Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

CHẬM CHẠP TÂM LINH

“Còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?”.

SPIRITUAL SLOWNESS“Chúa Kitô chơi ở mười ngàn nơi. Đáng yêu trong những tay chân, và đáng yêu trong những đôi mắt không phải của Ngài!” – Gerard Manly Hopkins.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tỏ ra thiếu kiên nhẫn với sự ‘chậm chạp tâm linh’ của những người đang nghe Ngài; họ không nhận ra Ngài – đang chơi ở mười ngàn nơi – và cũng không muốn hiểu Ngài!  

Khi nói đến những vấn đề trần thế, con người có thể kết hợp tài tình điều này với điều kia theo cách gần như không thể sai lầm. Tuy nhiên, sự chậm chạp lại chiếm ưu thế khi lĩnh vực tâm linh được đề cập. Tại sao? Có thể là vì họ không bận tâm suy gẫm về ý nghĩa thực sự của dấu hiệu, về sự hiện diện, về các việc lạ lùng và thông điệp của Thiên Chúa. Họ vẫn ở ‘mức hời hợt’ mà không đi vào chiều sâu; nơi họ, luôn có một sự ‘chậm chạp tâm linh’. Thấy dấu hiệu không phải là vấn đề có thể nhận ra hình dạng của một tháp nhà thờ hay một cây thánh giá trong một đám mây, mà là sự cân nhắc sâu sắc và gẫm suy về tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.

Sự hời hợt đó cũng cản trở tiến bộ về mặt tâm linh của bạn và tôi! Tuy nhiên, với những ai sống một đời cầu nguyện liên tục, sẽ hoà hợp hơn nhiều với sự hiện diện của Chúa. Nơi mà những người khác nhìn thấy sự trùng hợp, họ nhìn thấy sự quan phòng! Điều này mang lại cho họ một cảm giác bình yên sâu sắc. Họ biết Chúa đang điều khiển mọi sự và họ không cần phải tự mình giải quyết mọi thứ. Thế giới không nằm trên vai họ mà nằm trên vai Chúa. Vì vậy, thay vì phân vân hay lo lắng, họ sống trong bầu khí tin tưởng và đón nhận. Sự quan phòng của Chúa hướng dẫn tất cả. Chúng ta biết điều này thông qua đức tin và đôi khi Ngài gửi một dấu hiệu chỉ để nói rằng, “Vâng, Ta thực sự ở đây!”.

Chúng ta có thể không nhận ra Chúa đang đứng giữa chúng ta, đang gọi chúng ta ‘trong và qua’ những hoàn cảnh khác nhau. Để nhận ra Chúa và có thể nghe tiếng Ngài, bạn và tôi cần đôi mắt để nhìn và đôi tai để nghe. Chúng ta cần phát triển một loại thái độ chiêm nghiệm, một sự chú ý của tâm trí và trái tim. Bên cạnh đó, cần có một đức tin hoàn toàn mong đợi Chúa. Ngài đang đến, đang nói với tôi ‘lúc này, ở đây’. Hãy cầu nguyện cho có được thái độ chiêm nghiệm và đức tin mong đợi đó!

Anh Chị em,

“Sao các người lại không biết nhận xét?”. Những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa có thể khá tinh tế và không kịch tính, nhưng dẫu sao, vẫn rất hiện sinh. Ngài hiện diện trong Thánh Thể, trong Lời, trong sự im lặng của những trái tim. Ngài thường đến với chúng ta theo những cách rất bình thường và xem ra đơn điệu; Ngài đến qua con cái, qua những thành viên trong cộng đoàn, qua những người bệnh và dễ bị tổn thương nhất, qua những người chúng ta gặp gỡ. Ngài cũng hiện diện trong những người mà chúng ta thấy phiền hà nhất. Đừng ‘chậm chạp tâm linh’; hãy cảnh giác với nhiều hình dạng của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng chơi ở mười ngàn nơi. Giúp con sống làm sao để người khác có thể nhận ra Chúa đáng yêu nhường nào qua đôi mắt, lời nói và cách cư xử của con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …