Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Thứ Tư lễ Tro, năm A, củaTu sĩ Giuse–Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

Suy niệm Tin mừng Thứ Tư lễ Tro, năm A, củaTu sĩ Giuse–Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

HÃY TỰ BIẾT MÌNH

(Ge 2, 12-18; 2 Cr 5, 20. 6, 2; Mt 6, 1-6. 16-18)

downloadMahatma Gandhi, vị lãnh tụ tinh thần của người Ấn Độ đã tự thuật một câu chuyện liên quan đến cuộc đời của ngài lúc còn nhỏ như sau:

“Hồi ấy, mới 15 tuổi, tôi đã lấy trộm một chiếc vòng vàng của cha tôi và đem bán để lấy tiền trả nợ. Lấy được vàng, có tiền trả nợ, lòng tôi lúc bấy giờ nhẹ nhõm và sung sướng vì đã giải quyết được một việc qua trọng! Tuy nhiên, niềm vui chỉ đến trong chốc lát, vì ngay sau đó, nó đã  nhường lại cho sự áy náy, mất bình an ngự trị.

Sau đó, tôi quyết định làm một cuộc cách mạng, đó là viết tội lên một tờ giấy và trình lên cha tôi. Kết quả, sau khi đọc những lời thú tội của tôi, trong thinh lặng, ông đã xé tờ giấy đó thành nhiều mảnh nhỏ và nói với tôi: ‘Biết mình là điều rất tốt’”.

  1. Hãy tự biết mình

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh bằng việc cử hành nghi thức xức tro trên đầu. Nơi nghi thức này, Giáo Hội mời gọi mỗi người: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”; hoặc: “Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi”.

Qua lời mời gọi ấy, Giáo Hội hướng chúng ta về một thực tại, đó là: ý thức thân phận mỏng manh của đời người với những yếu đuối, tội lỗi của kiếp nhân sinh. Vì vậy, cần phải trở về với Chúa.

Trở về với Chúa để được đón nhận ơn tha thứ. Trở về với Chúa để làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, để trở về với Chúa cách thực sự và ý nghĩa, điều quan trọng, đó là hãy “tự biết mình” .

Bao lâu ta không biết mình, bấy lâu lòng ta tự mãn, tự kiêu, và, sẽ không cần phải sám hối.

Thật vậy, dù trong trần gian này, chúng ta có là tổng thống, chủ tịch nước, vua chúa, quan quyền hay thường dân; giàu có hay nghèo hèn; khỏe mạnh hay đau yếu; đẹp trai, xinh gái hay xấu xí, già hay trẻ; được trọng vọng tôn vinh hay bị coi thường, khinh bỉ; hoặc đang nổi danh như cồn hay âm thầm chốn lao tù…Tất cả phải thuộc nằm lòng bài học quan trọng này, đó là: thân xác ta từ bụi tro mà ra, thì một mai sẽ trở về cát bụi. Cuộc sống của ta như hoa kia sớm nở tối tàn, vắn vỏi tựa bóng câu. Vì thế, cái chết nó có thể đến với hết mọi người và bất thình lình như một tên trộm hay như ông chủ đi ăn cưới về lúc đêm khuya.

Chính vì vậy, mỗi khi lãnh nhận tro xức trên đầu, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy biết mình và nghiêm túc để nghĩ đến thân phận, giới hạn của con người, đồng thời cần phải biết sám hối, ăn năn trở về với Chúa để xin Người xót thương.

Tuy nhiên, sám hối không thôi thì chưa đủ, Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hãy ra khỏi sự kiêu ngạo, ích kỷ, an thân để đi đến hành động cụ thể, đó là: cầu nguyện, ăn chay và thi hành bác ái.

  1. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo

Lời ngôn sứ Giôen nhắc cho chúng ta về cách thức sám hối, ngài kêu gọi: “Hãy xé lòng, đừng xé áo” (Ge 2,13  ),

Khi kêu gọi như thế, tiên tri Giôen muốn dân chúng hãy có tinh thần sám hối thực sự, tinh thần ấy phải phát xuất tự đáy lòng của mình chứ không chỉ hình thức bên ngoài như ủ rũ héo hon, sầu lo, đau đớn…, mà là thay đổi từ ánh mắt, cách nhìn, tư tưởng trong niềm tin và hân hoan.

Sự sám hối ấy phải luôn luôn diễn tiến ngang qua chính bản thân của mỗi người. Tuy nhiên, vì chúng ta là dân Thiên Chúa, là một cộng đoàn, nên mọi thành phần đều có sự liên kết mật thiết với nhau và đều có can hệ với nhau trong các việc tốt cũng như xấu, phúc cũng như tội. Vì vậy, ngoài việc chúng ta làm một cuộc hoán cải nội tâm cá nhân với Chúa, mỗi người còn phải thể hiện sự quyết tâm thay đổi đời sống ấy bằng những hành vi cụ thể như cầu nguyện, ăn chay, hy sinh, hãm mình, từ bỏ và thi hành việc bác ái với tha nhân.

Trước tiên là cầu nguyện âm thầm và kín đáo:

Khi nói đến cầu nguyện ân thầm và kín đáo: Đức Giêsu muốn nói đến sự khiêm nhường thẳm sâu phải có lúc cầu nguyện. Khi con người đến với Thiên Chúa, nếu không khiêm nhường, ắt sẽ không thể đi vào mối tương quan với Người được. Hình ảnh và thái độ của người Pharisêu và người Thu Thuế lên đền thờ cầu nguyện cho ta thấy hệ quả sự kiêu ngạo và khiêm nhường khi hai người trở về!

Mặt khác, âm thầm và kín đáo còn có ý nói đến một tâm hồn với đời sống nội tâm sâu xa. Khi có một chiều sâu tâm linh, người ta không cần phải lải nhải lắm lời mới hy vọng Thiên Chúa nhận lời, mà ngược lại, điều quan trọng, đó là chiêm ngắm, lắng nghe và nhạy bén với Thánh Ý Thiên Chúa để mau mắn thi hành.

Thứ đến là ăn chay: ngay sau khi dạy cho các môn đệ về thái độ cầu nguyện, tiếp theo, Đức Giêsu đã chỉ ra cho các ông việc cần làm, đó là ăn chay. Ở đây, Đức Giêsu không hướng dẫn xem ăn chay như thế nào cho đúng theo nghĩa đen, mà Ngài nhấn mạnh đến tinh thần của sự việc:

“Khi các ngươi ăn chay thì chớ sầm mặt lại như bọn giả hình (….) Còn ngươi ăn chay thì đầu hãy xức dầu, và mặt mày hãy lau rửa…” (x. Mt 6, 16-18).

Đức Giêsu không thể chấp nhận việc ăn chay của người môn đệ giống như những người Pharisêu và những người Dothái đương thời, đó là mỗi khi họ ăn chay, họ tỏ ra rầu rĩ, thiểu não, tang thương.

Ngược lại, Ngài muốn người môn đệ phải hân hoan khi ăn chay, vì ăn chay là để đón chờ chàng rể đến. Thế nên tránh nhũng thứ chè chén say sưa hay khuôn mặt rầu rĩ…

Cuối cùng, đó là thi hành bắc ái: nếu cầu nguyện là để gặp gỡ Thiên Chúa; ăn chay là để hy sinh hãm mình đền tội, thì việc chia sẻ bác ái chính là điều kiện để hoàn thiện hai điều trên, vì: mến Chúa mà không yêu người thì nói dối; yêu người trên đầu môi chóp lưỡi thì thật là đáng khinh bỉ. Nhưng mến Chúa thì luôn gắn liền với yêu người.

Khi Đức Giêsu kêu gọi chia sẻ cho người nghèo, Ngài muốn chúng ta hãy mở rộng tấm lòng của mình cách đặc biệt, cụ thể, để Chúa đến với cõi lòng chúng ta ngang qua những hành vi chia sẻ cho người nghèo.

Tuy nhiên, ngay cả việc bác ái, Đức Giêsu dạy chúng ta phải ý tứ khi chia sẻ, Ngài nói: đừng gõ trống khua chiêng, đừng để tay trái biết việc tay phải làm. Nếu không thi hành trong lòng mến và vô vị lợi như thế, thì việc bác ái của chúng ta sẽ chỉ là công dã tràng mà thôi.

Mong sao, khi Mùa Chay đến, mỗi người chúng ta hãy làm mới lại mối tương quan với Đấng thấu suốt sự kín nhiệm qua việc năng kết hiệp mật thiết và sâu lắng trong đời sống cầu nguyện để được Người nhận lời. Đồng thời, hãy “tự biết mình” là con người mỏng dòn, yếu đuối và đầy rẫy tội lỗi, nên rất cần một hành động sám hối để xin ơn tha thứ và quyết tâm quay trở về với Thiên Chúa. Cuối cùng, đó là thi hành việc bác ái qua hành vi tha thứ cho người xúc phạm đến mình; hay một nghĩa cử bao dung, liên đới với những người mà họ không ưa mình, đồng thời, hãy rộng tay giúp đỡ vật chất cho những anh chị em túng nghèo chung quanh chúng ta.

Được như thế, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh đúng với tâm tình mà Chúa và Giáo Hội mong muốn. Ngược lại, nếu chỉ giữ đạo cách hình thức, hời hợt, lễ nghi bề ngoài, mà tâm hồn không một chút rung động, tâm trí không một chút suy tư và liên đới, thì hết Mùa Chay này đến Màu Chay khác đến rồi lại đi, nhưng tâm hồn và đời sống của chúng ta vẫn chỉ trơ trơ như gỗ đá, hay như một cỗ máy biết nói.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực, để trong suốt Mùa Chay này, chúng con biết sống theo tinh thần Chúa đã dạy để được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa mang lại. Amen.

Tu sĩ Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN