Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Thứ Tư Lễ Tro 2014 của Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin mừng Thứ Tư Lễ Tro 2014 của Trần Đình Phan Tiến


                            NGHI THỨC SÁM HỐI                         

(Mt 6, 1-6. 16-18)

indexSám hối, và thanh luyện khác nhau như thế nào? Thưa “sám hối” mang ý nghĩa chủ động, tích cực. Còn “Thanh luyện” mang ý nghĩa bị động, lệ thuộc, mang ý nghĩa tiêu cực hơn.

Vâng, thưa quý vị! Từ sự giải thích đơn giản nêu trên, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của “Mùa Chay”. Vậy, Mùa Chay là gì? Thưa, Mùa Chay là mùa sám hối.  Bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro cho đến Lễ Lá, thời gian là bốn mươi ngày. Vậy, Mùa Chay cũng có hai đặc tính:

– Một là sám hối tâm hồn để cùng Chúa Giêsu bước vào hành trình tử nạn của Người, có nghĩa là tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

– Hai là chuẩn bị tâm hồn đón mừng Lễ Phục Sinh.

Thật sự, đặc tính của Mùa Chay luôn diễn ra trong những ngày suốt trong năm, đó là: “Nghi thức sám hối” ở mỗi đầu Thánh Lễ.

Khởi đi từ bài đọc I (Ge 2, 12-18), nhất là ở câu (12-13). Chúa phán như sau: “Các người hãy ăn chay khóc lóc, than van và thành tâm trở về với Ta; phải xé lòng mình ra chớ đừng xé áo, phải qui thuận Thiên Chúa là Chúa mình.

Lòng nhân hậu Ngài lại hay thương xót,

tính đơn thuần lại rất khoan dong,

trước họa tai chóng mủi lòng.”  (Ge 2, 12 -13)

Vâng, chúng ta thấy qua tiên tri Giô-en, Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân từ đối với dân của Ngài. Theo đó, chúng ta biết Thiên Chúa vô cùng nhân từ, Ngài là Đấng vô thủy, vô chung, có nghĩa là vô biên, tự có và hằng hữu. Âý thế mà, Thiên Chúa lại rất mực yêu thương con người, vì bản chất của Thiên Chúa là ”yêu thương”. Vì nếu, Thiên Chúa không yêu thương con người, hà tất Thiên Chúa dựng nên con người, rồi nữa, nếu Thiên Chúa không yêu thương con người, thì sau bao nhiêu lần con người phản bội lại với Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn thứ tha. Vì nếu không, thì làm sao con người có sự tồn tại. Đó là lẽ đương nhiên, nên chi, có thể minh chứng được rằng: Thiên Chúa hằng sống, và Thiên Chúa hằng yêu thương. Vì sự tiêu diệt kẻ ác đối với Thiên Chúa không khó, thiết nghĩ còn ”dễ“ hơn là yêu thương con người. Bởi vì, để yêu thương con người cách trọn vẹn và hợp tình, hợp lý. Thiên Chúa phải hạ mình làm Người, mặc lấy một kiếp phàm nhân. Sống như một phàm nhân trong Thiên Tính, để rồi qua nhân tính phàm nhân, Thiên Chúa phải trả giá Máu, là giá Cứu Độ qua Ngôi Lời của Thiên Chúa là Đấng Cứu Thế Giêsu- Kitô.

Vâng, Mùa Chay vì thế được gọi là “Mùa Chay Thánh”. Vậy Mùa Chay Thánh có 02 ý nghĩa:

–          Tưởng niệm việc Thiên Chúa cứu thoát dân Ngài trong Cựu Ứơc bốn mươi năm trong sa mạc (Ds chương 11 – 21). (Cứu gián tiếp)

–          Tưởng niệm cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Con Thiên Chúa làm Người. (Cứu trực tiếp).

Trước hết kỷ niệm bốn mươi năm trong sa mạc của Dân thánh, Dân riêng của Thiên Chúa. Nhắc nhớ rằng trong lịch sử Thiên Chúa không quên Dân Của Ngài. Nuôi một đoàn dân đông dảo trong suốt bốn mươi năm trường, cứ ngày đi, đêm nghỉ, không làm lụng chi hết. Đói thì có lương thực từ trời là Man-na, như sương trời (bánh rơi xuống từ trời như sương), và thịt thì chim cút cứ sà xuống để cho dân bắt làm thịt ăn. Chúng ta thấy, Thiên Chúa quyền năng và kỳ diệu như vậy trong suốt 40 năm, không phải là chuyện đùa. Qủa thật, từ cổ chí kim, và cho đến tận thế, có vị vua nào trên trần thế, hay quyền bính nào, chủ nghĩa nào nuôi được dân của họ trong thời gian dài như thế? Qủa thật là chỉ có Thiên Chúa,  Đấng Tạo dựng và Cứu Chuộc con người mới thực hiện được như vậy.

Bài đọc II (2Cr 5, 20-6, 2), thánh Phao- lô cho chúng ta biết chúng ta phải làm hòa với Thiên Chúa. Như vậy, ý nghĩa của Mùa Chay là lúc Thiên Chúa thi ân giáng phúc là dịp thuận tiện cho con người quay về với Thiên Chúa.

Như vậy, Mùa Chay là Mùa Cứu Độ, Mùa Ân phúc, Mùa làm lành, Mùa giao hòa với Thiên Chúa và nhân loại. Vì Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc cho chúng ta qua Đức Giêsu-Kitô. Nên chúng ta cũng phải thi ân cho kẻ khác, muốn vậy, chúng ta phải làm việc lành, phúc đức đó là: CẦU NGUYỆN VÀ ĂN CHAY. Nhưng Bác ái, cầu nguyện và ăn chay như thế nào?

Theo đó, chủ đề của Đoạn Phúc Âm (Mt 6, 1-6 . 16-18)  Lễ Tro hôm nay là: Ba Kín Đáo.

–          Bác Ái cách kín đáo (c 1-4)

–          Cầu Nguyện Cách kín Đáo (c 5-6)

–          Ăn chay cách kín đáo (c 16 -18)

Vâng, thưa quý vị! Về ý nghĩa “kín đáo”, thì Chúa Giêsu đã giải thích cặn kẽ, vì sao phải “kín đáo” khi thực hành việc đạo dức.

Vì người Do-thai họ cũng biết “Bố thí”, “cầu nguyện” và ”ăn chay”, theo tinh thần và ý nghĩa của việc “chay tịnh” trong Kinh Thánh. Nhưng thật ra họ ăn chay, nhưng họ không ”tịnh”. Vâng, “Kín Đáo” theo Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng trên, có nghĩa là ”Tịnh”.

“Tịnh” là điều mà Chúa Giêsu nhắc nhở cũng như đã làm gương cho chúng ta. Có thể nói suốt hành trình làm Người của Chúa Giêsu là một chữ ”TỊNH”.

Việc đạo đức phải làm trong mùa chay là: Bác Ái, Cầu Nguyện và Ăn chay, nhưng những việc làm đó phải làm một cách kín đáo để Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ trả công cho chúng ta. Vâng, chúng ta cùng cảm tạ Chúa Giêsu, là Đấng đã chỉ đường cho chúng ta biết thực hành việc đạo đức cách xứng hợp khi Mùa Chay đến, đó là phải “TỊNH”. Vâng, nếu “Chay” mà không ”Tịnh” thì không còn là chay nữa. “Tịnh“ là phương pháp tối ưu của Mùa Chay.

 Mong rằng chúng ta thực hành Mùa Chay cách xứng hợp theo Lời dạy của Chúa Giêsu, hầu mang lại hoa trái cho chúng ta. Amen.

Thứ Tư lễ Tro 2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …