Home / Chia Sẻ / TẠI SAO CHÚA CHỊU KHỔ và CHỊU CHẾT?

TẠI SAO CHÚA CHỊU KHỔ và CHỊU CHẾT?

TẠI SAO CHÚA CHỊU KHỔ & CHỊU CHẾTNếu được hỏi: “Bạn có muốn sống đời đời không?” Bạn nói gì? Có lẽ đa số sẽ nói rằng họ muốn nhưng lại cảm thấy không thực tế khi xem xét điều đó, và cho rằng cái chết là phần tất yếu của cuộc sống, hệ lụy tự nhiên của sự tồn tại đời này.

Giả sử câu hỏi được đổi cách khác: “Bạn đã sẵn sàng để chết chưa?” Bình thường, có lẽ đa số đều nói: “Chưa.” Đâu là điểm mấu chốt? Bất chấp những thử thách và gian khổ mà chúng ta phải đối mặt, mong muốn bình thường và tự nhiên của chúng ta là được sống. Kinh Thánh cho thấy rằng Thiên Chúa tạo nên con người có ước muốn và ý chí sống: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.” (Gv 3:11)

Mặc dù thực tế là con người không sống đời – sống mãi. Điều gì xảy ra? Thiên Chúa có làm gì để khắc phục tình trạng đó? Các câu trả lời của Kinh Thánh rất thú vị và có liên quan trực tiếp đến lý do Chúa Giêsu phải chịu đau khổ và chịu chết.

  1. ĐIỀU SAI TRÁI

Ba chương đầu của sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã đặt viễn cảnh về sự sống vô tận trước hai con người đầu tiên của loài người là Ađam và Êva, và nói với họ về điều họ phải làm để đạt được điều đó. Kinh Thánh mô tả cách họ không vâng lời Thiên Chúa và đánh mất viễn cảnh đó. Câu chuyện được kể một cách đơn giản tới mức một số người mau chóng coi đó là văn học dân gian. Nhưng sách Sáng Thế, giống như các sách Phúc Âm, đưa ra các dấu hiệu về sự ghi chép lịch sử và có thật.

Hậu quả việc bất tuân của ông bà nguyên tổ là gì? Kinh Thánh cho biết: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.” (Rm 5:12) Vì không vâng lời Thiên Chúa, Ađam đã phạm tội. Do đó, ông mất viễn cảnh về sự sống vô tận và cuối cùng là cái chết. Là con cháu của ông, chúng ta đã “di truyền” tình trạng tội lỗi của ông, hậu quả là chúng ta phải chịu đựng bệnh tật, lão hóa và cái chết. Lời giải thích về lý do chúng ta phải chết này phù hợp với những gì chúng ta biết ngày nay về tính di truyền. Nhưng Thiên Chúa có làm gì để khắc phục tình trạng đó?

  1. ĐIỀU CHÚA LÀM

Đúng vậy, Thiên Chúa đã sắp xếp để chuộc lại những gì Ađam đã đánh mất đối với dòng dõi của ông, cụ thể là viễn cảnh trường sinh bất tử. Thiên Chúa hoàn tất điều đó bằng cách nào?

Kinh Thánh nói: “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết.” (Rm 6:23) Có nghĩa là cái chết là hậu quả của tội lỗi. Ađam đã phạm tội nên đã chết. Cũng vậy, chúng ta phạm tội và nhận “lương bổng của tội lỗi” – tức là cái chết. Nhưng chúng ta được sinh ra trong tình trạng tội lỗi này không phải do lỗi của chúng ta. Vì vậy, Thiên Chúa đã yêu thương sai Con Ngài là Chúa Giêsu đến để nhận “lương bổng của tội lỗi” thay cho chúng ta. Điều đó tác động thế nào?

Vì một người bất toàn – ông tổ Adam – đã đem lại tội lỗi và sự chết cho chúng ta qua việc không vâng lời, cho nên một người hoàn hảo – Đức Giêsu Kitô – đã vâng lời cho đến chết, đó là điều cần thiết để giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng tội lỗi. Kinh Thánh giải thích điều đó thế này: “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.” (Rm 5:19) Chúa Giêsu đã rời Thiên Đàng, trở thành một người hoàn hảo, và chết thay cho chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có vị thế công bình với Thiên Chúa và có viễn cảnh sống trường sinh.

  1. CHÚA CHỊU KHỔ VÀ CHỊU CHẾT

Tuy nhiên, tại sao Chúa Giêsu cần phải chết để thực hiện điều đó? Chẳng lẽ Thiên Chúa toàn năng lại không ban hành một sắc lệnh rằng con cháu của Ađam được phép sống mãi mãi hay sao? Chắc chắn Ngài đủ thẩm quyền để làm như vậy. Nhưng điều đó có thể bất chấp luật được Ngài công bố rằng “lương bổng của tội lỗi là cái chết.” Luật đó không có quy tắc nhỏ nào có thể bãi bỏ hoặc thay đổi cho thuận tiện.

Đó là nền tảng của công lý đích thực: “Hãy làm lành lánh dữ, bạn sẽ được một nơi ở muôn đời. Bởi vì Chúa yêu thích điều chính trực, chẳng bỏ rơi những bậc hiếu trung. Quân bất chính sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt, dòng giống ác nhân rồi cũng phải tru di. Còn người công chính được đất hứa làm gia nghiệp, và định cư tại đó mãi muôn đời.” (Tv 37:27-29)

Nếu Thiên Chúa đặt công lý sang một bên trong trường hợp này, mọi người có thể thắc mắc rằng Ngài có làm như vậy trong các vấn đề khác hay không. Chẳng hạn, liệu Ngài có công bằng khi xác định ai đó trong số con cháu của Ađam đủ điều kiện để được sống đời đời? Liệu Ngài có thể tin tưởng giữ lời hứa? Thiên Chúa trung thành với công lý trong việc cứu rỗi chúng ta là bảo đảm rằng Ngài luôn làm những gì đúng đắn.

Qua cái chết hy sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã mở ra con đường trên thế gian này dẫn đến sự sống vĩnh hằng nơi Thiên Đàng. Hãy lưu ý lời Chúa Giêsu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16) Do đó, cái chết của Chúa Giêsu là cách thể hiện không chỉ về công lý chắc chắn của Thiên Chúa mà còn đặc biệt hơn về tình yêu lớn lao Ngài dành cho con người.

Tuy nhiên, tại sao Chúa Giêsu lại phải chịu đau khổ và chịu chết theo cách thê thảm đã được tường thuật trong Phúc Âm? Bằng cách chịu thử thách cùng cực và vẫn trung thành, Chúa Giêsu đã bác bỏ một lần và mãi mãi về lời tuyên bố của ma quỷ rằng con người sẽ không trung thành với Thiên Chúa khi bị thử thách: “Da đổi da! Tất cả những gì người ta có, người ta đều sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” (G 2:4-5)

Lời xác định đó có vẻ có giá trị sau khi Satan xui khiến Ađam phạm tội. Nhưng Chúa Giêsu vẫn vâng lời tuyệt đối mặc dù phải chịu đau khổ vô cùng: “Con người đầu tiên là Ađam được dựng nên thành một sinh vật, còn Ađam cuối cùng là Thần Khí ban sự sống.” (1 Cr 15:45) Do đó, Ngài chứng minh rằng Ađam cũng có thể vâng lời Thiên Chúa nếu ông đã chọn cách làm như vậy. Bằng cách chịu đựng thử thách, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một hình mẫu để noi theo: “Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.” (1 Pr 2:21) Thiên Chúa ban thưởng cho sự vâng lời hoàn hảo của Con Ngài, ban cho Chúa Giêsu sự trường sinh bất tử trên Nước Trời.

KHẢ DĨ ÍCH LỢI

Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu thực sự đã xảy ra. Con đường dẫn tới cuộc sống vĩnh hằng đang rộng mở. Chúa Giêsu cho biết điều chúng ta cần phải làm: “Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Sự sống đời đời đó là họ NHẬN BIẾT Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và NHẬN BIẾT Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.” (Ga 17:2-3)

Sứ thần nói với Đức Maria: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1:31-33) Chúa Cha đã chuyển sự sống của Chúa Con xuống cung lòng Trinh Nữ Maria qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ trung thành của Ngài: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22:19)

TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)

Hạ tuần tháng 06-2022

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …