fr.aleteia.org, Philip Kosloski, 2017-10-23
Từ khi nào chúng ta có truyền thống biểu tượng tuyệt đẹp này? Là tín hữu kitô, tất cả chúng ta từ khi còn nhỏ đã được học chắp tay khi cầu nguyện. Nhưng nguồn gốc phổ thông này có từ khi nào?
Chúng ta tìm thấy vết tích của truyền thống này trong các văn hóa cổ truyền rất xưa, nhất là trong truyền thống do thái giáo. Trong sách Talmud, các quy chiếu cho thấy chắp tay cầu nguyện đã có từ giai đoạn theo sau Xuất hành (Exode) và tiếp tục cho đến khi các cộng đồng tín hữu kitô đầu tiên được thành lập. Theo một vài sử gia, các tín hữu kitô đầu tiên chỉ đơn giản tiếp tục làm theo truyền thống được thừa hưởng này từ di sản do thái giáo.
Tuân phục hay trung tín
Một niềm tin tôn giáo khác khá phổ biến cho rằng chắp tay là từ một thông tục La Mã tượng trưng cho sự tuân phục. Các sử gia tôn giáo phối hợp nguồn gốc của việc chắp tay của các tù nhân khi họ bị xiềng: bàn tay chắp lại biểu tượng của sự tuần phục. Vào thời La Mã cổ đại, một người lính bị bắt làm tù nhân sẽ được thoát chết ngay lập tức khi họ chắp tay lại. Ý nghĩa của chắp tay trong trường hợp này rõ ràng là: “Tôi xin đầu hàng”.
Nhiều thế kỷ sau, người ta có thói quen chắp tay lại để chứng tỏ lòng trung thành và vinh danh vị chúa tể. Với thời gian, chắp tay mang ý nghĩa biết ơn cho một uy quyền bên ngoài và tuân phục uy quyền này.
Chúng ta cũng tìm thấy ý nghĩa trung thành này trong khi phần phụng vụ chịu chức. Mở đầu buổi lễ, giám mục đặt tay và hỏi linh mục sắp được mình phong chức: “Anh hứa tôn trọng và vâng lời tôi cũng như các vị kế nhiệm tôi không?”.
Người ta thường cho rằng việc nắm bàn tay, để hai ngón cái lên nhau như dấu thập giá là dấu hiệu mình trung tín với Chúa, hướng lời cầu nguyện về với Chúa, nhắc cho chúng ta nhớ thập giá Chúa Kitô. Trên khía cạnh biểu tượng, cử chỉ có từ thời tổ tiên và phong phú này là một cử chỉ đẹp để dâng lên Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxicovn