Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11, xin được suy nghĩ miên man qua câu hỏi: “Ai là người thầy của tôi”. Thầy là những cô đã dạy tôi từ mẫu giáo, khi tôi bắt đầu đánh vần A, B, C… cho đến khi tôi bước chân vào giảng đường đại học. Thầy tôi cũng là cha mẹ của tôi, bởi người ta nói: gia đình là trường học đầu tiên của con trẻ. Nơi có tình yêu thương âu yếm của mẹ cha, nơi tôi chập chững bước đi trong niềm tin có mẹ chở che dìu dắt. Mái ấm gia đình cho tôi thấy hình ảnh người cha nghiêm nghị, ít nói nhưng một lòng thương con, ông dạy tôi sự cần cù lao động và cống hiến cho đời. Thầy tôi là trường đại học, nơi những va chạm cuộc đời, những chia sẻ tâm tình của bạn bè thân thiết, ở xưởng thợ tôi làm và nhận được tháng lương đầu tiên đầy kiêu hãnh vì thấy mình đã trưởng thành.
Một bạn trẻ đang lớn, bướng bỉnh ương ngạnh, tự cao hiếu thắng, không chịu nghe những lời răn dạy của cha mẹ, người ta nói: “Thôi cứ để nó vào đời, trường đời sẽ dạy nó nhiều bài học”. Bài học trường đời dạy thường rất đau đớn, phải đổ máu, bể đầu sứt trán, chứ không êm ả “ầu ơi, dí dầu” như nơi gia đình dấu yêu.
“Ví dầu, cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
Trường đời là trải nghiệm xương máu mà nhiều khi ta nhớ mãi từ lúc còn trẻ cho đến lúc đầu bạc. Xin tri ân những người thầy trong cuộc đời, dạy dỗ những đứa trẻ không những về tri thức, kỹ năng chuyên môn, truyền đạt nghề nghiệp kinh nghiệm, nhưng còn dạy những bài học làm người, hình thành nhân cách con người lễ nghĩa, trí tín, lòng nhân hậu, dạy ta biết yêu thương và chia sẻ với những người nghèo khổ túng thiếu.
Thật vậy, Đức Giêsu của chúng ta là một người Thầy, nhà sư phạm tuyệt vời, một mẫu gương sáng ngời cho chúng ta noi theo. Cứ mở sách Tin Mừng ra đọc hằng ngày, ta sẽ nhận thấy một phương pháp sư phạm bình dân, dễ hiểu và lôi cuốn của Thầy Giêsu. Chẳng biết ngày xưa Thánh Giuse và Đức Mẹ cho Đức Giêsu đi học đến lớp mấy mà sao Ngài tài giỏi khôn ngoan hơn người như vậy. Chắc vì thuộc hộ gia đình nghèo, Đức Giêsu chỉ tốt nghiệp tiểu học nơi trường làng, rồi theo cha nuôi Giuse học nghề thợ mộc để mưu kế sinh nhai. Từng trang Tin Mừng là một bài giảng dung dị gần gũi của Thầy Giêsu, lấy chất liệu từ cuộc sống của người nông dân vùng quê nghèo nước Palestina xa xưa. Chuyện Nước Trời như hình ảnh người gieo giống, hạt cải, thả lưới đánh cá, trồng lúa, làm vườn nho, chuyện thu hoạch vụ mùa, chuyện cưới hỏi, chuyện tỉnh thức vì kẻ trộm đột nhập vào nhà giữa đêm khuya.
Đức Giêsu dạy chúng ta những thực tại siêu nhiên của Nước Trời, mời gọi chúng ta “bán đi tất cả” những cái chóng qua ở đời này chiêm lấy Nước Trời, được sống trong hạnh phúc với Thiên Chúa.
Những nhà sư phạm học với Thầy Giêsu, nhất là phải truyền đạt cho người khác bằng chính đời sống mẫu mực tốt lành của mình.
Trong tuần lễ Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo cha ông của chúng ta, xin chia sẻ cuộc đời của các thánh tử đạo như là những người thầy của chúng ta. Những người thầy dạy chúng ta sống đạo và sẵn sàng chấp nhận hy sinh mạng sống vì Đức Kitô và Tin Mừng.
Tử đạo trước hết là người làm chứng, Đức Giêsu mời gọi các Kitô hữu mọi thời làm chứng cho Ngài, về cái chết trên thập giá và sau ba ngày Ngài sống lại vinh quang. Làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa đến trong thế gian. Tình yêu cao cả của Đức Giêsu, Đấng vâng phục Chúa Cha, yêu thương con người và Đạo của Ngài thiết lập là Đạo Yêu Thương.
Các thánh tử đạo dạy chúng ta bài học trung thành theo Chúa Kitô, dù trải qua thập giá khổ đau như Chúa Giêsu nói: ”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34). Thập giá ở đây là những đau khổ, những cực hình, thế nhưng các ngài không sợ hãi vì tin rằng chỉ có Chúa mới ban cho các ngài sự sống dồi dào. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ chóng qua, so với hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Đối với các vị tử đạo, Thiên Chúa mới là ưu tiên “số một”, các ngài yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và trên hết mọi sự. Vua trên trời mới là Vua Cao Cả, quyền bính của các vua trần gian chỉ được Thiên Chúa ban cho mà thôi, cho nên các thánh tử đạo phải “vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).
Trong lịch sử Giáo hội tại Việt Nam có những trang sử đẫm máu của các vị tử đạo, những cực hình ghê sợ khủng khiếp các ngài phải chịu như: thiêu sống, xử trảm, lăng trì, chết rũ tù, xử giảo, xử bá đạo, voi giày… và những câu chuyện kể về lòng dũng cảm bất khuất của những vị tử đạo. Các ngài không sợ chết. nhưng chỉ sợ mất ân nghĩa với Thiên Chúa. Nhiều quan quân khuyên các ngài chỉ giả vờ bước qua cây thập giá, rồi sẽ được thả tự do về nhà mà sống đạo, thậm chí còn được hưởng bổng lộc, nhưng các ngài nhất định không làm như thế.
Chỉ có lòng mến Chúa các ngài mới chịu được những cực hình, bởi chính Thiên Chúa tiếp sức cho các ngài. Đương nhiên, các vị tử đạo không phải là những kẻ “tham sống sợ chết”, không oán hận căm thù vua quan những người làm hại mình, nhưng ngay ở cuộc đời này các ngài chu toàn bổn phận của mình, những người lính có bổn phận với quê hương đất nước, là các bậc cha mẹ các ngài dạy dỗ con cái chăm ngoan thảo hiếu, gia đình luôn luôn hạnh phúc đầm ấm, biết kính trên nhường dưới.
Trong hạnh tích cuộc đời bà Thánh Anê Lê Thị Thành có kể như sau:
“Anê Lê thị Thành sinh khoảng 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo Mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn nay thuộc giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi cô kết hôn cùng anh nguyễn Văn Nhất, người cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hoà, sinh hạ được hai con trai tên Đê và Trân và bốn gái: Thu, Năm, Nhiên, Nụ. Tục lệ địa phương thường gọi tên cha mẹ bằng tên người con đầu lòng, vì thế mới có tên ông Đê, bà Đê. Hai ông bà sống hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái. Cô Lucia Nụ, con gái út cung khai khi giáo quyền thẩm vấn trong việc điều tra phong thánh như sau:
“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính người dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc dục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ”.
Một người con khác, cô Anna Năm cũng xác minh: “Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi: Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui long đón nhận Thánh Giá chúa gởi cho. Người cũng thong khuyên vợ chồng tôi: “Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ”. Bà Anê Đê thật là tấm gương sáng về đạo hạnh cho các bà mẹ công giáo.
Các thánh tử đạo dạy cho chúng ta bài học theo Chúa không phải đi trên con đường dễ dàng, nhưng nhiều khi “con đường chẳng mấy ai đi”, lại là con đường của người môn đệ theo Chúa Giêsu. Chúng ta có dám “nói không” với danh vọng, chức vị, tiền bạc và những tham sân si ở đời, dám sống ngay thẳng chân thật và yêu thương mọi người.
Tin Mừng đòi hỏi chúng ta “lội ngược” dòng đời. Người đời đi tìm nhà cao cửa rộng, cuộc sống an nhàn hưởng thụ, được mọi người tán dương khen ngợi, ăn uống ở những nhà hàng sang trọng, quên đi những người nghèo đang ở bên cạnh mình, không chia sẻ với những người túng thiếu theo quan niệm “tiền tôi kiếm được tôi xài, có ăn trộm ăn cướp của ai đâu”. Người đời làm giàu bằng buôn bán gian lận, hàng giả hàng nhái, ăn chia rút ruột công trình. Tôi có dám “tử đạo” là buôn bán thật thà, có thể tôi không kiếm lời nhiều bằng người ta. Những thầy cô Công Giáo có đáp lại đòi hỏi của Tin Mừng, không lộ bài kiểm tra trước cho các em đi học thêm của mình, không chạy theo thành tích thi đua, không dạy tủ, học vẹt, bắt học sinh phải học thuộc lòng bài văn mẫu.
Ngày nay, không còn có những bách hại công khai các Kitô hữu, nhưng vẫn có những hy sinh âm thầm của các Kitô hữu dám sống theo lương tâm và theo Tin Mừng. Có những vị mục tử tận tụy vì đoàn chiên, từ bỏ những cuộc chơi, không a dua chạy theo giới đại gia lắm của nhiều tiền. Trên những bàn tiệc của ông nhà giàu Lazarô thời đại hôm nay có bóng dáng các linh mục tu sĩ, đang chạy theo thói đời mà dửng dưng thờ ơ với người nghèo, vì các ngài quen nhận hơn là trao ban, yêu thích những cuộc vui bên ngoài hơn là sự vắng lặng của nhà thờ. Các ngài nói như giới trẻ “cuộc đời là những chuyến đi’, đi Mỹ, Châu Âu nhiều hơn ở nhà xứ. Các ngài ngồi hằng giờ bên bàn tiệc, trong khi đó chẳng bao giờ ngồi tỏa giải tội với lý do bị đau chân sưng khớp.
Sống đạo theo một nghĩa nào đó cũng là tử đạo hằng ngày. Ta có tìm thấy Chúa là niềm vui của mình hơn là những cuộc vui, những chuyến du lịch đều đều quan năm suốt tháng. Nhiều linh mục có những chương trình thăm viếng nước ngoài dày đặc mà chẳng có một chương trình mục vụ đi thăm con chiên trong giáo xứ mình phụ trách, lấy gì các ngài thấu hiểu được những đói khát về tinh thần và vật chất của con chiên. Như thế, làm sao các ngài có thể thương cảm những con chiên đang mưu sinh vất vả, “một nắng hai sương”, “buôn gánh bán bưng”. Các vị ấy thường lân la lui tới chuyện trò nhà quý ông, quý bà tổng giám đốc, đua nhau siêu xe đắt tiền. Chúng ta nên nhớ, tất cả đều là đoàn chiên mà chỉ Chúa Giêsu mới là Chủ Chăn đầy đủ ý nghĩa. “Chỉ có một Chủ Chiên và một đàn chiên”, các linh mục, Giám mục cũng là đoàn chiên của Chúa, cho nên các ngài cũng phải sống đúng tư cách của chiên, lắng nghe tiếng Chủ Chăn Giêsu, đi đến những đồng cỏ xanh của tình yêu thương và sự sống viên mãn.
Không có con đường nào khác dành cho các Kitô hữu ngoài con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi qua. Cho nên, Chúa Giêsu minh định cho chúng ta (x Ga 17, 11b-19). Kitô hữu sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, vì vậy chúng ta không thể chạy theo thế gian, không thể bám lấy cuả cải vật chất, nhưng Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha chở che và gìn giữ chúng ta sống giữa thế gian, để chúng ta thắng vượt những cám dỗ của thế gian và mưu chước ma quỷ.
Các thánh tử đạo là cha ông chúng ta đã yêu quý cuộc sống này, nhưng vì các ngài đã đành hy sinh mạng sống để được điều lớn hơn, điều mà Tám Mối Phúc Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. (Mt 5, 1-12). Đó là những cái “Được” lớn lao: Nước Trời là của họ, đất hứa làm gia nghiệp, Thiên Chúa xót thương, nhìn thấy Thiên Chúa, được gọi là con Thiên Chúa”.
Bà cố của một linh mục thỉnh thoảng gặp con trai của mình thường nhắc nhở người con như sau: “Cha quen ăn trên ngồi trốc, ăn không nói có, được con chiên kính trọng yệu mến, nhưng cha phải tập sống khiêm nhường như Chúa Giêsu”. Xin mở ngoặc, bà cố giải thích, “ăn không nói có”, có nghĩa là, cái gì linh mục xin người ta cũng cho, xin gì cũng được, từ không có tiền bây giờ có tiền xây nhà thờ.
Đang viết những dòng này, chúng tôi đọc thấy tin trên mạng: Hôm 15.11.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô được hãng chế tạo tặng chiếc xe Lamborghini Hurucan mới cáu, giá cơ bản 183,000 Euros. Với con người sống đơn sơ giản dị, ngài sẽ không dùng, nhưng bán đấu giá và tặng tiền cho các tổ chức từ thiện. Đức Thánh Cha Phanxicô thật là một vị mục tử tốt, một cha sở gần gũi thân thiện, ở nơi ngài, người ta như thể thấy được hình ảnh Chúa Kitô, đang hòa mình với cuộc sống lam lũ của dân nghèo, đang cứu trợ những nạn nhân bão lụt. Đó phải chăng cũng là gương “tử đạo” theo nghĩa từ bỏ vật chất, sống tinh thần khó nghèo, phó thác tất cả, để không có gì bám lấy ngoài Chúa Kitô. Chúng ta cũng thấy phong cách sống khó nghèo của Đức Thánh Cha Phanxicô, chiếc đồng hồ đeo tay của ngài cũ kỹ, cặp mắt kiếng cũ của ngài cũng sửa đi sửa lại để dùng.
Xin cho mỗi người chúng ta thừa hưởng đức tin anh hùng bất khuất của các thánh tử đạo tiền nhân, chúng ta dám lội ngược dòng đời, cho dù có chịu khổ đau thử thách thương đau, chúng ta vẫn một lòng yêu mến Chúa nồng nàn tha thiết và hăng say phục vụ tha nhân, chia sẻ đời sống đức tin cho anh chị em chưa biết Chúa đang sống trong khu xóm, công sở, làm chứng cho Chúa bằng đời sống chân thật quảng đại và vị tha.
Giuse Nguyễn Bình An