Home / Chia Sẻ / TAM TỰ

TAM TỰ

TAM TỰ 1Tam tự đề cập ở đây không phải là Tam Tự Kinh, mà là nói về ba chữ trong cuộc đời của mỗi con người: Đức, Tài và Mệnh. Chữ Đức và chữ Tài đều liên quan chữ Mệnh, do đó chữ Đức và chữ Tài cũng liên quan lẫn nhau, đồng thời và tất nhiên, chúng cũng ảnh hưởng tới cuộc đời của mỗi con người.

Khi nói về chữ Tài, cụ văn hào Nguyễn Du đã so sánh: “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần”. Chỉ có Việt ngữ mới có loại “vần” này, ngoại ngữ không thể “dịch” nổi theo kiểu nói của người Việt. Với cách nói khôi hài mà thú vị, rất thật và cũng rất nhức nhối, Việt ngữ có lối đề cập liên quan giữa nghĩa tốt và nghĩa xấu: Thiên tài với Thiên tai, Nhân tài với Nhân tai.

Người ta cho rằng “tài mệnh tương đố”, nhưng không hẳn là như thế, bởi vì người ta cũng nói: “Đức năng thắng số”. Rõ ràng cái mà người ta gọi là định mệnh (hoặc số phận) lại có “cội rễ” từ chính mình, từ nội tại của con người. Thật vậy, Dick Lyles phân tích: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận. Thế thì số phận là do mình tạo ra chứ không phải do Trời định.

Thời Bắc Tống, Tư Mã Quang đã căn cứ theo quan hệ giữa ĐỨC với TÀI và phân chia con người ra làm 4 loại:

[1] Người có cả ĐỨC và TÀI toàn vẹn, đó là bậc thánh nhân.

[2] Người kém cả ĐỨC và TÀI, đó là người ngu dốt.

[3] Người có ĐỨC trên TÀI, đó là quân tử.

[4] Người có TÀI hơn ĐỨC, đó là tiểu nhân.

Ông xác định: “Tài giả đức chi tư, đức giả tài chi soái” – nghĩa là “người có tài chỉ là phụ, người có đức mới là quan trọng”. Đối với cách dụng nhân (dùng người), ông cho biết: “Tốt nhất là lựa chọn thánh nhân, sau đó là quân tử, nếu như đều chẳng có, thà chọn người ngu còn hơn chọn tiểu nhân. Bởi vì có Tài mà vô Đứcloại người nguy hiểm nhất, so với loại người không tài không đức thì còn tồi tệ hơn”.

Sự kết hợp giữa Đức và Tài sẽ tạo nên số phận, và người ta gọi là định mệnh. Đời thường là thế, nhưng đời sống tâm linh cũng không khác. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối tốt lành (Mc 10:18; Lc 18:19; Ga 10:11 & 14), và chỉ một mình Ngài nhân lành mà thôi (Mc 10:18; Lc 18:19), đúng như Thánh Phaolô đã minh định: “Thiên Chúa nhất định là Đấng chân thật, còn mọi người đều giả dối” (Rm 3:4). Tất cả chúng ta đều giả dối, nghĩa là chúng ta kém Đức, bởi vì chúng ta là tội nhân.

Vì kém Đức nên phải cố gắng “tu thân” để tăng thêm Đức, như Chúa Giêsu khuyến cáo: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Có Đức thì cái Mệnh sẽ khác, nghĩa là cái Đức có thể cải được cái Mệnh, tùy vào loại “đấu” chúng ta sử dụng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt 7:1-2; Lc 6:38). Cái Đức đó không là gì khác hơn là tình yêu thương, lòng thương xót, lòng trắc ẩn, và chúng ta thường nói gọn là “đức yêu thương”.

TAM TỰ 2Về chữ Tài, Kinh Thánh đề cập qua dụ ngôn Những Nén Bạc (Mt 25:14-30; Lc 19:12-26), với ba loại người. Trong đó, Chúa Giêsu kết luận: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25:29; Lc 8:18; Mc 4:24-25). Rõ ràng cái Tài cũng liên quan cái Mệnh. Cũng nên biết rằng nén to hay nhỏ, dài hay ngắn, vuông hay tròn, điều đó không là vấn đề, mà quan trọng là có sinh lời hay không, và lời nhiều hay ít cũng không lo, miễn sao nỗ lực hết mình với số vốn đã được Thiên Chúa trao cho. Tương tự, Tài nhiều hay ít cũng không thành vấn đề, mà điều cần thiết là chúng ta có dùng cái Tài đó để tạo cái Đức cho mình hay không, và cái Mệnh của chúng ta sẽ tốt hay xấu đều tùy thuộc vào cách tạo cái Tài và cái Đức.

Về chữ Mệnh, Kinh Thánh đề cập qua Cuộc Phán Xét Chung (Mt 25:31-46). Định Mệnh hoặc Số Phận của chúng ta chắc chắn tùy vào chữ Đức và chữ Tài của chính mình – nghĩa là cái Đức và cái Tài sẽ tạo nên Mệnh Tốt hay Mệnh Xấu, Mệnh Chiên hay Mệnh Dê.

Sách Huấn Ca có lời răn dạy rất tuyệt vời: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa thì con hãy CHUẨN BỊ tâm hồn để ĐÓN CHỊU thử thách. Hãy giữ lòng cho NGAY THẲNG và cứ KIÊN TRÌ, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy BÁM LẤY Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên. Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy CHẤP NHẬN, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ KIÊN NHẪN. Vì VÀNG phải được TÔI LUYỆN TRONG LỬA, còn những NGƯỜI SÁNG GIÁ phải được THỬ TRONG LÒ Ô NHỤC. Hãy tin vào Người thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho NGAY THẲNG và TRÔNG CẬY vào Người. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, ĐỪNG lìa xa Người kẻo ngã!” (Hc 2:1-7).

Đó là lời giáo huấn ngắn gọn nhưng trong đó có sự hòa quyện trọn vẹn của Tam Tự: ĐỨC, TÀI và MỆNH. Cả cuộc đời của mỗi chúng ta như “nằm gọn” trong lời giáo huấn đó. Ôi, thật là kỳ diệu biết bao!

Lạy Thiên Chúa chí thánh, Ngài dạy con phải phục vụ mà không hưởng thụ, công việc phục vụ có thể khiến con cảm thấy cô đơn và nhàm chán, thậm chí còn bị hiểu lầm. Xin giúp con kiên vững và tín thác vào Ngài, xin cho tâm hồn con luôn được bình an trong Ngài. Xin cảm tạ Ngài vẫn giữ gìn con qua từng hơi thở, xin đừng để cho Hồng Ân của Ngài trở nên uổng phí nơi con. Xin Ngài soi sáng, hướng dẫn và hành động với con, giúp con biết tận dụng khả năng Ngài ban để sinh ích lợi cho chính con và cho tha nhân, nhất là để vinh danh Chúa hơn. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Đêm 1-9-2017

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …