Home / Chia Sẻ / Tản mạn chuyện nhà đạo: “CHÚA CÓ BÁNH TRUNG THU KHÔNG NÈ?”

Tản mạn chuyện nhà đạo: “CHÚA CÓ BÁNH TRUNG THU KHÔNG NÈ?”

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường.

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em múa ca trong ánh trăng rằm

Đèn ông sao với đèn cá chép

Đèn thiên nga với đèn bươm bướm

Em rước đèn này đến cung trăng…”

Người viết xin mở đầu bài tản mạn bằng ca khúc rộn ràng, quen thuộc của các em thiếu nhi mỗi độ Trung Thu về. Tết Trung Thu, Tết của trẻ em, ngày vui trăng rằm bên chiếc lồng đèn đủ màu sắc, kích cỡ, trong không gian lung linh huyền ảo. Nói đến trẻ thơ, chúng ta như được trở về trong khung trời mộng mơ, vô tư và hồn nhiên.

Thật vậy, Chúa Giêsu nói với tông đồ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18, 2-4).

Như vậy, Nước Trời là của trẻ nhỏ, hay nói khác đi, nước trời dành cho những tâm hồn giống như trẻ nhỏ, những người luôn tín thác vào tình thương của Thiên Chúa, không lo toan, không tính toán thiệt hơn, không bon chen sự đời, nhưng dám phó thác tất cả đời mình trong bàn tay Chúa.

Chiếc lồng đèn trung thu là điều mơ ước của các bạn nhỏ mọi thời. Trong thời buổi nền kinh tế nước nhà còn khó khăn, nhiều gia đình “thiếu trước hụt sau”, bọn trẻ chúng tôi chỉ kiếm vài cây đèn cày, tụ lại cùng nhau chơi, thế cũng đủ vui cho cả một buổi tối. Chúng tôi còn chơi những chiếc lồng đèn tự chế, làm từ những cái vỏ lon, hộp giấy kiếng, bỏ đèn cầy vào và đốt lên. Đến thời kỳ khá hơn một chút, các bạn nhỏ say sưa với chiếc lồng đèn bằng giấy kiếng, các bạn trai thì chiếc thuyền, xe tăng, máy bay, xe hơi đụng, còn các bạn nữ nào là bươm bướm, con gà, con cá, thiên nga…

Qua rồi cái thời xa xưa ấy, gần 20 chục năm nay, bạn nhỏ bây giờ chơi lồng đèn Trung Quốc, màu sắc thì khỏi chê, sài pin, có nhạc, cử động tay chân. Có lẽ từ thời có chiếc lồng đèn của Trung Quốc, nghề làm lồng đèn truyền thống ở xóm đạo Phú Bình, nổi tiếng hơn nửa thế kỷ qua, nay điều hiu vắng khách. Đầu tháng tám vừa qua, tôi có hỏi thăm một người bạn ở xóm làm lồng đèn thuộc giáo xứ Phú Bình. Bạn cho biết: Bây giờ chẳng còn bao nhiêu hộ gia đình làm lồng đèn truyền thống nữa, rất nhiều gia đình bỏ nghề, vì không đủ sống, mỗi năm càng ít gia đình giữ được nghề truyền thống. Năm nay không còn cái nhộn nhịp mua bán lồng đèn vào mùa trung thu. Chắc chỉ còn 5 hộ gia đình còn giữ nghề. Các tổ chức từ thiện tặng cho các bạn nghèo lồng đèn bằng giấy xếp, vừa tiện lợi, vừa chi phí thấp, dễ dàng vận chuyển.

Trở lại với khung cảnh ngày Tết Trung Thu. Tuổi thơ “xanh xanh đỏ đỏ, cho em nhỏ nó mừng”. Chúng tôi lớn lên trong khung cảnh rước đèn trung thu, bầu khí lúc đó náo nhiệt cả một khu phố. Trong ánh nến mờ mờ ảo ảo đó, qua những cuộc vui tối trăng rằm thỏa thích, tình bạn của chúng tôi càng thân thương thắm thiết.

Dường như, có hơn chục năm nay, giữa phố thị Sài Gòn này, không còn thấy cảnh trẻ em rước đèn vào ngày trăng rằm tháng tám nữa. Có lẽ vì lịch học thêm của các em dầy kín. Buổi tối các em phải đi học thêm ở các trung tâm, các lớp phụ đạo, lớp năng khiếu, nếu những ngày trung thu không rơi vào thứ bảy, chủ nhật, xem như “xưa rồi diễm ơi”.

Có chăng chúng tôi nhận thấy các giáo xứ luôn tổ chức những lễ hội trung thu cho các em thiếu nhi. Có rước lồng đèn chung quanh nhà thờ, có cha xứ và các anh chị Huynh Trưởng –GLV. Các giáo xứ tổ chức lễ hội trung thu vào thứ bảy, chủ nhật trước ngày tết trung thu. Trước tiên là thánh lễ cầu nguyện cho các em thiếu nhi nhi đồng. Sau đó, cha xứ cũng ra sân rước lồng đèn cùng với các em thiếu nhi, ngài đi đầu đoàn rước của thiếu nhi, chiếc lồng đèn của ngài phải to nhất xứ. Kế đó, các tiết mục văn nghệ cũng khá đầy đủ, cho dù đội ngũ diễn viên chỉ từ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trong giáo xứ, nhưng vẫn không thiếu phần mở màn bằng múa lân, trống hội, hình ảnh Chú Cuội Chị Hằng được tái hiện trên sân khấu, thật đặc sắc hấp dẫn các bạn nhỏ.

Chúng tôi ghi nhận các giáo xứ đã nỗ lực tổ chức một “sân chơi” làm mạnh cho các em thiếu nhi, để các em được vui chơi thỏa thích dưới ánh trăng rằm tháng tám, nhờ vậy các em mãi luôn hồn nhiên vui tươi.

Tuy nhiên, cuộc vui nên mở rộng ra cho các bạn thiếu nhi trong địa bàn khu vực giáo xứ được tham gia, bất kể lương giáo, chúng ta đừng chỉ “đóng khung” trong đoàn thiếu nhi giáo xứ mà thôi. Chúng ta không nên dành riêng cuộc hội vui trung thu cho các bạn thiếu nhi trong giáo xứ, các em đang theo học các lớp giáo lý. Tuy chúng tôi biết rằng, kinh phí tổ chức lễ hội trung thu của các giáo xứ có giới hạn, dân đóng góp được bao nhiêu sài bấy nhiêu.

Trẻ em như tờ giấy trắng, thông qua trò chơi vui nhộn, qua những bài hát, những câu chuyện của ngày Tết Trung Thu, chúng ta dạy cho các em lối sống chân thật, yêu thương mọi người, chia sẻ và giúp đỡ bạn bè, yêu thương bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ môi trường sống luôn được sạch đẹp.

Dĩ nhiên, cuộc vui nào cũng giúp trẻ em xây dựng tình bạn, làm quen với nhau, xây dựng tương quan của các em với khu xóm hay giáo xứ.

Hơn nữa, hình ảnh ánh trăng trên bầu trời đêm, chúng ta có thể dạy cho các bạn nhỏ khoảng 4-5 tuổi, Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ, Ngài tạo dựng  nên con người giống hình ảnh Ngài, Ngài còn ban cho chúng ta mọi sự chim trời cá biển, mặt trời mặt trăng và muôn tinh hóa, vì thế chúng ta phải sống tâm tình cảm tạ Thiên Chúa.

Cùng với các bạn nhỏ ngắm trăng rằm không gì thú vị hơn là, ta hãy học theo con đường thơ ấu của Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu: Tập sống yêu thương, quan tâm đến nhau, tập những hy sinh nho nhỏ, làm cho gia đình mình tràn ngập tiếng cười niềm vui, hơn là mân cao cỗ đầy, hơn là có bánh trung thu Như Lan đắt đỏ.

 “Dễ gì Chúa có bánh trung thu?”, bởi vì Chúa Giêsu trong thân phận con người là một người nghèo mà người nghèo đến nỗi “rớt mồng tơi”, làm sao có tiền mua bánh trung thu “giá khủng” như bây giờ. Tôi đã nghe đâu đó câu hát trên mạng thế này.

“Bóng trăng tròn tròn treo trên trời cao

Muôn ngàn ánh sao mừng ngày vui Tết

Con mời Chúa đến mừng Trung thu với con

Vui tết trăng tròn cùng Hằng Nga Chú Cuội

Đêm Trung Thu năm xưa,

Chúa có bánh trung thu không nè,

Chúa có Tết thiếu nhi không nè,

Chúa có rước đèn đi chơi đêm trăng?

Trung Thu con ca vang, vui phá cỗ đêm nay trăng rằm

Có bánh nướng với nhân thơm ngon

Con mời Chúa đến vui trung thu với con”.

Mời thì cứ mời thôi, nhưng có lẽ gia đình Chúa Giêsu thuộc diện khó khăn, mùa trung thu này phải nhận quà từ thiện, gồm có một hộp bánh trung thu nhỏ, một chiếc  lồng đèn cho trẻ Giêsu, 10 kg gạo, 1 thùng mì, 1 kg đường, 1 kg bột ngọt chăng… Một hộp bánh Trung thu bây giờ giá hơn nửa triệu đồng, bằng cả thu nhập một ngày của một bác buôn bán quần áo ngoài chợ.

Ước mơ của trẻ thơ ngày Trung thu là ước mơ cho mọi người được sống trong yêu thương, yên bình. Ngày trung thu, chúng ta nhớ đến các em thiếu nhi trong gia đình khó khăn, những em trong gia đình mình, khu xóm và giáo xứ. Làm sao chúng ta chăm lo việc học hành, vui chơi và tạo sân chơi lành mạnh cho các em, để các em không bị cuốn vào những game đua xe bắn súng, không ngồi “tám” với bạn bè hằng giờ trên mạng hay lướt facebook.

Hy vọng các vị chủ chăn, những linh mục quản xứ, các giáo lý viên, Huynh Trưởng thấy được nhu cầu vui chơi lành mạnh của các bạn nhỏ, vì những thiếu nhi là tương lai của Giáo hội và xã hội. Chúng ta quy tụ các em lại trong các lớp giáo lý, trong các sinh hoạt đạo đức, thánh lể, quá tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên quy tụ các em trong những sân chơi lành mạnh, những buổi giao lưu, sinh hoạt, những cuộc thi các môn thể thao,những hội thao…

Xin Chúa chúc lành cho các em thiếu nhi, và ban cho các em một mùa Trung thu trọn vẹn với tình nghĩa gia đình, bạn bè, để các em có được niềm vui tươi, phấn khích hơn trong học hành, nhất là việc thờ phượng Chúa luôn siêng năng tham dự thánh lễ và học hỏi giáo lý.

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …