Home / Chia Sẻ / Tản mạn chuyện nhà đạo: Gia Đình là số 1

Tản mạn chuyện nhà đạo: Gia Đình là số 1

gia dinhMùa Giáng sinh mời gọi mỗi người Kitô hữu chiêm ngắm máng cỏ nơi Chúa Giêsu giáng sinh. Đó là gia đình thánh, Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh cả Giuse. Câu chuyện Mùa Giáng sinh chúng ta được nghe kể qua các trình thuật Tin Mừng là câu chuyện của gia đình, những biến cố lớn nhỏ, cách ứng xử của các ngài trước những biến cố xảy đến cho gia đình. Từ chuyện Trẻ Thơ Giêsu bị vua Hêrôđê truy sát phải chạy sang Ai Cập lánh nạn, chuyện lạc con trong Đền thờ và chắc chắn còn nhiều câu chuyện khác nơi gia đình này, nhưng các thánh sử không kể lại cho chúng ta.

Thật vậy, Con Thiên Chúa khi Giáng sinh làm người, Ngài sống trong một gia đình nhân loại, có cha có mẹ là Thánh Giuse và Đức Maria. Ngài lớn lên học sống vâng phục cha mẹ của mình. Ngài chia sẻ mọi nỗi niềm của kiếp người. Gia đình thánh của Chúa Giêsu không được miễn trừ cho các thử thách sóng gió. Nhưng điều làm cho các ngài có thể vượt qua sóng gió giông bão trong cuộc sống gia đình chính là bởi tình yêu thương dành cho nhau, sự hy sinh, chịu đựng, yêu thương nhau hết lòng và luôn yêu mến kính sợ Thiên Chúa.

Người ta nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, gia đình nào mà không có chuyện, những sóng gió giông bão ập đến là bình thường, không chuyện lớn, thì cũng chuyện nhỏ, gia đình nghèo khó kiếm gạo hằng ngày cũng khó khăn vất vả, những gia đình giàu có, ăn bữa tối hết cả chục triệu cũng chưa hẳn hạnh phúc hơn. “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, người đứng ngoài cuộc bao giờ cũng thấy gia đình anh hàng xóm hạnh phúc hơn, vì gia đình đưa đón con đi học bằng ô tô, có căn nhà mặt tiền cho người ta thuê làm văn phòng.

Ngày nay người ta xếp những thứ bậc thang giá trị cuộc sống dựa trên nhà cửa tiền bạc, ông ấy đang là giám đốc một công ty lớn, đi nước ngoài công tác như cơm bữa, thành đạt trong sự nghiệp. Tất cả những điều đó có đủ hết, chỉ thiếu tình yêu thương, vì vậy người ta cũng không tìm được hạnh phúc.

Ai trong chúng ta cũng thấy được những khó khăn, thách đố với các gia đình Công Giáo trong thời buổi hiện đại ngày nay.

Để có một giải pháp cho các khó khăn chúng ta thử tìm bí quyết hạnh phúc nơi gia đình thánh. Chìa khóa của vấn đề là sự thinh lặng, biết lắng nghe nhau và quy hướng về Thiên Chúa trong mọi sự.

Có lẽ thế giới quá ồn ào, đủ kiểu âm thanh, từ chiếc điện thoại, tivi, chúng ta không biết thinh lặng trước các biến cố xảy ra trong cuộc đời, thinh lặng suy nghĩ việc cần làm, đắn đo xem phải làm gì, không vội nói để khỏi bị vạ miệng. Bài học thánh cả Giuse dạy cho các gia đình chúng ta là tập sống thinh lặng,

Dường như Đức Mẹ Maria cũng dạy chúng ta sự thinh lặng và suy niệm các biến cố bằng đức tin và tình yêu thương. Chẳng biết chuyện buồn, chuyện vui xảy ra thế nào cho mình, chỉ biết rằng Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín, Ngài sẽ ban ơn cứu độ như lời Ngài đã phán hứa. Bên máng cỏ, chúng ta thấy một gia đình đang hạnh phúc, nâng niu sự sống bé bỏng là Hài Nhi Giêsu vừa mới sinh, dù gia đình đó nghèo khó lạnh cóng. Gia đình thánh không nói nhiều mà chỉ hành động theo Thánh ý Chúa. Các ngài dạy ta bài học thinh lặng mà cả đời chúng ta chưa thuộc bài.

Thỉnh thoảng ngay trên đường phố, cảnh tượng người chồng thẳng tay tát đánh vợ, người vợ cấu xé người chồng, chửi rủa mạt xát nhau, tung ra những câu thô tục. Khi người ta không đủ thinh lặng và lắng nghe nhau cho nên người ta phải dùng vũ lực tay chân đánh đập thô bạo với nhau. Ngay tại thành phố Sài Gòn được xem là thành phố công nghiệp hiện đại nhất nước, vẫn có chuyện chồng đánh vợ ngay trên đường phố, chứ đâu cần phải về quê mới thấy những ông chồng sáng say chiều xỉn đánh đập vợ con như cơm bữa. Các gia đình đó không còn là mái ấm yêu thương, bến đỗ an toàn cho mọi người mong mỏi trở về, vì tình yêu của họ dành cho nhau đã đội nón ra đi, người chồng dằn vặt người vợ, xâu xé, những vết thương đòn roi trên thân xác diễn tả những thương tổn nặng nề hơn nơi tâm trí con người, những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình ấy cũng có xu hướng bạo lực hơn những đứa trẻ trong các gia đình bố mẹ yêu thương hạnh phúc với nhau.

Trong Thư Mục Vụ năm 2017 của HĐGMVN, các vị chủ chăn đề ra định hướng của năm mới 2018: Giáo hội đồng hành với các gia đình. Các mục tử và các thành phần trong Hội Thánh luôn giúp đỡ các gia đình trong việc kiếm tìm và xây dựng hạnh phúc.

Các mục tử đồng hành với các gia đình, chuyện bây giờ mới kể. Các ngài ngồi ở nhà xứ đợi giáo dân có việc thì đến gặp cha sở. Các ngài nghe kể về các gia đình đang gặp vấn đề khó khăn, tình trạng rối khi các hội viên Legio Mariae đi công tác về báo cáo lại cho các ngài biết. Đây có phải là cách mà các mục tử đang đồng hành với các gia đình. Cả Giáo hội cần vào cuộc, các hội đoàn, các gia đình Công Giáo chia sẻ với những gia đình khó khăn, nhất là các gia đình đang nguội lạnh việc đạo, tình trạng rối, người chồng ăn ở với hai ba bà vợ, nhiều cặp kết hôn không có phép đạo, những người ly dị tái hôn. Ở những vấn đề trên, đôi khi người mục tử chỉ cần lắng nghe và chia sẻ với họ, đồng cảm với những khó khăn của họ, như thể họ đụng chạm được trái tim nhân lành của vị Mục Tử Giêsu đang tâm sự:“Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi” (Mc 2, 17).

Anh bạn tôi mới chuyển nhà về một giáo xứ kể chuyện.

“Chỉ xin tờ giấy gia nhập giáo xứ cũng trăm điều khó. Đến nhà xứ gặp cha sở, cha nói tôi đi về tìm ông trùm giáo họ của mình viết cho tờ giấy giới thiệu. Tôi mới về xứ, chẳng biết ai là ông trùm giáo nên mạnh dạn hỏi lại cha sở: “Cha cho con biết tên và địa chỉ ông trùm giáo họ thánh Giuse?”. Cha sở tỏ ra khó chịu, ngài gằn giọng chỉ tôi ra ngoài sân nhà thờ hỏi mấy ông trùm giáo đang trực trông coi nhà thờ. Bỗng dưng, lúc này tôi thấy bầu khí nhà xứ nặng nề quá, gần giống ở ủy ban phường, người này chỉ người kia, thiếu sự ân cần tận tình của cộng đoàn đức tin mà Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân lành. Tôi nghĩ gia đình mình chẳng có rối rắm gì mà gặp cha sở như thế, các gia đình rối chẳng đời nào dám gặp cha. Thôi thì, thấy bóng dáng cha sở họ chạy mất dép”.

Làm sao các gia đình cảm thấy được linh mục quản xứ luôn quan tâm và chia sẻ, quảng đại bao dung như Đức Giêsu, lê la chuyện trò bên các gia đình, các bạn trẻ, không chỉ giao việc “khoán trắng” cho các vị giảng viên lớp Giáo Lý Hôn Nhân và Dự tòng, chẳng bao giờ ngài dự giờ giáo lý Hôn nhân, kể cả những buổi kiểm tra cuối chương trình.

Trong thư mục vụ cũng nêu lên những điểm sáng nơi các gia đình Công Giáo trước sự tấn công của xã hội tục hóa và lối sống hưởng thụ vật chất. Đó là đời sống bí tích Thánh Thể, Thánh lễ và các giờ kinh tối trong gia đình. Đó cũng là hình ảnh nơi Gia đình Thánh, Đức Maria và Thánh Giuse quy hướng về Thiên Chúa, lắng nghe theo sự dẫn dắt của Ngài, đặt Chúa Giêsu Con Thiên Chúa ở vị trí trung tâm.

Các gia đình Kitô hữu cần tổ chức giờ kinh tối, cùng nhau tắt ti vi, điện thoại, ipad, cầu nguyện với Chúa và dành thời gian cho nhau. Chính vì không có thời gian lắng nghe, biết thinh lặng, vợ chồng con cái không hiểu nhau, nên tạo ra sự xung khắc, xung đột, không có tình yêu thương đủ lớn dắt dìu nhau vượt khó. Dĩ nhiên ở trong tình trạng này lâu dài, chuyện ly dị sẽ đến không sớm thì muộn mà thôi.

Gia đình Công Giáo dành ngày chủ nhật, cùng nhau tham dự thánh lễ thờ phượng Chúa, ngày chủ nhật cũng là ngày làm việc bác ái, đi thăm hỏi người già đau bệnh neo đơn, chia sẻ vật chất cho người nghèo, đi đến các mái ấm, cô nhi viện. Ngày chủ nhật cũng là ngày bố mẹ dẫn con về thăm ông bà nội ngoại ở quê, thăm hỏi ông bà, dùng bữa cơm trưa với ông bà, gặp gỡ cô bác chú dì…

Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu thương, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm nghiệm từ “Bài ca đức mến” của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô (1Cr 13, 1-13) đưa ra 13 lời khuyên cho các gia đình như sau:

  1. Tình yêu là kiên nhẫn

Có kiên nhẫn không phải là để cho mình luôn bị đối xử xấu, cũng không chấp nhận để bị ức hiếp thể xác, cũng không để người kia xem mình như đồ vật. Tình yêu luôn mang một ý nghĩa trắc ẩn sâu đậm, chấp nhận người kia như một phần của thế giới này, dù khi họ phản ứng một cách ngoài ý muốn của mình. Vấn đề xảy ra khi chúng ta đòi hỏi các quan hệ phải lý tưởng, hoặc người kia phải hoàn hảo, hoặc chúng ta đặt mình là trung tâm vũ trụ, muốn ý của mình phải được tuân theo. Khi đó chúng ta không còn kiên nhẫn, chúng ta hung hăng phản ứng lại”.

  1. Tình yêu là phục vụ

Thánh Phaolô nói: “Muốn nói đến tình yêu không phải chỉ là cảm nhận tình cảm, nhưng phải hiểu động từ ‘yêu’ theo nghĩa của tiếng hêbrơ là ‘làm điều tốt’”.

“Giống như Thánh I-Nhã đã nói ‘tình yêu phải ở trong hành động nhiều hơn là trong lời nói’. Như thế tình yêu cho thấy tất cả sự phong phú của nó và cho chúng ta trải nghiệm được hạnh phúc là khi cho. Cao thượng là cho nhưng không, trọn vẹn, không cân đo, để có được niềm vui tinh tuyền khi cho và khi phục vụ”.

  1. Tình yêu không ghen tương

Trong tình yêu, không thể nào nghĩ mình khổ khi thấy người khác được tốt (x. Cv 7:9; 17:5). Ham muốn là nỗi buồn vì người khác được tốt, chứng tỏ mình không quan tâm đến hạnh phúc của người khác, vì mình chỉ nghĩ đến lợi ích của mình”.

“Tình yêu đích thực là mừng với thành công của người khác, không cảm thấy như mình bị đe dọa, tình yêu giải thoát khỏi sự cay đắng vì ham muốn. Tình yêu chấp nhận mỗi người có ơn khác nhau và con đường khác nhau trong cuộc sống”.

  1. Tình yêu không vênh vang, không kiêu ngạo

Ai yêu thì không những họ tránh nói về mình, nhưng họ tập trung nói về người khác, họ biết đặt mình đúng chỗ không tự cho mình là trọng tâm. Có một số người cho mình cao trọng hơn người khác vì họ nghĩ mình có học hơn, họ đòi hỏi và kiểm soát người kia; nhưng thật ra, cái làm chúng ta cao trọng, đó là thông cảm, che chở, bảo bọc người yếu và chính đó mới là những điều làm chúng ta cao trọng”.

  1. Tình yêu không làm điều bất chính

Yêu nhưng cũng là người đáng yêu, có nghĩa là tình yêu không thô bạo, không phản ứng một cách bất lịch sự, không gay gắt trong các quan hệ. Lời nói, cử chỉ, phong cách phải dễ chịu chứ không thô tháp cứng ngắt. Tình yêu là không muốn làm người khác khổ.

  1. Tình yêu không tìm tư lợi

Ngược với lối suy nghĩ bình thường, yêu người khác thì trước hết phải yêu chính mình. Bài ca đức mến của Thánh Phaolô khẳng định tình yêu là không tìm tư lợi, không ích kỷ. Không đặt ưu tiên là yêu chính mình, nhưng cao thượng hơn là hiến mình cho người khác”.

  1. Tình yêu không giận dữ

Bực mình được che đậy, làm cho mình khi nào cũng ở trong thế phòng vệ trước người khác, xem họ là kẻ thù khó chịu cần phải tránh. Phúc Âm nhắc chúng ta nhìn cái đà trong mắt mình (Mt 7:5). Nếu chúng ta cần phải chiến đấu chống sự dữ thì chúng ta cứ chiến đấu, nhưng phải luôn nói “không” với bạo lực trong lòng mình”

  1. Tình yêu không hận thù

Đừng để những tình cảm xấu thâm nhập vào trong lòng, nhưng phải trau dồi đức tính tha thứ, tha thứ xây dựng một thái độ tích cực, tìm cách hiểu sự yếu đuối của người khác, tìm lý do để biện minh cho người khác. Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới cứu và hoàn thiện được sự giao tiếp trong gia đình. Nó đòi hỏi một tấm lòng rộng lượng và nhanh chóng thấu hiểu, bao dung, tha thứ, giải hòa”.

  1. Tình yêu là vui với cái vui của người khác

Khi một người yêu, họ có thể làm điều tốt cho người khác, họ vui với cái vui của người khác, đó là cách họ làm vinh danh Chúa, vì ‘ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Co 9:7).

Gia đình phải là nơi mà khi có người làm một chuyện gì tốt trong đời, họ biết gia đình sẽ mừng với họ”.

  1. Tình yêu chịu đựng tất cả

Tình yêu là chặn lại phê phán, là kềm lại không nói lời lên án gay gắt, khắt khe: ‘Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án’ (Lc 6:37)”.

Các cặp vợ chồng thương nhau, họ nói tốt cho nhau, họ nói đến khía cạnh tốt của người kia hơn là các yếu đuối và lỗi lầm. Dù sao họ giữ thinh lặng để không làm xấu đi hình ảnh của người kia. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là các hành động bên ngoài nhưng nó phải đến từ một thái độ bên trong.

  1. Tình yêu tin tưởng tất cả

Đây không phải chỉ là không nghi ngờ người kia nói dối hay lừa mình. Không cần thiết phải kiểm soát người kia, phải theo sát người kia từng bước kẻo họ lọt khỏi mắt mình. Tình yêu là tin tưởng, là giữ tự do, là không kiểm soát, không chiếm giữ, không thống trị.

  1. Tình yêu là hy vọng tất cả

Đó là hy vọng của người biết người kia có thể thay đổi. Điều này không có nghĩa là tất cả sẽ thay đổi trong đời sống này. Đó là chấp nhận có một vài chuyện không như mình mong muốn, nhưng có thể Chúa viết thẳng với các đường cong và biết rút tỉa một vài điều tốt trong cái xấu mà mình không thể nào khắc phục được trên quả đất này.

  1. Tình yêu chịu đựng tất cả

Sự chịu đựng này không phải là chỉ khoan dung một số việc trái ý, nhưng là một cái gì cao rộng hơn: một chịu đựng năng động và thường xuyên, cố gắng vượt lên thử thách. Tình yêu không để hận thù, khinh ghét, muốn làm điều xấu, muốn trả thù chế ngự. Lý tưởng trong tinh thần kitô và đặc biệt trong gia đình, tình yêu bất chấp tất  (Theo Phanxico.vn).

Các gia đình Công Giáo chỉ cần tập sống mỗi ngày theo lời khuyên tuyệt vời của Đức Thánh Cha, nhờ đó gia đình chúng ta sẽ tràn đầy hạnh phúc, mỗi người sẽ thêm yêu thương nhau nồng nàn, các thành viên trong gia đình ai cũng cảm thấy cần đến nhau, không ai còn làm tổn thương người khác, trái lại luôn nâng đỡ chia sẻ, cùng dắt dìu nhau nên thánh mỗi ngày.

Trên màn ảnh nhỏ gần đây các bạn trẻ đang theo dõi loạt phim: “Gia Đình là số 1”. Nghe tựa đề thấy hay nên người viết tò mò xem qua vài cảnh trong phim. Truyện phim xoay quanh gia đình ông Đức Nghĩa, bà vợ và các con các cháu của ông, mỗi người một tính cách. Gia đình đó có nhiều chuyện, nhưng vì là thể loại phim sitcom, cho nên người ta cố ý làm cho những câu chuyện trở nên vui vẻ, có nhiều khi chọc cười khán giả thật vô duyên nhảm nhí. Nhưng xem ra đằng sau những câu chuyện diễn biến của phim, có nhiều hạt sạn, người xem thấy được tình nghĩa gia đình là trên hết, mọi người trong gia đình biết chấp nhận nhau. Các tập phim buổi tối chiếu trên truyền hình, buổi sáng tôi xem lại trên Youtube, lượt xem lên đến 1 triệu lượt. Chúng ta nên nhớ: gia đình là số 1, đừng ai làm cho những người thân yêu của mình trong gia đình phải buồn rầu lo lắng, gia đình phải là nơi tràn ngập tiếng cười, nhiều chuyện vui vẻ, những lời nói yêu thương ngọt ngào. Hơn nữa, gia đình còn là nơi người ta tìm về để nghỉ ngơi an toàn, nơi bình yên chim hót. Các thành viên trong gia đình mỗi người một tính cách, đúng rồi có nhiều lúc muốn điên đầu vì chuyện này chuyện kia, nhưng dù ngày mai có ra sao nhưng chúng ta vẫn yêu thương và ở bên nhau mãi mãi.

Ca khúc phim khá vui, xin ghi lại đây làm quà tặng cho các gia đình trẻ nhân dịp năm mới dương lịch 2018 và cũng cầu chúc các gia đình Công Giáo luôn thấm đậm tình yêu thương như gia đình thánh Nagiarét.

“Ông thì tính khí hay thất thường lắm, khi mưa khi nắng, khi vui buồn. Bà thì hay tám vô tư hằng ngày. Ôi thật lắm lúc điên đầu. Cha tôi lúc nào cũng không thành tài, nhưng bao thất bại cha vẫn không ngần ngại. Mẹ rất là tự tin và mỗi người một tính cách. Dù ngày mai ra sao, chúng ta vẫn mãi bên nhau, dù gian lao nhưng gia đình ta vẫn yêu thương nhau”.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …