(Mt 6, 1 -6; 16 -18)
TRO!
Thưa các bạn, “TRO” là hình ảnh tượng trưng của sự hữu hình, sự mỏng manh, sự yếu đuối, sự bất toàn, sự hèn kém, sự thất bại, sự hư mất. Tóm lại, “TRO” là điều bỏ đi, vì tro là kết cục của sự hủy diệt, đó là quy luật tất yếu, hệ quả của tội. Tội nguyên tổ, tội của dòng lịch sử nhân thế, tội của cá nhân hằng ngày , hằng giờ. Vậy, “TỘI” là gì? Thưa, tội là “chối bỏ“ Thiên Chúa, chối bỏ, không tôn thờ Vị Thần duy nhất, Đấng Tạo Thành vạn vật cho có sự sống.
Từ tro bụi, tức vật thể từ đất mà ra, còn nhỏ hơn đất. Chúng ta đừng tưởng trên trái đất nầy là bền vững, chắc chắn. Bên trên trái đất, nhờ sức hút, mọi sinh vật được hình thành và tồn tại như chúng ta biết. Nhưng, bên trong vỏ trái đất là một trái cầu mênh mông vô định, là một khối rỗng khổng lồ. Nhưng, trong bàn tay Thiên Chúa, trái đất chỉ như một trái bóng nhỏ trong bàn tay của chúng ta. Vâng, đây là chân lý, nếu ngược chân lý nầy là hoàn toàn giả tạo, mưu chước của satan.
Hình ảnh và tính chất của tro, ai cũng biết, không ai muốn sống chung với tro. Sự thấp hèn của tro bụi là như vậy, bị xua đuổi, bị khinh khi, bị xem thường, nhưng không được bênh đỡ.
Vâng, thân phận của vật vô tri là thế, còn con người, là tạo vật có tri thức thì sao? Thân phận và hình ảnh của bụi tro cũng chính là kết cục của thân phận con người chối bỏ Thiên Chúa. Tất cả sẽ trở về bụi tro, mọi sự tính toán, bon chen, mưu mô quỷ quyệt cũng trở về với kiếp của nó.
Chỉ duy thụ tạo siêu nhiên, là linh hồn người ta mới bất tử, vì mang hình ảnh của Thiên Chúa, vì linh hồn không thuộc bụi tro. Vì linh hồn không bất tử trong thân xác, hay nói cách khác thân xác nhuốm màu tro bụi của con người không bất tử được dù được tháp nhập với linh hồn. Bởi vì, nguyên lý ”Bụi Tro”. Từ đó, chúng ta biết, Đức Kitô, Đấng Cứu Độ nhân trần là như vậy. Người đã từ trời xuống thế, cũng chính vì để “CỨU” thế gian. Người bởi Thiên Chúa, phần Nhân Tính của Người là một mầu nhiệm siêu nhiên, sự hữu hình của Người là bởi Thần Khí Thiên Chúa, có nghĩa là không thuộc hạ giới, là tinh hoa của Đấng Tạo Thành, nguồn sung mãn từ sự vô biên. Vì vậy, nơi Người không có sự chết, mặc nhiên, tội lỗi không xâm nhập được, đó là bụi tro. Vì, tro bui bám được tất cả, nhưng, tro bụi không bám được không khí, mặc dù trong khí quyển vẫn có bụi. Vì vậy, sự phục sinh nơi Đức Kitô mới chính là hoa trái của ơn cứu độ.
Tro bụi là kết tinh của sự hủy diệt, tro bụi là hệ quả sau cùng của tội lỗi. Tro bụi là sự thanh tẩy. sự thanh luyện sau cùng. Chúng ta thấy, sau đống tro tàn là một trận hỏa hoạn, muốn có tro, trước tiên phải có chất cháy và lửa, còn những thứ không cháy được sẽ bị han rỉ thành bụi đất.
Vâng, thưa các bạn, tính chất của tro bụi là thế, và con người không đón nhận ơn cứu độ từ Thiên Chúa qua Đức Giêsu – Kitô thì cùng chung số phận như thế. Qua đó, chúng ta thấy, thân phận tro bụi phản chiếu “ƠN CỨU ĐỘ” của Thiên Chúa. Thiên Chúa nâng con người lên với Ngài, bởi vì nguyên lý bụi tro, chính Thiên Chúa cũng không thay đổi, nhưng, Thiên Chúa dùng ơn cứu độ của Ngôi Lời Thiên Chúa mà biến đổi hình phạt thành ơn tha thứ. Vâng, đó là “sự thống hối”. Vâng, ơn “THỐNG HỐI” lớn hơn sự trừng phạt, tình yêu lớn hơn thù hận, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Lòng thương xót của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa vô biên. Tuyệt đối Thiên Chúa không có kẻ thù, dù là satan. Vì, nơi Thiên Chúa không có sự oán thù, đó là bản tính Thiên Chúa. Chỉ có một kẻ thù duy nhất, đó là satan, satan được đi quấy nhiễu con người, đó là cám dỗ. Satan làm mọi thứ, nó không thích con người thống hối xin ơn tha thứ, vì nó là satan. Một ngày nào đó, satan biết “thống hối”, thì nó trở lại thiên thần.
Vâng, Thiên Chúa, con người và satan là một bàn cờ giữa tình yêu và thù hận, ganh ghét và tha thứ. Bản tính Thiên Chúa là tình yêu, nên Ngài tha thứ và muốn sự thống hối từ con người. Nhưng, satan là kẻ ngoan cố, quỷ quyệt, vì nó không biết thống hối. Nhưng, LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa cũng không muốn hủy diệt satan, vì satan đã xâm nhập thế gian. Vì vậy, còn lại là sự “thống hối” từ con người.
Là con cái Thiên Chúa, chúng ta dứt khoát không bước theo satan với Lời của Chúa Giêsu hôm nay. (Mt 6, 1-6: 16 -18). Đó là sự “THỐNG HỐI”, vâng, sự bác ái, sự cầu nguyện, sự ăn chay chính là sự thống hối tốt nhất. Hay có thế nói là: “PHƯƠNG PHÁP THỐNG HỐI”.
Thống hối là “nhìn nhận” thân phận bụi tro. Nhìn nhận thận phận bụi tro chính là ”KHIÊM NHƯỜNG”. Khiêm nhường chính là “sự kín đáo” khi làm việc “thống hối”, tức việc đạo đức. Theo đó, chính Chúa Giêsu đã đưa ra ba giáo huấn về phương pháp thống hối: Đó là:
- Bác ái cách kín đáo:
- Cầu nguyện cách kín đáo:
- Ăn chay cách kín đáo:
Vâng, như chúng ta biết, Chúa Giêsu đến trần gian là để kiện toàn lề luật của Thiên Chúa, chứ không phải phá bỏ lề luật, hay tự ý lập luật cho chính Người. Vì vậy, việc ăn chay, bố thí, cầu nguyện không phải Chúa Giêsu tự lập ra mà đã có từ xưa. Nhưng, Người đã kiện toàn để nên phong phú. Theo đó, cầu nguyện phải hãm mình, việc ăn chay là cách hãm mình tốt nhất. Và rồi, cầu nguyện và ăn chay để làm gì? Nếu như không biết thi ân gíáng phúc, đó là bác ái. Bái ái có nghĩa là yêu người một cách rộng ra, yêu thương tha nhân không phải là chuyện dễ làm, nhưng người Công giáo không biết bác ái thì chưa phải là người Công giáo. Vì , mục đích “ĂN CHAY” không gì khác hơn là để” cầu nguyện và làm phúc bố thí”.
Tóm lại mọi việc đạo đức đều được thực hiện một cách kín đáo, bởi vì , nếu không kín đáo khi làm việc “THỐNG HỐI”, thì khác nào ”thùng rỗng kêu to”, và như vậy, “thùng rỗng” thì không chứa được nước.
Bài đọc I hôm nay (Ge 2, 12 -18), tiên tri Giô-en cho chúng ta biết hãy giục lòng sám hối, thì Thiên Chúa sẽ thứ tha. Vì, Thiên Chúa yêu thương kẻ sám hối. và nâng đỡ người lành. Nhưng, sự sám hối là sự ăn năn chân thành từ tận nơi tâm hồn con người. Vì: ”Hãy xé tâm hồn, chứ đừng xé áo, hãy ăn năn khóc lóc và than van. Hãy trở về với Thiên Chúa bằng sự tín trung chứ không bằng hình thức bên ngoài.”
Bài đọc II (2 Cr 5, 20 – 6, 2), thánh Phao-lô cho chúng ta biết Mùa Chay là Mùa Hồng Phúc, Mùa Cứu Độ, Mùa giao hòa với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô. Vì , Thiên Chúa phán: ”Ta đã nhận lời ngươi trong thời Ta thí ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ” (C 2).
Như vậy, Lễ Tro là ngày khởi đầu Mùa Cứu Độ, vì để dọn đường bước vào Chúa Nhật I Mùa Chay, khởi đầu hành trình cứu độ của Chúa Giêsu.
Như vậy, để được “làm hòa” với Thiên Chúa , con người cần có lòng thống hối. Thống là: Đau đớn. Hối là: ăn năn. Có nghĩa là hết lòng ăn năn đau đớn, vì nếu không ăn năn vì đau đớn, thì không được gọi là thống hối. Thống hối là việc ăn năn sám hối một cách chân thành, tâm hồn phải biết đau đớn, như chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế phải chịu đau đớn thay cho chúng phần nhân tính vậy.
Như vậy, thân phận tội lỗi của con người trần gian không phải là một sự bi quan chán nản, mà là qua đó, con người biết thức tỉnh, hầu ăn năn cải thiện cuộc sống, để nhận lãnh ơn cứu độ. Để từ tro bụi, được Thiên Chúa nâng lên hàng khanh tướng.
Lạy Thiên Chúa là Đấng yêu thương, không chỉ là yêu thương, mà còn là Đấng giàu lòng thương xót, Chúa không hủy diệt những gì Chúa tạo thành. Nhưng, ban cho cơ hội sám hối, để hiệp thông cùng cuộc tử nạn và phục sinh của Con Chúa, Chúa chúng con là Đức Giêsu – Kitô, hầu cứu độ thế giới ./. Amen.
Thứ tư Lễ Tro 2016
P.Trần Đình phan Tiến