Tự do chứ không phải tro bụi
(Mt 6, 1-6; 16-18)
Lại một Mùa Chay Thánh về với chúng ta. Bầu không khí ba ngày Tết vẫn còn đó. Chúng ta đã xin Chúa ban bình an cho Năm Mới, chúng ta chúc tết ông bà cha mẹ, anh chị em và chúc tết nhau. Trước hôm qua, chúng ta đã xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm, và hôm nay cùng toàn thế Giáo hội bước vào Mùa Chay Thánh.
Thoát khỏi ảo tưởng chạy theo tro bụi
Mùa Chay Thánh mở đầu bằng Lễ Tro, một biểu tượng mang đầy ý nghĩa. Với nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng“, hoặc: “Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi“ (SLRM).
Trong lúc cúi mình nhận Tro lên đầu làm chúng ta làm chúng ta liên tưởng đến sự chóng qua, mau hết. Và cũng để nói với chúng ta một cách tế nhị và thực tế rằng, bao nhiêu điều mà ngươi đang chạy theo, làm cho ngươi vất vả, sẽ chẳng còn lại gì. Dù ngươi có cơ cực hay giầu sang đến đâu đi nữa, ngươi sẽ chẳng mang theo được gì từ cuộc sống này. Những thực tại trần thế sẽ biến tan, như tro bay theo chiều gió. Của cải là tạm bợ, quyền lực là tạm thời, thành công sớm vụt tắt. Thứ văn hóa hào nhoáng bên ngoài đang thịnh hành ngày nay làm cho người ta sống cho những thứ chóng qua, đó thực là một sự lường gạt lớn. Vì nó như một ngọn lửa : cháy xong, nó chỉ còn lại tro”. Từ nhận xét đó, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Mùa chay giải thoát chúng ta khỏi những ảo tưởng chạy theo tro bụi“. Nhưng chẳng ai giải thoát chúng ta được ngoài Chúa, vì “Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do” (Tựa đề của Sứ điệp Mùa Chay 2024).
Trong Sứ Điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha viết: “Mùa Chay là thời gian hoán cải, thời gian tự do” (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay 2024). Quả thật, chúng ta được dựng nên giống hình Chúa, làm con cái Chúa chứ không phải thân nô lệ, “không giống như Pharaô, Chúa không muốn thần dân mà là con cái” (ibi.,). Đức Thánh Cha viết tiếp: “Cảnh nô lệ đã làm dân Israel tê liệt trong sa mạc, ngăn cản họ tiến lên“ (ibi.,). Đức Thánh Cha thừa nhận: “Mọi người đều có thể bám vào tiền bạc, địa vị, mục tiêu, truyền thống… Những thứ “Thay vì giúp chúng ta tiến bước, chúng sẽ làm chúng ta tê liệt“ (ibi.,). Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta tận dụng sa mạc là nơi chốn trong đó “sự tự do của chúng ta có thể lớn lên thành một quyết định của cá nhân không quay trở lại tình trạng nô lệ” (ibi.,).
Mùa Chay giúp chúng ta khám phá ra rằng, chúng ta được tạo thành cho ngọn lửa nồng cháy mãi, chứ không phải cho thứ tro tắt ngúm ngay; chúng ta được tạo thành cho Thiên Chúa, chứ không phải cho thế gian; cho cuộc sống vĩnh cửu trên Trời, chứ không phải cho sự lường gạt dưới đất này; cho tự do của con cái Chúa, chứ không phải để làm nô lệ sự vật.
Tóm lại, Lễ Tro có nghi làm phép tro và xức tro là dịp để chúng ta suy nghĩ về bụi tro, cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng làm con, được Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi.
Sứ điệp Lời Chúa
Các bài đọc (Ge 2,12-18; 2C 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18) vang lên, kêu gọi chúng ta hoán cải tâm hồn: trong tương quan nội tâm với Thiên Chúa và tương quan xã hội với loài người.
Lời Chúa qua miệng tiên tri Gioen thôi thúc chúng ta, “Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay” (Ge 2,15). Lời ấy mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc… Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (2,12-13).
Những lời trên gợi lên cho ta cả một bầu khí trang trọng ở trong lịch sử Dân Israel bấy giờ đang lầm than khổ sở, khiệt sức, hao mòn. Họ bất lực, không thể tự chỗi dậy. Chúa sai tiên tri Giôen đến, bảo họ thống hối ăn năn; trở về với Chúa; xin Ngài tha thứ và cứu độ. Ðó là đường lối duy nhất để được cứu vãn. Thế nên, từ già đến trẻ, từ tư tế đến thứ dân, từ cô dâu mới cưới đến người góa phụ khổ sở, toàn dân, cả nước hãy tuyên bố mở mùa chay tịnh, ăn năn thống hối các lỗi lầm để được giải thoát và cứu độ.
Hôm nay, Giáo hội cũng muốn mượn lời tiên tri Gioen, tâm tình của thánh Phaolô để khai mạc Mùa Chay Thánh. Đồng thời khuyên con cái mình sống Mùa Chay Thánh cho nên. “Hãy làm hoà cùng Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện” (x. 2 Cor 5,20-6,2). Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Dịp thuận tiện đến rồi… Bây giờ là cơ hội thuận tiền, giờ đay là ngày cứu thoát” ( 2 Cor 5,…). Ta hãy bắt chước con cái Israel ngày trước và toàn dân Chúa ngày xưa, lấy tro rắc trên mình để công bố ý chí đi vào mùa Chay Thánh, mà thống hối canh tân, để đi vào con đường tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Tin Mừng Thánh Matthêu hôm nay cũng đề ra cho chúng ta những việc làm trong mùa Chay là : Ăn Chay, Cầu Nguyện và Làm Phúc (x. Mt 6, 1-6; 16-18)
Cách thức cầu nguyện, làm phúc và ăn chay
Vậy chúng ta ăn chay, cầu nguyện thế nào, và bố thí ra làm sao?
Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Chay tịnh là linh hồn của cầu nguyện, và làm phúc là sự sống của chay tịnh. Đừng ai tách rời ba việc ấy, vì chúng không thể tách rời nhau được. Ai chỉ làm một trong ba, hay không làm đủ cả ba một trật, thì người ấy chẳng làm gì hết. Vì thế, ai cầu nguyện thì cũng phải giữ chay, ai giữ chay thì cũng phải làm phúc. Ai cầu xin mà ao ước được Chúa nhậm lời thì phải biết lắng nghe lời người khác xin mình. Ai không từ chối lắng nghe lời người khác xin thì dễ được Chúa lắng nghe.
Ai mong ước được Thiên Chúa thông cảm điều mình đói khát, hãy thông cảm với người đang đói khát. Ai mong được thương xót, hãy thể hiện lòng thương xót. Ai kiếm tìm lòng tốt, hãy làm điều tốt. Ai muốn được người ta cho mình, thì hãy cho người khác. Người cầu xin cho mình điều chính mình đã từ chối người khác, quả là người bất lương. Thánh Gioan Kim Khẩu nói : Này bạn, bạn hãy trở nên mẫu mực về lòng thương xót. Nếu bạn muốn được thương xót như thế nào, bao nhiêu, mau lẹ chừng nào, thì chính bạn hãy thương xót người khác cách mau lẹ cũng chừng ấy và cũng một cách thế như vậy.
Vì thế, cầu nguyện, làm phúc và ăn chay, cả ba việc họp lại thành một, vừa bênh vực, vừa là lời biện hộ, vừa là lời cầu xin cho chúng ta theo ba hình thức. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba việc làm độc lập, mà là một động tác duy nhất cởi mở và dứt bỏ: loại bỏ những thần tượng đang đè nặng chúng ta, loại bỏ những ràng buộc đang giam cầm chúng ta. Khi đó trái tim teo tóp và cô độc sẽ thức tỉnh. Vì thế hãy chậm lại và dừng lại” (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay 2024).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin nâng đỡ những quyết tâm của chúng con trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh. Amen.
Lm. An–tôn Nguyễn Văn Độ