Thiên Chúa đã tiền định cho Đức Trinh Nữ Maria thánh khiết được kết hợp với công trình tái tạo thuần khiết nhất của chúng ta, Ngài thôi thúc nơi Đức Mẹ một tình yêu trinh khiết tuyệt vời đến nỗi Đức Mẹ không chỉ thề nguyện điều đó, mà còn cả sau khi thiên thần đã tuyên bố Đức Mẹ thụ thai Con Thiên Chúa, sẵn sàng từ chối vinh dự làm mẹ với cái giá là trinh tiết.
Do đó, Đức Mẹ đã nói với thiên thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1:34) – nghĩa là “tôi đã quyết tâm không biết bất cứ ai.” Sự kiên quyết này là dấu hiệu cho thấy sở thích tinh khiết của Đức Maria đối với đức khiết tịnh, điều này khiến Đức Mẹ chứng minh không chỉ tất cả những lời hứa của con người mà còn cả những lời hứa của Thiên Chúa.
Ngài có thể hứa điều gì lớn lao hơn Con Ngài? Đức Mẹ sẵn sàng từ chối Ngài nếu cần phải mất trinh tiết để tiếp nhận Ngài. Nhưng Thiên Chúa đã chiến thắng trái tim của tình yêu đó, Ngài nói với Đức Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà.” (Lc 1:35) Chính Thiên Chúa sẽ thay thế người bạn trăm năm, Ngài sẽ hiệp nhất với cơ thể của Đức Mẹ.
Về điều này, Đức Mẹ phải tinh khiết hơn tia nắng mặt trời. Những gì tinh khiết nhất chỉ có thể được kết hợp với sự thuần khiết. Ngài chỉ hình thành Con Ngài trong lòng người cha, không chia sẻ sự thụ thai với người khác, và Ngài không mong muốn chia sẻ điều đó với ai ngoại trừ một trinh nữ, và cũng không đau khổ vì Con có hai người cha. Trinh tiết thật giá trị! Và chỉ một mình Đức Maria có thể làm Mẹ Thiên Chúa.
Chúng ta hãy lắng nghe lời thiên sứ nói theo mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà.” Đấng Tối Cao, Cha trên trời, sẽ kéo dài thế hệ đời đời của Ngài, sẽ sinh ra Con Ngài trong lòng Đức Mẹ và từ đó máu huyết của Đức Mẹ sẽ tạo nên một thân thể thuần khiết khi Chúa Thánh Thần tác động. Đồng thời, Chúa Thánh Thần sẽ thổi vào đó một linh hồn mà chỉ có chính Ngài là tác nhân, không có sự hợp tác của bất kỳ nguyên nhân nào khác, không thể là gì khác hơn là thánh. Linh hồn và thân thể này, nhờ sự mở rộng của quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa, sẽ được hiệp nhất thành Ngôi Vị của Con Thiên Chúa, và từ đó về sau, Con Thiên Chúa sẽ là toàn thể gồm Con Thiên Chúa và Con Người.
Vì vậy, “Con Trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” thực sự và đúng đắn, cũng sẽ là Đấng Thánh về bản thể. Thánh không phải do sự thánh thiện bắt nguồn và ngẫu nhiên, mà về bản thể thánh – điều đó chỉ phù hợp với Thiên Chúa, Đấng Thánh theo bản thể của Ngài. Ngôi Lời và Con Thiên Chúa sẽ được kết hợp riêng với thân thể được tạo thành từ máu huyết của Đức Mẹ và linh hồn của Người Con, theo các quy luật vĩnh cửu do Đấng Tạo Hóa đặt cho mọi bản chất. Con người này, sự kết hợp thần thánh, hoàn toàn là Con của Thiên Chúa và của Đức Mẹ.
Đây là một phẩm giá mới được tạo nên trên trái đất, phẩm giá của Mẹ Thiên Chúa, bao gồm những ân sủng lớn lao đến nỗi người ta không thể cố gắng hoặc thậm chí hy vọng có thể hiểu được. Sự trinh trắng hoàn hảo của thể xác và tâm hồn là một phần của phẩm giá cao cả này. Vì nếu có sự ham muốn nhục dục, mà kể từ việc sa ngã của Nguyên Tổ thường gắn liền với quan niệm của con người, được tìm thấy trong sự kiện này, thì Chúa Giêsu Kitô sẽ nhiễm vết nhơ nguyên thủy. Nhưng chính Ngài là Đấng đã đến tẩy rửa nó. Vì thế, điều cần thiết là Chúa Giêsu Kitô phải là Con của một trinh nữ, và Ngài được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Do đó, Đức Maria vẫn là trinh nữ và đã trở thành người mẹ.
Đối với bí ẩn về sự khiết tịnh của Kitô giáo, chúng ta phải trong sạch lắm mới có thể hiểu được. Tuy nhiên, chúng ta phải rất tinh khiết để thể hiện trong cuộc sống bằng cách chân thành thi hành sự thật của Kitô giáo. Chúng ta không còn thuộc về thế gian, chúng ta có đức tin rất cao quý: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta.” (Pl 3:20)
Sứ thần nói tiếp: “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:36-37) Đức Maria không cần được trình bày các ví dụ về sự toàn năng của Thiên Chúa. Sứ thần nói những lời đó cho chúng ta, và mầu nhiệm Truyền Tin sẽ được tiết lộ cho chúng ta.
Đức Mẹ đã được biến chuyển trong sự ngưỡng mộ về sức mạnh thần thánh ở tất cả các mức độ. Đức Mẹ thấy rằng, qua các phép lạ thường xuyên lặp đi lặp lại là làm cho sự cằn cỗi trở nên đơm hoa kết trái, Thiên Chúa muốn chuẩn bị cho thế giới một phép lạ duy nhất và mới mẻ về Con Trẻ được sinh ra bởi một trinh nữ, với niềm vui thánh thiện bởi phép lạ mà Thiên Chúa muốn làm. Đức Mẹ đã tuân phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38)
Thiên Chúa không cần sự đồng ý và vâng lời của Đức Trinh Nữ thánh khiết về những gì Ngài muốn hoặc thậm chí để Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi Đức Mẹ, và hình thành trong cung lòng Đức Mẹ một thân thể mà Ngài muốn hiệp nhất với Ngôi Vị Con Ngài, nhưng Ngài muốn đưa ra những ví dụ tuyệt vời cho thế giới và mầu nhiệm cao cả Nhập thể kèm theo nhân đức mà mọi người có phần trong đó. Đó là lý do tại sao các nhân đức mà Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng đã được đặt nơi Đức Trinh Nữ thánh thiện và nơi người bạn trăm năm của Đức Mẹ là Đức Thánh Giuse.
Đó là một mầu nhiệm thậm chí còn cao cả hơn. Sự bất tuân của Bà Tổ, mẹ của chúng ta, sự hoài nghi của bà đối với Thiên Chúa, và sự lầm tưởng của bà đối với ma quỷ lừa dối đã trở thành sự mất mát của chúng ta, và Thiên Chúa cũng muốn rằng sự vâng lời và đức tin khiêm tốn của Đức Mẹ sẽ đi vào việc cứu chuộc chúng ta. Theo cách này, bản chất của chúng ta đã được sửa chữa trong tất cả những gì đã mất mát, và để chúng ta có một Êva mới trong Đức Maria, cũng như chúng ta có một Ađam mới trong Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta có thể nói với trinh nữ với những tiếng than van thánh thiện: “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu Êva ở chốn khách đầy kêu đến cùng Mẹ, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Mẹ thương. Hỡi ôi! Mẹ là chủ bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.” (Ở đây người dịch dùng duy nhất đại từ Mẹ, không dùng đại từ Bà như thường đọc.)
Đây là nền tảng vững chắc cho lòng sùng kính cao cả mà Giáo Hội luôn dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Đức Mẹ cũng có phần trong việc cứu rỗi chúng ta mà Bà Tổ đã có trong sự mất mát của chúng ta. Đó là giáo lý đã được tiếp nhận trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo theo truyền thống trải dài từ chính nguồn gốc của Kitô giáo. Nó sẽ mở ra trong tất cả các bí ẩn của Phúc Âm. Chúng ta cùng tìm hiểu sâu xa về kế hoạch này, chúng ta hãy noi gương vâng phục của Mẹ Maria, vì chính nhờ Mẹ mà loài người đã được cứu, theo lời hứa xưa kia, và đầu con rắn đã bị nghiền nát.
JACQUES-BÉNIGNE BOSSUET
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm – 2021
Phụ Lục với Mẩu Chuyện Thư Giãn Nghiêm Túc
BÉ và MẸ
Bé hỏi mẹ:
– Đức Mẹ và Đức Bà, ai lớn, ai nhỏ, hả mẹ?
Mẹ cười:
– Đức Mẹ và Đức Bà là một, là Đức Mẹ Maria, là Mẹ Chúa Giêsu đó con!
Bé lý luận:
– Mẹ phải nhỏ hơn Bà, Bà phải lớn hơn Mẹ chứ! Sao bằng nhau được?
Mẹ gật gù:
– Thường thì vậy. Nhưng trong đạo, Đức Mẹ là Đức Bà, con ạ!
– Sao lúc thì Đức Mẹ, lúc thì Đức Bà, người lớn rắc rối quá. Trong kinh “Lạy Nữ Vương” cũng vậy, chỉ đọc 2 lần Mẹ, rồi tự nhiên chuyển sang Bà cả kinh luôn. Con chẳng hiểu Mẹ nào hay Bà nào. Kỳ quá!
– Mẹ cũng… “bó tay” luôn!
TRẦM THIÊN THU