Mùa Xuân Mậu Tuất đang về trên quê hương Việt Nam, mọi người nô nức mua sắm cho những ngày Tết, đường phố đông nghẹt kẹt xe ở những nơi có họp chợ. Trong quan niệm của người Việt, ngày tết trong nhà mọi thứ phải đầy đủ, vuông tròn, hoàn chỉnh, không được thiếu hụt, không được làm đổ bể chén dĩa, không được lớn tiếng tranh cãi. Như thế, người ta ước mong sang năm mới mọi sự may mắn hạnh phúc sẽ đến với mình và gia đình.
Mùa xuân về nơi nhà xứ có vẻ buồn hơn ở nơi các gia đình, vì những ngày tết các cha về thăm gia đình. Các ngài cũng có cha mẹ, những người thân thương ruột thịt của mình, nên ngày tết các ngài cũng về đoàn tụ bên gia đình. Trong nhà xứ, các hội đoàn, quý chức HĐMVGX, những cá nhân tập thể chúc tuổi cha sở sau giờ lễ mà thôi.
Năm nay, trong không khí rộn ràng tấp nập của những ngày cận tết. Người ta nói rằng những ngày trước Tết không khí còn vui hơn trong Tết. Ngày 29 Tết, Hội Thánh Công Giáo bước vào Mùa Chay, 40 ngày tập luyện thiêng liêng, ăn chay hãm mình, tiết chế bản thân, từ bỏ những tham lam, cùng với Chúa Giêsu bắt đầu cuộc chiến chống ma quỷ và xác thịt.
Có điều gì không ổn chăng, trong những ngày Tết người ta vui chơi hết mình thì người Công Giáo lại thực hành chay tịnh. Nói như nhiều bạn trẻ ngày nay: “Phải chăng Giáo hội kiềm hãm sự sung sướng của người ta, hay Giáo hội như là những ông kẹ lúc nào cũng canh chừng bắt lỗi hù dọa người ta, sao cho người ta sợ mà tránh xa dịp tội.
Anh bạn của mình nêu thắc mắc: Tại sao năm nào cứ ngày tết của dân tộc, Giáo hội lại bước vào Mùa Chay, tại sao Giáo hội không sửa lại lịch Công Giáo cho phù hợp vớt Tết Việt Nam. Giáo hội bên Tây phương ăn Tết dương lịch rồi, khi đến Tết nước ta ăn tết thì lại vào Mùa Chay. Đúng thôi. Kitô giáo ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương cho nên những lễ hội của Hội Thánh cũng là ngày nghỉ tết dương lịch”.
Đó là góp ý hay, rất chân thành nhưng chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa những cử hành phụng vụ, công việc chung của toàn thể Giáo hội, thống nhất như nhau, không phải là việc thờ phượng của một người hay một nhóm người tùy hứng, muốn làm sao thì cứ làm, mạnh ai nấy làm. Cử hành phụng vụ diễn tả lòng tin của người tín hữu, trình bày đức tin của mình. Chúng ta có thể khác nhau về ngôn ngữ, chủng tộc, vùng miền quốc gia, người ở đồng bằng, người ở miền núi, nhưng tín hữu Công Giáo cùng thờ phượng một Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng hiệp dâng thánh lễ như nhau.
Thế nên, Mùa Chay có bám theo Mùa Xuân của dân tộc, chúng ta vẫn vui vẻ đón nhận thôi, nói như các ông cán bộ nhà nước, các ông quân đội nhắc nhở nhau: “Vui xuân không quên nhiệm vụ”. Xuân về Tết đến thì cứ vui, nhưng phải giữ chay, chay lòng mình vẫn quan trọng hơn. Chúng ta phải giữ cho mình luôn yêu mến Chúa.
Chuyện ăn chay chúng mình nhớ mãi ngày xưa đó, bọn trẻ con được cha mẹ dặn: “Ngày ăn chay kiêng thịt, đứa nào ăn thịt thì lòi đuôi ra giống con quỷ”. Chúng mình sợ lắm phải giữ ngày ăn chay kiêng thịt cho nghiêm túc cẩn thận. Người chị mình Thứ Sáu Tuần Thánh lỡ kêu bát phở, thế là đành bỏ thịt lại chỉ ăn phở không thôi.
Thường thì ở đời vẫn vậy, buồn vui lẫn lộn xen kẽ nhau, trong nỗi buồn có niềm vui. Ngay cả ngày Tết đang vui cả làng mà vẫn có người được Chúa gọi về. Gia đình đó hết ăn tết.
Giáo hội như người Mẹ khôn ngoan thấy con cái ăn Tết lớn quá, tốn kém tiền bạc, ê hề đồ ăn thức uống, đi đâu cũng cụng ly, cũng bằng ấy món thịt thà, Giáo hội chen vào giữa Mùa xuân bằng ngày chay tịnh. Giáo hội bảo: thôi! Dừng lại nhé. Thế là bà con nhà đạo mình nhắc nhở nhau: mai ăn chay rồi, mua ít thôi, mai không tổ chức tiệc tùng ăn uống nữa.
Ai cũng than, “Tết với nhất, ăn uống lu bù, lên ký nhanh, qua tết lại tập thể dục bù lại”. Đến nhà người ta chúc Tết chẳng lẽ không ăn uống. Người ta đến nhà mình chẳng lẽ mời người ta dùng cơm còn mình lại không gắp miếng nào.
Quá tuyệt vời. Mùa xuân của đất trời, lòng người phấn khởi hân hoan, người tín hữu được mời gọi đi vào mùa chiến đấu. Thánh Phaolô Tông đồ ý thức thân phận dễ sa ngã phạm tội nơi thư Rm 7, 19: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm”.
Thật vậy, cuộc sống người tín hữu là cuộc chiến đấu không ngừng, đi vào sa mạc của thinh lặng, dẹp bớt ồn ào mua bán ngả giá tiền bạc vật chất. Đi vào đó, chúng ta sẽ gặp gỡ được Thiên Chúa, sẽ thoát khỏi trói buộc làm nô lệ cho tiền bạc danh vọng, tham lam ích kỷ.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta dừng lại, bớt ồn ào, đi vào trọng tâm cuộc sống, đi vào thinh lặng cầu nguyện. Nhờ đó chúng ta không bị ma quỷ lừa gạt lôi kéo.
Mùa xuân mang ý nghĩa thật sự khi người tín hữu sống tâm tình Mùa Chay. Chúng ta vẫn thăm viếng chúc tết nhau, mừng thọ ông bà, sống tình yêu, niềm hy vọng cầu mong cho năm mới được hạnh phúc.
Ở giáo xứ người viết, mỗi năm Tết đến, cha sở cho trưng bày trang trí hoa lá ngập tràn trong nhà thờ và ngay cả khu vực khuôn viên sân nhà thờ. Thường thì Mùng Bốn Tết bước vào Mùa Chay với lễ Tro, cha lại cho dẹp hết cây cuối hoa hòe trong nhà thờ. Cha sở mình hơi nghiêm nghị nói thẳng trong bài giảng: Bà con mình ăn Tết ba ngày là đủ rồi. Mùa Chay về tiếp tục chiến đấu thiêng liêng, lo mà làm ăn kiếm sống, bây giờ không còn chuyện Tháng giêng là tháng ăn chơi nữa. Sống vui mỗi ngày trong tư cách làm con cái Chúa, thì ngày nào cũng là ngày Tết”.
Thú thật, lúc đó mình kính mến nể phục cha sở vô cùng, ngài lớn tuổi nhưng đi lại nhanh nhẹn, niềm nở tiếp đón mọi người, ngài có đủ kênh thông tin nắm bắt tình hình giáo xứ rất giỏi, biết gia cảnh từng người đến xin lễ. Trong thời buổi kinh tế nước ta còn khó khăn, cha sở trước tết thông báo mọi người ngay trong thánh lễ: ”Tôi không nhận quà cáp của bất cứ ai. Thương cha sở xin cầu nguyện cho tôi một chục kinh Mân Côi, để tôi có sức khỏe phục vụ anh chị em, tôi không còn nóng tính nữa”.
Làm sao mà không phục cha sở già của mình. Tôi nhớ mãi hình ảnh Tết nhiều năm qua. Thánh lễ mồng một tết, cha sở chúc mừng năm mới các gia đình. Năm nào ngài cũng gói gém ba ý: Xin lỗi, cám ơn và cầu chúc. Những lời ngài nói ngắn gọn, đơn sơ và chân thành thổ lộ tấm lòng mục tử của ngài.
Cha sở già thuộc tuýp người nguyên tắc, mẫu mực, đôi lúc nóng tính, ngài có thể “ném tiền qua cửa sổ” theo nghĩa đen khi ai đó biếu xén tết cho ngài. Ngài chân thành trong từng lời nói, thay mới trần nhà thờ ngài tự đi kiếm tiền về sửa, chẳng bao giờ kêu gọi dân. Chắc có lẽ ngài biết giáo dân trong xứ lúc đó, buôn gánh bán bưng, chạy xích lô ba gác, đâu có tiền mà đóng góp cho nhà thờ. Ngày Tết cha chẳng đi đến nhà ai, nhưng ai cũng quý mến ngài, ai gặp gỡ ngài ở nhà thờ cũng cảm thấy như mình được quan tâm chia sẻ, như người cha hiểu biết thương yêu con mình.
Dường như cha sở già dạy tôi bài học của ngày Tết qua 3 ý nguyện: xin lỗi, cám ơn và cầu chúc. Nhờ những tâm tình này mà tương giao giữa con người với nhau được thân thiện ấm áp hơn. Nhất là với mọi người trong cộng đoàn giáo xứ.
Có thể nói, Mùa Xuân và Mua Chay gặp, chúng ta làm cho tương giao của mình với Thiên Chúa được bền chặt, đồng thời chúng ta củng cố tình yêu thương, bác ái và chia sẻ cơm áo cho tha nhân, với những người nghèo khổ túng thiếu. Chúng ta đấm ngực thú nhận mình là người có tội hay chịu một chút tro trên đầu là ý thức mình tội lỗi, diễn tả lòng ăn năn thống hối trở về với Thiên Chúa, đón nhận Thiên Chúa đi vào cuộc sống mình.
Mọi người trong cộng đoàn giáo xứ, ai cũng cần sám hối, qua hành vi nhận một chút tro trên đầu với lời kêu gọi. “Hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng”. Chúng ta phải dẹp bỏ cái tôi tự cao của mình, cái tôi của cha sở chỉ thích nói, quen chỉ dạy chứ không muốn lắng nghe giáo dân góp ý sửa đổi, cũng chẳng đụng tay lay thử bất cứ việc gì mà vẫn phán như biết rồi.
Năm mới, chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, ngày nay chúng ta có là những thầy dạy người khác giống như giới lãnh đạo Do Thái giáo thời Chúa Giêsu: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.
“Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 2-4).
Mọi người nhận mình là kẻ có tội, cần được Chúa thương xót tha thứ, cần phải sửa chữa tính hư nết xấu của mình để gặp gỡ được Thiên Chúa.
Nhiều bạn bè mình thường nói: Các cha sở dường như luôn sống “ở trên” người khác, thường các ngài có sai vẫn không thấy mình sai. Ước gì cha sở có nhiều người bạn tốt, can đảm góp ý chân thành với cha. Nếu cha sở thật lòng lắng nghe, cha sẽ sửa đổi chính mình. Thường các cha sở không được nghe góp ý về những gì mình sai trái. Phần vì giáo dân e ngại, lo sợ, phần lớn nhiều người giáo dân cực đoan chỉ đứng ngoài chỉ trích cha sở, chẳng bao giờ gặp nói chuyện đối diện với cha”.
Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra cho chúng ta những chiêu trò lừa gạt của ma quỷ, làm cho lòng mến của chúng ta trở nên nguội lạnh. Chúng ta bị dụ dỗ, mê hoặc chạy theo thế gian, nô lệ cho tiền bạc danh vọng, tìm kiếm sự dễ dãi, thực dục, dùng rồi bỏ, tình yêu chóng vánh, chỉ lợi dụng nhau, tình yêu nhằm thỏa mãn chiếm đoạt thể xác.
Đức Thánh Cha nói đến những tiên tri giả, những thầy lang giả dối lôi cuốn người ta, làm mất phẩm giá cao trọng của con người, chúng ta sống gian dối, hình thức lố bịch, bị nhầm lẫn tưởng điều ác là sự thiện, không biết phân biệt thật giả trong cuộc sống.
Trước những lừa gạt mê hoặc ở đời, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta thực hành những việc truyền thống của Mùa Chay, đó là kinh nguyện, làm phúc bố thí và chay tịnh, nhờ đó chúng ta trở về cùng Thiên Chúa, sống kết hợp với Ngài nhiều hơn, khẩn cầu xin Ngài trợ giúp cho chúng ta biết “yêu lại từ đầu”.
Năm mới và cũng là Mùa Chay, chúng ta xin Chúa ban cho mình có một trái tim mới để thổn thức yêu thương, nhạy bén trước những nhu cầu của tha nhân, biết lắng nghe tiếng Chúa chỉ dạy trong cuộc đời. Và cha sở là những người Mục tử hết mực yêu thương đoàn chiên, thấu hiểu cuộc sống của con chiên, những vất vả bon chen trong cuộc đời dễ làm cho người ta xa Chúa. Đó cũng là người mục tử không làm gì tổn hại đến sự sống của từng con chiên, luôn quên mình phục vụ, biết chăm sóc qui tụ chiên về bên đồng cỏ xanh của Thiên Chúa, nơi ngập tràn sữa tình yêu,
Chúng ta bước vào năm mới Mậu Tuất với nguyện ước dâng lên Chúa, để xin Chúa ra tay: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 11, 19-20).
Cầu chúc mọi nhà, mọi người bước vào Năm mới Mậu Tuất bình an hạnh phúc và theo đuổi những giá trị của Tin Mừng như Tình thương, phục vụ và khiêm tốn, nhờ đó chúng ta có thể giới thiệu Chúa cho người chung quanh, chúng ta vẫn ăn tết, ăn chay tịnh với một lòng mến Chúa nồng nàn, không có gì khó khăn, vẫn vui vẻ ăn tết và ăn chay, cái gì cũng giữ chừng mực vừa phải thôi.
Giuse Nguyễn Bình An