Home / Chia Sẻ / Tản mạn chuyện nhà đạo: MẠNG XÃ HỘI, TIN GIẢ VÀ TIN THẬT

Tản mạn chuyện nhà đạo: MẠNG XÃ HỘI, TIN GIẢ VÀ TIN THẬT

mangxahoiTrong Sứ điệp cho ngày Thế giới Truyền Thông xã hội năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến hiện tượng tin giả trong thế giới ngày nay. Đây quả thật là một vấn đề lớn trong truyền thông và ảnh hưởng  sâu rộng đến đời sống xã hội của chúng ta.

Đức Thánh Cha trình bày khái quát về tin giả như sau : “Thuật ngữ ” “tin giả” đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi.Nói chung, nó liên quan đến sự lan rộng việc thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ cho những lợi ích về kinh tế.”

Ai trong chúng ta cũng gặp những tin giả nhan nhản trên mạng xã hội, ngay trong đời sống thường ngày, và ngay cả  trong gia đình. Đánh đúng tính tò mò hiếu kì, thích  điều mới lạ của chúng ta, người ta cố tình đưa ra một thông tin sai sự thật, lừa dối, làm cho chúng ta đi lầm đường.

Nếu chúng ta ra chợ buổi sáng, cô bán hàng sẽ đon đả chào mời khách. Nào là thịt cá trứng sạch, tươi ngon, rau củ quả từ Đà Lạt mới đưa về, bảo đảm đã qua kiểm dịch an toàn thực phẩm. Người ta đâu ngờ rằng, người nông dân trồng rau, phân loại, cái nào dành cho gia đình mình ăn, loại nào mang ra chợ bán. Anh nông dân nuôi heo cũng phân loại như thế. Để người ta mua, cô bán hàng đưa thông tin không đúng sự thật, muốn nói sao thì nói miễn cho người ta mua là được.

Ngày nay, trên mạng xã hội có cả “rừng” thông tin, và đó là “rừng” thông tin sai sự thật, nhiều khi chúng ta không thể kiểm chứng được, không thể nhận biết đâu là tin thật và đâu là tin giả. Có những thông tin được người ta tạo ra, xào nấu thêm, dựng nên, bóp méo sự thật, một nửa sự thật, hoặc những thông tin cũ được ai đó chia sẻ lại với ác ý muốn gây chia rẽ nhóm, làm cho hiểu lầm, hoang mang nghi ngờ trong cộng đồng.

Gần cả tháng nay, tại Việt Nam, nhiều vấn đề nóng được chia sẻ liên tục, mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhưng thực ra đó là tin cũ được chia sẻ lại. Ai đó đang cố tình giật giây, muốn lèo lái, đánh lạc hướng dư luận, làm cho chúng ta bị sa lầy vào những chuyện nghi ngờ chia rẽ nhau, và không hiểu đâu là vấn đề quan trọng của hiện tình đất nước.

Chúng ta dễ bị sập bẫy từ những thông tin giả. Theo Kinh Thánh, ngày xưa  tại vườn địa đàng, bà Evà bị con rắn lừa dối dụ dỗ cũng là câu chuyện ngày nay của chúng ta. Con rắn chỉ nói có một nửa sự thật: Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St3,1)Bà Evà sửa sai con rắn, nhưng vẫn sập bẫy dễ dàng. Con rắn vẽ lên hình ảnh Thiên Chúa như là một ông chủ khó tính, luôn cau có, cấm đoán con người. Từ đó, nó dẫn dụ con người đến nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. Những thông tin kiểu như thế đang lan tràn đầy dẫy trên mạng xã hội.

Người ta nói, mạng xã hội, cụ thể như Youtube ngày nay là một kho tài nguyên khổng lồ  tri thức của nhân loại, từ văn hóa, kinh tế, đời sống, chính trị và giải trí. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng chúng ta cần phải nói thêm, ở trên Youtube cũng có cả “rừng” những thông tin sai sự thật, có những kiến thức sai sót “to đùng” được lưu truyền trên mạng.

Một nữ tiến sĩ nào đó ngoài Hà Nội bị cư dân mạng “ném đá” vì phê phán giới trẻ ngày nay say mê Facebook và mạng xã hội là những người “vô công rỗi nghề”, những anh hùng bán phím, chạy theo xu hướng sống ảo. Nhưng chúng tôi cũng chẳng thấy việc lướt Facebook mang lại nhiều lợi ích và tốt đẹp, ngoài việc người ta livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, mạng xã hội facebook cũng khuyến khích người ta  khoe khoang và nảy sinh hội chứng gato, tức là thói ghen ăn tức ở.

Sáng sớm, một bà nội trợ mở facebook lên tức điên khi thấy cô bạn học chung cấp 3 với mình đang đi du lịch, đăng ảnh trời Âu đẹp ngất ngây. Thế là cả ngày hôm đó, bà ta cảm thấy nóng trong người, bực tức, khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên, có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.

Cụ thể, Facebook cũng là nơi xuất hiện những ông thầy lang chữa bá bệnh, những  “quân sư quạt mo” hướng dẫn và cố vấn đủ mọi thứ chuyện trên đời, tư vấn tấm lý tình yêu, hôn nhân gia đình và sức khỏe cộng đồng, các ông thầy đó cứ phán, mặc dù không biết ất giáp gì hết.

Mình có một cha già rất thân thiết đang nghỉ hưu tại nhà riêng. Cha bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hiện giờ tình hình sức khỏe  tương đối, ngài đi lại được trong nhà và có một vài nơi mời cha dâng lễ. Mỗi lần gặp cha, chúng tôi được ngài khoe, ngoài việc chữa bệnh theo thuốc Tây, cha còn ăn uống theo thuốc dân gian: gạo lứt, nước dừa, nước ổi, hoặc lá cây gì đó…Vì đa số những thực phẩm của giáo dân giáo xứ cũ biếu cha uống chữa bệnh, từ chối thì giáo dân buồn.Hỏi ra mới biết,có người tự bào chế thuốc  cho ngài,công thức lấy trên mạng.Vì giáo dân ai cũng thương cha già, chăm lo tận tình cho sức khỏe của ngài, mong sao cha sống lâu,sống thọ với con chiên.

“Ra đời phải khôn, không thì bị chúng nó lừa”. Câu nói một vài cha mẹ nhắc nhở con em chúng ta ngày trước là thế. Bây giờ có lẽ câu nói đó phải là : “Lên mạng phải cảnh giác, nếu không bị sập bẫy tin giả”. Chúng ta cứ like và share vô tội vạ, lan truyền những thông tin giả làm ảnh hưởng đến uy tín người khác.

Giáo hội cũng là một trong những đối tượng được truyền thông chú ý, người ta còn cố tính bôi bẩn hình ảnh Giáo hội. Nhất là người ta mượn những hình ảnh một vài linh mục tu sĩ trẻ “ham vui” mà cố tình hạ bệ Giáo hội, khinh thường, cay cú chửi bới, xúc phạm Giáo hội và các đấng bậc bề trên.

Cách đây vài năm trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh một vị linh mục trẻ đang  say rượu với chú thích: “tên bợm nhậu, sâu rượu”. Và có một tấm hình khác nữa của vị linh mục này nắm tay các bà các chị múa may ca hát. Hỏi chuyện cha sở tại đó, chúng tôi được biết, đó chỉ là tấm hình vị linh mục “ăn nhậu” ngay trong bữa tiệc liên hoan mừng quan thày giáo xứ. Còn màn “nắm tay múa hát” với phụ nữ chính là với các bà trong Hội Các Bà Công Giáo trên sâu khấu công khai trong buổi  văn nghệ. Hôm đó có cha sở hiện diện chứng kiến chuyện ấy,chứ không phải linh mục đi tăng hai tăng ba như người ta nói.Chuyện thế thôi không có gì mà ầm ĩ cả. Nhưng có điều vị linh mục trẻ vô tư không để ý, bị người khác đưa hình ảnh “không đẹp” của mình ra ngoài “soi” trên mạng xã hội.

Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu Lên Trời là ngày Thế Giới Truyền Thông, bổn mạng của những anh chị em truyền thông, những người đưa tin của Chúa Giêsu. Trong sứ vụ công khai, Ngài nói : “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6). Chỉ có nơi Đức Giêsu mới là sự thật toàn vẹn, Ngài mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha yêu thương và giàu lòng thương xót. Đấng mà người tín hữu có bổn phận phải chia sẻ Tin Mừng đó cho người khác, ngay cả trên mạng xã hội toàn cầu ngày nay.

 Vì từ khi về trời, Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta sứ mạng loan báo Tin Mừng, tức là kể cho người ta nghe câu chuyện Đức Giêsu thành Nagiarét. Trong suốt Mùa Phục Sinh, chúng ta thấy được hình ảnh sống động của Giáo hội trong thời sơ khai, các tông đồ mạnh mẽ đứng lên rao giảng về Đức Giêsu chịu chết và Phục sinh, cũng vì Đấng ấy mà họ bị bách hại, tù đày, xua đuổi, bị gông cùm và tống ngục, nhưng các ngài vẫn trung thành rao giảng, ngay cả lúc thuận tiện và lúc không thuận tiện, với xác tín, đây là công trình của Thiên Chúa, không ai có thể phá hủy được.

Ngày nay, Giáo hội qua các Đức Giáo Hoàng, những vị chủ chăn luôn ý thức tầm quan trọng của truyền thông, sự bùng nổ thông tin,nhiều cơ quan báo, đài truyền hình, mạng xã hội đa dạng, phong phú và mỗi ngày chúng ta đón đọc biết bao nhiêu thông tin. Vì thế, con cái của Giáo hội nhập cuộc với truyền thông, sử dụng phương tiện truyền thông như là công cụ loan báo Tin Mừng, mang ánh sáng đến những vùng tăm tối. Giáo hội xem như đây là vùng đất mới rộng lớn. Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý, phương tiện truyền thông máy móc cho dù hiện đại tối tân đến đâu, nhưng đằng sau nó vẫn là phải là một con người biết chịu trách nhiệm về việc  mình làm. Người tín hữu loan báo Tin Mừng bằng một đức tin mạnh mẽ,một con tim chạnh thương với người anh em của mình,một người truyền cảm hứng yêu thương và niềm vui, biết  cùng nhau xây dựng bầu khí thông cảm, hiểu biết lẫn nhau, xóa tan những nghi ngờ, hiểm khích, những gì có thể gây chia rẽ cộng đoàn. Nhất là người tín hữu có bổn phận giải trừ tin giả bằng Chân lý Tin Mừng của Chúa Kitô.

Ánh sáng đi đến đâu thì bóng tối bị đẩy lui tới đó,chúng ta phải cảnh giác trước những thông tin giả,tin đồn thất thiệt,tin được lắp nghép,cẩn thận khi like và share trên mạng xã hội,nếu không chúng ta đang bị lợi dụng để cổ vũ cho lối sống giả dối,hưởng thụ vật chất.Dù chúng ta không phải là nhà truyền thông,nhà báo,cũng không tham gia trong ban Truyền thông Giáo phận,giáo xứ,nhưng chúng ta vẫn là những nhà truyền thông Tin Mừng nơi gia đình,luôn cân nhắc những việc mình làm,từng lời nói, cử chỉ của chúng ta phải có sức lan tỏa Tin Mừng,đến cho người khác,tạo bầu khí ấm áp thân thương ngay trong gia đình,trong tương quan với người chồng,người vợ và các con.Đó là cách thức chúng ta thực thi sứ mạng truyền giáo hay truyền thông.Vì sứ mạng này không chỉ lời khuyên nhủ,nhưng là bổn phận Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người chúng ta.

Đến đây, chúng tôi nhớ câu chuyện, chắc chắn là quen thuộc với nhiều người, câu chuyện người ta kể cho thiếu nhi răn dạy cho các em sống chân thật, không được nói dối. Câu chuyện này cũng phù hợp cho chúng ta những người làm cha, làm mẹ, những người  có sứ mạng truyền thông Tin Mừng luôn theo đuổi và tìm kiếm sự thật như chính  Đức Giêsu đã nói : “Sự thật sẽ giải thoát anh em”(Ga 8,32).

Ở một khu làng nọ, có một chú bé chăn cừu rất nghịch ngợm và hay nói dối. Một hôm, đang chăn cừu ngoài đồng, chú bỗng chạy về làng kêu toáng lên rằng : “Cứu tôi với, có chó sói bắt đàn cừu”. Tất cả mọi người trong làng đều vội chạy ra xem tình hình thế nào để tìm cách đuổi nó đi, và thế là đã bị mắc lừa vì thật ra chẳng có con sói nào cả. Trong lúc mọi người tức giận thì chú bé kia được một trận cười khoái trá. Sau vài lần như vậy, chó sói về thật. Chú bé chăn cừu lại hét lên cầu cứu, nhưng lần này không ai giúp chú nữa, vì mọi người nghĩ  đó lại là lời nói dối như lần trước. Và kết quả là đàn cừu bị chó sói ăn thịt mất hết.

Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu chúng ta thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, chia sẻ tình yêu thương cho người khác, cụ thể là ngay trong gia đình của mình, chúng ta xây dựng những tương quan thân ái yêu thương giữa mọi thành viên với nhau. Hơn nữa, chúng ta hành xử trên mạng cũng mang một con tim thao thức yêu thương người khác và tìm kiếm sự thật tuyệt đối là chính Thiên Chúa Nhân Lành.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …