Home / Chia Sẻ / Tản mạn chuyện nhà đạo: BỨC HÌNH ĐẸP

Tản mạn chuyện nhà đạo: BỨC HÌNH ĐẸP

Linh-MụcTrong những ngày vừa qua, bức hình được người Công Giáo trên mạng xã hội chia sẻ nhiều nhất có lẽ là bức hình của Đức tân Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn và người mẹ thân yêu.

Đó là bức hình đẹp của tình mẹ con, qua đó ta thấy được sự đôn hậu, nhân từ, khiêm nhường và nụ cười rạng rỡ của Đức cha và của bà cố.

Ai xem bức hình cũng cảm thấy bà cố thật hạnh phúc, người con của bà cố nay trở thành giám mục. Có được giây phút hôm nay cũng là thành quả của một gia đình yêu mến Chúa, và chắc chắn ông bà cố đã nuôi dưỡng hun đúc ơn gọi tu trì cho con cái, để người con trở thành linh mục của Chúa, và trở thành Giám mục trong Hội Thánh, là người kế vị các thánh tông đồ.

Như thế, không có tình yêu thương và lòng chung thủy, chia sẻ với nhau giữa vợ chồng con cái, cũng như cha mẹ không tận tình giáo dục con cái nên người, Giáo hội sẽ không có những Giám mục, linh mục và tu sĩ đang làm việc trong cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát của Hội Thánh.

Nhìn ngắm bức hình, nhiều người cảm thấy bà cố hạnh phúc thật, ai cũng đọc được nỗi vui mừng của bà cố. Nhưng riêng tôi, nhìn bức hình tự nhiên gợi đến hình ảnh nơi trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan chương 19 từ câu 25-27. “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có Thân Mẫu Người”.

Tôi nhìn bức hình của Đức cha Luy Tuấn với tâm tình đời dâng hiến, cả hai mẹ con đều dâng hiến cuộc sống cho Thiên Chúa.

Đức Maria đứng dưới chân thập giá, trước giờ phút Chúa Giêsu tắt thở, phó linh hồn cho Thiên Chúa Cha. Giờ phút mà Ngài thốt lên “Ta khát” và “Mọi sự đã hoàn tất”. Trong giờ  phút này, dường như tôi cảm nhận được gánh nặng của chức Giám mục.

Tôi nghĩ bà cố qua những hy sinh thầm lặng suốt quãng đời người con đi tu, làm linh mục và cho đến ngày hôm nay, Đức cha Luy được tấn phong Giám mục.

Đó cũng là nét chung trong chân dung của các bậc cha mẹ linh mục tu sĩ, họ đêm ngày cầu nguyện trong lặng thầm, họ dâng hiến người con cho Thiên Chúa từng ngày.

Thậy vậy, người linh mục trong thân phận Của Lễ, hiến tế chính mình trong thánh lễ, dâng lên cuộc sống mình cho Thiên Chúa, vì lợi ích của dân. Bên cạnh đó còn có sự hy sinh của các bậc cha mẹ linh mục. Đó cũng là sự dâng hiến, dâng hiến trong niềm vui, chấp nhận đi theo chương trình Thánh Ý của Thiên Chúa.

Các tu sĩ nam nữ cũng vậy, một khi đã quyết định chọn Đức Kitô là Tình yêu của mình, sẵn sàng đi theo Ngài đến mọi chân trời góc bể. Các bậc cha mẹ thương con, cũng đi theo con trong trái tim dâng hiến của mình. Đi theo con không phải đến chỗ này chỗ kia, nhưng theo con với tình yêu thương và nỗi đau xót chia ly, bởi người con của mình, không thuộc về mình nữa, mà hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Nếu hỏi quý cha mẹ của linh mục tu sĩ. Khi ông bà cố lo lắng bận tâm cho người con trước sứ vụ mới, khi phải chuyển xứ, dời nhiệm sở hay được tấn phong Giám mục. Vậy ông bà cố sẽ làm gì?

Thiết nghĩ, ông bà cố sẽ trả lời. Cầu nguyện cho cha, cho sơ nhiều hơn nữa, để các ngài được bền đỗ đến cùng. Có thể nói, ông bà cố của linh mục tu sĩ cầu nguyện nhiều ngang ngửa với bà Mônia cầu nguyện cho người chồng người con tội lỗi ăn năn trở về. Cầu nguyện đêm ngày, từ khi con mới vào chủng viện, cho đến khi làm linh mục, hay đã khấn trọn, cả khi con làm Giám mục, lại cầu nguyện nhiều hơn nữa.

Cho nên, giây phút đứng bên cạnh người con Giám mục vừa được tấn phong, tôi dám chắc bà cố Đức cha Luy Tuấn có chút đượm buồn, bà cố thoáng thấy sự nặng nề của người làm việc trong cánh đồng của Hội Thánh, hơn là những vinh quang ca tụng của người đời.

Dĩ nhiên, trong vườn nho của Hội Thánh, có bao giờ hết việc. Từ sáng đến chiều tối, ông chủ đều ra mời gọi thợ vào làm việc. Các linh mục phải vất vả, vắt kiệt sức vì đoàn chiên, không ngừng ra đi đến với mọi người, các ngài bị quấy rầy đến không có giờ ăn giờ ngủ cho đầy đủ. Làm Giám mục thì nặng nề hơn nữa.

Người linh mục tu sĩ phải có một trái tim nhạy, luôn chạnh thương như Thầy Giêsu trước đoàn dân đông đảo không người chăn dắt.

Có một cha sở chia sẻ: Làm cha sở vừa khó lại vừa dễ, vừa nhẹ nhàng vừa vất vả, tất cả là do mình phải biết bày việc ra mà làm. Nếu không thì cứ sáng lễ chiều kinh, đến giờ ngồi tòa giải tội, thỉnh thoảng đi xức dầu bệnh nhân. Muốn không vất vả thì đừng bày việc ra, đừng xây nhà thờ, đừng lập hội đoàn nếu không có khả năng. Chỉ ở một thời gian ngắn với nhiệm sở thôi, cha xứ mới về kế vị mình sẽ xây nhà thờ. Đi đâu, nhiệm sở nào, chẳng bao giờ dân để cho cha sở phải đói, giàu nghèo gì cũng ngày cơm ba bữa, ăn một bữa no bụng là đủ.

Trở lại với chuyện ông bà cố. Tôi chẳng hiểu các cụ miền Bắc di cư vào Nam thích được gọi bằng cố lắm. Có phải cố là ở trên người ta một bậc, thuộc bậc đáng kính trọng hơn chăng. Trong câu chuyện hằng ngày của nhà đạo ta, chuyện vui có cố đứng, cố ngồi, anh cố, chị cố… đủ thứ kiểu cố. Ông bà có con gái đi tu thì gọi là cố ngồi, có con trai đi tu thì gọi là cố đứng.

Những bậc cha mẹ có con làm linh mục, nếu giáo xứ tổ chức lễ, phải ghi thiệp mời là ông bà cố. Có ông bà cố nọ, khi giáo xứ tổ chức mừng lễ bổn mạng, HĐMVGX “làm sao ấy” quên ghi thiệp mời là ông bà cố, mà chỉ ghi: Kính Mời ông bà. Thế là ông bà cố ấy giận không đi dự lễ, không ăn tiệc mừng bổn mạng, làm cha xứ và HĐMVGX phải đến xin lỗi.

Không phải là chuyện nói cho vui, đó là chuyện thật 100%. Tôi đã từng thấy một tấm thiệp mời ghi là: Kính gửi ông bà trùm cố. Vì ông bà cố này cũng là một ông trùm khu đạo. Thật sự, tôi không hiểu ông bà trùm cố có nghĩa là gì. Đúng là botay.com luôn. Chức ông bà cố không biết có thêm chút gì “vinh quang” chăng, mà làm các cụ “mất ăn mất ngủ”.

Có chị S. đi tu ở một nhà dòng nọ ở Sài Gòn. Vì một lí do nào đó, chị ra dòng không còn đi tu nữa khoảng nửa năm. Nhà bố mẹ chị ở Đồng Nai. Chị không dám về nhà bố mẹ ruột một thời gian, vì sợ hàng xóm dè bỉu chê cười. Chị ở lại Sài Gòn trong gia đình người chị họ hàng. Nghe tin báo người mẹ ở quê mất, chị  tức tốc về quê chịu tang mẹ. Lần này, tuy không còn đi tu nữa, nhưng chị vẫn phải mặc áo tu trong lễ tang của mẹ, để bà con họ hàng không bàn ra tán vào, chị mặc áo dòng và  chiếc khăn tang quàng trên vai như người tu sĩ. Gia đình hiểu, người thân biết chị đã ra tu, nhưng thôi, ai cũng để chị “đóng phim” người tu trong đám tang. Sau đó, chị  phải dần dà đối diện với thực tế tu ra của mình.

Gia đình có con tu ra là một cái gì đó thật khó chấp nhận với bà con họ hàng, lối xóm, nam tu sĩ còn đỡ, chứ các chị nữ tu ra thì lời chê còn thêm chút mắm muối nữa. Gái ế đi tu cũng không xong. Ăn cơm nhà Chúa ra thì đời chẳng ra làm sao, nhất là với các giáo xứ ở miền Bắc.

Sống cho đúng chức “ông bà cố” cũng là một vấn đề mệt mỏi. Ở sao cho vừa lòng người, chuyện người chê người khen, tiếng đời dành cho các gia đình có con làm linh mục như chuyện “tránh sao cho khỏi nắng”. Nhà cao cửa rộng, nhà lầu hai ba tấm cũng bị người đời nói, nhà ông bà cố mục nát, dạng cấp 4 cũng bị nói: “Sao cha để ông bà cố ở nhà nhỏ quá vậy.Tội nghiệp các cụ”.

Tóm lại, toàn bộ quỹ thời gian của người con chỉ dành cho công việc của Giáo hội, lâu lâu chỉ “tạt ngang” thăm nhà, thăm ông bà cố được một chút, hay dịp ngày lễ ngày tết. Các cha sở còn trẻ thì khá hơn, dành trọn ngày thứ hai đầu tuần nghỉ, về nhà thăm ông bà cố. Tôi thấy có một linh mục trong thiệp báo tang của thân mẫu chỉ ghi đơn giản: Bà Cụ Anna mới qua đời, hưởng thọ… thân mẫu Linh mục”.

Đức cha Luy Tuấn, trong bài giảng lễ tạ ơn tại nhà thờ Chánh tòa Sài gòn, đã chia sẻ. Hai vấn đề xem ra khác nhau, đối lập nhau trong nhiệm vụ của ngài được bề trên giao phó trước đây. Có thời gian cha phụ trách mục vụ ơn gọi, rồi ngài lại được giao về mục vụ gia đình. Hai mảng xem ra khác nhau, đối lập, nhưng luôn bổ sung cho nhau.

Giáo hội cần những gia đình dạy cho con cái sự dâng hiến, sự trao ban, dâng hiến cho Thiên Chúa cuộc sống, để ý thức rằng, không có gì là của riêng mình. Điều người linh mục trao ban cho dân chúng không phải là tài chánh, vật chất, không phải là những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ, mà là sự hy sinh vì đoàn chiên. Tuy nhiên, trong nỗi đau khổ túng thiếu của đoàn chiên, trong sự cơ cực bươm chải kiếm sống, dân Chúa hạnh phúc biết bao khi có bóng dáng vị mục tử của họ, sẵn sàng đi với họ trên vạn nẻo đường đời. Đó cũng là cách thế Đức Thánh Cha Phanxicô thường làm với những người đau khổ bệnh tật, những người bị thiên tai, sóng thần, những nạn nhân của khủng bố chiến tranh, Đức Thánh Cha nói “cha ở đây cùng khóc với con”, vị Cha Chung nhân từ mang đến cho họ Đức Kitô, Đấng chữa lành và băng bó các vết thương trong nhân loại, Đấng giàu lòng thương xót đang chia sẻ với từng người.

Xin tri ân quý ông bà cố, những người đêm ngày dâng hiến cuộc sống của mình cho Thiên Chúa. Hơn ai hết, quý ông bà cố cảm nghiệm lời Thánh Phaolô nói: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương”(2 Cr 9-7).

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …