THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT
THƯƠNG thì THĂM. Chắc chắn là thế. Chứ không thương thì người ta không muốn thăm nhau. Như vậy, THĂM VIẾNG cũng là THƯƠNG XÓT, thương yêu, thương cảm, quý mến, và là cách thực thi Lòng Thương Xót theo lệnh truyền của Thiên Chúa.
Thăm viếng nhau còn có mục đích là an ủi nhau, động viên nhau và giúp đỡ nhau, đặc biệt là đối với các bệnh nhân, người già yếu, người khuyết tật, người gặp hoạn nạn, các thai phụ,… Nói chung, quá trình thăm viếng đó được bắt đầu từ đức ái, điều mà Thánh Phaolô đã đề cập: “Hãy làm mọi sự vì đức ái” (1 Cr 16:16).
Nói vậy nghe thấy dễ lắm, nhưng thực hành lại không dễ chút nào. Để có thể thăm viếng nhau như vậy, người ta phải có lòng khiêm nhường, như mầu nhiệm thứ hai trong Mùa Vui của Kinh Mai Côi, chúng ta tha thiết cầu nguyện: “Đức Mẹ thăm viếng Thánh Isave, xin cho con được lòng khiêm nhường”. Quả thật, đức khiêm nhường rất quan trọng vì đó là nên tảng của mọi nhân đức.
Như chúng ta đã biết, Đức Maria chỉ là một là thôn nữ nghèo, đơn sơ, chất phác, nhưng thôn nữ ấy nhu mì và dễ thương vì luôn sống khiêm nhường, và là thụ tạo đặc biệt được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ Thiên Chúa.
Một hôm, Sứ thần Gáprien truyền tin vui nhưng Nàng Maria lại bối rối. Sứ thần liền trấn an: “Thưa Cô Maria, xin đừng sợ, vì Cô đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Nghe sứ thần nói mình sẽ làm mẹ, Đức Maria “hoảng hồn”, nhưng sứ thần giải thích: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Cô, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Cô, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35), đồng thời chứng minh một thai phụ mang tiếng là son sẻ mà lại đang mang thai là người chị họ Êlidabét, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37). Đức Mẹ thở phào nhẹ nhõm và đồng ý ngay lập tức (Lc 1:38) mà không chút đắn đo. Ơn chồng lên ơn, phúc chồng lên phúc!
Thuở xưa, chính Thiên Chúa cũng đã động viên các cô gái: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Ítraen hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3:14). Tại sao? Lý do còn hơn cả sự tuyệt vời: “Này Sion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời! Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (Xp 3:16-18a). Cả Cựu Ước và Tân Ước, mệnh lệnh cách “đừng sợ” được nhắc tới nhiều lần để động viên mọi người. Khi chúng ta “không sợ” là bắt đầu có sự can đảm, có can đảm là có sức mạnh, có sức mạnh là có Chúa Thánh Thần. Kỳ diệu quá chừng! Chúa Thánh Thần hoạt động rất tinh vi.
Một khi người ta cảm thấy “không sợ” thì người ta có thể làm được nhiều thứ, và không gì có thể ngăn cản họ, kể cả cái chết. Một trong các vấn đề nòng cốt là thực hiện đức ái, nhân đức quan trọng trong Kitô giáo. Nhưng Thánh Phaolô cảnh báo: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12:9-11). Bác ái có nhiều dạng và nhiều mức độ, cần phải can đảm thực sự mới có thể thực hiện. Không dễ đâu!
Để giải thích thêm về đức ái, Thánh Phaolô động viên: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt” (Rm 12:12-17).
Nghe Thánh Phaolô nói có vẻ “dài dòng” một chút, nhưng cũng phải vậy thôi, và đọc kỹ từng chữ, chúng ta sẽ cảm thấy “nhức đầu” đấy, chứ không đơn giản như chúng ta thường nghĩ đâu.
Theo trình thuật của Thánh sử Luca, sau khi được sứ thần truyền tin, Đức Maria VỘI VÃ lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi Chị Êlisabét. Trạng từ “vội vã” thật là có ý nghĩa quan trọng đối với hành động “lên đường”. Yêu thương thì không đắn đo chi cả.
Ngay khi Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Dì Maria chào, đứa con trong bụng nhảy lên, và Chị được ĐẦY TRÀN THÁNH THẦN, liền lớn tiếng chúc mừng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:42-45). Cái PHÚC không đâu xa, nguyên nhân được phúc hay không là do mình, vấn đề quan trọng là thực sự TIN. Tuy nhiên, tin mình được Chúa thương thì không là kiêu ngạo, nhưng tưởng mình được Chúa thương thì lại là kiêu ngạo!
Và lúc đó, trong niềm vui mừng khôn tả của hai Chị Em, Đức Maria chúc tụng Thiên Chúa bằng “Bài Ca Ngợi Khen” (Magnificat, Lc 1:45-55) độc đáo này:
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.
Cuối cùng, Thánh Luca cho biết rằng “Dì Maria ở lại với Bác Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1:56).
Khi Sứ thần truyền tin cho Cô Maria thụ thai, Chị Êlisabét đã có thai được sáu tháng. Đức Maria ở lại với chị Êlisabét khoảng ba tháng, vị chi là Chị Êlisabét đã đến lúc khai hoa nở nhụy. Trong những ngày cuối thai kỳ, phụ nữ rất cực khổ và mệt mỏi, rất cần sự giúp đỡ của người khác. Lúc này, Đức Maria đã đến tháng thứ ba của thai kỳ, chắc hẳn cũng mệt mỏi, nhưng Đức Maria vẫn giúp đỡ người chị của mình với lòng khiêm nhường và yêu thương chân thành. Đó là bài học vô giá mà Đức Mẹ muốn truyền thụ cho chúng ta về hai chữ T quan trọng trong cuộc sống: Thăm (viếng) và Thương (yêu).
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin chân thành cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con một Người Mẹ tuyệt vời, xin giúp chúng con luôn biết noi gương và yêu mến Đức Mẹ, đồng thời xin Ngài cũng biến đổi chúng con để mỗi chúng con thực sự trở nên khí cụ bình an của Ngài, luôn biết thương xót nhau thật lòng.
Lạy Thánh Mẫu nhân lành, chúng con xin tận hiến cuộc đời cho Mẹ, xin thương hướng dẫn và che chở chúng con trong mọi hoàn cảnh, và xin dẫn đưa chúng con về với Chúa. Xin Mẹ đoái thương nước Việt Nam bé nhỏ của chúng con, cứu thoát mọi nguy nan và cho chúng con được sống trong nền hòa bình đích thực. Xin Mẹ ngăn cản kẻ thù và biến đổi tà tâm thành thiện tâm, xin cho Nước Việt và thế giới được hưởng tự do, công lý và hòa bình đích thực của Thiên Chúa.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.