Home / Chia Sẻ / TẢN MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO: Mùa đông về chưa anh?

TẢN MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO: Mùa đông về chưa anh?

“Mùa đông vừa chưa em, sao mây sáng đã giăng lưng trời

Mùa đông vừa chưa anh, cho em nhớ ngày xưa chúng ta

Ngày xưa giữa mùa băng giá hai đứa mình có nhau quên đi ngày giá băng

Hôm nay trời vào đông một mình em lạnh đầy, một mình em nhớ anh”

Đi giữa phố thị Sài gòn tất bật, hối hả nóng “chảy mỡ” mà hỏi: “Mùa Đông vừa chưa anh?”, người ta xếp chúng ta vào loại “dở người” có chút độ “hâm hâm” cần thiết. Tiết trời phương Nam chỉ có hai mùa mưa nắng, Sài Gòn nắng cháy da người, còn mưa thì ngập lụt, đường lầy lội kẹt xe, làm gì có mùa đông giá lạnh. Khi viết những dòng này, chúng tôi cảm thấy buổi sáng se se lạnh, mát mẻ, dịu dàng làm nhẹ lòng người, buổi sáng giữa tháng 12 dường như lãng mạn hơn, bởi mùa lễ hội đang về.

Ca từ bài hát thật lãng mạn, trữ tình, mùa đông về nhớ lại bao kỷ niệm chúng mình có đôi, cùng hẹn hò nhau trên con đường vắng vào buổi tối đông. Bài hát nào mà không có “chia ly” một cuộc tình đã xa, chuyện của dĩ vãng đầy nước mắt. Từ câu chuyện tình yêu của đôi bạn trẻ giữa mùa đông làm tôi nghĩ đến câu chuyện tình của Thiên Chúa, tình yêu vô vị lợi, tình yêu không những “như  trăng như sao”, nhưng tình yêu cũng dung dị thân thiết như chính đời thường của chúng ta, tình yêu của những người nghèo có nhau khi mùa đông về, thật ấm áp làm sao!

feca3169bd47cb01596dd2c0a2b1c7f1Nhân vật chính của suốt Mùa Vọng và lễ Giáng sinh chúng ta đón chờ chính là Con Thiên Chúa làm người, trong hình hài của một Trẻ thơ Giêsu bé nhỏ. Thật vậy, Thiên Chúa vì yêu thương có sáng kiến ở với con người. Nếu như mùa Giáng sinh là mùa của quà tặng, thì trong cuộc đời Kitô hữu chúng ta nhận được món quà vô cùng lớn,“Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9, 5).

Bởi vì Thiên Chúa làm người như chúng ta, chia sẻ thân phận khổ đau lầm than của kiếp người, trong cuộc đời đầy “nhiễu nhương” này. Trình thuật biến cố Con Thiên Chúa giáng sinh làm người nơi Tin Mừng Luca 2, 1-14, cho chúng ta nghe câu chuyện của một gia đình nghèo trong đêm đông lạnh giá. Lại một chuyện tình mùa đông. Hai vợ chồng trẻ Giuse và Maria bằng một “tình yêu trong veo” (từ của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống), họ trở về nguyên quán khai sinh sổ bộ theo lệnh hoàng đế. Trên đường đi, người vợ đã chuyển dạ sinh con. Chuyện lớn trong một gia đình. Có thể nói đây là một gia đình di dân, gia đình “nghèo rớt mồng tơi” có chuyện, nhưng các chủ quán trọ từ chối. Những bạn trẻ di dân ngày hôm nay cảm thấy ấm lòng, vì năm xưa Con Thiên Chúa giáng sinh trong thân phận người di dân lữ khách, phải xa quê hương xứ sở, trải nghiệm những khó khăn nơi đất khách quê người.

Thiên Chúa làm người như thế đó, Ngài đã chính thức “nhập cuộc” với chúng ta trong cuộc đời, trở thành những người vô gia cư, bị xã hội khinh khi và loại trừ. Chiêm ngắm máng cỏ nơi hài nhi Giêsu giáng sinh, ta nhận ra bài học đón nhận mọi người, bên cạnh đó còn là bài học “nhập cuộc” với biết bao con người cùng khổ trong xã hội hiện nay.

Vì Thiên Chúa đã làm người như chúng ta nên không có gì của con người mà không liên hệ đến Thiên Chúa. Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô làm người như tất cả chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Hơn thế nữa, Thiên Chúa làm người để nâng cao phẩm giá con người, đưa chúng ta từ bóng đêm của tội lỗi ra vùng ánh sáng huy hoàng. Cho nên sống mầu nhiệm Giáng sinh là đi từ vùng tăm tối của tội lỗi, lòng đố kỵ ghanh ghét, tính GATO, bước sang vùng ánh sáng của Thiên Chúa, nơi tình yêu, bình an sẽ nở rộ phát triển.

Câu ca của các thiên thần trong đêm giáng sinh đầu tiên nói cho chúng ta niềm vui của những tâm hồn bé nhỏ, khiêm nhường: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14).

Những người khổ đau, bất hạnh, những người khiêm nhường được nâng đỡ đón nhận. Đâu đó trong cuộc sống vẫn có những cậu bé bán diêm như trong tác phẩm của nhà thơ Đan Mạch Hans Christian Andersen.

Nếu như mọi sự chuẩn bị của chúng ta, những  trang hoàng đèn sao lấp lánh, hang đá nơi phố phường nhà thờ, gia đình, âm thanh xập xình trong lễ hội Giáng sinh, và có cả bữa ăn đêm 24 bên gia đình và bạn bè. Tất cả sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không lắng đọng tâm hồn, đón mừng Con Thiên Chúa làm người bên máng cỏ.

Có một Linh mục kể chuyện:

Cách đây khá lâu, khoảng những năm thập niên 90, đang là những sinh viên Công giáo ở ký túc xá của một trường đại học. Gần đến lễ Noel, các bạn Công giáo làm hang đá nho nhỏ mừng lễ Giáng sinh như trong các gia đình. Thời buổi khó khăn mà, mỗi người kiếm một vật dụng, nào là giấy, giây đèn, trang trí, quả châu và cả ảnh tượng nữa. Chúng tôi mỗi người một việc chuẩn bị, các bạn nữ chuẩn bị một bữa ăn vào đêm Giáng sinh. Tối hôm ấy, chúng tôi mời các bạn không Công giáo đến chia vui trong một bữa ăn nhẹ. Chúng tôi, các bạn sinh viên Công Giáo cầu nguyện bên hang đá nhỏ đơn sơ. Bất chợt, chúng tôi đang nhìn vào hang đá cầu nguyện thì phát hiện, không có Hài Nhi Giêsu trong hang đá, mặc dù có đủ cả, từ con chiên con bò, ông Thánh Giuse và Đức Maria… Câu chuyện đó đi theo suốt cuộc đời tôi, nhắc nhở tôi sứ điệp đón Chúa trong lễ Giáng sinh.

Mỗi năm Giáng sinh lại về, tôi chuẩn bị đèn sao, dọn lòng xưng tội, cũng đi nghe giảng tĩnh tâm như ai. Nhưng liệu rằng lễ Giáng sinh của tôi có Chúa Giêsu hay không, tôi đón chờ một cái gì đó. Tôi đang đón chờ “cái tôi” của mình, tôi đang tôn lên cái thành công trong sự nghiệp, tôi còn chạy theo những thói đời gian dối, lừa lọc, và căn bệnh thành tích mãn tính. Đơn giản hơn, Giáng sinh đối với tôi chỉ là mua sắm, đi chơi, ăn uống, tụ họp bạn bè, có cây thông hang đá cho giống nhà người ta.

Từng cộng đoàn giáo xứ, nơi mỗi gia đình, bầu khí rộn ràng của Mùa Giáng sinh đang về. Mùa đông, mùa của những người đang yêu. Phải chăng, đời sống đạo của ta, từng lời ăn tiếng nói, sự thăm hỏi những người trong gia đình, cộng đoàn có đang cố gắng viết lên câu ca, tác phẩm của tình yêu. Yêu nhau dài lâu, tình yêu biết chia sẻ cơm áo, chứ không phải thứ tình yêu “hứa thật nhiều rồi thất hứa cũng thật nhiều”, làm chẳng được bao nhiêu, tình yêu giả hiệu.

Chúng ta mừng lễ Giáng sinh với một niềm vui tràn đầy khi quan tâm đến mọi người chung quanh, sự chuẩn bị từ tâm hồn mình cho thật thông thoáng, sạch sẽ, dẹp bớt những tăm tối hẹp hòi. Nếu chúng ta còn “lấn cấn”những chuyện ấy thì giáng sinh vẫn là mùa đông lạnh giá, lạnh cóng, vì người ta sống trong một gia đình mà chẳng ai quan tâm đến nhau, bố đi đường bố, con đi đường con, ai cũng có cuộc vui riêng của mình. Bạn bè thân thiết với nhau thì “thân ai nấy lo nhé”.

Sài Gòn mùa này dù không lạnh mấy, nhưng vẫn còn đó những đứa trẻ đang co ro túng thiếu, trong một thân hình gầy gò tong teo, những cụ ông bị con cháu coi khinh vì ăn uống vương vãi, lúc nhớ lúc quên. Còn đó những nỗi cơ cực nhọc nhằn của anh công nhân đi làm tứ sáng sớm đến tối thẳm mới về nhà, và không được nghỉ ngày chủ nhật. Linh mục chánh xứ thì cứ nguyên tắc mà làm việc, “mọi giấy tờ thủ tục hôn phối, chúng tôi chỉ nhận vào giờ hành chánh”. Anh công nhân làm sao rảnh giờ hành chánh đến gặp cha sở của mình khi có việc cần.

Tôi có nêu vấn đề này với một cha sở, ngài trả lời: “Tại sao họ đi khám bệnh bảo hiểm, đi chứng giấy tờ, họ đi giờ hành chánh được, nhưng đi làm thủ tục hôn nhân ở giáo xứ họ lại bảo không rảnh là sao”. Xin miễn bình luận.

Liệu giáo dân có kính trọng yêu mến và nhận ra linh mục là hiện thân của Chúa Kitô, khi cách hành xử của ngài chỉ như là một viên chức nhà nước, làm hết giờ, hết việc mà thôi. Có lẽ trong con mắt các ngài, người nghèo thường gây phiền toái, lắm chuyện, ý kiến này nọ, họ thuộc dạng “cá biệt” trong cộng đoàn giáo xứ.

Thế đấy! Giáng sinh là nhận ra Chúa Giêsu đang có đó trong cuộc đời ta, nơi những con người bé nhỏ, bị từ chối như gia đình Nagiarét năm xưa. Trong sân khấu cuộc đời, các bậc vị vọng quyền quý đang chứng tỏ uy quyền của mình, Con Thiên Chúa âm thầm giáng sinh trong gia cảnh khó nghèo túng thiếu. Quyền bính của của Ngài chính là tình yêu thương, nền hòa bình và công lý thành tựu. Như thế, các mục đồng đại diện cho những người nghèo luôn ca tụng Thiên Chúa. Họ tìm được hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ có thế thôi, không phải người ta có nhà cao cửa rộng, lắm tiền nhiều của, đi xe hơi trên chục tỷ, nhưng hạnh phúc đích thực là có Thiên Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời.

Xin kết thúc bài viết bằng những câu thơ diễn tả Tin Mừng Mt 25, người viết vừa lượm lặt trên mạng:

“Giêsu sống giữa thế nhân, Giêsu đồng hóa thân phận muôn người.

Giêsu đói khát rã rời, Giêsu rách nát tơi bời đắng cay

Giêsu phiêu bạt quắt quay. Giêsu bệnh tật yếu đau hao gầy

Giêsu oan khuất tù đày, Giêsu đau khổ bầy hầy long đong

Giêsu tha thiết đợi mong, chúng ta nâng đỡ hiệp thông với Ngài.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN