Từ ngày 8.11.2017 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu một loạt bài Giáo lý về Thánh lễ vào những ngày thứ tư hằng tuần tại Rôma. Trong bài Giáo lý đầu tiên, Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới, là những bài sẽ hướng chúng ta đến “trái tim” của Hội Thánh, là Thánh Thể. Điều căn bản là chúng ta, các Kitô hữu, phải hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống mối liên hệ của mình với Thiên Chúa một ngày một trọn vẹn hơn”.
Như vậy, nếu nói Thánh lễ là “trái tim” của Hội Thánh, thì không có thánh lễ, Hội Thánh không thể sống động trong nhịp thở của mình. Các ngày thứ tư sau đó, Đức Thánh Cha lần lượt khai triển các bài Giáo lý như sau:
1.Dẫn nhập vào Thánh lễ
2.Thánh lễ là Kinh nguyện
3.Thánh lễ là cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô
4.Tại sao phải tham dự thánh lễ Chúa nhật?
Trong bài viết này, chúng tôi không cố gắng trình bày bài giáo lý căn bản về Thánh lễ. Uớc mong quý vị dành thời gian tìm đọc các bài giáo lý rất hữu ích của Đức Thánh Cha, để hiểu biết và yêu mến thánh lễ, người ta thường nói “vô tri bất mộ”.
Tuy nhiên, chúng tôi xin nhìn thoáng qua việc tham dự thánh lễ của người giáo dân. Qua đó, chúng ta tham dự thánh lễ một cách tích cực, dự lễ với niềm vui chứ không phải vì luật buộc của Giáo hội.
Chúng ta tham dự thánh lễ như được trở về nhà, bên bàn tiệc của gia đình những người con cái Thiên Chúa, cùng sum họp với anh chị em. Thánh lễ là cuộc sống chúng ta, ở đó chúng ta dâng lên Thiên Chúa toàn bộ cuộc sống mình, niềm vui và nỗi buồn, mọi âu lo, mệt mỏi cực nhọc. Cuộc sống cũng là thánh lễ nối dài, khi làm việc, học hành, vui chơi, ngủ nghỉ, chúng ta quy hướng về Thiên Chúa.
Bởi vì thánh lễ vô cùng cao trọng, nên chúng ta phải trân trọng từng phút giây được Đức Giêsu quy tụ, Ngài dạy dỗ giáo huấn chúng ta bằng Lời của Ngài và dưỡng nuôi chúng ta bằng chính Thân Mình của Ngài là nhiệm tích Thánh Thể.
Việc tham dự thánh lễ của người giáo dân có nhiều chuyện để nói, có những thái độ không xứng hợp, những thiếu sót chúng ta phải cố gắng sửa chữa.
Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng trong một bài giảng đã nói đến 3 kiểu tham dự thánh lễ của người giáo dân.
Kiểu thứ nhất: dự lễ như tham dự một sự kiện xã hội, văn hóa, đi lễ muộn, kiếm chỗ mát mẻ ngồi nói chuyện, không có tâm tình đạo đức lắng đọng, dự lễ như đi lễ khánh thành một ngôi chùa, trường học hay đi dự tiệc tân gia, tiệc cưới…
Kiểu thứ hai: Đi lễ muộn về sớm, xem thánh lễ như việc đi cũng được không đi cũng được, dửng dưng, chẳng bao giờ để ý Lời Chúa nói gì, Linh mục giảng thế nào, lúc nghe giảng thì nói chuyện, mở điện thoại ra xem, đi lễ kiểu được chăng hay chớ…
Kiểu thứ ba: Người ta chẳng chú ý gì đến thánh lễ, lơ là trong khi tham dự, đi vì thói quen, người lớn bắt buộc phải đi. Đức cha đúc kết: Xem người ta đi lễ như thế nào, kết luận đức tin của họ như vậy. Người nào đi lễ sốt sắng, có tâm tình cầu nguyện thì đức tin của họ cũng sâu sắc vững chắc, còn những người đi lễ muộn về trễ, hời hợt, đức tin của họ cũng chẳng tới đâu.
Ở thành phố Sài gòn, vào các buổi chiều chủ nhật, nếu chúng ta đi ngang qua các nhà thờ sẽ thấy nhiều kiểu người giáo dân dự lễ. Ở mãi ngoài cổng nhà thờ, các đôi bạn trẻ ngồi trên chiếc xe máy, nhìn vào bức tường rào nhà thờ, chắc là họ cũng chẳng cần biết cha nào đang dâng lễ, mặc áo lễ màu gì, nói gì, giảng giải ra sao, mà chỉ ngồi tâm sự với nhau, nhiều cha gọi là “đi lễ ôm”, vì họ đi lễ mà ngồi “ôm eo” nhau trên xe Honda.
Chúng ta để cho mình được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể và thánh lễ mỗi ngày. Đó cũng là bí quyết nên thánh trong đời sống của người Kitô hữu. Đó là bí quyết chúng ta vượt qua mọi thách đố trong đời sống đức tin của mình.
Đấng Đáng Kính Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã trải qua cuộc đời tù đày, nhưng ngài vẫn sống theo linh đạo của niềm hy vọng nhờ được nuôi dưỡng qua Thánh lễ hằng ngày.
Đức Hồng Y Thuận đã kể cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các vị trong giáo triều Rôma kỳ tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 như sau: “… Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi! Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi: ‘thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sống trong Chúa Giêsu’, như Thánh Ignatio thành Antiokia đã nói.
Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào thập giá với Chúa Giêsu và cùng Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi!
Nhờ vào Thánh lễ, Đức Hồng Y cảm thấy mình có đủ sức mạnh bước đi trong hành trình theo Chúa, cho dù đi trên con đường thập giá khổ đau, chịu tù đày bắt bớ, cùng những khổ đau cùng cực.
Chắc chắn, những Kitô hữu đang đau bệnh nằm liệt giường cũng có cảm nghiệm như thế, mỗi lần rước Mình Thánh Chúa, được sức mạnh và sự nâng đỡ của Đức Kitô.
Năm ngoái, chúng tôi có dịp tháp tùng một cha thuộc giáo phận Hưng Hóa đi dâng lễ vào ngày Chúa nhật. Chúng tôi cảm nghiệm Thánh lễ dưỡng nuôi đức tin của cộng đoàn tín hữu, nhất là với những anh chị em Công Giáo dân tộc. Trong ngày Chúa nhật, các ngài dâng 7 thánh lễ, và khoảng cách các địa điểm dâng lễ có khi lên đến 100 km.
Ở đó, quý cha xây dựng cộng đoàn theo mô hình cộng đoàn đức tin cơ bản, quy tụ tín hữu chung quanh bàn tiệc Thánh Thể, cùng nhau thờ phượng Chúa. Các điểm dâng lễ có thể là nhà dân, nơi nào có thể quy tụ anh chị em giáo dân lại được, có nhiều thánh lễ chỉ có vài chục người nhưng rất sốt sắng trong bầu khí cầu nguyện.
Có thể nói, nếu không có thánh lễ, không có linh mục dâng lễ, người giáo dân thực sự đói khát, đời sống đức tin của chúng ta sẽ khô cằn và chết dần.
Quý cha ở Giáo phận Hưng Hóa đi dâng lễ gặp rất nhiều khó khăn, có khi nguy hiểm nữa. Một phần vì đường xá, thời tiết, trời lạnh, mưa gió giông bão và nhiều khi chính quyền làm khó dễ không chấp nhận. Nhưng với người giáo dân vùng sâu vùng sa, họ mong mỏi có những thánh lễ, họ phải lặn lội hàng chục cây số đến nhà thờ, họ đang đói khát nghe Lời Chúa.
Đức Thanh Cha nhiều lần nhắc nhở chúng ta những thái độ phải có khi tham dự thánh lễ, giữ cho bầu khí thinh lặng cầu nguyện trong thánh lễ, nâng tâm hồn lên tới Chúa. Thánh lễ vừa phải trang trọng cao quý, nhưng cũng phải thân thương gần gũi, mọi người cởi mở với nhau, gặp nhau “tay bắt mặt mừng”. Dù chúng ta phải tuân theo những quy tắc phụng vụ, những chỉ dẫn của Giáo hội trong khi cử hành thánh lễ, vì vậy thánh lễ mang tính hiệp nhất trong đa dạng, sự đồng tâm hợp ý của mọi thành phần trong Giáo hội, nhưng thánh lễ cũng là cuộc sống của người tín hữu, những tâm tư nỗi niềm của tôi dâng lên Chúa.
Hình ảnh đẹp ở một xứ đạo, cha xứ có vẻ “hơi Tây” một chút, trước và sau mỗi thánh lễ, cha sở đứng ở cuối nhà thờ bắt tay thăm hỏi từng người, mấy đứa trẻ thấy cha tươi cười liền chạy đến vây quanh ngài, vòi vĩnh quà bánh…
Ở nhiều giáo xứ, các linh mục tỏ ra khó chịu với các bà mẹ mang con trẻ đi dự lễ, nhất là khi chúng la hét đi lại trong nhà thờ. Các ngài chủ trương, cứ để trẻ nhỏ ở nhà vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến bầu khí của thánh lễ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng: thánh lễ cũng không có nghĩa hoàn toàn thinh lặng, kỷ luật cứng nhắc, xa cách. Hơn nữa, trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn yêu mến trẻ nhỏ, Ngài chúc lành cho chúng.
Tùy vào mỗi gia đình, hoàn cảnh mà chúng ta nên hay không nên cho trẻ nhỏ đi dự lễ. Mặt khác, cho con đi dự lễ, điều này rất tốt, nếu chúng ta cho trẻ nhỏ làm quen với thánh lễ, tập cho trẻ ngồi chăm chú, nhắc nhở trẻ im lặng. Đây là lúc các bà mẹ dạy trẻ cầu nguyện, nhất là các bé chưa đi học giáo lý. Vào nhà thờ các bà mẹ dạy trẻ biết chào Chúa, chào Đức Mẹ như chào ông bà nội ngoại trong gia đình.
Làm sao cho trẻ giữ bầu khí im lặng suốt thánh lễ, quả thật là điều khó. Vì trẻ hiếu động, chạy nhảy đùa giỡn, chúng chỉ ngồi yên khi chúng bị bệnh.
Thỉnh thoảng ở vài giáo xứ, chúng tôi thấy các bà mẹ trẻ “tranh thủ’ giờ dự lễ cho con ăn sáng, đút cháo cho con, cùng chạy nhảy đi lại với con trong sân nhà thờ. Cho nên, có cha sở nhắc khéo, “Nếu chúng ta quá bận rộn lo chăm con, không còn giờ đi lễ CN nữa cũng chẳng sao”.
Chúng ta tham dự thánh lễ với niềm khao khát được gặp gỡ Chúa và anh chị em mình, có tâm tình như các vị thánh, cảm thấy hạnh phúc khi được dự lễ mỗi ngày, chìm đắm ngất ngây trong tình yêu thương của Chúa. Cũng vậy, những bạn trẻ yêu nhau say đắm, họ ngồi bên nhau tâm sự hằng giờ vẫn chưa chán và vẫn cảm thấy thiếu. Họ ngồi bên nhau tâm sự mãi nhiều lúc chẳng biết nói gì, hết chuyện để nói, chỉ ngồi nâng niu từng giây phút thân tình khăng khít có nhau mà thôi.
Nếu chúng ta có được tâm tình như vậy khi tham dự thánh lễ, chúng ta phải ngồi hàng ghế đầu tiên, hăng say lắng nghe Lời Chúa, tích cực cùng “thưa đáp”với mọi người. Các vị thánh luôn chìm đắm trong thánh lễ, suốt ngày quỳ bên nhà chầu Thánh Thể, các ngài luôn cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa thật sống động rõ ràng.
Các linh mục phải là những tấm gương sáng cho giáo dân, các ngài dâng lễ trong tâm tình sốt sắng. Cần lắm những phút giây thinh lặng trong thánh lễ, lúc đó ta thân thưa với Chúa cuộc sống, ta để cho tâm hồn mình hoàn toàn trống trải, lắng nghe Lời Chúa, và chính Thiên Chúa sẽ lấp đầy những thiếu sót, sửa dạy ta trở nên con người tốt lành thánh thiện.
Dự lễ chứ không phải “xem lễ”, không phải xem đá banh, xem hài kịch, tất cả những cái xem đó chỉ diễn ra trên sân khấu chẳng bao giờ liên hệ đến cuộc sống của ta. Thánh lễ là nơi ta dâng cuộc sống mình, chấp nhận như tấm bánh chia sẻ cho mọi người, hơn nữa ta được kết hiệp với cái chết tự hiến tự hủy của Đức Kitô trên thập giá. Cho nên, dự lễ không phải ngồi bất động như cái xác vô hồn. Dự lễ là hướng lòng trí về những sự trên trời, không chạy theo thói đời, đua tranh nhau, hơn thua nhau trong chức quyền danh vọng.
Có một vài linh mục khi ra bàn thờ dâng lễ không có sự lắng đọng cần thiết, đang ngồi “tám”với người này người kia chạy lên bàn thờ dâng lễ. Có đấng vừa trong bàn nhậu ra cũng lên bàn thờ dâng lễ, mặt còn đỏ.
Chúng tôi chứng kiến một câu chuyện có thật, ở thánh lễ tại tư gia cho một người tín hữu mới qua đời. Thánh lễ lúc 3 giờ chiều, vị linh mục dâng lễ và cũng là cha sở ở đó trưa nay đi dự tiệc đám giỗ. Có lẽ, vui vẻ hòa đồng với mọi người trong tiệc, ngài uống quá chén say sưa. Cuối cùng đến giờ lễ, không nhờ được linh mục khác dâng lễ thay cho minh. Linh mục ấy dâng lễ tại đám tang làm chia trí mọi người, giọng đọc lè nhè, đứng không vững, đến nỗi phần truyền phép ngài làm rớt cả Mình Thánh xuống đất. Ngày hôm sau, ngài lên nhà thờ xin lỗi cộng đoàn dân Chúa vì “sự cố”hôm qua. Từ nay trở đi, ngài có một kinh nghiệm nhớ đời, phải chuẩn bị từ xa trước khi dâng lễ.
Phụng vụ khuyên chúng ta trong cử hành phụng vụ thánh lễ, mọi lời nói, cử chỉ, điệu bộ, đi đứng phải thong thả, nhẹ nhàng, không được vội vàng cẩu thả, không được dồn làm một lúc hai ba việc, thánh lễ cũng không phải là chuyện ai xung phong lên làm cũng được.
Nói đến đây, chúng tôi nhớ đến lời của một linh mục chánh xứ trước đây, bây giờ ngài đang nghỉ hưu. Mỗi lần có một thánh lễ ồn ào nào đó, trước một cuộc rước, nhất là vào Đêm Giáng sinh. Trước thánh lễ, ngài luôn nhắc nhở cộng đoàn giữ thinh lặng sâu lắng trước kinh cáo mình, thịnh lặng để cho lòng mình bớt đi những ồn ào giả tạo, những điều bên ngoài màu mè hoa hòe, những điệu nhạc xập xình. Các bạn biết, Giáng sinh bây giờ trở thành lễ hội ngoài đời, có nhiều người đi “xem lễ” đúng theo nghĩa, bà con không có đạo đi lòng vòng trong nhà thờ xem hang đá, các nhà thờ trong thánh lễ đêm mọi người đi lại nô nức, chụp hình, cười nói rôn rả, trước nhà thờ mọi người buôn bán tụ tập ì xèo. Vị linh mục già nhắc giáo dân thinh lặng để chiêm ngắm mầu nhiệm cao trọng, Con Thiên Chúa nhập thể làm người vì yêu ta. Chúng ta đừng để cho những cái bên ngoài che khuất Chúa, hãy dừng lại, sống chậm lại một chút để cầu nguyện, tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho mình. Chúng ta có thể học theo Mẹ Maria luôn thinh lặng suy đi nghĩ lại trong lòng, trước các biến cố, các lễ hội trong cuộc đời mình.
Giuse Nguyễn Bình An