Home / Chia Sẻ / SUY TƯ VỀ CÁI NGHÈO

SUY TƯ VỀ CÁI NGHÈO

SUY TƯ VỀ CÁI NGHÈOGiáng Sinh gợi những suy tư

Chúa Giê-su hóa Hài Nhi đơn nghèo

Cái lạnh và cái nghèo liên quan lẫn nhau. Người nghèo thiếu quần áo, chăn mền,… thế nên phải chịu lạnh. Cái lạnh thân xác dẫn tới cái lạnh tâm hồn – vì cô đơn. Nghèo thì Khó, Khó thì Khổ. Việt ngữ gọi là Nghèo Khó hoặc Nghèo Khổ.

Lễ Giáng Sinh luôn rất lạ. Lạ đủ thứ. Lạ từ nội tại tới ngoại tại. Giáng Sinh tại Việt Nam chỉ se lạnh một chút, chẳng thấm gì so với cái lạnh của Hài Nhi Giêsu năm xưa, nhưng cũng là lời nhắc để chúng ta nhớ tới cái lạnh của những phận người cơ nhỡ, những kẻ cô đơn, nghèo khó, thiếu thốn những thứ cơ bản nhất,… Việt ngữ thật chí lý khi nói là giá lạnh hoặc lạnh giá, cái “giá” này mới “đáng giá,” chứ cái “lạnh” chưa thấm thía chi đâu.

Điều đáng quan tâm là cái lạnh ngoại tại gợi nhớ tới cái lạnh tâm hồn, cái lạnh linh hồn, cái lạnh tâm linh. Cái lạnh này khủng khiếp, cái lạnh giá băng. Có nhiều kiểu lạnh.

  1. Cái lạnh tâm hồn hoặc cõi lòng là cái lạnh của những người cô độc, mồ côi, neo đơn, thất vọng, bị xa lánh, bị ghen ghét,… Họ không có ai để chia sẻ, mà có chia sẻ cũng chẳng ai quan tâm. Thật khổ tâm với “khoảng lạnh” khôn tả như vậy!
  2. Cái lạnh linh hồn là cái lạnh của những người khô khan, nguội lạnh, tội lỗi, niềm tin lung lay, bước đời chao đảo, mất phương hướng,… Thật đáng thương.
  3. Cái lạnh tâm linh là cái lạnh của những người vô cảm trước nỗi khổ của người khác – như ông Simon chê phụ nữ tội lỗi kia xức dầu thơm chân Chúa Giêsu và khóc vì sám hối, (Lc 7:36-50) như Thầy tư tế và Thầy Lêvi không hề chạnh lòng thương xót “người lân cận” mà cam tâm bỏ mặc nạn nhân sống dở chết dở, (Lc 10:30-37) hoặc như người Pharisêu kiêu hãnh khi cầu nguyện tại đền thờ, (Lc 18:10-14) người Pharisêu phạm tội ngay trong lúc cầu nguyện, thờ phượng. Thật khủng khiếp!

Mỗi dịp Giáng Sinh, chúng ta lại nghe bài thánh ca “Hang Belem” (nhạc: Hải Linh, lời: Minh Châu và Võ Thanh) ngân vang đây đó: “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa…”

Thiên Chúa là Chúa của các vua chúa, thế mà Ngài lại sinh nơi hang đá, trên máng lừa, thế mới kỳ lạ. Thiên Chúa là Đấng tạo tác muôn loài, làm cho mọi sự hiện hữu từ hư vô, vậy mà Ngài lại xuống thế gian ở với loài người, sinh ra nơi hèn hạ và nghèo khó nhất, chứ không uy nghi như người ta tưởng. Chúa giáng sinh là sự kiện vô cùng kỳ diệu, phàm nhân không thể hiểu thấu. Quả thật, không chỉ không thể tưởng tượng nổi mà phàm nhân còn không thể lý giải được. Thật vậy, vì đó là mầu nhiệm – Mầu Nhiệm Giáng Sinh, Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Và còn kỳ lạ hơn nữa, Chúa Giêsu không chỉ sinh ra ở ngoài đồng, mà Ngài còn sống ở ngoài đường, và rồi chịu chết trên đồi hoang, dẫu chỉ một chỗ tựa đầu cũng không có, (Mt 8:20; Lc 9:58) trong khi con chồn còn có hang, con chim còn có tổ, chính chúng ta là thụ tạo và là tội nhân, vậy cũng có mái nhà – dù nghèo nàn, dù ở thuê, dù ăn nhờ ở đậu. Chúng ta cảm thấy thế nào khi nhìn ngắm Hang Đá, nơi Đấng Tối Cao ngự xuống?

Là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Tạo Hóa, Chúa Giêsu giàu có và sang trọng bậc nhất, nhưng vì thương xót phàm nhân nghèo hèn và khốn khổ mà Ngài chấp nhận hóa thân là một Hài Nhi. Không chỉ vậy, Ngài còn sinh trong cảnh thiếu thốn tột cùng tại một hang chiên lừa nơi Belem. Dĩ nhiên Thiên Chúa có nhiều cách để cứu độ chúng ta, thậm chí Ngài chỉ cần phán một lời thì mọi tội lỗi của cả nhân loại này đều được tha bổng, nhưng Ngài đã chọn cách mặc xác phàm để trí óc phàm nhân chúng ta có thể hiểu và phần nào khả dĩ cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Ngài, chứ chúng ta không thể thấu hiểu tình yêu thương cao cả đó.

Người nghèo giống như kẻ “vô phúc” vậy, bởi vì người khác không ưa, thậm chí còn bị ghét bỏ, bị xa lánh như tránh dịch bệnh. Nhưng đối với Thiên Chúa, cái nghèo vô phúc đó lại hóa thành mối phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3) Muốn được phúc mà lại sợ nghèo. Có mâu thuẫn chăng?

Cái nghèo không ai ưa, nhưng nó lại quan trọng và liên quan vận mệnh đời đời của chúng ta. Trong trình thuật Tin Mừng nói về cảnh Phán Xét Chung, Chúa chúc phúc cho những ai biết thương người nghèo khổ: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25:34-36)

Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh mà đọc trình thuật này, có lẽ nhiều người cho rằng “lệch pha.” Nhưng không phải vậy đâu. Không “lệch pha” thì tại sao? Cái gì cũng có lý do. Ai cũng biết rằng Lễ Giáng Sinh là lời mời gọi yêu thương – yêu thương bằng cả tâm hồn và hành động cụ thể. Trình thuật về Cuộc Phán Xét là trường hợp rất cụ thể về Đức Ái Kitô giáo – thương yêu và thương xót.

Chính đoạn Kinh Thánh Mt 23:34-40 đã gợi hứng cho điêu khắc gia Timothy P. Schmalz (sinh năm 1970) tạc một pho tượng đồng lớn bằng người thật (2,5m), nằm co ro và trùm chăn kín mít, nhưng đôi chân thò ra ngoài và có dấu đinh. Thì ra đó là Chúa Giêsu vô gia cư, Đấng giàu sang cao cả đã trở nên tứ cố vô thân. Bức tượng có tên là “Homeless Jesus” – Chúa Giêsu không nhà, Chúa Giêsu vô gia cư.

Có lẽ sợ “nhiễm” cái nghèo (với chút dị đoan chăng?) nên nhiều nơi không chịu tiếp nhận bức tượng này. Nhưng sau hai năm bị nhiều nơi từ chối, bức tượng đã được “dừng chân” và “cư ngụ” tại Quảng trường Thánh Phêrô vào dịp Giáng Sinh năm 2013. Ý tưởng của Timothy Schmalz thật sâu sắc và độc đáo. Bức tượng “Chúa Giêsu Không Nhà” là tiếng chuông cảnh báo mỗi chúng ta về việc thực hành đức ái sao cho đúng nghĩa, đúng ý Chúa, với cả lòng thành chứ không chỉ hình thức theo phong trào.

Hang đá Belem ngày xưa không là hang động hấp dẫn như ngày nay thu hút du khách thập phương, mà là hang đá xấu xí, tăm tối, hôi tanh, bẩn thỉu,… Nơi cho đàn chiên, lừa,… nghỉ đêm. Theo kiểu nói khôi hài ngày nay thì người ta gọi hang đá Belem đó là “khách sạn ngàn sao.” Thế nhưng, có gì đó “bất thường” khi nhìn vào Hang Đá ngày nay. Tại sao? Vì nhìn không thấy “chất nghèo” mà thấy quá sang trọng, có thể ví như khách sạn nhiều sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Có vẻ như đua nhau hoặc khoe mẽ, thế nên càng ngày người ta càng “xây dựng” những hang đá đồ sộ, trang trí rườm rà, cầu kỳ, và tất nhiên chi phí tốn kém lắm – có nơi tốn cả trăm triệu đồng Việt Nam. Chúng ta chê người ta xây dựng tượng này, đài nọ, tốn bạc tỷ, trong khi chúng ta có hơn gì họ? Nhà này đua với nhà kia, giáo xứ này cạnh tranh với giáo xứ nọ, hang đá càng to càng hãnh diện.

Nhìn vào hang đá mà chỉ thấy vẻ hào nhoáng cho vui mắt, cái chính bị che khuất, còn những cái phụ lại quá nổi bật, thậm chí có nhiều hang đá nhìn mãi mới thấy Hài Nhi Giêsu, Đức Maria và Đức Giuse. Hang Belem ngày nay sang quá, trái ngược với Hang Belem ngày xưa, tất nhiên cũng mất đi tầm quan trọng của sứ điệp yêu thương và nghèo khó. Thiên Chúa muốn dạy chúng ta về nhân đức “khó nghèo” mà chúng ta lại theo kiểu “khó (mà) nghèo.” Con cháu Lạc Hồng chúng ta muốn Việt hóa nên có nơi làm một mái tranh, nhưng cái lều hoặc cái chòi đó lại lấp lánh ánh điện lung linh và nhiều màu sắc. Không nhà nghèo nào mà sang như vậy. Phi thực tế!

Chắc chắn Chúa không muốn ai “chơi nổi” một cách lãng phí. Dĩ nhiên Ngài không cấm chúng ta trang trí một chút để kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa giáng trần, nhưng đừng quá đáng, vì xung quanh chúng ta còn biết bao người chịu cảnh khốn cùng. Chúng ta muốn vinh danh Chúa hay vinh danh chính chúng ta? Cuối cùng, chỉ có Chúa vẫn phải tiếp tục chịu đựng chúng ta. Đại dịch chưa thực sự kết thúc, nguy cơ tiềm ẩn cao. Nhiều nơi trên thế giới không được tham dự Thánh Lễ cả năm nay rồi. Cái khổ kéo theo cái khó, khó vì kinh tế bị ảnh hưởng, và cái nghèo kéo theo. Tại sao người ta vẫn chưa tỉnh giấc ảo mộng? Vì ỷ lại và cố chấp chăng? Rất có thể. Thế thì thực sự nguy hiểm quá!

Chúa Giêsu nói rằng người nghèo lúc nào cũng có bên cạnh chúng ta. (Mt 26:5; Mc 14:7; Ga 12:8) Thật vậy, thế giới còn biết bao người nghèo, xung quanh chúng ta cũng không thiếu người nghèo, làm hang đá giản dị không chỉ gợi lên ý nghĩa của việc Con Chúa giáng sinh, và còn có tiền để làm việc khác. Bác ái là việc làm cần thiết, nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh. Chúa Giêsu sinh ra trong cảnh nghèo là lời nhắc nhở về việc thương xót những kẻ khốn cùng. Bớt chi phí cho việc làm hang đá để chia sẻ với người nghèo bằng hiện vật, vậy mới là sống đúng tinh thần giáng sinh một cách thực tế, chắc chắn Hài Nhi Giêsu thích như vậy, và Ngài cũng sẽ mỉm cười với chúng ta như đã mỉm cười với Chú Bé Đánh Trống sau khi chú bé này khua một bài trống làm món quà kính dâng Vương Nhi Giêsu. [*] Ước gì mỗi chúng ta cũng có “điệu trống” của riêng mình, đơn giản nhưng thành tín.

Lạy Chúa, xin cho mọi người tận hưởng ơn bình an của Chúa giáng sinh qua việc yêu thương nhau chân thành. Xin giải thoát thế giới khỏi đại dịch, được an tâm kỷ niệm ngày Đấng Cứu Thế giáng lâm lần thứ nhất. Chúng con cầu xin nhân danh Đấng Emmanuel. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mừng Chúa Giáng Sinh – 2020

[*] Katherine K. Davis, Henry Onorati và Harry Simeone viết ca khúc “The Little Drummer Boy” (Chú Bé Đánh Trống, L’Enfant au Tambour) năm 1958 – https://www.youtube.com/watch?v=J0CR7zbO0Ss

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …