Home / Chia Sẻ / TẢN MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO: Người già, làm được gì?

TẢN MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO: Người già, làm được gì?

ycaunguyenTrong tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người cao niên. Ngài nói: “Một dân tộc mà không biết chăm sóc người cao niên, một dân tộc mà không biết đối xử tốt với bậc cao niên, thì dân tộc ấy không có tương lai! Bậc cao niên có sự khôn ngoan. Bậc cao niên được ủy thác trách nhiệm lớn lao. Đó là chuyển trao những kinh nghiệm sống, chuyển trao dòng lịch sử của gia đình, của cộng đồng, và của dân tộc”.

Trong xã hội Việt Nam, sự hiện diện của người cao niên, người già giữ vai trò rất tích cực nơi các gia đình, các cụ được con cháu kính trọng yêu mến, cũng như tận tình chăm sóc phụng dưỡng.

Nước ta chưa hiện đại đến nỗi người già phải đi vào các viện dưỡng lão. Hơn nữa, nước ta cũng chưa có một viện dưỡng lão đạt tiên chuẩn chất lượng, mà con cái có thể yên tâm gửi ông bà cha mẹ mình đến sống ở đó.

Thế nhưng, người già ở đâu cũng đối diện với cô đơn, ngay trong gia đình mình, người già luôn có tâm lí như “người thừa”.

Thật vậy, người già có nhiều kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan  mà người trẻ chúng ta không thể có được. Họ quan niệm rất khác xa so với những người trẻ, họ sống chậm hơn người trẻ.

Cứ nhìn thoáng qua các gia đình có người già, chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt trong quan niệm của người già và người trẻ, khoảng cách thế hệ. Nhiều khi quan niệm khác biệt đó làm cho người già và người trẻ “va chạm” mâu thẫu nhau, nhưng ở trong sự xung khắc đó, nếu chúng ta có tình yêu thương sẽ gỡ rối được tất cả.

Người già thường sống bằng kí ức, những năm tháng đã qua, họ đang sống trong năm 2017, thời buổi công nghệ thông tin nhanh như vũ bão, nhưng các cụ kể chuyện về những năm đói kém ở miền Bắc và ở miền Nam sau biến cố 30.4.1975, người dân ăn bo bo khoai mì, khó khăn từ vật chất túng thiếu đến lời ăn tiếng nói cũng phải cẩn thận, nếu không thì ngồi tù như chơi.

Tuổi đời càng cao, kinh nghiệm sống càng nhiều qua những tháng năm “vật lộn” với cuộc sống, nằm gai nếm mật, trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc tại Việt Nam làm cho người già làm việc gì cũng cân nhắc, luôn lo xa, biết “tích cốc phòng cơ”. Ông bà trải qua những tháng ngày khó khăn túng thiếu, chỉ ăn để sống, cho nên các cụ luôn tiết kiệm trong chi tiêu, cái gì thực sự cần mới mua sắm sử dụng, không thể chấp nhận con cái bây giờ mua bán sắm sửa, ”xài tiền như nước”.

Trong các gia đình, câu chuyện thường xảy ra như cơm bữa, đại loại như sau: Bà cụ H. sống với gia đình người con trai út ở căn nhà cấp 4, trong một quận ven đô Sài Gòn. Căn nhà không lớn lắm, nhưng đủ cho vợ chồng con cái anh con trai bà sinh hoạt ngủ nghỉ. Người con trai có hai đứa con nhỏ, một trai một gái đang học tiểu học và mẫu giáo. Một hôm, người con trai báo với mẹ là anh đã xin giấy phép xây mới căn nhà, lên 3 lầu. Anh con trai của bà dạo gần đây làm ăn khấm khá hẳn lên. Tuy nhiên, bà cụ H. nhất định không cho anh ta xây mới. Bà cụ nêu lý do căn nhà vẫn đủ cho con cháu sinh sống, không đến nỗi nào chật chội. Từ sau vụ việc “lời qua tiếng lại” giữa bà cụ và người con trai xảy ra “chiến tranh lạnh”. Bà giận bỏ nhà đi chơi cả tháng ở nhà người em gái mãi tận Cần Thơ. Trước tình hình “căng”của bà cụ, anh con trai đành phải nhượng bộ, chỉ sửa sang lại nhà cửa cho đep đẽ hơn thôi, vì căn nhà vẫn đủ rộng cho ba người lớn, vợ chồng anh và bà cụ, cùng với hai đứa bé.

Xã hội Việt Nam chúng ta luôn kính trọng người già,“Kính lão đắc thọ, kính già già để tuổi cho”, người già mang lại cho các gia đình tình nghĩa nặng sâu, ký ức của cuộc đời và ký ức của từng gia đình. Nhưng hơn nữa, trong các gia đình Công Giáo, người già chính là các Giảng viên Giáo Lý, giáo dục đức tin cho các con các cháu. Đôi khi các cụ dạy các cháu Làm Dấu, đọc kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha, lần hạt,…các cụ truyền đạo bằng cả đời sống siêng năng đi nhà thờ, dự lễ hằng ngày, đọc kinh sớm tối.

Như vây, người già không phải là vô tích sự, không phải là người thừa, mà nhiều khi những giá trị tinh thần, tâm linh người già đem lại còn quý giá hơn tiền bạc, nhà cao cửa rộng, hơn cả những tiện nghi vật chất. Các cụ không còn làm ra của cải, nhưng để lại cho con cháu những lời răn dạy sống ở đời phải có trước có sau, chú trọng tình làng nghĩa xóm, lòng thủy chung trong giao ước vợ chồng, biết nhường nhìn nhau.

Gia đình có người già thật hạnh phúc biết bao, nhờ các lời dạy dỗ nhắc nhở của ông bà cha mẹ mà vợ chồng không lớn tiếng cắng đắng với nhau, không dùng vũ lực,“thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, làm việc gì cũng phải ý tứ, các cháu nhỏ trong nhà cũng chăm ngoan, biết vâng lời cha mẹ ông bà.

 Tất cả những điều đó chính là sự khôn ngoan ở đời mà người già truyền lại cho chúng ta. Để thấy cuộc sống này không phải chỉ biết lo kiếm cho thật nhiều tiền, gia đình thật đủ đầy mới hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc vô cùng đơn giản. Đời cơ bản là buồn. Cho nên ta hãy kiếm tìm hạnh phúc khi chia sẻ và biết trao ban cho nhau, ta sống hy sinh thiếu thốn cũng được miễn sao mọi người trong gia đình vui vẻ, nụ cười luôn nở trên môi ta là được.

Tắt một lời, tất cả sẽ qua đi chỉ còn tình yêu là ở lại. Ai trẻ trung sung sức rồi cũng đến lúc tuổi già, sẽ đến khi mệt mỏi, sức khỏe xuống cấp trầm trọng.

“Vì chưng tuổi già đáng kính trọng, không phải vì trường thọ, cũng không phải vì cao niên, nhưng vì người bạc đầu thì khôn ngoan, và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch. Người già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu, và nếu đang sống giữa những kẻ tội lỗi, cũng được Chúa dời đi nơi khác. Và được đem đi như thế, kẻo sự gian tà biến đổi lòng họ, hoặc sự gian dối lừa đảo linh hồn họ. Vì sự say mê giả dối”(Khôn Ngoan 4: 7-15)

Đúng là người già được Chúa bao bọc gìn giữ che chở cách riêng, vì tuổi già là ân phúc Chúa ban. Họ sống thánh thiện, biết lo cho đời sau được về với Chúa. Có lẽ vì thế mà nhiều cụ già tuần nào cũng bắt con cháu mời cha sở về xức dầu bệnh nhân, chịu các bí tích, dù các cụ “bệnh này chưa đến nỗi chết”.

Dường như đa số các gia đình, con cháu luôn hiếu kính ông bà, không có chuyện bạc đãi, coi khinh, hay xúc phạm bỏ bê cha mẹ già, nhưng nhiều khi chúng ta vẫn làm cho ông bà cha mẹ già buồn, vẫn có những “cơn sóng nhỏ”, những va chạm giữa ông bà cha mẹ già và con cháu.

Câu chuyện này rất nhỏ nhiều người thấy quen quen, đâu đó nơi các gia đình.

Anh Thành, bạn thân của tôi đang sống chung với người bố. Vợ anh là một người tận tình chu đáo. Về nhà chồng, chị ta lo toan cáng đán mọi chuyện, từ chuyện anh chồng không có vợ đang nằm bệnh viện chị cũng thăm non cơm nước. Chỉ có điều lời ăn tiếng nói của chị không nhẹ nhàng, chị là người thẳng thắn, sạch sẽ quá đáng, chị thấy sao nói vậy, chị rất tốt nhưng hơi nói năng thô lỗ. Chị đang sống với bố chồng. Ông cụ năm nay 80 tuổi, trí nhớ kém, lúc nhớ lúc quên. Ông cụ cũng hiền lành phúc đức, thương con thương cháu, nhưng càng già cụ càng lẩn thẩn suy nghĩ lung tung. Nay cụ giận con dâu bỏ bữa không ăn cơm trưa, mai cụ lại nói con cháu đi học về vô lễ không biết chào hỏi. Ngày mốt cụ lại than con dâu tính toán với mình từng đồng xu một, mua bát phở mà cũng kể lể bao nhiêu tiền. Có bữa mới ăn cơm xong, ông cụ nói: “Trưa rồi, chúng bay chưa cho tao ăn cơm sao, đói quá rồi?”. Chị nhiều khi tỏ ra tức giận với bố chồng. Anh bạn tôi thực sự pó tay, thỉnh thoảng gặp lại anh tâm sự nỗi buồn chuyện gia đình, chuyện bố chồng con dâu chưa thông cảm được nhau. Anh bảo bố mình lúc trước đâu có khó khăn như vậy đâu, càng già ông cụ càng xét nét từng cử chỉ lời nói của con dâu, và các cháu.

Chúng ta cầu nguyện cho các cụ cao niên, nhất là nhiều khi do đau bệnh, khó chịu trong người, người già cáu gắt nóng tính, chúng ta phải chịu đựng nhiều cho êm cửa ệm nhà. Nhưng đừng vì thế mà đáp trả lại ông bà, dùng những lời qua tiếng lại không, hay “nặng nhẹ” làm cho bầu khí gia đình căng thẳng.

Trong cộng đoàn giáo xứ cũng vậy, không phải Linh mục được mọi người gọi là cha mà có quyền ăn nói xấc láo với những người già, những người lớn tuổi hơn mình, không chịu lắng nghe, chào thăm vấn an sức khỏe các cụ cho tận tình. Linh mục trở nên một con người mẫu mực trong đời sống nhân bản, biết kính trọng người già, yêu mến hòa đồng với người trẻ, người đồng trang lứa với mình và trở nên bạn thân thiết với trẻ em.

Linh mục được Chúa Kitô ủy thúc cho nhiệm vụ phân phát những kho tàng ơn thánh qua các bí tích, nhiệm vụ đó càng tốt đẹp hơn khi người linh mục biết trau dồi nhân bản, lễ phép với những bậc cao niên trong giáo xứ, những linh mục cao tuổi, những vị tiền nhiệm của mình, lắng nghe học hỏi kinh nghiệm sống của các ngài.

Nhiều linh mục trẻ, tuổi đời chừng 40, nhưng trong khi gặp gỡ tiếp xúc với các cụ già thường ăn nói thách mé, bắt bẻ, thậm chí cắt ngang câu chuyện của họ.

Các linh mục không mất gì khi dám cúi mình xuống, khiêm nhường xưng “con” với những người lớn tuổi hơn mình, làm như vậy chắc các ngài nghĩ làm mất đi chức linh mục thánh thiêng. Không đâu, khi hạ mình xuống lắng nghe mọi người như là “con”, linh mục trở nên hình ảnh của Chúa Giêsu khiêm nhường, trở nên dễ mến dễ thương với mọi người, từ đó linh mục mới có thể mang trong mình “mùi chiên”. Không cúi xuống để trở nên như là “con của bá tánh”, linh mục chẳng bao giờ thấy được cuộc sống lầm than của đoàn chiên, đâu là những con chiên đau bệnh gầy gò ốm yếu, đang suy dinh dưỡng khi bỏ đàn đi hoang lầm lạc tội lỗi. Linh mục chỉ xứng đáng với chức vụ “cha” của các tín hữu trong đức tin, biết chăm lo cho con cái được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa và các bí tích, cư xử với giáo dân của mình bằng trái tim nhân hậu của người cha thật sự thương con, đêm ngày thao thức cho số phận cứu rỗi của con chiên mình coi sóc.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN