Home / Chia Sẻ / Tam Giác Sống

Tam Giác Sống

“Thiên Chúa nhớ lại Lòng Thương Xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1:55). “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và của cả nhân loại” (Chúa Giêsu nói với Thánh nữ Faustina).

h1Tam-Giác-Sống là gì? Đó là “bộ ba” tích cực: Tội Lỗi – Tha Thứ – Yêu Mến. Cái này luôn có mối liên quan với cái kia. Đó là hành trình của mỗi chúng ta tiến về bên Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ai cũng tội lỗi, rồi được tha thứ, do đó mà yêu mến để phần nào “đền ơn, đáp nghĩa”.

Tam-Giác-Sống hoàn toàn trái ngược với Tam-Giác-Chết, tức là “bộ ba” tiêu cực: Ma Quỷ – Thế Gian – Xác Thịt.

Trình thuật Lc 7:36-50 kể câu chuyện người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ nhờ lòng yêu mến. Câu chuyện này đã gây “khó chịu” cho người thời đó – và cả chúng ta thời nay nữa. Thiết tưởng câu chuyện này cũng phù hợp để xét mình khi chúng ta cử hành Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót – Chúa Nhật II Phục Sinh.

Một hôm, có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa tại nhà mình. Ngài đến nhà người Pharisêu ấy và ngồi vào bàn ăn. Bỗng dưng có một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Ngài mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên. Chắc hẳn chị không có ý lấy lòng hoặc mua chuộc Chúa Giêsu, nhưng chị thật can đảm khi dám công khai làm những điều gây “xốn mắt” người khác như vậy!

Thánh sử Luca kể ngắn gọn nhưng đầy đủ chi tiết qua các danh từ và động từ: Nước mắt, tóc, dầu thơm; khóc, lau, hôn. Sự việc diễn ra khác thường khiến các thực khách phải chú ý. Bữa tiệc này hẳn phải là đại tiệc quan trọng và các thực khách hẳn là những người “tai mắt trong thiên hạ”. Thế mà lại có một người quấy rầy, mà người đó lại là một phụ nữ tội lỗi nổi danh một vùng. Chắc chắn các đại gia kia vô cùng “ngứa mắt”.

Thấy vậy, ông Pharisêu – tức ông Simôn đã mời Ngài – liền nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7:39). Cách nói mỉa mai và đay nghiến lắm! Đức Giêsu biết tỏng ông ta nghĩ gì nên lên tiếng: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!” (Lc 7:40a). Có lẽ ông không biết Đức Giêsu biết ý nghĩ của ông nên vẫn “vô tư” thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói” (Lc 7:40b). Đức Giêsu từ tốn nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” (Lc 7:41-42). Một cách so sánh thực tế và dễ hiểu. Vì thế, ông Simôn đáp ngay: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn” (Lc 7:43a). Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm” (Lc 7:43b).

Chúa Giêsu chỉ hỏi ý kiến ông Simôn bằng một câu hỏi tế nhị, nhưng chính câu hỏi đó lại “chạm” vào nhiều người – kể cả chúng ta ngày nay. Thật vậy, chúng ta thường có ác cảm hoặc định kiến với những người mà chúng ta cho rằng “họ không đạo đức hơn mình”, chúng ta cũng thường xuyên “chụp mũ” hoặc “gắn mác” cho người khác bằng nhiều kiểu, thậm chí có khi rất thủ đoạn. Nếu công tâm nhìn nhận thì chúng ta cũng rất “máu Pharisêu”, chẳng khác gì như ông Simôn!

Sau đó, Chúa Giêsu vừa quay lại phía người phụ nữ vừa nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” (Lc 7:44a). Chúa Giêsu hỏi thật nhẹ nhưng chắc hẳn ông Simôn đau lắm nên cứng họng mà không nói được gì. Chúa Giêsu so sánh bằng chứng cơ minh nhiên: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi (Lc 7:44b-46). Rồi Ngài kết luận: “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7:47).

Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7:48). Người-phụ-nữ-tội-lỗi-xấu-xa kia đã được hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót. Còn những người-tưởng-mình-tốt-lành thì đành “trở về tay trắng” (x. Lc 1:53). Hôm đó, trong số thực khách tại nhà ông Simôn đã có những người nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” (Lc 7:49). Chúa Giêsu biết nhưng Ngài không biện hộ, Ngài chỉ nói với người-phụ-nữ-tội-lỗi: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7:50).

Yêu mến nhiều thì được tha tội nhiều. Đơn giản quá! Thiên Chúa có dư Lòng Thương Xót, Ngài chỉ cần chúng ta có thực sự yêu mến Ngài hay không. Ngài cho mà chúng ta không nhận thì Ngài cũng không ép, vì Ngài luôn tôn trọng tự do của chúng ta. Đức tin và đức mến cần thiết để được ơn tha thứ, được hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót, và nhờ vậy mà tâm hồn được bình an.

Sau thời gian hoang đàng chi địa, Thánh Augustinô đã phải thốt lên: “Con yêu Chúa quá muộn màng!”. Được biết Chúa, được yêu Chúa, được say mê Chúa, quả là niềm hạnh phúc lớn lao, là điều kỳ diệu, là một phép lạ! Và Thánh Augustinô cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Động từ BIẾT thực sự quan trọng trong cả cuộc sống đời thường và tâm linh.

Thiết tưởng nên “mở ngoặc” một chút: Người-phụ-nữ-tội-lỗi trình thuật Lc 7:36-50 thường được hiểu là Thánh Maria Mađalêna (Hy ngữ: Μαρία ἡ Μαγδαληνή), người đã đứng dưới chân Thập Giá và là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu phục sinh. Thật oan cho Thánh Maria Mađalêna quá!

Nên nhớ rằng mặc dù Thánh Maria Mađalêna được nhắc tên trong cả 4 Phúc Âm, nhưng không lần nào nói bà là gái điếm hoặc tội nhân. Tân ước không hề có “gợi ý” nào nói bà là một cô gái làng chơi hoặc một phụ nữ trắc nết. Các học giả đương đại đã phục hồi “danh tiếng” cho Thánh Maria Mađalêna là người dẫn dắt quan trọng của Kitô giáo thời sơ khai.

Sự đồng hóa đó là do Công giáo Tây phương, có trong bài giảng của Thánh GH Grêgôriô Cả vào khoảng năm 591. Thánh GH Grêgôriô Cả được coi là một trong những người ảnh hưởng nhất và trở thành giáo hoàng. Trong các bài giảng nổi tiếng của ngài về Thánh Maria Mađalêna, giảng tại Rôma, ngài đã xác định Mađalêna không chỉ là phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca, mà còn là Maria ở Bêthania, chị của Matta và Ladarô; chính bảy quỷ được Chúa Giêsu trục xuất “đã tạo thành 7 tội trọng, và Maria Mađalêna bắt đầu bị kết án không chỉ vì tội dâm dục mà còn vì tội kiêu ngạo và tham lam”. Bài giảng của Thánh GH Grêgôriô Cả về Phúc Âm theo Thánh Luca đã tạo thành cách hiểu chính thức của Giáo hội về Thánh Maria Mađalêna, cho rằng bà là phụ nữ “alabaster jar” (gái điếm).

Trong bài giảng XXXIII, Thánh GH Grêgôriô Cả nói: “Bà [Maria Mađalêna] là người mà Thánh Luca gọi là phụ nữ tội lỗi, Thánh Gioan gọi là Maria, chúng ta tin là Maria được trừ bảy quỷ trong Phúc Âm theo Thánh Máccô. Bảy quỷ này biểu hiện điều gì, nếu không phải là các thói hư? Anh chị em thân mến, rõ ràng là phụ nữ này trước đó đã xức thơm thân xác cô bằng những hành động bị cấm. Do đó điều cô biểu hiện càng khiếm nhã hơn, nhưng nay cô dâng cho Chúa bằng động thái đáng khen. Cô đã ham muốn bằng con mắt trần tục, nhưng nay cô ăn năn bằng nước mắt. Cô đã xõa tóc che mặt, nhưng nay cô dùng tóc lau khô nước mắt. Miệng cô đã nói những điều kiêu ngạo, nhưng nay cô dùng miệng hôn chân Chúa, cô đặt miệng mình lên chân Đấng Cứu Thế. Do đó, đối với mỗi niềm vui, cô đã có trong lòng, nay cô hy sinh chính mình. Cô biến tội lỗi thành nhân đức để phục vụ Thiên Chúa hoàn toàn trong sự ăn năn”.

Với điều này, tác giả Susan Haskins viết trong cuốn “Mary Magdalene: Myth and Metaphor” (Maria Mađalêna: Huyền thoại và Ẩn dụ): “Cuối cùng, hình ảnh xung đột của Thánh Maria Mađalêna cũng được sáng tỏ”.

Năm 1969, trong triều đại giáo hoàng của Chân phước Phaolô VI, Tòa Thánh không phê bình về nhận xét của Thánh GH Grêgôriô Cả, mà chỉ bỏ điều đó bằng cách tách biệt người phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca với bà Maria ở Bêthania và Maria Mađalêna qua Sách lễ Rôma.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN