TỘI NHÂN THÌ CÓ, HƯ HỎNG THÌ KHÔNG
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu đạo đức giả!”.
“Giả hình, một sự thối rữa được đánh vecni. Đây là cuộc sống của một người hư hỏng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để thoát khỏi mọi hình thức dối trá và nhìn nhận mình là tội nhân. Tội nhân thì có, hư hỏng thì không!” – Phanxicô.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi khiêm tốn nhận ra mình – tội nhân – trước Thiên Chúa và tha nhân bằng một đời sống chân thành, trung thực. Và như thế, cách sống của chúng ta sẽ khác với cách sống của các biệt phái vốn bị Chúa Giêsu lên án. Nhờ đó, may ra rất đúng với chúng ta, “Tội nhân thì có, hư hỏng thì không!”.
Chúa Giêsu cho thấy sự ‘công chính phù phiếm’ của giới biệt phái chẳng qua chỉ là sự nuông chiều bản thân vốn đã đè nặng lên dân Chúa đến mức tuyệt vọng. Thay vì giúp dân từ bỏ tội lỗi để trung thành với Chúa, họ lại lợi dụng sự nhạy cảm tâm linh của dân để trục lợi cho bản thân. Họ bị Chúa Giêsu lên án là mồ mả tô vôi, những người chỉ biết tìm kiếm sự tôn trọng và khen lao của người đời để tỏ ra rằng, họ công chính.
Vậy mà sự tôn trọng và khen lao của thế gian là “cỗ máy chém của các thánh!”. Nó có tác dụng tự sát và công năng giết người để cắt ngắn hành động của một trái tim nhiệt thành. Điều đó khiến tình yêu dành cho Thiên Chúa và các linh hồn trở nên vô ích vì nó chẳng là gì ngoài lòng kiêu hãnh được ngụy trang thành nỗi sợ hãi, ngờ vực hoặc sự ngụy biện không muốn làm tổn thương cảm xúc của người khác. Ngược lại, bác ái chân chính làm chứng cho sự thật, bất kể hậu quả mà điều này có thể mang lại – thậm chí là sự ngược đãi, lên án. Việc xa lánh sự tôn trọng của con người có thể dẫn chúng ta đến “máy chém” của sự chế giễu hoặc công kích, nhưng sau đó, chúng ta vững tiến trên con đường trở thành thánh nhân.
Vì vậy, để tránh hoá nên giả hình, tôi phải rất chân thành. Trước tiên, với Chúa; Ngài muốn tôi trong sạch và xa lánh mọi gian dối. Thứ hai, với chính mình, để tôi – tội nhân thì có – không phải là người đầu tiên bị lừa dối vì không thừa nhận tội lỗi mình. Thứ ba, với tha nhân, dối trá sẽ đẩy chúng ta vào tường, mệt mỏi, chán nản. Vì thế – ‘hư hỏng thì không’ – nếu tôi cậy trông vào Chúa hầu can đảm đứng lên và đi tới mỗi ngày.
Anh Chị em,
“Khốn cho các người!”. Một cám dỗ ‘khá tinh vi khác’ khiến chúng ta có thể bị Chúa Giêsu chúc dữ. Tự coi là ‘công chính’, chúng ta cam kết với đức tin Kitô giáo của mình, thì nguy cơ bạn và tôi cũng có thể rơi vào cùng một cái bẫy khi ‘thấy mình ở một cấp độ cao hơn’ những người khác mà chúng ta lên án và thậm chí tấn công họ. Những nhóm người như vậy đã xuất hiện trong những năm gần đây, họ tự nhận hiểu biết về Giáo Hội hơn cả Giáo Hoàng, những người vẫn lên án những ‘tà thuyết’ của Vaticanô II, những người khép mình vào các ‘nhóm tinh hoa’ sợ bị ô nhiễm không chỉ bởi ‘thế gian’ mà còn bởi những người Công Giáo khác! Quên mình là ‘tội nhân’, họ đang trên đà ‘hư hỏng’ một cách không thể cứu vãn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con đánh vecni, ăn mày sự tôn trọng và khen lao thế gian. Giúp con hoán cải mỗi ngày hầu con, một ‘tội nhân thì có, hư hỏng thì không!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)