“Xin lễ để làm gì?”. Một câu hỏi có vẻ thừa với người Công Giáo. Nhất là vào những ngày tết, ngày giỗ và tháng 11 này, người giáo dân thường xin lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã qua đời. Xin lễ, chuyện thường ngày ở nhà xứ, ngày nào mà không có người xin lễ. Nhưng đây cũng là chuyện nói mãi chưa hết, có nhiều thứ để nói, để giãi bày, chuyện dễ gây hiểu lầm, chuyện làm nên tương quan giữa linh mục và giáo dân, giữa cha sở, cha phó và người xin lễ.
Người viết không phải là nhà chuyên môn về Giáo luật, cho nên những chia sẻ trong bài này chỉ tản mạn qua chuyện nhà đạo, chắc chắn đây không phải là giải đáp thắc mắc.
Hiểu đơn giản, trong mỗi thánh lễ mà linh mục dâng hằng ngày đều có phần đóng góp của người giáo dân. Họ xin linh mục cầu nguyện trong thánh lễ theo những ý nguyện, những nhu cầu của họ, nhiều hơn cả vẫn là xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn, là thân nhân ân nhân của họ đã qua đời. Xin lễ để cầu nguyện cho các linh hồn được Thiên Chúa xót thương tha thứ tội lỗi, mà đưa về nước thiên đàng.
Đức tin Công giáo dạy, sau khi kết thúc hành trình cuộc sống trần thế, những người thánh thiện tốt lành sẽ được đưa về hưởng hạnh phúc thiên đàng, đó là những con người chết trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Ngoài ra, còn có những người sau khi kết thúc hành trình cuộc sống này, họ cần một thời gian thanh luyện, sau đó mới được Thiên Chúa đưa về với Ngài. Bây giờ, họ không thể tự lập công được, nên chỉ trông chờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại, để cứu độ nhân loại. Những linh hồn đang trong tình trạng thanh luyện cần đến chúng ta, là những người đang bước đi cuộc lữ hành trần thế nhớ đến họ, bằng cầu nguyện, thánh lễ và dâng những việc hy sinh bác ái.
Vì không ai biết trước số phận của một người sau khi chết như thế nào, cho nên, những người còn sống không quên cầu nguyện cho các linh hồn.
Khi xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta diễn tả đức tin của mình, lòng chân thành, tưởng nhớ những người đã khuất. Mặt khác, chúng ta cũng tin tưởng, Thiên Chúa là Cha nhân lành thương xót, chúng ta kêu cầu Thiên Chúa thương đến các linh hồn. Bởi vì, chúng ta luôn xác tín Thiên Chúa không bỏ rơi một ai bao giờ.
Có thể nói, trong các cách thức nhớ đến các linh hồn, Thánh lễ đem lại ơn ích cho các linh hồn nhiều nhất.
Xin lễ cho những người thân yêu, chúng ta hiệp với linh mục cầu nguyện cho các linh hồn đang ở trong tình trạng thanh luyện, đang đau khổ rên siết. Cùng với ý nguyện, chúng ta dâng một số tiền, vật chất, từ thành quả từ công ăn việc làm của mình, đó là bổng lễ. Chuyện rắc rối từ đây.
Nhiều khi đi tham dự thánh lễ, chúng ta nghe vị linh mục xướng lên hằng trăm linh hồn xin cầu nguyện. Ở những giáo xứ lớn tại Sài Gòn có khi chuyện xướng các linh hồn mất khoảng 10 phút đầu lễ. Thế là ở dưới giáo dân không được yên, người này người kia râm ran, to nhỏ với nhau xem như đây là mùa bội thu, trong các thánh lễ, linh mục chỉ xướng tên các linh hồn theo như ý nguyện người xin, đó là những ý lễ. Ý lễ được đọc lên như thế, còn theo quy định của Giáo hội, mỗi giáo phận lại khác. Mỗi thánh lễ các ngài chỉ nhận được một bổng lễ, chứ không phải các ngài được hưởng tất cả những bổng lễ được xướng lên trong thánh lễ đó.
Xin xác định, thánh lễ là vô giá, không ai có thể dùng tiền của để mua thánh lễ, đổi chác. Thánh lễ vô cùng cao trọng và thánh thiêng, không điều gì trên trần gian có thể sánh bằng. Vì vậy chẳng có chuyện thánh lễ to, thánh lễ bé, thánh lễ ở đây long trọng hơn thánh lễ chỗ khác, thánh lễ do Đức Giám mục chủ tế thì long trọng hơn là các linh mục thường dâng lễ. Thiên Chúa không cần con người. Con người hoàn toàn bất xứng trước hồng ân Thiên Chúa ban tặng qua thánh lễ.
Tuy nhiên, Thiên Chúa quy tụ và mời gọi con người dâng lên Thiên Chúa cuộc sống của mình qua mỗi Thánh lễ. Thiên Chúa biết trước cả những điều chúng ta chưa cầu xin với Ngài. Vì thế, không bao giờ có chuyện người xin lễ với 100 usd thì thánh lễ sẽ long trọng sốt sắng hơn, còn người xin với bổng lễ 100 ngàn sẽ ít long trọng.
Ở những vùng quê xa xôi, vùng truyền giáo nghèo khó, không có người xin lễ, linh mục vẫn phải dâng lễ mỗi ngày. Chúng ta đã nghe những bài giảng của Đức cha Khảm nói, có nơi người giáo dân xin lễ bằng nải chuối, vài chục cam, thậm chí “xin lễ chịu”, vì chưa tới mùa thu hoạch cây ăn trái, chưa có tiền xin lễ, “ông cố cho con thiếu nhé”.
Ở những vùng khó khăn đó, Giáo hội vẫn chăm lo cho các linh mục có thể sống được, từ Tòa Giám mục chuyển ý lễ bổng lễ cho các ngài dâng lễ.
Thật thế, Thiên Chúa tốt lành khoan dung, điều rối rắm là do con người bày vẽ ra. Con người theo cái nhìn của danh vọng tiền bạc hơn thua nhau ở đời mà xảy ra nhiều chuyện. “Con gà tức nhau tiếng gáy” là vậy.
Tựu chung, Giáo hội khôn ngoan cho phép các linh mục hưởng bổng lễ đủ để các ngài sống, các ngài đâu có đi làm kế sinh nhai.
Mỗi linh mục dâng một thánh lễ thì được hưởng một bổng lễ, nhận bổng lễ lớn hay nhỏ tùy các ngài. Bổng lễ dư còn lại sẽ chuyển đi các nơi mà linh mục không có ai xin lễ, các cha hưu…
Chẳng biết người giáo dân không hiểu hay cố tình không hiểu. Vấn đề ý lễ và bổng lễ có thể nói là vấn đề làm khổ tâm các vị mục tử. Cha sở mà lên tiếng trong vấn đề này càng dễ bị hiểu lầm và “ném đá”.
Ở một giáo xứ nọ, có lẽ vì nhận nhiều ý lễ quá trong một ngày, kiểm không xuể, hay cha sở không có ai phụ giúp việc nhận lễ. Một ngày đẹp trời, cha thông báo sau thánh lễ đại loại như sau: “Tòa Giám mục quy định bổng lễ hiện nay 200 ngàn, anh chị em có khả năng, xin lễ khá khá một chút”. Thế là ngày mai trên khắp khu phố của giáo xứ, quán cà phê cóc trước cổng nhà thờ, chuyện này được thiên hạ bàn tán sôi nổi “Cha xứ ra giá tối thiểu cho bổng lễ”. Tội nghiệp cha sở đó thật. Tôi hỏi thăm và chia sẻ với ngài. Thật ra, cha không từ chối bồng lễ nhỏ, nhưng ngày nào cũng có người xin lễ, thí dụ 100 ngàn cho 5 năm ý lễ. Xin trước cả năm, quên đọc một ngày thôi, người đó lên nhà xứ khiếu nại cha sở. Ngày nào cũng như ngày nào, cha sở đếm thùng lễ hết cả buổi chiều, không còn giờ làm việc khác. Thùng lễ đầy bao thư, nhưng gom chẳng được bao nhiêu bổng lễ cho các cha nhà hưu. Cha tâm sự: “Anh biết rồi đấy, 250 ngàn một ý lễ là định mức để linh mục phân phối ý lễ cho các nơi. Cha phải lo làm sao chuyển về cho các cha hưu kha khá một chút. Có nhiều ý lễ, lắm khi tôi còn phải bù tiền ra giúp cho các ngài”.
Linh mục không bao giờ từ chối bất cứ bổng lễ nhỏ nào, vì đó là cách họ dâng theo tấm lòng của họ. Chúng ta đã nghe Chúa Giêsu khen ngợi tấm lòng của bà góa nghèo dâng cúng tiền vào đền thờ. Hai đồng tiền kẽm của bà, Chúa xem số tiền đó bằng số tiền của những đại gia giàu có, bởi bà đã dâng trọn cả cuộc sống, trao ban hết tất cả những gì bà đang có.
Chuyện xin lễ là chuyện của tấm lòng, theo khả năng kinh tế của gia đình mình, nếu chúng ta yêu mến trợ giúp các chủ chăn, có điều kiện hơn thì xin bổng lễ 100 usd cũng chẳng sao, chúng ta cũng được thánh lễ đầy đủ, không hơn không kém. Các linh mục nhiều khi muốn lấy lòng giáo dân giàu có, thánh lễ có thêm “tiết mục phụ”, có nhiều cha đồng tế, ca đoàn của gia đình hát lễ… Đương nhiên các linh mục căn cứ theo quy định của luật Giáo hội địa phương để áp dụng cho từng trường hợp. Tất cả những gì “thêm mắm thêm muối” chỉ là phụ, chỉ được tiếng khen tiếng chê ở đời.
Linh mục cố gằng tránh đừng làm cho người nghèo cảm thấy cuộc đời hẩm hiu bi đát, bị bỏ rơi, ngay cả trong giáo xứ cũng đối xử lạnh nhạt với họ.
Chúa Giêsu lên án thói rình rang, khua chiêng múa trống của giới lãnh đạo Do thái giáo thời xưa. Mỗi người chúng ta cần tỉnh táo để phụng thờ Thiên Chúa qua tấm lòng thành của mình, đến với Chúa trong thánh lễ như trở về với gia đình yêu thương đầm ấm, đừng màu mè, đừng tranh giành chỗ thấp chỗ cao, vì ai cũng như ai. Và Cha trên trời biết hết mọi sự, những gì chúng ta cần.
Bên cạnh đó, chúng ta cần thông cảm với các linh mục, vì là con người, các ngài có những ứng xử đôi khi “rất người”. Xin Chúa sửa sai các ngài, để trong khi quản lý kho tàng ân sủng của Thiên Chúa, các ngài trình bày Dung Nhan xót thương của Thiên Chúa Cha, Đấng luôn công bằng với mọi người, dành ưu tiên cho những người nghèo khó túng thiếu.
Một giáo dân tâm sự: “Cha sở của tôi chỉ vui vẻ đón tiếp nhà giàu, những ông đại gia. Thấy bóng dáng những người đó từ đàng xa, cha chạy nhanh ra khỏi nhà xứ, niềm nở đón tiếp, hỏi thăm chuyện trò tươi cười. Còn với ông cụ nghèo bán bò bía đến xin lễ, Cha sở nhìn ông với khuôn mặt “hình sự”, đưa phong bì lên “soi” xem trong đó bao nhiêu tiền. Rồi cha sở bỏ về phòng mình. Buồn thật.
“Chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”, chuyện xin lễ, xin đừng làm cớ cho người ta đánh giá Giáo hội cũng coi trọng nhà giàu mà xem thường người nghèo. Cần lắm một tấm lòng, xin lễ bằng một tấm lòng dâng cho Chúa. Có nhiều dâng hiến nhiều, giàu nghèo “vui cả làng”. Chúng ta đừng đem chuyện cha sở cư xử với giáo dân, quý ông đem ra quán cà phê cóc, quý bà đem ra nơi chợ họp xổm trong xứ mà tám cho vui, “lấy câu chuyện làm quà”.
Tháng các linh hồn, chúng ta xin lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Nếu ta có nhiều tiền bạc, chịu khó đi xin lễ cho người thân, không chỉ những ngày giỗ mới nhớ đến. Mặt khác, chúng ta dâng cho các linh mục bổng lễ để các ngài yên tâm phục vụ đoàn chiên, có điều kiện làm việc bác ái giúp cho người nghèo. Cả cuộc đời các linh mục đã tận tình phục vụ dấn thân cho nhà Chúa, chịu rất nhiều hy sinh và từ bỏ, ít ra trong vấn đề “cơm áo gạo tiền”, các ngài không phải bận tâm, vì đã có người giáo dân chia sẻ cho các ngài. Điều linh mục trao ban cho chúng ta là tình yêu thương, bình an và niềm vui của Chúa, những món ăn của đời sống thiêng liêng phong phú.
Xin quý linh mục sống xứng đáng là cha của mọi tín hữu Kitô, yêu thương con cái bằng tình yêu của người cha, nuôi nấng dạy dỗ bằng dòng sữa mát ngọt của đức tin, cư xử theo gương Đức Kitô hiền lành và khiêm nhường, Linh mục phải là Đức Kitô khác giữa cộng đoàn, càng giống Đức Kitô bao nhiêu thì lợi ích cho đoàn chiên bấy nhiêu, chứ đừng khác Đức Kitô.
Giuse Nguyễn Bình An