Đời người như viên đá cuội lăn mòn trên những con dốc đời, rồi một ngày nằm chết lẻ loi bên vệ đường mà vẫn trăn trở, vì bao mơ ước chưa trọn vẹn!
Đó là bản tính tự nhiên nơi con người, nhất là ở những người muốn thắng vượt chính mình, khao khát đổi mới chính mình trước tiên: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Nhưng hình như luôn có sự mâu thuẫn, vì khi tư tưởng chín muồi thì thân xác bắt đầu rã rời. Đó là một nghịch lý, nhưng lại là một nghịch-lý-thuận. Cũng có thể đó là sự nghiệt ngã của cuộc đời (!?).
Cũng là con người, nhưng có người sung sướng từ trong trứng nước, có người lại đau khổ và thiếu thốn suốt cuộc đời, không chút thanh thản, thậm chí đến hơi thở cuối cùng. Đâu ai khả dĩ hiểu hết triết lý cuộc sống!
Nhà soạn nhạc Beethoven tự bạch: “Tôi chỉ viết được nhạc, còn ngoài ra tôi chẳng làm được gì khác”. Còn đại văn hào Shakespeare nói: “Có người sinh ra được sự nổi tiếng rơi vào mình, có người tìm mãi cũng thấy, nhưng có người tìm cả đời cũng không thấy”, và V. Foscolo phân tích: “Danh vọng của các vĩ nhân 1 phần ở sự can trường, 2 phần ở sự may mắn, phần còn lại ở sự mưu lược của họ”. Suy nghĩ hòai, trầm tư mãi, nhưng tôi chỉ thấy mình quá “vô duyên” về mọi phương diện! Hát Xẩm có câu:
Một đời đánh phấn đeo hoa
Một đời khổ ải cũng qua một đời
Nghe sao mà buồn quá, thế nhưng vẫn thật là chí lý!
Giá trị cuộc đời không được đo bằng chiều dài mà đo bằng chiều rộng và chiều sâu. Có những con người sống không lâu trên trần gian nhưng vẫn thực sự vĩ đại, cũng có nhiều “vĩ nhân vô danh” khác đã và đang hiện hữu giữa đời thường này mà chúng ta không biết… Không thể xét người theo ngoại diện. Thật vậy, ca dao có câu:
Chớ thấy áo rách mà cười
Những giống gà nòi lông nó lơ thơ
Cuộc sống có biết bao điều phải suy nghĩ, cần bàn luận, nên đổi mới,… Jack Penn có “mẹo” này: “Một trong những bí ẩn của cuộc sống là làm cho những viên đá trên đường đi không trở thành chướng ngại vật”. Và một trong nhiều vấn nạn là “ngôn hành”. Người ta khâm phục người Mỹ vì họ hễ nói là làm, thế mà người Mỹ lại “nể” người Nhật vì họ làm rồi mới nói, nhưng người Nhật lại “sợ” người Trung quốc vì họ làm mà không nói, người Trung quốc lại “ớn” người Việt Nam vì họ nói một đàng làm một nẻo. Nếu vậy, người Việt Nam là người giành “vòng nguyệt quế” trong “cuộc thi chạy đường vòng” này!
Mỗi người có một loại thần tượng riêng và ở các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy thú vị với nhận định của thi sĩ Mỹ Emerson: “Hâm mộ là ngu ngốc, bắt chước là tự sát. Dù tốt xấu thế nào cũng vẫn phải là chính mình”. Tôi có thể khâm phục tài năng một người nào đó, nhưng tôi quyết không bao giờ bắt chước ai một cách mù quáng.
Đổi mới hoặc canh tân là điều cần, nhưng không dễ, đòi hỏi phải can đảm “vượt qua chính mình”. Vì có “tu thân” thì mới khả dĩ “tề gia”, để rồi mới có thể “trị quốc” và “bình thiên hạ”. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, nhà đạo đức học thế kỷ 18, nói: “Ngọc không mài không thành đồ quí, người không học không biết đạo làm người. Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá, gia vong, mọi tai họa đều bắt đầu từ đó”. Chỉ nghe thôi cũng thấy “nổi da gà”!