Home / Chia Sẻ / TÂM TÌNH TẠ ƠN

TÂM TÌNH TẠ ƠN

 

Sau khi chết, đứng trước tòa Chúa. Chúa hỏi:

Con có muốn làm người thêm một lần nữa không?

Chắc là bất cứ ai trong chúng ta đều trả lời là “không”, bởi vì: Chúng ta đã được diện kiến Dung Nhan Chúa, được hưởng Ánh Sáng Vĩnh Cửu là cùng đích của chúng ta tìm kiếm trong suốt cả cuộc đời làm người gian nan vất vả này.

Người ta đã làm một cuộc thăm dò, câu hỏi như sau:

Được làm người thêm một lần nữa, bạn có đồng ý?

 Có nhiều câu trả lời khác nhau:

1/ Câu trả lời của người có đầy quyền lực

Xưa kia tôi cũng chỉ là đứa chăn trâu, nhờ có sức khỏe tốt và lòng gan dạ, tôi được tham gia chiến binh bảo vệ triều đình và rồi, tôi được cất nhắc lên từng bước, xem ra khá vất vả. Giờ đây khi đã là một Hoàng Đế tôi vẫn cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, chỉ muốn được nghỉ ngơi. Câu trả lời là: Không.

2/ Câu trả lời của người giàu có:

Ngày ngày đi học với đôi dép mòn, bữa đói bữa no. Với quyết chí học cho thành tài, nhưng vẫn không được như lòng mong muốn. Bỏ ngang đại học, tôi học điện toán (vi tính) và tôi đã thành công. Số người thành công như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy tôi luôn luôn cho rằng: Nhờ Ơn Trời tôi mới có được như ngày nay. Câu trả lời là: Không.

3/ Câu trả lời của người đẹp:

Tôi mãi chỉ là đứa lọ lem trong xóm, nếu không có cái ngày ông chụp hình dạo đi qua nhà tôi. Có khối đứa còn đẹp hơn tôi nhưng không được ông chụp hình đưa lên báo. Khi trở thành người đẹp, tôi được nhiều người (săn đón) làm mất đi sự tự do tối thiểu mà con người được hưởng và điều ấy làm tôi khó chịu. Tôi đã quyết định ra đi khi tuổi đời còn tràn đầy sức sống (47 tuổi). Câu trả lời là: Không bao giờ.

Từ khi ông Adong và bà Evà bước ra khỏi vườn địa đàng. Đức Chúa Trời nhìn theo, Ngài chạnh lòng thương: “Không biết chúng nó sinh sống ra sao”.

Tự trong thâm tâm Ngài “Ta sẽ thăm viếng dân Ta” (Lc 1, 67-79).

Con người được Đức Chúa Trời tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài. Ban cho con người nhiều đặc ân mà các loài tạo vật khác không có. Ngài gửi gắm vào mỗi con người một Linh Hồn, vì thế, thân xác ta, linh hồn ta là một.

Ngài ban cho ta đầy đủ điều kiện sống, ban cho ta trí khôn và tiếng nói, đó là vũ khí để ta chống trả trước các nguy hiểm như: khó khăn, bệnh tật, thú rừng, rắn rết. vv…

Đức Chúa Trời còn truyền dạy con người duy trì sự sống: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều”. Lời truyền dạy ấy đã và đang còn tiếp diễn.

Vài ngàn năm qua, con người tồn tại, phát triển là do Lòng Thương Xót của Chúa. Lòng thương xót ấy vẫn luôn tràn đầy, và tuôn đổ trên con người mãi mãi.

Tiếc thay con người càng ngày càng bước xa vườn địa đàng, trượt dài trên con đường tự cao, tự mãn và từ đó đã đánh mất quyền làm con của Chúa. Khi đánh mất quyền làm con Chúa, con người không biết mình từ đâu mà có, từ đâu mà đến nơi này.

Bởi thế, nhìn về quá khứ, con người giật mình không hiểu; Làm sao con người có thể tồn tại bởi những điều kiện sống như:

–         Thời tiết khắc nghiệt.

–         Phương tiện đi lại và sản xuất.

–         Ăn uống sống xít.

–         Bệnh tật và tai nạn.

–         Cảm thấy tương lai mù mịt.

–         Cô đơn biệt lập

–         Mạnh được yếu thua.vv…

Ngày nay, với những tinh hoa (văn hóa, khoa học) của người xưa để lại, con người được thừa hưởng tất cả những thành công, con người cũng được thừa hưởng cả những thất bại nữa. Tất cả những thứ ấy con người gọi là Thành tựu khoa học.

Con người thật thiển cận. Ca ngợi mãi cánh hoa mười giờ sao mà đẹp, khâm phục thay con phù du bay là là trên mặt nước.

Cũng thế: Thật tuyệt vời, phi thuyền không gian bay tới mặt trăng. Máy bay to lớn chuyên chở cả hàng ngàn người.

Lòng tham phát sinh vô ơn.

Người con tham lam công việc, không quan tâm đến cha mẹ già đang sống thiếu thốn nơi quê nghèo.

Một thành nhân, tự hào mãi phát kiến của mình mà quên đi thầy dạy năm xưa.

Sự thành công của một nhóm nhà khoa học, thế mà ta cứ tưởng là của ta (bàn tay ta làm nên tất cả).

Cũng thế. Khi có được một chút thành tựu trong khoa học, con người cứ ngỡ là mình đã đạt được những thành quả cao và không còn cần đến Thiên Chúa.

Sự chết.

Vâng, đứng trước cái chết con người mới thấy được; mình thật nhỏ bé. Sự chết là dấu chấm cuối cùng của cuộc đời, là cảnh báo con người về sự hạn hẹp của mình, là trở về điểm xuất phát, là trở về cùng Thiên Chúa.

Giây phút cuối cùng.

Đã có biết bao những hình ảnh diễn tả những giây phút cuối cùng của một đời người: Hân hoan vui mừng hay hoảng hốt lo sợ. Chân thành tạ ơn hay nguyền rủa cuộc đời.

Đời người được chấm điểm tốt xấu, được kết luận hay dở, được thưởng phạt nghiêm minh là bởi Thiên Chúa và cả những người hiện diện chung quanh.

Cầu nguyện.

Lạy Chúa, chúng con chân thành Tạ Ơn Chúa vì Lòng Thương Xót của Chúa quá bao la, đang phủ đầy trên chúng con. Xin cho chúng con biết sử dụng những ân ban cần thiết cho cuộc sống một cách chừng mực: Ăn vừa đủ no, uống vừa đủ khát, ở vừa đủ chỗ, làm vừa đủ sức, giải trí vừa đủ vui.

Xin cho chúng con cảm nhận được: sự sống, sự chết là ân ban của Chúa, để sau khi kết thúc cuộc đời về với Chúa, chúng con được hưởng trọn niềm vui trên Nước Trời. Amen.

Tôma Đỗ Lộc Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG