THÂM TÌNH
THÁNH THỂ THẦN LƯƠNG TRAO BAN NGUỒN SỐNG
NHÂN GIAN TỘI LỖI ĐÓN NHẬN PHÚC VINH
Không thể tưởng tượng nổi nếu thế gian này vắng bóng tình yêu thương. Ai cũng muốn yêu và được yêu, dù biết rằng “yêu là chết trong lòng một ít”. Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thôi thì thà chịu khổ hơn chịu lỗ. Rất lô-gích. Và người ta có cách gọi đó là “thú đau thương”. Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Sau những ngày tháng hoang đàng, Thánh Giám mục Tiến sĩ Augustinô đã hối tiếc và thốt lên: “Con yêu Chúa quá muộn màng”, và rồi ngài cho biết: “Mức độ yêu Chúa là yêu vô hạn”. Một mức độ kỳ lạ: mức-độ-không-giới-hạn. Thật thú vị!
Từ cổ chí kim, chắc hẳn chưa có một định nghĩa nào về tình yêu được coi là trọn vẹn nhất và có thể khiến người ta thỏa mãn. Chữ Yêu rất đơn giản mà cũng rất nhiêu khê. Chỉ có một tình yêu đích thực nhưng được nhìn với nhiều lăng kính, mỗi người yêu mỗi cách và mức độ cũng rất khác nhau.Nói chung, yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, yêu đến quên mình, đó mới là Tình Yêu chân chính. Việt Nam có chuyện tình Đồi Thông Hai Mộ và chuyện tình Lan và Điệp, còn Tây phương có chuyện tình Romeo và Juliet. Những chuyện tình thật lãng mạn và đẹp, mà cũng đầy chất bi thương, thế nhưng vẫn có sự vị kỷ trong tình yêu đó!
DẤU CHỈ
Dù tốt hay xấu, sự gì cũng đều có dấu chỉ – dấu hiệu, triệu chứng, điềm báo,… Bề ngoài khả dĩ thể hiện bề trong, và bề trong khả dĩ biểu lộ ra bề ngoài. Lửa và khói có la lẫn nhau.
Trình thuật sách Xuất hành (Xh 12:1-8,11-14) cho biết chi tiết về cách mừng lễ: Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon trên đất Ai Cập:“Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng”.
Luật cũ chú trọng cách sống tự nhiên của con người, và cách hành lễ cũng cụ thể hơn ngày nay, nhưng đó là cách thể hiện đức vâng lời – vâng lời Thiên Chúa nghĩa là yêu mến Ngài, giữ luật Ngài.
Cái gì cũng có nguyên tắc, và cách ăn cũng có luật riêng: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Cách ăn “lạ” nhất là“phải ăn vội vã”, vì đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Ngay đêm ấy Thiên Chúa rảo khắp đất Ai Cập, sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập. Nghe vậy chúng ta cảm thấy Chúa “dữ tợn” quá. Nhưng không phải vậy, vì luật cũ là luật tự nhiên, những gì là “đầu tiên” thì phải được dành ưu tiên cho Thiên Chúa, gọi là “của lễ đầu mùa” – kể cả con đầu lòng. Ngày nay, một số dân tộc cũng vẫn có cách mừng thu hoạch mùa màng như lễ mừng lúa mới, lễ mừng thu hoạch, lễ mừng cơm mới,…
Dịp lễ Vượt Qua, chính “vết máu bôi trên nhà” là dấu chỉ về việc “giữ luật”,là dấu chỉ của tình yêu thương, và những người trong nhà đó sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Thiên Chúa giáng họa trên đất Ai Cập. Ngày hôm đó được chọn làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Và Ngài xác nhận rằng “đó là luật quy định cho đến muôn đời”. Luật đó là hồng ân Chúa ban. Ngài ban đủ thứ ân sủng để con người đủ sức “vượt qua” biển đời. Thiên Chúa YÊU THƯƠNG nhiều vàTRAO BAN nhiều, còn chúng ta ĐÓN NHẬN quá nhiều, thế nên cảm thấy ngại. Nhưng chính lúc biết ngại như vậy là tỏ lòng biết ơn, và tự đặt vấn đề:
Lấy chi đền đáp Chúa đây
Vì bao ân huệ chính Ngài đã ban?
(Tv 116:12)
Mặc dù chúng ta thật lòng muốn đền ơn đáp nghĩa đối với Thiên Chúa nhưng lại chẳng có gì để tiến dâng, nếu có thì cũng chỉ là những thứ bất xứng mà thôi. Thân tro phận bụi quá đỗi mọn hèn, nhưng vì tin yêu mà cả dám thân thưa:
Con nâng chén hồng ân cứu độ
Mà xưng tụng danh Chúa mãi thôi
(Tv 116:13)
Trong thời quân chủ, thần dân không được phép ngước nhìn Long Nhan, ai nhìn sẽ bị tội “khi quân” và phải chết. Thần dân muốn tâu trình điều gì đều phải quay hướng khác và không được tâu trực tiếp, chỉ được tâu với cái “bệ rồng” Vua ngồi: “Muôn tâu bệ hạ”. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa là Vua các vua và Chúa các chúa, thân sâu bọ chúng ta lại được diện kiến Tôn Nhan thì quả là vô cùng diễm phúc: “Trước Thánh Nhan thật là quý giá, cái chết của những ai hiếu nghĩa với Ngài” (Tv 116:15). Chúng ta chỉ là tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, mà lại được diễm phúc như thế thì phải hết lòng ghi nhớ thâm ân:“Con sẽ dâng hiến lễ tạ ơn mà xưng tụng danh Chúa” (Tv 116:17), đồng thời phải luôn tự thề hứa: “Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể Dân Ngài” (Tv 116:18).
Chúng ta có làm vậy thì cũng là điều tất yếu mà thôi! Nhưng không thể yêu suông bằng lời nói, mà phải yêu bằng hành động cụ thể. Nói chưa đủ tin, làm mới thuyết phục.
CHỨNG TỎ
Hành động là thể hiện bằng việc làm, chia sẻ bằng cách nào đó. Thật vậy, Thánh Phaolô cho biết: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em” (1 Cr 11:23).Rồi ngài kể lại việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”, và cuối bữa thì Chúa Giêsu nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”(1 Cr 11:24-25).
Thánh Phaolô giải thích: “Từ nay cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26), do đó mà chúng ta hằng ngày tuyên tín trong mỗi Thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”, hoặc “Lạy Chúa, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến”.
Không lâu trước dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “giờ của Ngài” đã đến, giờ mà Ngài phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Với nhân tính, Ngài cũng cảm thấy lưu luyến người thân, những người mà Ngài yêu thương đến giọt Nước và giọt Máu cuối cùng.
Là Thiên Chúa, Ngài biết rõ Giuđa nghĩ gì, tính toán ra sao, và sắp làm gì. Nhưng Thánh Ý Chúa Cha nhiệm mầu.Chúa Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến, và Ngài sắp trở về cùng Thiên Chúa.Do đó, trong một bữa ăn tối, bữa mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Chắc hẳn môn đệ nào cũng ngạc nhiên vô cùng khi thấy Sư Phụ có cách hành động “kỳ lạ nhất thế gian”.
Vì thế, khi Ngài đến chỗ Simôn Phêrô, ông liền thưa: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13:6).Theo lẽ thường, không hề có bề trên nào dám làm chuyện “ngược đời” và “động trời” như vậy. Nghe Phêrô nói, Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13:7).Ông Phêrô chưa thể hiểu nên lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13:8a). Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13:8b).Nghe Thầy nói “không được chung phần” thì ông Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13:9).Nhưng Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”(Ga 13:10). Ông Phêrô cụt hứng, như bị tạt ca nước lạnh. Rõ ràng Ý Chúa hoàn toàn khác ý loài người. Ngài rất thâm ý nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ngài mặc áo vào, về chỗ và thổ lộ tâm sự: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” (Ga 13:11). Hỏi vậy thôi, chứ Ngài biết tỏng là chẳng ai hiểu gì ráo trọi, bởi vì đệ tử nào cũng “mắt chữ O và miệng chữ A”, y như trời trồng hết thảy. Thế nên Ngài nói luôn:“Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-15).
Thật vậy, Thầy mà còn rửa chân cho đệ tử thì chắc chắn đệ tử không thể không rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho đệ tử, để đệ tử cũng làm như Thầy đã làm cho đệ tử.Đó là Luật Yêu của Chúa. Luật nhẹ nhàng thế mà lại không dễ thực hiện, lời giản dị mà lại thâm thúy lắm. Và đó cũng là điều mỗi chúng ta phải suy nghĩ, bởi vì chính Chúa Tể muôn loài đã làm gương cho mọi người soi chung.
Xét theo Việt ngữ, chữ Yêu bắt đầu bằng mẫu tự Y có hình “ngã ba”, nghĩa là có 3 hướng: Hướng lên Thiên Chúa, hướng tới tha nhân, và hướng về chính mình. Yêu Chúa hết linh hồn và hết trí khôn, yêu người như chính mình, còn yêu mình ít thôi – không được yêu mình thái quá, vì sẽ biến thành“tự ái”(tự yêu mình thái quá)mà hóa thành vị kỷ (ích kỷ). Yêu có những hệ lụy quan yếu. Yêu là điều luôn có mối liên kết quan trọng: Cần Thiết ⇾Thiết Tha ⇾Tha Thứ. Đó là chu-trình-yêu-thương kỳ diệu vô cùng!
Và rồi phát sinh một hệ lụy khác: YÊU thì phải KÍNH (yêu kính), KÍNH thì phải NỂ (kính nể), NỂ thì phải TRỌNG (nể trọng), TRỌNG thì phải VỌNG (trọng vọng – vọng là mong), MONG thì thấy NHỚ (mong nhớ), NHỚ nghĩa là THƯƠNG (nhớ thương), tức là YÊU rồi đấy. Đó là vòng-tròn-tình-yêu bắt đầu và kết thúc bằng động từ YÊU. Chúa nhớ chúng ta và chúng ta cũng phải nhớ Chúa, mà NHỚ Ngài thì PHẢI THỰC THI Thánh Ý Ngài. Hoàn toàn hợp lý!
Tương tự, khi nói về gia đình, chúng ta áp dụng từ ngữ “hiếu đễ”. HIẾU thì phải ĐỄ (nhường), NHƯỜNG thì phải NHỊN. Nhờ đó mà gia đình luôn “trong ấm, ngoài êm”, tạo nên “tổ ấm” đích thực, đó làhạnh phúc gia đình.Đối với các mối quan hệ xã hội hoặc cộng đoàn cũng vậy. Nói chung, tất cả tóm gọn trong một chữ YÊU.Biết thương yêu cũng chính là biết thương xót theo ý muốn của Thầy Chí Thánh Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin thánh hóa và biến đổi trái tim chúng con nên giống Thánh Tâm Ngài, để càng ngày trái tim của chúng con càng chứa nhiều “máu yêu” hơn, nhờ đó chúng con biết thể hiện cách yêu Ngài qua việc yêu tha nhân, đồng thời cũng can đảm sống và hành động “ngược đời” như Ngài, hôm nay và mãi mãi. Xin làm cho chúng con xứng đáng và vui mừng đón nhận Nguồn Sống từ Thánh Thể Ngài, và xin Thánh Thể tăng lực cho những người đau khổ phần hồn và phần xác. Chúng con tin kính Ngài là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
†TÌNH CHÚA CHIỀU XƯA: https://www.youtube.com/watch?v=Ie7tQ4Zg0p4
†BÀI CA RỬA CHÂN: https://www.youtube.com/watch?v=lyitpT3crsQ