Home / Chia Sẻ / TẢN MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO: Linh mục chính là Của Lễ

TẢN MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO: Linh mục chính là Của Lễ

 

9-13-2018 5-51-57 PMTrong những ngày vừa qua, người viết nhận tin buồn của quý cha có liên hệ. Mỗi đấng ra đi ở một độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau, có đấng là cây cao bóng cả, có đấng chỉ kéo lê những tháng ngày dài trên giường bệnh, nhưng tựu chung các ngài dâng chính cuộc đời mình làm của lễ trên bàn thờ hằng ngày, hiệp với hy tế Thập giá của Chúa Giêsu.

Nhân đây, chúng tôi suy nghĩ một chút hình ảnh Linh mục, lễ vật của giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người. Đây là những tư tưởng được gợi hứng từ bài chia sẻ của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong bài giảng thánh lễ an táng của cha Antôn Nguyễn Văn Toàn tại Giáo xứ Đức Tin, Sài Gòn hôm 3.9.2018 vừa qua.

Đại ý Đức cha Phêrô chia sẻ:“Cha Antôn là Linh mục của Giao ước mới “Sacerdos est Victima”, linh mục chính là của lễ.Của lễ hy tế được ép thành rượu ngon, chịu nghiền nát thành bánh thơm để làm lễ vật dâng lên bàn thờ.

“Linh mục là của lễ ”Đây chính là căn tính của người Linh mục. Linh mục dâng lễ, cầu nguyện với Thiên Chúa thay cho dân. Linh mục trước hết là tư tế của dân Thiên Chúa, có nghĩa vụ thông truyền Lời Chúa, nhưng cuộc đời Linh mục cũng chính là của lễ tận hiến cho Thiên Chúa và tha nhân.

Chính vì đời linh mục là lễ vật, hay của lễ, nên linh mục không sao tránh khỏi những hy sinh, mất mát, thiệt thòi và cả những đau khổ, bị bầm dập trên bước đường sứ vụ.

Nếu vì sứ vụ của mình, đã cố gắng rao giảng Lời Thiên Chúa một cách trung thực, không “vo tròn”Lời Chúa cho vừa ý người nghe, thì Linh mục đương nhiên sẽ bị người ta hiểu lầm, chống đối, chửi rủa, thậm chí vu khống đặt điều bịa chuyện này nọ.

Vì thế, cuộc đời linh mục luôn gặp những gian nan vất vả, các ngài đang vác thập giá  hằng ngày theo chân Thầy Giêsu đến hơi thở cuối cùng.

Có một cha sở vừa đi nhận nhiệm sở mới tâm sự : “Nghĩ lại mình cảm thấy buồn. Tại sao người giáo dân đối xử ác với mình quá vậy. Mình có một vài thay đổi trong giáo xứ, giúp giáo xứ tốt hơn,nhất là dọn dẹp khuôn viên trong  ngoài nhà thờ được sạch sẽ thoáng mát. Thế mà họ nói mình đủ thứ tội,thưa gửi lên bề trên. Nói mình lên tòa giảng chửi giáo dân. Thật là không dễ gì dân hiểu và thông cảm cho người Linh mục. Có lẽ đời linh mục là như thế”. Đó là một linh mục trẻ năng động, vui vẻ, dễ thương, hòa đồng với mọi người, chịu khó làm việc, tuổi đời linh mục khoảng hơn 10 năm thôi. Đó phải chăng là những “va chạm”còn nhẹ nhàng ở buổi đầu làm cha sở và những điều đó cũng đi theo các ngài mãi mãi. Chắn chắn, thời gian tới đây cha sẽ  “va chạm” nhiều  hơn  nữa, nặng hơn nữa trong cuộc đời linh mục, khi đó cha  càng cảm thấy cô đơn. Dần dần, cha cảm nghiệm sâu xa thân phận “của lễ”nơi người linh mục, cha dâng lên Chúa tài năng,sức khỏe thời giờ của mình, đang cùng với Chúa chịu đánh đòn sỉ nhục trên thập giá của ngày thứ sáu đau thương.

Linh mục, con người không thể hiểu nổi, một người như mọi người, đầy dẫy tội lỗi, yếu đuối và bất toàn, nhưng lại mang một sứ mạng vô cùng cao trọng.

Cha Antôn Toàn dường như suốt đời chỉ ở trong bóng tối nguyện cầu, đón nhận những cơn đau bệnh hành hạ, luôn tín thác vào Chúa.Cha có vẻ như thua kém hơn với các anh em linh mục khác cùng lớp,ngài không xây được nhà thờ, không làm Cha Hạt Trưởng, hay Đại diện Giám mục, không phát triển hội đoàn, nhưng cuộc đời cha cũng là hy tế. Của lễ Ngài dâng chính là những đau đớn, những  phút giây cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa trong hoàn cảnh của mình. 

Cũng trong tuần qua, có sự ra đi đột ngột của cha Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai, quản lý Tòa Giám mục Long Xuyên. Công việc quản lý thì nhiều, nhưng ngài cũng là con người âm thầm, người tôi tớ trung tín quản giá khôn ngoan, cha làm việc cần mẫn, tận dụng thời giờ cho Giáo hội và cụ thể là cho Giáo phận Long Xuyên. Tuy ngài ra đi đột ngột làm cho những người chung quanh phải ngỡ ngàng, nhưng có lẽ với ngài, thân phận của lễ phải là như thế, phó thác cho Chúa định liệu, Chúa muốn gọi ngài giờ nào tùy ý Chúa.

Còn nơi cha Gioan Baotixita Đoàn Vĩnh Phúc thì thời gian cống hiến và phục vụ nhiều hơn. Ngài lớn tuổi, làm được nhiều chuyện lớn, đi từ miền Trung -Đà Nẵng đến Sài Gòn ven đô, mở mang được nhiều cho Giáo hội, xây nhiều nhà thờ trường học, lớp tình thương, chăm lo cho trẻ em nghèo của hạt Tân Sơn Nhì. Nhưng đời cha vẫn là của lễ, mang tiếng “ông cha này giàu lắm”, nhưng tất cả những gì cha có đều là dâng cho Chúa, như khẩu hiệu Linh mục của cha “trở nên mọi sự cho mọi người”, dâng cho Chúa và anh chị em những gì tốt đẹp nhất. Cộng đoàn có nhà thờ cầu nguyện khang trang sạch đẹp, trẻ em được đi học, biết chữ, nhưng bản thân cha sống đơn giản, cha chỉ luôn “tính  toán”cho giáo dân, còn ngài chỉ một lòng yêu mến Chúa, sùng kính Đức Mẹ, Thánh Giuse. Tôi đã từng nghe cha Gioan Baotixia Phúc chia sẻ với giáo dân hạt Tân Sơn Nhì cách đây chục năm trước, với giọng khàng khàng, chúng tôi không nhớ nội dung nhưng chỉ nhớ đại ý những lời của ngài : “Tôi cứ mua đất, trước tiên làm trường học, tôi đi mượn tiền mua đất rồi trả dần, mấy chục năm sau, nhà cửa sẽ mọc lên, ở đây sẽ là khu đất vàng, lúc đó chúng ta đã có nhà thờ”

Ai đó đã nói : “Làm cha sở thật khổ sở”, người ta còn đưa ra hàng loạt “cái khổ” của cha sở, vì giáo dân mỗi người một ý, không ai giống ai, hơn nữa ai cũng muốn ông cha sở theo hình ảnh mình phác họa ra. Người thì muốn ông cha sở phải dâng lễ ngắn gọn, giảng ít thôi,nhắc nhở ít thôi. Người thì muốn cha sở phải chu đáo cẩn thận, giảng phải lôi cuốn, nói những đề tài đời sống một chút, đừng có lúc nào cũng chỉ giảng giải Lời Chúa. Trên mạng người ta còn làm một bài thơ kể lể về những cái khổ sở của linh mục chánh xứ như sau :

Làm cha sở…ôi thật là khổ sở

Nếu hòa đồng bị than thở: không nghiêm

Còn cương nghị thì bị chê liền: khó tính

Khi giảng dài bị cho là: tra tấn

Giảng ngắn gọn thì than thở: qua loa

Làm việc xông pha thì bị chê là: bày vẽ

Đơn giản, sơ mi thì lại nói Cha: trẻ hóa

Sống chiêm niệm bị đánh giá nấp: ở nhà

Không rượu, không chè thì bị coi là: giữ kẽ

Có chút rượu bia bị lên án: rượu chè

Nếu nghỉ ngơi lại bị chê: làm biếng

Còn siêng làm thì mang tiếng: bao sân

Chịu khó tiếp dân, bị coi lười: cầu nguyện

Còn ít tiếp dân, Cha mang tiếng: quan liêu

Làm việc năng nổ, thì bị xếp loại: kiêu

Giáo xứ có bề gì lại mang tai tiếng: yếu

Làm cha sở ôi thật là khổ sở

Nhưng khổ sở là muôn thuở thế gian

Vậy xin cha chớ vội than van

Còn nhiệm sở tức là còn khổ sở

Vì những niềm đau và biết bao gian khó

Đang mong Cha soi rọi mối tình trời

Đem Phúc âm cho nhân thế nơi nơi

Cho reo vui muôn tiếng cười cứu độ

Còn nhiệm sở nghĩa là còn bóng tối

Cần nơi Cha nguồn cội suối tâm linh

Soi chiếu đường đi ánh sáng Tin Mừng

Cho rạng ngời ánh thiều quang chân lý.

Còn nhiệm sở, còn nhiều điều suy nghĩ

Còn lo lắng, còn nặng gánh khổ sầu

Nào ai hiểu: làm Linh Mục dễ đâu

Khi giáo dân luôn khẩn cầu ơn thánh

Còn nhiệm sở, còn nặng vai gồng gánh

Lúa chín mênh mông, thiếu vắng thợ tài

Khôn ngoan, thánh thiện, sức khỏe dẻo dai

Đem ơn Chúa đến mọi nơi mọi chỗ.

Làm cha sở…cho dù rất là khổ sở

Cũng là đường luôn rạng rỡ hân hoan

Khổ vì yêu, vì trách nhiệm cưu mang

Là Mục tử dưỡng nuôi đoàn chiên Chúa

Làm Cha sở ôi muôn vàn khổ sở

Cha là người Chúa muôn thuở yêu thương.

(Thế Nhân)

Vì vậy, cuộc đời Linh mục phải là đường khổ đau thập giá, nhưng các ngài cảm thấy hạnh phúc khi phục vụ và trao ban cho đàn chiên của mình. Linh mục là chủ chiên riêng của Giáo xứ, cai quản, quy tụ và dẫn dắt chiên theo đường lối của Chúa. Mặt khác, linh mục như người cha người mẹ yêu thương con chiên thật tình, sẵn sàng hy sinh quên mình, chăm lo cho con chiên như với con cái từng miếng ăn giấc ngủ.

Làm cha sở khó đấy, nhưng với trái tim Mục Tử sẽ làm được thôi. Hơn nữa, các ngài luôn có Chúa ở bên nâng đỡ che chở.

Giữa lúc Hội Thánh đang đối diện với những thách đố, những tội lỗi khuyết điểm của các giáo sĩ, tình trạng giáo sĩ trị, việc lạm quyền, quan liêu của các giáo sĩ, nhưng nhìn vào tấm gương các linh mục vừa kể trên và nhiều tấm gương linh mục thánh thiện làm cho người giáo dân chúng ta yên tâm sống đạo.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong các bài giảng tại nhà nguyện Mát-ta những ngày gần đây cung cấp cho chúng ta những từ khóa sống đạo trong hoàn cảnh hiện nay: thinh lặng, cầu nguyện trước những lời gièm pha, nói xấu, hồi tâm, xét mình, đừng lên án người khác, hãy lên án chính mình.

Vâng, Hội Thánh đau khổ trước những tội lỗi của hàng giáo sĩ tu sĩ và cả giáo dân, cùng liên đới trách nhiệm, và nhất là trong Chúa Thánh Thần.Hội Thánh xin ơn thánh hóa, sửa sai và uốn nắn mọi người trên con đường thánh thiện theo Đức Kitô.

Giáo hội dứt khoát nói không với tội lỗi, loại trừ văn hóa cả nể bao che, phe nhóm và những gương mù gương xấu, nhưng yêu thương các tội nhân như chính Đức Kitô trong sứ vụ công khai luôn tìm dịp gặp gỡ những người tội lỗi, cứu giúp, đưa họ trở về cùng Thiên Chúa.

Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban những vị chủ chăn nhân đức, hiền từ, hết lòng yêu thương và phục vụ đoàn chiên, đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho các linh mục, cùng chia sẻ nâng đỡ những nặng nhọc trong cuộc đời các ngài, cụ thể là chúng ta sẵn sàng cộng tác với các cha sở của mình trong giáo xứ,làm sao cho giáo xứ được mỗi ngày phát triển.

Xin cho các linh mục vừa là tư tế dâng lễ tế lên Thiên Chúa, nhưng cũng là của lễ, các ngài sẵn sàng hy sinh không sợ  “khổ” không sợ giáo dân gây phiền hà vì nhu cầu mục vụ cần thiết. Xin cho các ngài hết lòng phục vụ đoàn chiên Chúa giao phó bằng tấm lòng mục tử yêu thương đàn chiên như Đức Kitô “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10,10)

Giuse Nguyễn Bình An

 

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …