xưa.

Trong những giờ giáo lý các anh chị Giáo Lý Viên cùng cầu nguyện với các em, để cho Chúa Thánh Thần giúp cho các học viên hiểu về Chúa. Các anh chị Giáo lý viên cần nhắc nhở các học viên về những phút giây thinh lặng cầu nguyện đầu giờ và cuối giờ. Và điều quan trọng, sau mỗi bài giáo lý chúng ta thực hành việc sống đạo qua những tâm tình với Chúa và Hội Thánh. Vì học hỏi Giáo lý là đưa chúng ta đến gặp gỡ chính Đức Kitô. Cả người dạy và người học cũng có thêm những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trong cuộc đời của mình.

Ở trường học, chúng ta có thể thấy các thầy cô giáo khó chịu phách lối, bắt nạt trẻ, đòi hỏi “quà cáp” trong ngày lễ, thậm chí bạo hành đánh trẻ. Các giáo lý viên giáo xứ bao giờ cũng nhẹ nhàng, vui tươi và  niềm nở đón tiếp các em, tình yêu  thương phục vụ vô điều kiện. Cho dầu vậy, các giáo lý viên vẫn bị hiểu lầm, cũng bị mang tiếng là : “khó tính hơn cả cha sở”. Các bậc phụ huynh vẫn nhận xét “ màu mẻ bày vẽ ra nhiều chuyện” nhất là trong thi khảo giáo lý các em lớp thêm sức chẳng hạn. Như vậy, các giáo lý viên thực sự là những người bạn của các em thiếu nhi, cùng nhau học hành dưới mái trường mềm mỏng yêu thương của Thầy Giêsu “hiền lành và khiêm nhương”. Đó phải chăng là mô hình sư phạm thân thiện. Vì tinh thần phục vụ tông đồ, các anh chị Giáo lý viên luôn thao thức mong muốn đem Chúa đến cho người khác chấp nhận hy sinh thiệt thòi cho mình.

Đến đây, chúng tôi nhớ đến lời Thánh Phaolô nói về sứ mạng loan báo Tin Mừng của người Kitô hữu : “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi?  Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. (1 Cr 9, 16-18)

Thực ra, chia sẻ đức tin, nói về Chúa cho người khác là bổn phận hàng đầu của mọi người Kitô hữu, nhưng các anh chị Giáo Lý Viên đã mau mắn đón nhận sứ mạng ấy với lòng hăng say. Họ là những Kitô hữu tích cực đang mang Chúa đến mọi nơi, chiếu soi ánh sáng Tin Mừng nơi tâm hồn các bạn nhỏ, khơi dậy tình yêu thương huynh đệ, những ngươi mang trong mình tình yêu Chúa nồng nàn, muốn xây dựng thế giới tốt đẹp hơn bằng những giá trị của Tin Mừng.

Giáo lý viên dạy các em thiếu nhi “nói không”với tội lỗi,  từ bỏ những thói quen xấu, tính ươn lười, lòng ích kỷ, giữ gìn tâm hồn các em luôn được trong sạch chân thật, biết quy hướng về Chúa và phát triển đời sống cầu nguyện.

Có một giáo xứ mừng ngày 20.11 thật ý nghĩa. Chúa nhật trước đó, cha sở tổ chức một ngày tri ân các anh chị Giáo Lý Viên. Ngày đó không có những món quà giá trị, đơn giản chỉ là những bông hoa  các em tặng cho các anh chị giáo lý viên mà cha sở và HĐMVGX chuẩn bị. Sau đó là vài lời cầu chúc của cha sở cùng với các em thiếu nhi.

Như thế, các em siêng năng học hỏi giáo lý hơn. Ngày đó cũng nhắc nhớ các anh chị Giáo Lý Viên sứ mạng của mình rất quan trọng, cần phải chuẩn bị bài vở thật kỹ cho giờ dạy giáo lý. Nhưng hơn nữa, chúng ta phải chuẩn bị bằng một đời sống Kitô hữu mẫu mực tốt lành. Đời sống người Giáo lý viên cũng là một chứng nhân Tin Mừng cho những gì mình đã nói và chia sẻ về Chúa.

Chuyện kể rằng : Tại một thành phố nhỏ nước Pháp vào thời Đệ Nhị Thế Chiến. Một anh lính đi ngang qua một ngôi nhà thờ đã bị tàn phá vì chiến tranh. Khi bước qua những đống gạch vụn nằm ngổn ngang trên nền nhà, anh cố gắng hình dung ra hình ảnh của ngôi thánh đường trước khi bị đổ nát. Anh đưa mắt nhìn quanh và bắt gặp một pho tượng vẫn còn đứng vững. Đến gần hơn để nhìn cho kỹ và anh nhận ra đó là pho tượng Chúa Giêsu với hai cánh tay giang rộng như muốn ôm cả thế giới. Pho tượng vẫn còn nguyên vẹn, chỉ trừ đôi bàn tay bị gãy. Trầm lặng một vài phút trước bức tượng sứt mẻ đó, bỗng dưng anh cảm thấy như có tiếng Chúa nói với anh : “Từ nay con hãy là bàn tay của Cha.” Cảm động trước lời mời gọi đó, anh liền lấy một viên đá, viết hàng chữ ấy trên một tấm gỗ và đặt dưới chân pho tượng Chúa Giêsu. 

Như ngôi nhà thờ kia bị tàn phá và đổ nát vì chiến tranh, biết bao tâm hồn con người ngày nay cũng đang bị tan nát và mất mát trước cám dỗ và những ảnh hưởng không tốt của một thế giới sa đọa, cả những tâm hồn tan nát vì thiếu tình thương của gia đình và của những người thân. Đứng trước những tình cảnh này, Chúa Kitô đang kêu mời chúng ta để trở thành những đôi tay của Chúa, giúp xây dựng lại ngôi đền thờ của Ngài trong tâm hồn của mỗi con người hôm nay. 

Chúng ta hãy là bàn tay của Chúa để xoa dịu những khổ đau của người trẻ đang bị hắt hủi và thiếu tình thương. 

Hãy là đôi chân của Chúa Kitô, để đồng hành với những tâm hồn đang gặp khó khăn về tinh thần. 

Hãy là đôi mắt của Chúa Kitô, để thấy và cảm thông được nỗi thống khổ của những kẻ không nhà. 

Hãy là đôi tai của Chúa Kitô, để nghe được những tiếng khóc cô đơn của những người vô gia đình và bị xã hội ruồng bỏ. 

Hãy là con tim của Chúa Kitô, để yêu thương hết mọi người. 

Hãy là chính Chúa Kitô sống động nơi môi trường chúng ta đang sống : ngoài đương phố, nơi trường học, trong gia đình và ngay cả những nơi ồn ào, xáo trộn nhất trong xã hội. 

Chúng ta hãy dừng lại để nhận ra Chúa Kitô trong mọi người và mọi biến cố của cuộc đời.

Xin kết thúc bài viết bằng 12 tâm niệm của người Giáo Lý Viên, trích tài liệu của Giáo phận Vĩnh Long.

  1. Nói với niềm xác tín và nhiệt tình. Đặt tâm tình vào sứ điệp truyền đạt. 
  2. Nói với Chúa về học sinh nhiều hơn là nói với học sinh về Chúa. 
  3. Khuyến khích các em làm điều tốt, và giúp mỗi em hiểu rằng các em rất đặc biệt và có thể giúp ích cho người khác. 
  4. Cố gắng thăng tiến khả năng chuyên môn. 
  5. Tạo khung cảnh thích hợp giúp các em học bằng cách thay đổi cách trang trí lớp học hằng tuần. 
  6. Soạn bài cẩn thận và đến lớp đúng giờ. 
  7. Đón nhận tất cả và từng học sinh. 
  8. Làm cho các em cảm thấy lớp học như gia đình mà mỗi em là một thành viên. 
  9. Liên lạc và tiếp xúc thường xuyên với phụ huynh. 
  10. Kiên nhẫn và trung thành dù gặp khó khăn. 
  11. Giữ đạo đức của nhà giáo. 
  12. Chấp nhận những giới hạn của mình, và tin tưởng Chúa Thánh Linh đang hoạt động trong mình.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …