Home / Chia Sẻ / TẢM MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO của Giuse Nguyễn Bình An

TẢM MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO của Giuse Nguyễn Bình An

Cám ơn phụ nữ

d99119ca42e35bfa7fbc7fba9ab1d88a_1476935475Tháng ba có một ngày tri ân phụ nữ. Họ là những người bà, người mẹ người vợ, người chị đảm đang việc gia đình, chịu thương chịu khó, chịu mọi hy sinh vất vả vì chồng con, vì một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Tôi còn nhớ bài hát Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến, kể về cuộc đời người phụ nữ. Chị tôi chưa lấy chồng, hy sinh tuổi thanh xuân, chị thương mẹ thương em, không dám có tình cảm yêu đương với ai chỉ vì dành thời giờ lo cho em trai học hành thành tài.

Phụ nữ là như thế, luôn sống hết lòng vì người khác, với một tình yêu chân thành. Cho nên, một ngày để ta tri ân phụ nữ làm sao đủ. Có lẽ ta phải cám ơn những người phụ nữ thân thương của mình suốt cả cuộc đời vẫn chưa hết.

Người phụ nữ hiện diện từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Chúng ta biết ơn phụ nữ, họ có thể là những người vợ, người mẹ luôn hết mực chăm lo cho gia đình, đứng phía sau người chồng. Người chồng có thành đạt ngoài xã hội cũng là nhờ những người phụ nữ biết lo giữ ngọn lửa tình yêu gia đình luôn được bừng cháy sáng mãi.

Chúng ta đừng bao giờ vô tình như những người chồng trong một bài thơ trình bày cách đây cả chục năm trước:

 “Hôm nay mùng 8 tháng 3

Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi

Tôi phần bà một đĩa xôi

Sợ bà xấu bụng, tôi xơi hộ bà!

Hôm nay mùng 8 tháng 3

Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi

Nếu bà còn nói lôi thôi

Thì tôi giặt nốt hộ tôi cái quần. 

Với những lời đó,chúng ta nhận thấy rõ ràng : Nhiệm vụ của  người phụ nữ là phục vụ, giặt đồ, lau nhà, nấu cơm, chăm con, còn người đàn ông đi làm về cứ thong thả ngồi xem Tivi, chơi cờ tướng, đợi vợ sắp cơm lên. Cho nên, ngày 8 tháng 3, nhiều cánh mày râu chứng tỏ mình ga- lăng tôn trọng phụ nữ, muốn thể hiện sự bình đẳng, thế là vào ngày đó, các ông vào bếp làm giúp cho quý bà. Vì thế, hôm nay, các chị em  còn gọi là ngày phụ nữ vùng lên.

Như thế, cũng chỉ có một ngày nhớ ơn, trân trọng phụ nữ, nhưng còn cả đời người chồng chẳng thèm để ý, chẳng bao giờ quan tâm đến người vợ của mình, người đầu ấp tay gối, chẳng biết vợ đang lo lắng bận rộn ra sao, chẳng bao giờ cùng với người vợ dạy dỗ con cái, trái lại người đàn ông đụng chuyện thường hay nóng tính, đánh phạt con cái khi chúng phạm lỗi.

Trong nhà đạo mình, chúng ta gặp thấy người phụ nữ trước nhất là quý bà, quý chị quét dọn nhà thờ, cắm bông, bà bếp nấu cơm cho cha sở, hay các chị em trong các hội đoàn và có cả các quý nữ tu nữa. Xứ đạo nào có đông đảo “đội quân tóc dài” làm việc hiệu quả thì nhà thờ đó sạch sẽ, thoáng mát, gọn gàng, và thậm chí cả những việc riêng của cha sở  như giật giũ bếp núc cũng được quý chị em giúp đỡ ổn thỏa. Bữa cơm của cha sở thường do một bà bếp phụ trách. Bà bếp có thể nấu nướng trong nhà bếp của giáo xứ. Bà bếp đó cũng có thể nấu ăn từ nhà rồi mang cà men lên nhà xứ cho cha sở. Bà bếp đó trẻ già, đủ lứa tuổi, có thể là cháu họ hàng của cha, có thể là người trong giáo xứ, hoặc là người từ giáo xứ khác thân tín với cha đến giúp việc bếp núc.

Trong nhà xứ cũng có nhiều người phụ nữ, “đi ra đi vào”, có nhiều công việc lớn nhỏ. Ở đây, người viết xin nhìn thoáng qua chuyện các bà bếp nấu cơm cho cha sở, điều này cũng làm các cha nhức đầu, chuyện phải cân nhắc xem xét, vì nhà xứ luôn có kẻ bàn ra tán vào, có con mắt dòm ngó, thêm chút mắm muối nữa thì hấp dẫn vô cùng. Điều nhắc nhở cho các bà nấu bếp là : làm tròn bổn phận trách nhiệm, chu đáo, tận tình, quan trọng nhất là không nhiều chuyện, không đưa tin từ nhà xứ ra ngoài chợ…

Có một cha sở tâm sự với người viết : “Mình về một giáo xứ mới. Lúc trước cha sở tiền nhiệm hơi lớn tuổi, bà bếp ở lại ngủ ngay tại nhà xứ. Căn nhà xứ này nằm cạnh phòng riêng của cha sở. Mình mới về giáo xứ hơn nửa năm nên sắp xếp lại. Hơn nữa, là một linh mục trẻ, mình thấy điều này không nên, phải tìm biện pháp. Bà bếp cứ nấu nướng ở nhà rồi đem cơm lên cho cha sở. Làm như thế, bà bếp không ra vào nhà xứ nhiều nữa. Bà bếp có vẻ không vừa lòng. Nhưng mình vẫn làm như thế để tránh bất tiện cho mình, không để rắc rối lời ra tiếng vào.”

Cha sở đó cũng chia sẻ thêm: “Được cái bà bếp ở giáo xứ  mới về kín như bưng, nấu ăn sạch sẽ, nhất là không đưa chuyện cha sở ra ngoài đường bàn tán. Còn ở giáo xứ trước, tuy chị bếp là anh em họ con chú con bác với mình. Nhưng chị hơi nhiều chuyện, cha sở hôm nay đi đâu, hay tháng tới cha sẽ đi đâu mọi người dân bên ngoài đều biết hết, hôm nay nhà xứ có ai tới thăm, bà cố mình tới nhà thờ thăm mình cũng được bà bếp đưa ra ngoài chợ làm bản tin hành lang của giáo xứ. Thực sự mình potay”.

Không phải cha sở kể chuyện mình mới biết, chuyện người phụ nữ thường thích “tám chuyện”, có khi là mỗi chị em họp mặt gặp gỡ nhau phải kiếm một câu chuyện nào đó ra làm quà cho vui với bạn bè. Với niềm vinh hạnh được đi lại trong nhà xứ, nấu ăn cho cha sở, các bà bếp chứng tỏ mình nắm bắt thông tin cha sở rõ ràng, cha không thích ai, cha sắp có chương trình sinh hoạt gì.

Người viết đã từng chứng kiến, khi bà bếp của cha sở đi tới đâu họp mặt, ở đó là lại rôm rả câu chuyện, quý bà lại thích nghe chuyện ăn uống, chuyện đời tư, tính tình ông cha sở, ăn uống ngủ nghỉ ra sao, ai cũng thương cha sở của mình hết, chẳng ai cố tình “vạch áo cho người xem lưng”cha sở, nhưng sau đó mọi chuyện của cha sở người bên ngoài ai cũng biết.

Có cha sở lại có phương án khác. Người nấu ăn cho cha là một đàn ông lớn tuổi trung tín. Còn một Cha sở mà người viết rất thân quen. Cha có một ông nấu nướng giỏi, cứ đi theo cha sở lần lượt đến cả 3, 4 giáo xứ ngài coi sóc.

Người phụ nữ có phẩm giá cao trọng, bình đẳng với nam giới, cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Trong Giáo hội Công Giáo, người tín hữu Kitô vẫn chạy đến với người Mẹ Tuyệt vời là Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc, Mẹ của chúng ta. Mẹ Maria, một mẫu gương người nữ tinh tế, mau mắn trước Thánh ý Thiên Chúa. Mẹ Maria luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chúng ta học nơi Mẹ sự bén nhạy trước sự lúng túng thiếu rượu trong tiệc cưới tại Cana.

Phụ nữ bao giờ cũng nhanh nhẹn, biết quan tâm đến người khác. Trong gia đình, người mẹ thương con, chỉ một hắt hơi xổ mũi của con, người mẹ cũng chạy đi kiếm thuốc cho con uống. Người phụ nữ sống nặng về tình cảm, luôn âm thầm lặng lẽ, chịu bao hy sinh khó nhọc, thiệt thòi miễn sao cho con lớn khôn đầy đủ trong cuộc sống.

Người phụ nữ  được cho là phái yếu, nhưng  các nhà khoa học lại chứng mính, người phụ nữ không yếu lắm đâu, thậm chí họ rất mạnh mẽ, can đảm, có sức khỏe dẻo dai, dám làm mọi việc, mạnh mẽ quyết đoán trong nhiều chuyện lớn nhỏ của cuộc  đời.

  1. Hầu hết mọi nơi trên thế giới người ta đều biết rằng phụ nữ có tuổi thọ cao hơn đàn ông. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn đàn ông từ 5-10 năm.
  2. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy phụ nữ có khả năng chịu đau tốt hơn đàn ông, có thể là cơ chế tiến hóa để thích nghi với cơn đau khi sinh đẻ.
  3. Nghiên cứu khác cũng cho thấy phụ nữ có khả năng chịu đói lâu hơn nam, vì cơ thể phụ nữ có nhiều thành phần chất béo và ít cơ bắp hơn nam. Các mô mỡ cần ít năng lượng hơn các mô cơ bắp, vậy nên khi phải chịu đói thì phụ nữ có lợi thế gấp 2 lần.
  4. Cơ thể phụ nữ nhỏ và nhẹ hơn, cần ít năng lượng hơn nên cũng “thân thiện với môi trường” hơn nam giới.
  5. Thống kê cho thấy phụ nữ lái xe an toàn hơn nam giới (xin lỗi các quý ông, nhưng thống kê là vậy). Số liệu cho thấy số lượng tai nạn giao thông do nam giới gây ra nhiều hơn rất nhiều so với phụ nữ. Nam giới có khuynh hướng lái xe nhanh hơn, liều lĩnh hơn, phớt lờ tín hiệu giao thông, mức độ tai nạn và thiệt hại do nam giới gây ra cũng nghiêm trọng hơn.
  6. Phụ nữ có khả năng giao tiếp tốt hơn nam giới, có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
  7. Phụ nữ ít “máu liều” hơn nam giới, thường cẩn trọng hơn. Đây cũng là một trong các nguyên nhân giúp phụ nữ sống lâu hơn.

Và còn nhiều chứng minh nữa…

Ngày xưa, người viết có học bài thơ Thương Vợ của Tú xương, ông ca ngợi người vợ đảm đang, lam lũ của mình, người vợ mang gánh nặng  của gia đình trên đôi vai gầy gò héo hon. Ông thể hiện cảm xúc,tình thương   dành cho vợ. Đó cũng là thân phận của người phụ nữ trải qua những khổ đau thử thách  nhưng vẫn giữ mối tình thủy chung với chồng, vẫn là nơi nương tựa vững chắc cho những người con khi cuộc đời xô đẩy chúng phải bầm dập.

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.

                                  (Thương vợ)

Là những người phụ nữ Công Giáo,những người mẹ có bổn phận truyền dạy đức tin cho các con, dạy con lòng mến Chúa yêu người, thai giáo đức tin cho con, dạy con ê a các kinh Kính Mừng, kinh Lạy Cha, khi các con còn bé bổng nằm đong đưa trên võng.

Dù các sách Tin Mừng không kể lại, nhưng chúng ta tin chắc rằng Chúa Giêsu trong cuộc đời rao giảng công khai Tin Mừng Nước Thiên Chúa, ngoài các tông đồ, đi bên  Chúa Giêsu còn có nhóm những người phụ nữ nhiệt tình, chuyên lo chuyện bếp núc, nấu nướng thiết đãi những bữa cơm ngon miệng, nhờ đó Chúa Giêsu và các tông đồ có sức khỏe làm việc, đi hết thành này sang thành khác.

Cám ơn những người phụ nữ trong Giáo hội, nơi gia đình, những người tuy đứng đằng sau nhưng rất quan trọng trong cuộc đời, làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp. Xin nhớ cho rằng, phụ nữ không phải sinh ra để cho lo chuyện bếp núc phục vụ đàn ông. Ngay từ sau khi Chúa Giêsu sống lại, những người phụ nữ  là những người đầu tiên ra đi loan báo Tin Mừng Phục sinh,chia sẻ cho người khác mình đã gặp thấy Chúa.Như thế, sứ mạng loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng mời gọi cả các chị em phụ nữ cùng tham gia vào, phải làm cho thế giới cảm nhận niềm vui Tin Mừng, bằng đời sống yêu thương phục vụ của các chị em phụ nữ và cả những chị em nữ tu trong đời thánh hiến. 

Xin cho các chị em phụ nữ luôn được trân trọng  trong cuộc sống, những người chồng biết thương vợ thực sự, và người phụ nữ biết dùng khả năng của mình làm chứng tá của Tin Mừng,  

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN