“Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em” (1 Pr 4:12).
Kinh thánh không bao giờ ra lệnh hoặc cổ vũ các Kitô hữu cầu xin cho bị bách hại. Nhưng Kinh thánh bảo rằng các Kitô-hữu-trưởng-thành sẽ bị bách hại. 1 Pr 4:12 nhấn mạnh rằng “chúng ta đừng ngạc nhiên” khi sự bách hại xảy ra, hoặc nghĩ rằng “điều khác thường” xảy ra với chúng ta khi chúng ta bị bách hại với danh nghĩa là Kitô hữu (x. Cv 14:22; Pl 1:29; 2 Tm 3:12; 1 Ga 3:13). Bách hại là một phần của ơn cứu độ. Đó là ngụ ý nói rằng ơn cứu độ của linh hồn đạt được qua việc chịu đau khổ là một phần của sự bách hại. Không, Kinh thánh dạy rõ rằng ơn cứu độ là quà tặng riêng của Thiên Chúa, và sự bách hại không thuộc về điều đó. Giá của ơn cứu độ đã được Thiên Chúa trả giá trọn vẹn khi Chúa Giêsu chịu đau khổ và chết trên thập giá vì tội chúng ta. Sự bách hại không là thành phần của giá cứu độ nhưng vẫn là “tiến trình của ơn cứu độ”. Chúng ta không “được cứu độ” bởi chịu bách hại, nhưng khi chúng ta được cứu độ thì chúng ta vẫn bị bách hại.
Khái niệm “được cứu để chịu đau khổ” có thể làm chúng ta dao động ngay từ đầu. Thậm chí điều đó có thể khiến chúng ta có những ý nghĩ sai về Thiên Chúa. Nhưng các ý nghĩ đó sẽ không còn khi chúng ta đọc Kinh thánh thấy Thiên Chúa có nhiều mục đích để cho phép con cái Ngài chịu bách hại.
Trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô, Thiên Chúa cho chúng ta biết nhiều về sự bách hại. Thật vậy, cuốn sách này có thể được gọi là “sổ tay” về việc chịu bách hại. Sách được viết ngay trước khi bùng nổ cuộc bách hại của Đế quốc La Mã (Rôma) dưới thời Hoàng đế Nero vào năm 64. Trong sự nối kết này, 1 Pr 4:12 có thể được coi là lời tiên tri về cuộc bách hại của La Mã đối với Kitô giáo. Nhưng dĩ nhiên, 1 Pr 4:12 vẫn ứng dụng với các Kitô hữu ở mọi thời. Các Kitô hữu của thế kỷ XXI sẽ bị bách hại vì đức tin y như các Kitô hữu hồi thế kỷ I.
Về điểm này nên nhấn mạnh rằng bất kỳ lúc nào thì thư thứ nhất của Thánh Phêrô cũng nói về việc chịu đau khổ, đó không là bất kỳ loại đau khổ cũ nào như đã thấy. Các Kitô hữu bị những cơn đau tim, những tai nạn giao thông, tài khoản ngân hàng bị rút hết, lỡ những cuộc hẹn và bị cảm lạnh nặng, nhưng không có loại đau khổ nào như Thánh Phêrô đã nghĩ. Đó là vấn đề, và trong đời sống của các Kitô hữu, Thiên Chúa có thể dùng các loại này vì lợi ích của chúng ta (x. Rm 8:28-29). Tuy nhiên, sự đau khổ trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô là sự bách hại xảy ra với các Kitô hữu một cách chính xác vì họ là Kitô hữu – vu khống, sỉ nhục, mỉa mai, khinh bỉ, nguyền rủa, lạm dụng, tẩy chay, hành hạ, và thậm chí là tử vì đạo. Bạn đã bao giờ bị bách hại bằng lời nói hoặc bị ghét bỏ vì bạn là Kitô hữu? Có thể bạn chịu đau khổ ở mức thấp như mất việc làm hoặc không được thăng chức vì bạn là Kitô hữu. Đó là điều bình thường và luôn xảy ra. Tại một số quốc gia, các Kitô hữu thường bị bách hại về thể lý (hành hạ, bắt bớ, tù đày,…).
Có vài lý do để Thiên Chúa cho phép con cái Ngài bị bách hại: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4:13-14). Nhưng hãy lưu ý: “Đừng có ai trong anh em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác hoặc dây mình vào việc người khác” (1 Pr 4:15).
Thánh Phaolô nói: “Khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8:17). Chúa Giêsu cũng đã nói về sự bách hại: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:10-12). Kinh thánh không cho chúng ta biết tất cả những gì liên quan việc chúng ta chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ rằng khi hậu quả của tội lỗi bị tẩy trừ khỏi thế gian này, vinh quang Thiên Chúa sẽ được thể hiện. Vinh quang này sẽ được tập trung vào Đức Kitô và công cuộc cứu độ của Ngài (x. Pl 2:5-11). Hiện nay chúng ta có dịp đầu tư về vinh quang tương lai. Hãy nghĩ rằng hôm nay chúng ta đang được ưu tiên tham dự và góp phần vào điều đó, sự vinh dự tương lai và sự vinh hiển của Đấng Cứu Độ – nếu chúng ta sẵn sàng chịu những bách hại nhỏ. Sự kêu gọi thánh thiện và cao cả như vậy sẽ giúp chúng ta chịu đựng mọi sự!
Nên nhấn mạnh rằng việc chia sẻ đau khổ của Đức Kitô đã được nói tới trong 1 Pr 4:13 không phải là đau khổ của Đức Kitô trên thập giá. Đau khổ đó là vì tội lỗi của chúng ta và được hoàn tất khi Đức Kitô tuyên bố chiến thắng từ trên thập giá: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19:30). Đau khổ của Đức Kitô mà chúng ta chia sẻ hiện nay là đau khổ vì Đức Kitô – tức là chịu bách hại. Gọi là đau khổ của Đức Kitô vì Nhiệm thể của Đức Kitô trên thế gian (tức là Giáo hội) chịu đau khổ khi các Kitô hữu bị bách hại vì danh Đức Kitô (x. Cl 1:24). Hãy nhớ rằn Đức-Kitô-phục-sinh đã chất vấn Saolê trên đường Damascus: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?”, khi Saolê đang trên đường bách hại các Kitô hữu. Nhưng Giáo-hội-bị-bách-hại hiện nay sẽ là Giáo-hội-vinh-thắng khi Nhiệm thể Đức Kitô trên thế gian được liên kết với Thủ Lĩnh trên Trời.
Cũng có sự vinh quang hiện tại liên kết với những người-bị-bách-hại-vì-Đức-Kitô. 1 Pr 4:14 cho chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên chúng ta khi chúng ta chịu sỉ nhục vì danh Đức Kitô. Các Kitô hữu đều có Chúa Thánh Thần trong họ (Rm 8:9-11; 1 Cr 12:13; Ep 1:13), nhưng các Kitô-hữu-bị-bách-hại có Chúa Thánh Thần ngự trên họ. Các Kitô-hữu-bị-bách-hại biết nhiều về thực tế hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc sống. Mối quan hệ sâu xa hơn và thân mật hơn – còn hơn nhiều nếu tín hữu đó vui chịu đau khổ. Mối quan hệ đó phát triển giữa hai người lính trong chiến đấu còn thân thiết hơn tình bạn thời bình. Hãy nhớ rằng chỉ hiện nay chúng ta mới có ưu tiên mở rộng mối quan hệ với Chúa qua cách này, vì trên trời không còn bách hại nữa.
Thánh Phêrô đặt vấn đề: “Nếu người công chính còn khó được cứu độ, thì người vô đạo, kẻ tội lỗi sẽ ở đâu?” (1 Pr 4:18). Rồi Thánh Phêrô nhấn mạnh về kết quả: “Vì vậy, những ai chịu khổ theo ý của Thiên Chúa, hãy phó mạng sống mình cho Đấng Tạo Hoá trung thành, và cứ làm điều thiện” (1 Pr 4:19). Sự bách hại là thanh luyện Giáo hội. Tertullian, một Kitô hữu hồi thế kỷ II, nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống của Giáo hội” (the blood of martyrs is the seed of the Church). Xuyên suốt lịch sử, Giáo hội không chỉ sống sót trong thời bách hại, mà còn được thanh luyện. Ngày nay, Giáo hội Hoa Kỳ chịu bách hại cực độ, chúng ta thấy một số ít các Kitô hữu muốn rời bỏ Giáo hội. Như vậy, sự bách hại là “vàng thử lửa” để chứng tỏ đức tin.
Những cuộc bách hại là thời điểm tái tuyên tín. Không chỉ là “đoạn tuyệt với tội lỗi” và sống thánh thiện hơn (1 Pr 4:1-4), mà còn sẽ “phó thác linh hồn cho Đấng Sáng Tạo khi hành động đúng”. Từ ngữ nào diễn tả sự canh tân Kitô giáo? Sự lưu đày, sự vu khống và sự khinh bỉ từ bạn bè sẽ không thể dập tắt lửa mến của các Kitô-hữu-trưởng-thành, và khiến họ đến gần Chúa Giêsu hơn.
Dù sự bách hại các Kitô hữu sẽ xảy ra và “theo ý Chúa” (1 Pr 4:19), hãy nhớ rằng đây là vấn đề gia đình. Chúng ta là “những người được yêu thương” (1 Pr 4:12) của “Đấng Tạo Hóa trung thành” (1 Pr 4:19). Hiểu được lý do Thiên Chúa cho phép bách hại, chúng ta không chỉ chấp nhận bị bách hại mà còn vui lòng chịu bách hại.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ GrowingChristians.org)