Home / Chia Sẻ / TẠI SAO DANG TAY KHI CẦU NGUYỆN?

TẠI SAO DANG TAY KHI CẦU NGUYỆN?

Có người thắc mắc: Tại sao khi lần Chuỗi Thương Xót lại dang hai tay? Việc dang hai tay này mang ý nghĩa gì? Nguồn gốc bắt đầu từ đâu? Nếu không dang tay có được không?

TaiSao DangTay Khi CauNguyenTrước hết, chúng ta phải biết cầu nguyện không ngừng, gọi là cầu nguyện liên lỉ, như Chúa Giêsu đã khuyến cáo (x. Lc 18:1; Mt 17:21), theo cách Ngài dạy cầu nguyện (x. Mt 6:5-7; Mt 6:9; Mt 21:22), và chính cuộc sống tại thế của Ngài đã không ngừng cầu nguyện – cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Có ba yếu tố quyện vào nhau trong khi cầu nguyện: suy niệm (suy tư về những điều tốt lành của Thiên Chúa), chiêm niệm (cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa), và tự nguyện giao tiếp với Thiên Chúa (nhận biết Chúa đang hiện diện và cầu xin Ngài trợ giúp) trong mọi khoảnh khắc trong cuộc sống.

Khi cầu nguyện, chúng ta đưa trí óc vào trong trái tim, tư tưởng hòa hợp với sự hiện hữu của Thiên Chúa, trái tim cháy lên ngọn lửa yêu của Thiên Chúa và cầu xin cho người khác cũng được ơn cứu độ.

Khi cầu nguyện, chúng ta thường quỳ gối, phủ phục, hoặc giơ hay tay lên cao. Điều đó chứng tỏ chúng ta chân thành và không ngừng cầu nguyện. Nhưng các kiểu này phù hợp khi chúng ta cầu nguyện ở nhà thờ, ở gia đình, khi cầu nguyện chung hoặc riêng.

Nhưng có một cách cầu nguyện không ngừng là trong lòng luôn khao khát Chúa, bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào – đây là dạng cầu nguyện liên lỉ. Dù làm gì thì chúng ta cũng không ngừng khao khát Chúa. Cầu nguyện liên lỉ là không ngừng khao khát và kết hiệp với Chúa – bất kể thời gian và nơi chốn.

Tính kiên định của lòng ước muốn sẽ là lời cầu nguyện không ngừng. Lời cầu nguyện âm thầm đó chỉ có được khi tình yêu trong linh hồn chúng ta luôn nồng nàn. Mưu ma chước quỷ rất nhiều, tình yêu dành cho Thiên Chúa phải mạnh mới có thể chống cự.

Quả thật, cầu nguyện là điều vô cùng cần thiết ở mọi nơi và mọi lúc. Chúa Giêsu căn dặn: “Hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14:38; Lc 22:40 & 46). Cuộc đời có nhiều cạm bẫy, ba đại thù là THẾ GIAN, MA QUỶ và XÁC THỊT, thế nên Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Tình yêu nồng cháy chỉ có ở những trái tim thầm lặng.

Ngoại tại có thể biểu hiện nội tại. Cựu ước cho chúng ta thấy người ta thường dang tay khi cầu nguyện:

– Các tư tế dang tay lên trời, khẩn cầu cùng Đấng hằng chiến đấu cho dân tộc chúng ta (2 Mcb 14:34).

– Ông Ô-ni-a, nguyên là thượng tế, một người lương thiện tốt lành đã xử sự nhã nhặn, đối đãi hiền từ, nói năng lịch sự và đã thực hành các nhân đức ngay từ buổi thiếu thời. Lúc ấy, ông dang tay cầu nguyện cho toàn thể cộng đồng Do-thái (2 Mcb 15:12).

– Khi ông Ma-ca-bê nhìn thấy đông đảo quân địch xuất hiện, trang bị đủ loại vũ khí, đàn voi trận hung hãn, ông dang tay lên trời, khẩn cầu Đức Chúa là Đấng làm nên những công trình kỳ diệu, vì ông biết rằng chiến thắng không phải là nhờ vũ khí, nhưng là do Người quyết định ban cho những ai xứng đáng (2 Mcb 15:21).

– Nếu anh giữ lòng mình cho kiên vững, nếu anh dang tay hướng thẳng về Người, nếu anh ném xa điều gian ác trong tay, và không để cho bất công cư ngụ trong lều, thì bấy giờ, anh sẽ ngẩng mặt lên, không tì ố, anh sẽ được vững vàng, không sợ hãi chi (G 11:13-15).

– Hàng vương giả sẽ từ Ai-cập đến, còn xứ Cút sẽ dang tay cầu khẩn Chúa Trời (Tv 68:32).

Ngôn sứ Isaia cũng đã dang tay cầu nguyện cho dân Ít-ra-en: “Suốt ngày ta dang tay kêu gọi một dân không vâng lời và ngỗ nghịch” (Rm 10:21).

Cầu nguyện phải liên tục là động thái thanh tẩy chứ không thể là dị đoan hoặc kiêu ngạo. Hãy cố gắng tách khỏi thế giới bên ngoài, một dạng như lái xe phải tập trung cao độ chứ không thể đãng trí vì ngoại cảnh.

Như vậy, dang tay khi cầu nguyện mang tính lịch sử và truyền thống. Tuy nhiên, dang tay cũng là một cách trừng phạt:

– Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa (Is 1:15-16).

– Tiếng rên la của người mẹ trẻ sinh con, tiếng thiếu nữ Sion thở hổn hển và dang tay kêu khóc: “Khốn thân tôi, tôi chết dần chết mòn trước những kẻ sát nhân!” (Gr 4:31).

– Chính ngươi đã chối bỏ quay lưng lại với Ta, nên Ta dang tay đánh phạt, nhằm huỷ diệt ngươi. Thương xót nhiều rồi, nay Ta đã chán! (Gr 15:6).

– Ta sẽ dang tay đánh phạt ngươi, cho ngươi lăn xuống từ đỉnh cao núi đá. Ta sẽ biến ngươi thành ngọn núi bị thiêu rụi (Gr 51:25).

– Ta sẽ dang tay trừng phạt nó và diệt trừ nó khỏi dân Ta là Ít-ra-en. Hỡi con người, nếu một xứ đắc tội với Ta mà phạm tội bất trung, nếu Ta dang tay trừng phạt xứ ấy, làm cho nó cạn nguồn lương thực và bị đói kém, nếu Ta diệt trừ người cũng như súc vật khỏi xứ,14 và nếu trong xứ ấy có ba người này là Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp, thì những người ấy sẽ được thoát mạng nhờ sự công chính của mình (Ed 14:9 & 13-14).

– Ta sẽ dang tay trừng phạt ngươi, sẽ để cho các dân tộc cướp phá, sẽ loại bỏ ngươi khỏi chư dân, sẽ xoá tên ngươi khỏi các nước và huỷ diệt ngươi; bấy giờ, ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa. Ta sẽ dang tay trừng phạt Ê-đôm, sẽ diệt trừ người cũng như súc vật khỏi xứ, sẽ làm cho Ê-đôm ra hoang tàn; từ Tê-man tới Đơ-đan, người ta sẽ phải ngã gục vì gươm. Ta sẽ dang tay trừng phạt dân Phi-li-tinh; Ta sẽ loại trừ những người Cơ-rê-thi và tiêu diệt số dân cư miền duyên hải còn sót lại (Ed 25:7.13.16).

– Này Ta trừng phạt ngươi, hỡi núi Xê-ia. Ta dang tay ra để trừng phạt ngươi. Ta sẽ biến ngươi thành chốn hoang tàn đổ nát;4 Ta sẽ làm cho các thành thị của ngươi ra điêu linh. Ngươi sẽ ra hoang tàn và ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa (Ed 35:3).

– Ta sẽ dang tay đánh phạt Giu-đa và toàn thể dân cư Giê-ru-sa-lem (Xp 1:4).

– Đức Chúa sẽ dang tay đánh phạt phương Bắc và tiêu diệt Át-sua; Người biến Ni-ni-vê thành chốn hoang tàn, thành nơi khô cằn như sa mạc (Xp 2:13).

Chúng ta biết rằng Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót liên quan Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá trên Đồi Can-vê vào 3 giờ chiều, Giờ Cứu Độ mở Nguồn Mạch Thương Xót cho toàn nhân loại, Máu và Nước tuôn trào đến giọt cuối cùng chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Theo tôi, mọi người dang tay vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá với hai tay bị kéo dãn ra hai bên. Dang tay khi lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót là kết hiệp và thông phần đau khổ với Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh, muốn nên giống Ngài.

Dang tay khi cầu nguyện như vậy không chỉ theo truyền thống từ Cựu ước mà còn là hy sinh. Tại sao?

Khi lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, có người dang tay “hết mình”, có người dang tay vừa phải, và có người dang tay mà lại tựa khuỷu tay lên thành ghế, nhưng rất ít người không dang tay. Khi dang tay, chúng ta phải cố gắng (ít hay nhiều) để chịu lực của thân thể, cũng là một sự hy sinh vậy. Mà hy sinh là nhân đức, hy sinh là điều cần thiết để đền tội. Còn những người tựa khuỷu tay lên thành ghế, thậm chí còn tựa mông vào ghế phía sau, thiết nghĩ đó là “lười biếng”, thiếu hy sinh.

Như vậy, mỗi người có thể tự quyết định cho mình: Nên dang tay hay không dang tay? Thiên Chúa không bắt buộc ai, Giáo hội cũng không bắt buộc ai, mà chỉ khuyên. Ai cố gằng làm theo lời khuyên thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa chúc lành.

Vả lại, như chúng ta thường thấy, khi một cầu thủ đá bóng sung sướng hay thất vọng, anh ta thường giơ tay lên để bày tỏ cảm xúc. Rồi khi người ta vui hay buồn về điều gì, người ta cũng thường giơ hai tay lên trời. Sao lại giơ tay lên trời? Không lẽ giơ tay cho vui chứ không ước nguyện điều gì hay sao? Cách giơ tay như thế cũng là một cách dang tay cầu nguyện vậy!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN