Home / Chia Sẻ / Tản mạn chuyện nhà đạo: MÙA VỌNG, THỨC HAY NGỦ?

Tản mạn chuyện nhà đạo: MÙA VỌNG, THỨC HAY NGỦ?

downloadKhởi đầu Mùa Vọng, sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta tỉnh thức đón Chúa đến. Chúa đã đến trong nhân loại qua mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người đồng hành chia sẻ với mọi kiếp người. Đức Giêsu đến trong nhân loại rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, mời gọi con người chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Nhưng Chúa sẽ đến lần thứ hai trong ngày cánh chung, ngày kết thúc của toàn thể nhân loại.

Lời mời gọi tỉnh thức của Mùa Vọng giúp chúng ta sống tâm tình chờ đón Chúa. Vì Chúa đến thật bất ngờ như kẻ trộm, như người chủ đi xa giao công việc cho đầy tớ.

Thật vậy, Mùa Vọng nguyên nghĩa Latinh “Adventus” nghĩa là mùa Chúa đến, chúng ta sống lại tâm tình chờ mong Đấng Cứu Thế của dân Do Thái trải qua hàng ngàn năm.

“Trời cao hãy đổ sương xuống. Và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội”

Thật vậy, Mùa Vọng cũng là Mùa tỉnh thức, sẵn sàng. Đương nhiên Chúa dạy chúng ta tỉnh thức, có nghĩa là phải căng mắt ra mà thức, hết ngày này sang ngày khác. Đời Kitô hữu cũng chẳng phải đời buồn tẻ, luôn căng thẳng, không ăn uống ngủ nghỉ, lúc nào cũng “nóng ruột” đợi chờ.

“Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13, 33-37).

Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng ngắn, nhưng chúng ta đếm được có tất cả 4 từ tỉnh thức. Đây là chìa khóa của vấn đề.

Câu chuyện ông chủ đi xa giao việc nhà cho đầy tớ, rồi sau đó bất ngờ trở về có vẻ khá thú vị. Mỗi người chúng ta trong ký ức tuổi thơ có câu chuyện “khi mẹ vắng nhà”.

Mẹ vắng nhà con sang chơi nhà bạn, con lêu lỏng đi nắng dầm mưa, rong chơi từ đầu ngõ đến cuối hẻm. Tuổi thơ là như thế, đứa nào mà không mê chơi, cho nên cha mẹ cần phải uốn nắn dạy dỗ chúng.

Tôi nhớ lại tuổi thơ của tôi cách đây vài chục năm trước đây, ở thời buổi công nghệ giải trí chưa mạnh như bây giờ, cả xóm chỉ có 1 cái tivi, ban ngày làm gì có chương trình phim hoạt hình mà xem. Bởi vậy, thú vui của bọn trẻ chúng tôi chính là lúc mẹ vắng nhà, được tung tăng ra khu đất trống tụ tập đá banh, nhảy dây, đuổi bắt nhau, canh mẹ về.

Nói một cách dễ hiểu chuyện ông chủ đi xa giao việc cho đầy tớ y như chuyện bọn trẻ con chúng tôi khi mẹ vắng nhà.

Trong mô hình gia đình Việt Nam truyền thống, người cha đi làm xa, có thể mấy hôm mới về. Người mẹ buôn bán lặt vặt, cuối ngày nào cũng về chăm sóc con cái. Người mẹ đi vắng buổi sáng, đi buôn bán, thăm bà ngoại tối lại về với con cái.

Bọn trẻ hiếu động mê chơi làm gì có chuyện “mẹ đi vắng con sang chơi nhà bà, con cầm cây đàn con hát. Hát cho mẹ về với con”.

Bức tranh mẹ đi vắng cũng là bức tranh đời sống người Kitô hữu trong tình cảnh chờ đợi Chúa đến. Bức tranh Mùa Vọng của cả hành trình đời sống chúng ta, khi chờ Chúa đến trong ngày cánh chung tận cùng của nhân loại.

Bạn thấy đấy, bọn trẻ “ranh ma” chúng tôi chỉ “gọi dạ bằng vâng” trước mặt bố mẹ, cũng đợi lúc mẹ vắng nhà mà đi chơi lêu lỏng, thì đời Kitô cũng lắm thú vui mê mẩn, quên cả giáo huấn của Chúa, cũng hơn thua nhau, cũng lắm chiêu trò.

Tỉnh thức là dừng lại kiểm điểm cuộc sống mình. Đâu là những điều mê ngủ, những say sưa trong cuộc đời chúng ta.

Những tháng gần đây, bà con giáo dân đi hành hương Đức Mẹ khóc chảy máu ở Giáo xứ Tân Phú, thuộc Giáo phận Cần Thơ. Tôi không dám nêu ý kiến việc hành hương đạo đức tốt đẹp đó. Cũng chẳng dám nói chuyện đó có thật  hay không. Chỉ biết rằng hành hương Đức Mẹ, một việc đáng khuyến khích. Hành hương, như ai đó đã nói “hành hương là hành xác”, đi xa xôi vất vả, chịu khó nằm ngủ đất cát, thiếu điều kiện sinh sống, nóng bức, dòng người lũ lượt tất bật. Đó cũng là hình thức từ bỏ để ra đi gặp gỡ Chúa và tha nhân. Nhưng nghĩ xem, tại sao Mẹ khóc? Nếu không phải là Mẹ khóc thương con cái đang lầm lạc tội lỗi, từ khước Thiên Chúa tôn vinh “cái tôi”, và đánh bóng tên tuổi của mình. Mẹ Maria khóc để nhắc chúng ta chạy đến với Mẹ trong cầu nguyện, sốt sắng dâng lời Kinh Mân côi, tham dự thánh lễ, cầu nguyện cho gia đình, con cái chúng ta chăm ngoan, biết thờ phượng Chúa trên hết mọi sự trong cuộc đời.

Trạng thái mê ngủ của tâm hồn là chẳng bao giờ đoái hoài đến đời sống tâm linh, nhất là việc cầu nguyện hằng ngày. Có tham dự thánh lễ cũng chỉ chiếu lệ, sợ tội, sợ “ông bà già nhắc nhở”.

Suy nghĩ chuyện thức tỉnh, tỉnh thức chờ Chúa bỗng dưng tôi nghĩ ngay đến chuyện bạn trẻ muốn đi du lịch Đà Lạt. Đêm họ leo lên xe Phương Trang giường nằm, đánh một giấc tới sáng là “Welcome to Da Lat”, tha hồ vui chơi tham quan. Nghĩ lại chúng ta hơi liều. Tài xế xe khách liên tỉnh mà một phút ngủ gật thì đời ta lãnh đủ, “khi Chúa thương gọi con về”. Buồn ngủ từ trong ruột ngủ ra, cho nên tài xế lái xe sơ sẩy một chút là cả nhà tan tiêu tan.

Tài xế xe khách đường dài phải tỉnh như sáo, như thế mới không xảy ra điều đáng tiếc.

Phải tỉnh thức để không ngã gục trước cám dỗ “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Ta phải cầu xin Chúa nâng đỡ cho mình luôn trung thành trong tư cách người môn đệ.

Chúng ta có tỉnh thức để đón Chúa trong niềm vui, tỉnh thức với việc Chúa giao là làm chứng cho Chúa nơi môi trường sống. Nơi làm việc, công sở, cộng đoàn giáo xứ, chúng ta có là những Kitô nhanh nhẹn, siêng năng tháo vác, thấy được những gì mà người anh em mình cần giúp đỡ.

Phụng vụ của Mùa Vọng với những lời thánh ca giúp ta mở lòng ra đón nhận Chúa, xây dựng một cuộc sống an bình yêu thương và thịnh vượng.

Chúng ta đã đi qua biết bao nhiêu Mùa vọng trong đời, đã đón mừng lễ Giáng sinh bao nhiêu lần, nhưng có đón Chúa đến thực sự trong những con người bé nhỏ túng thiếu ở bênh cạnh nhà mình.

“Đêm đông không nhà” Tôi đã nghe qua chương trình phát quà thăm viếng những người nghèo trong Đêm Noel của quý anh chị em Ban Mỹ Thuật Đaminh.

Chúng ta phải mở lòng ra xoa dịu những đau khổ vất vả của người nghèo ở ngay trong cộng đoàn giáo xứ. Chúa đến với họ, hòa mình với họ hằng ngày, nhưng làm sao ta nhận ra Chúa và đón tiếp Ngài vào nhà.

Mỗi năm Mùa Vọng về, thức hay ngủ gì cũng được, miễn sao ta đã chuẩn bị thật tốt ra đón Chúa, bất kể giờ nào ngày nào Chúa đến cũng được, ta vẫn có thể hân hoan đi đón Ngài, được Ngài mời vào dự tiệc trên thiên đàng hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúa đến mang lại cho đời ta niềm vui, bình an, Chúa là Vua Hòa Bình sẽ xóa tan mọi hiềm khích chiến tranh, chia rẽ… Nhân loại cần Thiên Chúa, như hình ảnh  “dân đang bước đi trong tăm tối đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9, 1).

Ánh sáng đó đưa chúng ta đến chân trời của tình yêu thương, nơi con người thông cảm và hiểu biết nhau, nơi người ta sống cho nhau và vì nhau chứ không phải ki bo tích trữ của cải cho riêng mình.

Người mục tử, những linh mục quản xứ biết tỉnh thức chăm lo cho đoàn chiên những món ăn thiêng liêng bổ dưỡng, chuẩn bị bài kỹ lưỡng, giúp người giáo dân ứng dụng Lời Chúa vào đời sống. Những bài chia sẻ Tin Mừng hằng ngày trong thánh lễ, đặc biệt Thánh lễ Chúa nhật, không phải là bài trình bày thần học  cao siêu, nói chuyện trên trời, cũng không phải là giờ linh mục nói móc, cạnh khóe “lên lớp” giáo dân của mình. Nhiều linh mục đang dâng lễ, có lẽ vì bản tính nóng nảy không kiềm chế, thấy điều gì không hợp lý, “trái tai gai mắt”, ngài mắng chửi thậm tệ các ông trùm, các anh chị Giáo Lý Viên hay các em thiếu nhi.

Xin kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện, giúp các bạn sống tâm tình Mùa Vọng luôn tỉnh thức, và dù có ngủ vẫn sẵn sàng ra đón Chúa kịp thời nhanh chóng.

Một chàng trai trẻ xin làm giúp việc cho 1 nông trại. Khi người chủ hỏi anh có thể làm được gì, anh nói: – Tôi vẫn ngủ được khi trời giông bão.

Câu trả lời hơi khó hiểu này làm cho người chủ nông trại bối rối. Nhưng vì có cảm tình với chàng trai trẻ nên ông thu nhận anh.

Một vài ngày sau, người chủ và vợ ông chợt tỉnh giấc giữa đêm vì 1 cơn lốc lớn. Họ vội kiểm tra mọi thứ trong nhà thì thấy các cánh cửa đã được đóng kỹ, nông cụ đã được cất gọn gàng trong kho, máy cày đã được cho vào nhà xe và chuồng gia súc được khóa cẩn thận.

Ngay cả những con vật cũng no nê và tỏ ra không hề sợ hãi. Mọi thứ đều an toàn và chàng trai vẫn ngủ ngon lành.

Giờ thì người chủ đã hiểu lời của chàng trai trước kia: “Tôi vẫn ngủ được khi trời giông bão”.

Bởi trước giờ anh luôn thực hiện công việc của mình 1 cách có kế hoạch nên anh chẳng cần phải lo lắng gì mà vẫn có thể tránh được những biến cố khi cơn bão ập tới.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …