Home / Chia Sẻ / SUY TƯ VỀ ĐỨC THÁNH GIUSE

SUY TƯ VỀ ĐỨC THÁNH GIUSE

SUY TƯ VỀ ĐỨC THÁNH GIUSENgày 08-12-2020, lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và dịp kỷ niệm 150 năm ngày tuyên bố Thánh Giuse là bổn mạng của Giáo Hội Hoàn Vũ, ĐTC Phanxicô đã tuyên bố năm nay là “Năm Thánh Giuse” – kết thúc vào ngày 08-12-2021.

ĐTC Phanxicô cũng công bố một tông thư về người cha nuôi yêu dấu của Chúa Giêsu có tựa đề “Patris Corde” – Trái Tim Người Cha. Trong đó, ngài viết về lòng sùng kính của Kitô hữu đối với vị thánh vĩ đại này và đề cập câu “Hãy đến với Giuse” xuất xứ từ Cựu Ước như thế nào. Đây là năm suy tư của riêng tôi về Đức Thánh Giuse.

  1. HÃY ĐẾN VỚI GIUSE

Trong sách Sáng Thế, vào thời kỳ đói kém trên khắp thế giới, người Ai Cập đã xin pharaô cho họ bánh để ăn. Ông trả lời: “Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo.” (St 41:55) Pharaô ám chỉ Giuse, con trai của Giacóp, người đã vươn lên từ thân phận hèn mọn để trở thành tổng trấn của vương quốc. Được khai sáng từ giấc mơ kỳ lạ, sự lãnh đạo của Giuse đã tiếp tục cứu sống cả thế giới khỏi cái chết, bao gồm cả gia đình của chính ông. Theo gia phả ở đầu Phúc Âm Mátthêu, Giuse trong Tân Ước cũng có người cha tên Giacóp. Mặc dù nghèo khó và không rõ ý nghĩa, nhưng giấc mơ lạ của Thánh Giuse đã cho phép ngài hướng dẫn và bảo vệ Thánh Gia, dẫn đến sự cứu rỗi thế giới qua Bánh Hằng Sống – chính là Chúa Giêsu Kitô. Ngày nay, với tư cách là người cầu thay nguyện giúp đầy quyền năng trong Nước Thiên Chúa, chúng ta khôn ngoan khi “đến với Giuse” để được giúp đỡ những gì cần thiết.

  1. MỘT LỜI

Trong Phúc Âm, không ghi lại lời nào của Thánh Giuse, nhưng Phúc Âm gợi ý rằng ngài nói ít nhất một lời cụ thể. Phúc Âm Mátthêu ghi lại cách sứ thần Gabriel nói với Giuse trong giấc mơ: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1:20-21) Khi tỉnh dậy, ông Giuse đã làm như sứ thần sứ của Chúa truyền và đưa vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.

Phúc Âm Gioan cho biết: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.” (Ga 20:30) Do đó có thể Thánh Giuse đã nói nhiều điều mà không được ghi chép. Nhưng một lời được Kinh Thánh gợi ý rõ ràng nhất mà Thánh Giuse đã nói là “Giêsu.” Tên Chúa Giêsu là sự công bố tổng thể về cuộc đời Thánh Giuse. Có thể điều đó cũng như vậy đối với chúng ta.

  1. NGƯỜI CHA

Trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê, Thánh Phaolô nói về Đức Kitô: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo.”
(Cl 1:15) Điều gì đó tương tự đã đúng về Thánh Giuse trong hình ảnh trần thế đối với Chúa Giêsu, ám chỉ Cha trên trời. Cuộc đời của Thánh Giuse không được ghi lại khởi đầu hay kết thúc trong Kinh Thánh. Chúng ta biết rằng ngài là một nghệ nhân thợ mộc – người tạo ra nhiều thứ để mang lại phúc lành cho người khác. Có lẽ ngài đã xem xét mọi thứ mình làm ra và thấy rất tốt. Cùng với Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã vâng phục Thánh Giuse, là giáo viên thời thơ ấu, là người giải cứu và là mẫu gương. Chúa Giêsu âu yếm gọi ngài là “Abba – cha.” Thánh Giuse là hình ảnh thánh thiện và yêu thương của Chúa Cha dành cho Con của Ngài. Mặc dù không hoàn hảo, chúng ta cũng có thể trở thành hình ảnh của Chúa đối với con cái của chúng ta về sinh học và tâm linh.

  1. GIỜ CHẾT

Thánh Giuse mất khi nào? Phúc Âm Luca cho chúng ta biết rằng khi Chúa Giêsu 12 tuổi, cha mẹ đã tìm thấy Ngài tại Đền Thờ ở Giêrusalem, rồi Ngài đã đi xuống để cùng về Nadarét và vâng lời cha mẹ. Sau đó, Thánh Giuse không còn thấy xuất hiện trong các Phúc Âm. Rõ ràng Thánh Giuse đã qua đời vào thời gian có Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, bởi vì Chúa Giêsu trên Thập Giá đã không giao việc chăm sóc người mẹ nhân đức cho người chồng trung tín mà giao cho môn đệ Gioan. Các tình tiết khác trong Phúc Âm gợi ý rằng Thánh Giuse đã chết trước khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai.

Thánh Giuse chết như thế nào? Nếu Giuse, người thừa kế ngai vàng của Đavít, mà bị sát hại, chúng ta có thể mong đợi cách mô tả này về cái chết của chính Chúa Giêsu được mô tả trong Phúc Âm giống như cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả. Nếu không có thảm họa bất ngờ ập đến thì Giuse đã ốm yếu nằm trên giường bệnh. Và ai có thể an ủi ngài và cầu nguyện cho ngài trên giường bệnh khi sắp lìa đời? Rất có thể Thánh Giuse đã chết một cách bình an trong sự hiện diện yêu thương của Chúa Giêsu và Đức Maria, làm cho ngài trở thành vị thánh bảo trợ việc chết lành.

  1. NỖI KINH HOÀNG CỦA MA QUỶ

Thánh Giuse được mệnh danh là “Nỗi Khiếp Sợ của Ma Quỷ” và Bạn Trăm Năm của ngài là “Nữ Vương Các Thiên Thần.” Khi được truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã rất bối rối và sợ hãi trước lời chào của Tổng Thần Gabriel, và khi ổn định Thánh Gia trở về từ Ai Cập, Thánh Giuse chỉ sợ theo thể lý – tránh đường Giuđê vì con trai của Hêrôđê cai trị ở đó. Làm thế nào người đàn ông và phụ nữ này có thể trở thành thủ lĩnh của các thiên thần tuyệt vời hoặc nỗi kinh hoàng đối với lũ ma quỷ nguy hiểm?

Một đặc điểm chính mà Đức Giuse và Đức Maria chia sẻ là đức vâng lời. Sách Xuất Hành cho thấy sự vâng lời của Môsê bằng cách ghi lại những lời chỉ dẫn của Thiên Chúa và rồi nhiều lần cho biết Môsê làm theo như lời Chúa truyền. Bất cứ khi nào Thánh Giuse nhận được mệnh lệnh của Thiên Chúa (rước Đức Maria về nhà mình, trốn sang Ai Cập hoặc trở về Israel), đoạn văn sau đó cho thấy Thánh Giuse làm đúng như lời Chúa truyền. Đức Maria cũng hoàn toàn cởi mở với ý muốn của Thiên Chúa, với lời xin vâng nổi tiếng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38) Về phần ma quỷ, chúng đã mất sự vinh hiển của Thiên Đàng vì chúng từ chối làm theo ý Chúa.

Đức Giuse và Đức Maria cũng là một trong những người đầu tiên trên trái đất chấp nhận và yêu thương Hài Nhi Giêsu từ lúc chưa chào đời. Trái lại, ma quỷ là những kẻ đầu tiên từ chối Con Thiên Chúa. Chúng ta không biết lý do chính xác cho cuộc nổi loạn ban đầu của chúng nhưng một số giả thuyết cho rằng ma quỷ đã tấn công kế hoạch của Thiên Chúa muốn Con Người vĩnh cửu sẽ trở thành một con người nhập thể, trao cho phàm nhân sự vinh quang hơn chúng. Kinh Thánh nói: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian.” (Kn 2:24)

Việc Đức Giuse và Đức Maria tuân theo ý Chúa và dành tình yêu cho Chúa Giêsu trên thời gian này dẫn đến việc các ngài được trao quyền vinh hiển trên Thiên Đàng. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israel.” (Mt 19:28) Thánh Phaolô nhắc nhở giáo đoàn Côrintô: “Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao?” (1 Cr 6:3) Có vẻ như các thụ tạo trung thành, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, yêu mến và phục vụ Chúa theo hình ảnh của chính Chúa Giêsu Kitô là thích hợp nhất để trở thành những người cai trị quyền lực, khiêm nhường và phục vụ trong Thiên Quốc.

Lạy Đức Thánh Giuse, bổn mạng của Giáo Hội Hoàn vũ, xin cầu thay nguyện giúp chúng con suốt đời, cách riêng trong Năm Thánh đặc biệt này!

VICTOR FELTES

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ parishableitems.wordpress.com)

Năm Đức Thánh Giuse, 2020–2021

▶ Cha Giuse – https://youtu.be/ABUK90tzYqk

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …