Hình học có tam giác cân, tam giác đều, hoặc tam giác vuông, thậm chí còn là “tam giác vàng” khi người ta ám chỉ cái gì đó, chứ làm gì có “tam giác chết” nhỉ? Kỳ ghê đi!
Khoảng 40 năm trước, chữ “ba thù” vẫn thường được nhắc tới, nhất là trong thời gian Mùa Chay. Mà tại sao lại là “ba” chứ không là hai, năm, chín hoặc nhiều hơn? Bộ ba đó là: Ma quỷ à Thế gian à Xác thịt. Đó chính là “tam giác chết”. Quả thật, thứ nào cũng dữ, kẻ tám lạng, người nửa cân, nhưng xét cho cùng thì CHÍNH MÌNH vẫn là cái đáng sợ nhất: Lỗi tại tôi mọi đàng!
Người ta có câu vè về những kẻ có “máu hai ngón” thế này: “Cho không lấy, thấy không xin, kín thì rình, hở thì rinh”. Người có “tật táy máy” thật là bất trị. Còn với mưu ma chước quỷ, có thể ví von thế này: “Đánh đuổi không đi, rủ rê không đến, hò hẹn không chờ, lơ ngơ chết chắc”. Khủng khiếp thật!
Mưu ma chước quỷ rất nhiều, lúc nào chúng ta cũng bị “phục kích”. Kẻ thù chưa đáng sợ bằng bạn thân. Tại sao? Kẻ thù rõ ràng nên chúng ta có thể đề phòng để tránh, nhưng bạn thân thì không biết lúc nào họ phản trắc, chúng ta trở tay không kịp. Chúng ta đừng vội đổ lỗi cho ma quỷ về mọi sự sa ngã phạm tội của mình hoặc người khác, như chúng ta thường nói: Vì, tại, bởi, nếu, nhưng, giá mà,… Đó chỉ là “chiêu bài” tự biện hộ mà thôi!
Chuyện kể rằng: Ngày xưa, thời còn luật ăn chay nghiêm ngặt, không chỉ kiêng thịt mà phải kiêng cả trứng nữa. Có một tu sĩ khổ hạnh sống theo tu luật hằng ngày buộc ăn uống khem khổ rồi, vào mùa chay càng phải kiêng cữ nhiều hơn. Một hôm, tu sĩ này thấy có ổ trứng gà ở khu chăn nuôi của tu viện, thèm lắm. Đọc kinh tối xong, tu sĩ này ra lấy một quả trứng đem về phòng, cho trứng vào cái ly, rồi đốt nến để luộc. Bất ngờ Bề Trên đi ngang qua, ngửi thấy mùi nến cháy, nên ngó vào phòng xem sao. Tu sĩ nọ bị bắt quả tang. Bề Trên hỏi: “Chuyện gì vậy, thầy?”. Tu sĩ nọ vừa lồm cồm bò ra từ gầm giường vừa thưa: “Dạ, con đốt nến”. “Sao lại đốt nến dưới gầm giường?”. Tu sĩ ấp úng: “Dạ… dạ…”. Bề Trên sốt ruột: “Sao thầy ấp úng vậy?”. “Dạ… con… luộc trứng”. “Mùa chay mà thầy luộc trứng làm gì? Ai cho phép thầy làm vậy?”. Tu sĩ vừa gãi đầu vừa khép nép: “Dạ, tại ma quỷ cám dỗ”. Ngay lúc đó, quỷ hiện ra, vừa chỉ vào mặt tu sĩ vừa nói: “Này, tôi chưa hề cám dỗ mà thầy đã làm rồi, sao lại đổ lỗi tại tôi?”. Bề Trên chỉ biết lắc đầu về chiêu “độc đáo” của tu sĩ kia.
Chuyện là thế. Đùa mà thật. Hài mà bi. Vui mà buồn. Cười ra nước mắt đấy!
Thuở khai thiên lập địa, sau khi Thiên Chúa rút chiếc xương sườn của con người (tức là A-đam) rồi “hô biến” ra một phụ nữ đẹp tuyệt trần (tức là Ê-va), hoa hậu còn thua xa. Thấy thế, A-đam hoa cả mắt, liền sung sướng reo lên: “Chu choa! Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Em sẽ được gọi là đàn bà nghe cưng, vì em được rút ra từ anh đấy!” (St 2:23). Thế là họ trở nên vợ chồng, thành một xương một thịt, “cả hai đều trần truồng nhưng không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2:25), thế mà sau khi phạm tội, họ chợt nhận biết mình trần truồng, kỳ ghê đi, xấu hổ muốn độn thổ, thế là họ chạy đi kết lá vả làm khố che thân (St 3:7) – chắc là vì mắt họ mở to y như đèn ô-tô, sáng tương tự đèn cao áp. Hai tình huống trước và sau khi phạm tội hoàn toàn trái ngược nhau. Thú vị dữ nghen!
Rồi Thiên Chúa gọi “hắn” ra và truy vấn: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Lạ nghen! Trước cũng vậy, sau cũng thế. Chả khác gì nhau. Thế mà bây giờ lại mắc cở. Sao vậy ta? Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3:9-13).
Ôi dào! Mệt quá đi! Cứ đổ lỗi cho nhau theo dây chuyền mà không ai chịu nhận lỗi. Ông đổ lỗi tại bà, bà đổ lỗi tại con rắn. Con rắn đổ lỗi cho ai đây? Đời là thế [chỗ này nên đặt “dấu chấm than” (!) hay dấu hỏi” (?) thì hợp lý nhỉ?]. Chúng ta “thuộc lòng” (có ‘ngoặc kép’) Kinh Thú Nhận (cáo mình) mỗi ngày: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhưng có lẽ chúng ta thích sửa một chút cho “hợp tình, hợp lý và hợp ý” là thay 5 chữ “lỗi tại tôi mọi đàng” thành “lỗi tại bạn một phần”. Chúng ta không nói ra nhưng “thâm ý” của chúng ta là thế đấy. Lạy Chúa tôi!
Gieo thì gặt. Trồng thì hưởng. Ráng thì được. Đó là “luật bù trừ” hoặc “luật cân bằng”, vừa mặc nhiên vừa minh nhiên. Cái gì cũng có hệ lụy tất yếu. Đó là nói chung, nếu nói riêng và chính xác thì nên nói danh từ “kết quả” dành cho điều tốt, còn danh từ “hậu quả” dành cho điều xấu.
Và đây là hậu quả: Vì phạm tội, phụ nữ “phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, phải cực nhọc lúc sinh con, thèm muốn chồng, và bị chồng thống trị” (St 3:16). Cũng vì phạm tội, con người bị kết án khổ sai chung thân: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:17-19).
Hậu quả tệ hại nhất của tội lỗi là “con người phải trở về cát bụi”, nghĩa là phải chết. Chính cái chết là nỗi thất bại ê chề nhất của con người!
Bộ ba “Ma quỷ – Thế gian – Xác thịt” cũng tương tự bộ ba “Ma quỷ – Đàn bà – Đàn ông”. Cuộc đời có sự-cám-dỗ-dây-chuyền. Đó là những “bộ ba nguy hiểm”, gọi là Tam-Giác-CHẾT. Loại tam giác này nguy hiểm cực độ, dù không ai có thể biết đó là loại tam giác gì – tam giác cân, tam giác đều, hoặc tam giác vuông.
Thật may vì Thiên Chúa luôn hết mực yêu thương chúng ta (Ep 2:4), Ngài vẫn giàu lòng thương xót: “Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được?” (Tv 130:3). Thế nên Ngài bắt Con Một Yêu Dấu của Ngài chết thay chúng ta, để cứu độ chúng ta. Ngài là A-đam mới. Chúng ta phải nhận lỗi chứ không được biện minh hoặc đổ lỗi cho người khác, nhưng lạ thay, Thiên Chúa Cha cho chúng ta được “quyền” đổ tội cho Chúa Giêsu, mệnh danh là Chiên Thiên Chúa.
Đức Kitô Giêsu yêu thương chúng ta vô điều kiện, Ngài yêu thương chúng ta trước (1 Ga 4:19), Ngài yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân bất xứng (Rm 5:8).
Tam-Giác-Chết là cái vòng lẩn quẩn vô cùng nguy hiểm của phàm nhân. Chết chắc. Nhưng với tình yêu thương vô hạn, lòng thương xót khôn nguôi, Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi vòng lẩn quẩn “chết người” đó, và đưa chúng ta vào Tam-Giác-Sống: Trông chờ – Tha thứ – Thừa kế. Gọi tắt là 3T cho dễ nhớ. Điều đó được thấy rõ trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-32), trước đây gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”. Gọi là dụ ngôn nhưng đó là một thực tế hoàn toàn có thật, chứ không là huyền thoại hoặc cổ tích. Bằng chứng minh nhiên vẫn không ngừng xảy ra hằng ngày đới với mỗi chúng ta.
Đức Giêsu sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, dù tội của chúng ta không thể tưởng tượng được, chỉ cần với điều kiện là chúng ta thành tâm sám hối. Giá rẻ mạt rồi đấy! Tướng cướp Dismas còn vào thiên đàng ngay sau khi xin Chúa Giêsu, vậy thì chúng ta còn có cơ hội lớn lắm.
Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta, tất nhiên Chúa Giêsu cũng đòi buộc chúng ta phải thật lòng tha thứ cho người khác. Tha thứ là tự giải thoát, là tái sinh trong tình yêu Thiên Chúa, tái sinh trong dòng Máu và Nước của Lòng Chúa Thương Xót. Tha thứ còn là nhổ bớt một cây đinh trên Thánh Thể Chúa, đồng thời cũng nhổ bớt một cây đinh trên cuộc đời mình.
Một lần nọ, Chúa Giêsu nói với người đàn bà bị băng huyết ròng rã 12 năm: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:34). Lần khác, Ngài nói với người phụ nữ tội lỗi đã xức dầu thơm chân Chúa tại nhà ông Si-môn: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7:48).
Và Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi chúng ta như vậy trong Mùa Chay Thánh này đấy. Chúng ta có nghe thấy?
TRẦM THIÊN THU