Home / Chia Sẻ / Tâm Thư Giacôbê Tông Đồ

Tâm Thư Giacôbê Tông Đồ

 

(25-7) TamThu GiacobeNgày 25 tháng Bảy hàng năm, Giáo Hội mừng kính Thánh Giacôbê (tiếng Aram: Yaʕqov, tiếng Hy Lạp: Ιάκωβος). Thánh nhân sinh trưởng tại Bétsaiđa (Galiê), là con của ông Dêbêđê và bà Salômê, là anh ruột của Thánh Gioan, là một trong mười hai môn đệ của Chúa Giêsu, được coi là tác giả của Thư Thánh Giacôbê. Ông được gọi là Giacôbê Tiền (trước) để phân biệt với Giacôbê Hậu (sau), con của ông Anphê. Thánh Giacôbê Tiền qua đời năm 44 (sau công nguyên), là bổn mạng của nước Tây Ban Nha.

Thư của Thánh Giacôbê ngắn gọn, gồm 5 chương, nhưng chứa đầy các lời khuyên khôn ngoan. Thư này cho thấy Thánh Giacôbê là người sống đơn giản và thực tế – nhưng không hề thực dụng.

Mở đầu bức thư, Thánh Giacôbê viết đơn giản và rạch ròi: “Tôi là Giacôbê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được an vui mạnh khoẻ!” (Gc 1:1).

Vui Mừng Trong Đau Khổ

Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn (Gc 1:2).

Niềm vui có trong những thử thách của cuộc đời. Chính những thử thách đó củng cố đức tin của chúng ta. Xoay xở những nỗi khó khăn bằng nụ cười sẽ làm chúng ta vững mạnh về tinh thần. Hãy đứng vững trong những nghịch cảnh để có thể được lãnh nhận triều thiên sự sống!

Đức Tin Cần Hành Động

Mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi thì sinh ra cái chết (Gc 2:14-15). Đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2:17 và 26).

Đời sống Kitô hữu phải được sống bằng cả lời nói và hành động. Thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta rằng đức tin và hành động phải song hành, có cái này mà thiếu cái kia thì chúng ta sẽ không thể vững bước đi trong cuộc đời này.

Chậm Nói và Chậm Giận

Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa”(Gc 1:19-20).

Tâm hồn của chúng ta được người ta nhận biết qua lời nói của chúng ta. Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, nhất là khi chúng ta tức giận. Thật vậy, tiền nhân đã khuyên nhủ: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Cẩn thận là khôn ngoan, Thiên Chúa đã “cài đặt” đức khôn ngoan trong lòng chúng ta để chúng ta hành động theo Lời Chúa. Đừng để cái miệng nhanh hơn hành động, hãy như con ngựa cần được tra hàm thiếc.

Đừng Thiên Tư Tây Vị

Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói “Đứng đó!” hoặc “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!” thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? (Gc 2:1-4).

Thiên tư (thiên vị) dẫn tới thành kiến với người khác, tạo nên sự chia rẽ. Người thiên tư chỉ tôn trọng người khác dựa trên vật chất và địa vị xã hội, tức là coi trọng bề ngoài. Kitô hữu không thể sống theo kiểu đó. Là Kitô hữu thì phải thật lòng yêu thương nhau và luôn coi trọng người khác, vì họ cũng là con cái của Thiên Chúa tối cao.

Đức Khôn Ngoan

Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính (Gc 3:17-18).

Chúng ta biết rằng có sự khôn ngoan trần tục và sự khôn ngoan đích thực. Sự khôn ngoan đích thực là đức khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. Sự khôn ngoan đích thực được thể hiện qua cách chúng ta đối xử với tha nhân.

Kiêu Ngạo và Khiêm Nhường

Ân sủng Người ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can. Hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Chớ gì tiếng cười của anh em biến thành tiếng khóc, niềm vui của anh em đổi ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên (Gc 4:6-10).

Thói kiêu ngạo là tham vọng đầy ích kỷ luôn có trong chúng ta. Nó như kẻ thù, lúc nào cũng rình rập để ra tay làm điều ác. Ông bà Nguyên tổ chỉ vì kiêu ngạo mà nghe lời xúi dại của ma quỷ. Tính kiêu ngạo là nguyên nhân chính gây ra những cuộc xung đột, cãi nhau, ẩu đả, chiến tranh,… Vì kiêu ngạo mà người ta luôn đề cao mình, tự cho mình là “số dzách”, lòng tự ái nổi dậy, tìm cách đè bẹp người khác. Khi chúng ta khiêm nhường và vâng phục, Thiên Chúa sẽ giải quyết mọi vấn đề cho chúng ta.

Cầu Nguyện Khi Đau Khổ

Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ (Gc 5:13-15).

Cầu nguyện và chúc tụng là cách giúp chúng ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa khi chúng ta có các động lực bất chính. Hãy dành thời gian thực hiện điều này trong mọi tình huống để chúng ta được vững mạnh nhờ ân sủng siêu nhiên và đủ sức vượt qua mọi trở ngại trong hành trình cuộc sống.

Thú Tội và Cầu Nguyện

Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực (Gc 5:16).

Hãy giãi bày tâm sự hoặc nỗi lòng mình với người nào đó đáng tin cậy. Đừng đầu hàng số phận và hãy cố gắng vượt qua chính mình. Hãy làm sáng tỏ vấn đề, như người ta vẫn nói là “ba mặt, một lời”. Đừng bao giờ suy diễn theo ý chủ quan của riêng mình.

Lạy Thánh Giacôbê Tông Đồ, xin thương nguyện giúp cầu thay. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …