ALLELUIA! Xristos Anesti! Christ is Risen! Đức Kitô Giêsu, Thiên Chúa của chúng ta, đã sống lại vinh quang!
Thi sĩ Paul Claudel (1868-1955, người Pháp) nhận định sâu sắc: “Chúa xuống thế không để diệt trừ đau khổ, cũng không giải nghĩa đau khổ, mà để chia sớt đau khổ”. Hẳn là Thi sĩ này có đức tin mạnh mẽ và rạch ròi lắm.
Đau khổ luôn là bí ẩn đối với phàm nhân. Càng chạy trốn đau khổ thì càng đau khổ. Muốn thoát đau khổ thì phải chiến thắng nó. Bằng cách nào? Đó là hãy đi xuyên qua nó! Thánh Phaolô cho biết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:8-9). Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định với Thánh Faustina: “Con đừng ngạc nhiên vì đôi khi bị tố cáo bất công. Chính Ta đã từng uống chén đau khổ bất công trước vì yêu con” (Nhật Ký, số 289).
Những kẻ thủ ác tự cho mình là KHÔN NGOAN và CHIẾN THẮNG, nhưng rồi họ lại hóa nên NGU XUẨN và CHIẾN BẠI. Và dù muốn hay không, họ cũng phải công nhận một sự thật minh nhiên về Tử Tội Công Chính GIÊSU: “Người này đích thực là người công chính, là Con Thiên Chúa!” (Lc 23:47; Mt 27:54; Mc 15:39).
Sau khi Chúa Giêsu đã sống lại, có những người vẫn cố chấp, họ tìm cách hối lộ và mua chuộc người khác để ngăn cản Tin Mừng về Đức Kitô Phục Sinh. Thánh Sử Mát-thêu cho biết: Có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự” (Mt 28:13-14).
Thánh sử Mát-thêu cho biết thêm: “Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy, và câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay” (Mt 28:15). Bọn lính thấy món tiền béo bở nên tối mắt hoặc nhắm mắt làm liều, bất cần phải – trái, đúng – sai, thật – giả. Thật tồi tệ! Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật: Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, chiến thắng bóng đêm, chiến thắng điều ác, chiến thắng tội lỗi, chiến thắng thế gian, chiến thắng ma quỷ. Quả thật, Chúa Giêsu đã phục sinh khải hoàn! Không ai có thể bóp méo chân lý “thật” này, dù người ta cố tình không tin và làm trái lương tâm.
Phần chúng ta, những người tin Đức Kitô Giêsu đã thực sự sống lại, chứ không mơ hồ, không a dua, hoặc nghe lời dụ dỗ của bất cứ ai. Đức tin cần có lý trí chứ không là cảm xúc tùy hứng. Thánh Phaolô, một người không tận mắt chứng kiến, vả lại hồi đó Phaolô rất ghét Chúa Giêsu, và ông đã ra tay bắt giết bất kỳ ai dám tin theo Ông Giêsu. Thánh Stẹphanô là nạn nhân của Phaolô. Nhưng rồi mọi chuyện đả xoay chuyển hoàn toàn khác hẳn sau cú ngã ngựa chí tử trên đường Damascus.
Chúng ta hãy nghe Thánh Phaolô nói: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1 Cr 15:20-24).
Sự thật bị từ chối cũng vẫn là sự thật. Sự thật không lệ thuộc vào người ta tin hay không tin. Đừng “giả nai” hoặc cố chấp như Philatô mà đặt vấn đề: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Thánh Phaolô xác định: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô” (1 Cr 15:25-26).
Ai càng đau khổ thì càng cảm thấy mức độ ngọt ngào càng nhiều của niềm hạnh phúc. Ai đã chết cho tội thì cũng cảm thấy niềm vui sướng khi được phục sinh với Đức Giêsu Kitô. Trong cuốn “St. Teresa of Avila” (Thánh Teresa Avila), tác giả William Thomas Walsh ghi lại lời của thánh nữ tiến sĩ này: “Để đạt tới vinh quang phục sinh, được nếm trước sự thú vị của Nước Trời ngay ở thế gian này, linh hồn phải biết về nỗi khao khát, niềm ước muốn, sự hiểu lầm, nỗi đau buồn, nỗi cô đơn nơi Vườn Dầu mà Thiên Chúa có vẻ như bỏ rơi, sự đóng đinh kéo dài của ước muốn xác thịt, của tham vọng, và của sự kiêu ngạo. Như vậy, linh hồn phải chiến đấu và mệt mỏi, cố gắng đứng dậy và té ngã, rồi lại té ngã và lại đứng dậy, lao vào và được kéo ra khỏi cơn khủng hoảng khủng khiếp, mỗi khi có vẻ như gặp nguy hiểm lao xuống vực thẳm của sự thất bại và sự chết”.
Vượt qua thật là ý nghĩa. Vượt ngưỡng khổ để qua miền sướng, vượt cõi chết để qua cõi sống, vượt cõi tội lỗi để qua miền hồi sinh. Phục sinh là sự sống mới. Thánh Phaolô nói: “Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 2:17). Tuyệt vời biết bao!
Đêm Phục Sinh là Đêm Hồng Phúc, Giáo hội mời gọi mọi người cùng “mừng vui lên” qua bài công bố Tin Mừng Phục Sinh Exultet (*): “Mừng vui lên, hỡi muôn lớp cơ binh thiên thần trên trời! Mừng vui lên, hỡi những nhiệm mầu Thánh này! Tiếng loa cứu độ hãy vang rền không gian, mừng reo chiến công khải hoàn Vua nhân trần”. Vâng, không thể trì hoãn sự vui mừng này được!
Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta càng phải ghi nhớ và quyết tâm thực hành công bình và bác ái: “Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân” (Tv 82:3-4). Tất nhiên, chúng ta cũng phải khắc dạ ghi lòng điều mà Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26).
Trong niềm hạnh phúc và vui mừng tột độ khi hiện hữu giữa Miền Phục Sinh, chúng ta hân hoan cùng chúc mừng nhau lời của Đức Kitô Giêsu Phục Sinh: “Bình an cho anh em! – Pax vobis! – Peace to you!” (Lc 24:36; Ga 20:19, 20, 26).
TRẦM THIÊN THU
Phục Sinh – 2016