“Này là Mẹ của con!”.
Mùa hè 1206, Phanxicô Assisi đi vào nhà thờ San Damiano. Nhìn lên thập giá, từ gương mặt thanh thản và rạng rỡ của Chúa Kitô, Phanxicô nghe một tiếng nói bên trong, “Hãy đi sửa chữa các nhà thờ cho Ta!”; về sau, “nhà thờ” mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Nhân vật trung tâm của thánh giá là Chúa Kitô, với kích thước hùng vĩ và ánh sáng lộng lẫy của nó. Bên dưới cánh tay Ngài là năm nhân vật, một bên là Maria và Gioan; bên kia là ba phụ nữ khác. Điều đáng nói là tất cả như đang mỉm cười! Phải chăng họ đang cùng Chúa Kitô ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lễ Mẹ Sầu Bi nhắc chúng ta rằng, thập giá Chúa Kitô không bao giờ có thể tách khỏi sự phục sinh của Ngài. Qua thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói đến việc Chúa Phục Sinh hiện ra cho người này, người kia. Và dẫu không nói đến Maria, nhưng vì đã thông phần vào cuộc khổ nạn của Con, thì không chút nghi ngờ, Mẹ Maria phải là người thông dự sớm nhất vào sự phục sinh của Con mình; Mẹ phải là một trong những người đầu tiên ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!’.
Phaolô nói, “Ngài đã hiện ra với Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc… Ngài hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau cùng, Ngài cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non”. Nói cách khác, sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã cho những chứng nhân đầu tiên của Ngài ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”.
Có lẽ hơn ai hết, Mẹ đã hưởng nhận hồng ân sống lại của Chúa Con. Bởi lẽ, cũng một Maria ấy, Mẹ đã đứng dưới chân thập giá trong nỗi đớn đau tột cùng của Con; và rồi, chính trong Lễ Ngũ Tuần, Mẹ đã có mặt khi cùng cầu nguyện với các tông đồ. Bấy giờ, nỗi buồn của Mẹ và u sầu của nhóm môn đệ, trở thành niềm vui phớn phở trong Chúa Thánh Thần. Điều đáng chú ý là khuôn mặt Chúa Giêsu trên thánh giá ở Assisi, được miêu tả là điềm tĩnh và thanh thản đến lạ thường! Ngài như đang được siêu tôn trong vinh quang phục sinh; Mẹ Maria và Gioan cùng những nhân vật khác bên dưới tươi vui và như đang mỉm cười. Nó được rọi xuyên bởi ánh sáng và niềm vui của Đại Lễ Phục Sinh và ngay cả lễ Mẹ Sầu Bi hôm nay, cũng được ‘tắm trong ánh nắng phục sinh’. Vì thế, mọi nỗi buồn của chúng ta cũng được tắm gội trong đó, bởi Chúa Phục Sinh là ánh sáng trong mọi bóng tối; sức mạnh trong mọi yếu hèn của tất cả con cái Mẹ.
Trong lễ Truyền Tin vừa qua, Đức Phanxicô đã cầu nguyện rằng, “Lạy Mẹ, ước gì những giọt nước mắt của Mẹ nhỏ xuống vì chúng con sẽ làm cho thung lũng cằn khô bởi hận thù này nở hoa một lần nữa! Ước gì sự vuốt ve của Mẹ sẽ xoa dịu những ai đang đau khổ khi chạy trốn những cơn mưa bom. Xin ủi an những ai bị buộc phải rời bỏ quê hương và nhà cửa. Cầu mong trái tim Mẹ Sầu Bi giục giã lòng trắc ẩn và truyền cảm hứng, để chúng con mở rộng cửa và quan tâm đến anh chị em mình. Lạy Mẹ, dưới chân thánh giá, Chúa Giêsu thấy người môn đệ đang đứng bên cạnh Mẹ; Ngài đã nói, “Này là con của Mẹ!”. Bằng cách ấy, Ngài đã giao phó mỗi người chúng con cho Mẹ; và Ngài cũng đã nói với từng người chúng con, “Này là Mẹ của con!””.
Anh Chị em,
“Này là Mẹ của con!”. Đây là ‘di chúc sống’ mà Chúa Giêsu trao cho bạn và tôi. Ngài tặng chúng ta món quà quý nhất, Mẹ của Ngài, người vẫn mỉm cười dưới chân thập giá. Vì thế, hãy đón Mẹ vào lòng mình, nhà mình, cộng đoàn mình, giáo xứ mình. Mỗi người hãy dọn một căn phòng xứng đáng trong tâm hồn để đón Mẹ. Hãy học nơi Mẹ để hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa Giêsu hằng ngày mà cứu lấy bản thân, cứu lấy nhân loại. Có như thế, trên biển đời trần gian, cùng Mẹ, chúng ta vẫn mỉm cười mỗi ngày, vì luôn ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ, một nhân loại mệt mỏi và quẫn trí đang đứng với Mẹ dưới chân thập giá, trong đó có con. Để con có thể ‘tắm trong ánh nắng phục sinh’; xin giúp con ôm lấy thập giá đời mình, và luôn mỉm cười với nó như Mẹ!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế